Nhà tôi ven sông Long Hồ mặt trước là đường, vì là sông nên ngoài cầu
Thiềng Đức, còn có đò sang sông những hai bến, kẻ từ cầu về sông cái
(sông Tiền), ngày xưa bến đò gần nhà học sinh sang sông phải trả tiền (5
cắc), còn đò cận sông cái sang chợ học sinh đi không phải trả tiền.
Tôi ở gần bến đò nhỏ, thuở trước do ông Tư lường chèo, là chiếc
tam-bản, ông vốn người khách trú, vợ Việt rặc, từ Tam Bình ,chèo về chợ
Vĩnh Long, trọn gia đình sống trên chiếc ghe lường nhỏ, mui là mái lá
nẹp tre, đậu tạm nơi đất gia đình bác Sáu Minh, bác Sáu thương tình, cho
tạm trú trên đất nhà rồi hành nghề đưa đò ngang nuôi trọn một vợ bảy
con. Khách sang sông thường là xóm riềng quen thân, trong số đó có tui,
nên khách sang sông cùng ông lái đò chuyện trò rôm rả cho đến khi cập
bến bên kia, khách trở về cũng vậy. Ngày trước mùa nước nổi, sông chảy
xiết, khách đông, thuyền nhích từng chút một, do vậy trước mũi thuyền có
thêm chiếc dầm, ai ngồi phía đầu hoặc kế đó cầm dầm bơi tiếp, nay cũng
dòng sông này mùa nước nổi rất cao, mà sông chảy không nhanh, ngẫm nghĩ
vỡ lẽ, thì ra lúc xưa không có bờ bao trong vườn ruộng nên khi mùa nước
nổi, nước tràn lên ruông đồng, thành thử sông chảy xiết, ngày nay bờ bao
cũng là đường giao thông nên nước dù lên vẫn êm ả, tà tà mà trôi không
việc gì phài vội!!!
Hồi bác đưa đò đến mãi sau nầy, tôi chưa lần nào sang sông bằng thuyền
mới cả, cứ chiếc cũ kéo lên bờ, thì chiếc cũ khác được đấp vá kéo xuống
sông làm nhiệm vụ tiếp, đến cặp chèo cũng vậy, khuyết mòn sâu rồi gãy,
bác cưa chấp nối lại, nơi mối nối được gia cố thêm miếng nhôm quấn vòng,
đóng đinh chằn chịt, quay chèo bên này là dây, bên kia là mảnh lưới
chày rách ai đó quăng bỏ, lây lất nuôi gia đình bốn mùa lênh đênh mãi
Bác thường nói với tôi, khi tôi đủ lớn, giọng lơ lớ (bác chờ ăn đám
cưới của cháu với cháu Mẫn rồi bác mới về Tàu), Mẫn là con lớn của bác
Sáu Minh, sau 75 một thời gian, Mẫn định cư ở Úc cùng hai đứa em là,
Nguyệt, Bé Năm, Mẫn lập gia đình với người bạn đời Philippine tại Úc,
còn tôi sau khi nội tôi mất được 5 năm tôi cũng tự lập gia đình, thành
thử bác Tư không thể ăn đám cưới được đứa nào cả, thời gian sau đó bác
cũng thôi chèo đò để yên giấc ngàn thu, còn lại trong tôi lời hứa xưa
cùng tất cả tình thương mà bác đã bỏ lại.
