Chung quanh Vĩnh Long rất nhiều cầu, kể ra nghen, từ trong nội ô. Cầu Tân Hữu thì đi Cần Thơ, cầu Tân Bình đi Sài Gòn hướng bắc, cầu Vòng, cầu Ông Me đi Trà Vinh, trên Kinh Cụt ranh phường một, chiều dài kinh khoảng năm trăm thước, có đến bốn cầu, từ ngoài mé sông cái trở vô, cầu Cái Cá, cầu Lộ, cầu Kinh Cụt, cầu Công Xi heo, phía đông nam có cầu Khưu Văn Ba (nay là cầu Phạm Thái Bường), đi đến nữa là cầu Ông Me, để di chuyển qua phà Đình Khao, lại qua cầu Chợ Cua, phường một đến phường bốn qua cầu Lầu, qua phường năm có cầu Thiềng Đức, ngày xưa còn gọi là cầu sắt.
Nghe nội tôi kể lại, khi đó tôi nhỏ xíu nhưng vẫn còn nhớ, (cây
cầu sắt yếu dữ lắm, con chó chạy mà cầu rung rinh, phải mời bác vật
LANG đến xem xét, ổng cầm baton vừa đi qua cầu vừa dộng baton xuống cầu
rồi bảo, mấy ông yên tâm cầu không sập đâu mà sợ ), cầu không sao,
cầu già rồi lung lơ chút đỉnh, đâu có mời khách bộ hành tắm táp ngang
xương mà phải sợ, sau đó gia cố thêm ống thép, rồi cầu làm nhiệm vụ
tiếp, nếu tôi nhớ không lầm, bề ngang khoảng năm thước, không có đường
dành cho người đi bộ, ván cầu đóng khá thưa, cách nhau khoảng năm sáu
phân, không biết các bạn nhỏ trang lứa của tôi ra sao, chứ tôi ớn qua
cầu, đi mà nhìn xuống sông nước chảy hun hút phía dưới, hãi hùng thấy
bà. Khà, khà vậy mà vẫn có động lực lớn giục thúc tội sang sông bằng cầu
buổi sáng mà không đi đò của bác Tư Lường.
Qua Tết ta, trước miễu Tống Quốc Công (nay là nhà văn hóa), là khu vực
bán dế phục vụ các em thiếu (quần dài) mặc xà lỏn, giành nhau chụm đầu
đưa đít ra ngoài đường, lựa dế. Thường thì khoảng năm sáu quầy bán dế,
ông, bà bán ngồi chồm hổm, các chiến binh được chứa đựng đủ phương tiện:
thùng thiếc cũ (nguyên là thùng chứa dầu lửa hiệu con sò), thùng cây