Hồi trước, sang sông lên đò, bên phải là những chiếc xe nấu nhựa
đường, không biết có từ đời nào nằm im lìm sét đỏ, lở từng mảng, bánh xe
sắt lún sâu xuống đất khoảng nửa bánh, bên trái cận đường Tống Phước
Hiệp, là cây đa rất to, có lẽ to nhất Vĩnh Long thời đó, chứng kiến biết
bao thế hệ nhân tài, nhân đức được đào tạo từ trường Nguyễn Thông, tuy
không phải vùng đất của bốn mùa, nhưng cứ cuối thu lá úa rụng từng đám
xuống đường, trải thảm cho khách bộ hành cho học sinh đến trường thong
thả bước. Đâu khoảng mười tuổi, từ nhà, tôi hay ngắm cây đa bên kia sông
trong mưa giông qua khung cửa khép hờ sau nhà, phía tàng cao, có một
cành đưa ra xa bên ngoài, trên đó có hai nhánh nhỏ hướng thẳng lên cao,
một cao phía trước, một thấp hơn phía sau, nhánh nầy chuyển động lên
xuống, tôi cảm nhận cành cao phía trước là bà Nội tôi, còn cành nhỏ phía
sau là tôi, hai bà cháu cùng cỡi ngựa, chở tôi ra cuộc đời. Bởi nhà tôi
lúc đó chỉ có hai bà cháu, bà nuôi tôi từ ấu thơ đến ngày nay bởi cha
mẹ ly cách từ khi tôi khoảng ba tuổi, mà bà lại là bà nội nuôi, bà nội
ruột mất hồi tôi chưa sanh ra, thuở nhỏ tôi ương yếu lắm, khoảng bảy
tuổi, tôi đau ban bạch (thương hàn), nằm liệt cả năm, hết bác sĩ Long
(Vĩnh Long lúc đó dường như chỉ có bác sĩ Long) đến thuốc bắc, không
khỏi nội chở tôi sang xã Mỹ Thiện trên đường đi Sài Gòn, từ đường lộ đến
nơi trị bệnh là đường đất khá xa, nội dẫn tôi đi bộ được đoạn ngắn, tôi
mệt, nội thương cõng tôi trên lưng đi tiếp, nội lúc đó cũng khá lớn
tuổi. Cả năm bà cháu ăn ở nhà người trị bệnh cho tôi, mãi cận Tết, bà
mới đưa tôi về nhà trị bệnh tiếp, tôi mạnh rồi bệnh trở lại (tiếng xưa
gọi là trúng lại), năm đó là đầu năm học lớp tư, nghỉ liên tiếp có hơn
ba năm, mới đi học lại, cũng lớp tư.Ôi công ơn dưỡng dục biết bao nhiêu
mà kể, tôi thương nội tôi lắm, bà còn hơn có lẽ nội ruột của tôi, vừa là
cha, vừa là mẹ chăm, cưng chìu tôi từng chút một, bởi nội tôi không có
con, nhận ba tôi là con, ôi nuôi cha, rồi nuôi con của cha, với tình
thương bao la, vừa bảo bọc vừa che chở v…v..với bao đau thương buồn bã,
nội tôi bỏ tôi lại một mình vào năm 78, bởi lúc nầy tôi chưa lập gia
đình
Thỉnh thoảng tôi vẫn đi học bằng đò lớn (đò phìa chợ ), bến đò nầy còn
gọi là đò bến đá, bởi nơi đây có trại hòm, và chứa đá làm bia mộ. Còn
nhớ ông thợ đục chữ trên bia già lắm vào lúc đó, tóc bạc trắng, mắt
kiếng già được gắn chặt trên mắt nhờ sợi thun khoanh vòng sau đầu, ông ở
trần đưa làn da nhăn nhúm bọc không kín những chiếc bẹ sườn nhô cao lên
trong mỗi cử động đục của ông, người khom sát với chiếc đục nhọn mũi,
to, đầu đục sắt cuốn lại tròn phủ xuống thân tay cầm. Cạnh bên là ông
thợ cưa đang xẻ gỗ, chiếc cưa rất to, ông ở trần, mặc chiếc quần đen vải
ta cắt lửng, ông đứng trên thân cây súc (gỗ to nguyên thân tròn), kéo
lên đẩy xuống với chiếc cưa to hết khổ, ông này cũng ốm, khá tuổi, xả
ván theo yêu cầu của chủ trại
Chiếc đò này to dầy, do ông già câm chèo, nói là chèo, chứ thực ra ông
đứng ở mũi đò, lưng hướng ra sông, nại lắc qua lắc lại bằng một chiếc
chèo to dài, chân ông lúc đó có lẽ do dị tật, bước lên hoặc xuống đò đều
thẳng cứng, ông có một bà vợ làm bạn cũng câm như ông, đôi vợ chồng tật
nguyền này vẫn ngày ngày đưa khách sang sông, trong đó có tôi, viết
những dòng này, xin nguyện cầu cho ông bà được bình yên nơi cõi thiện
lành, nếu có kiếp tái sanh, cầu ông bà cùng những người thiện tâm được
an lạc, hạnh phúc.
Trương Văn Phú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét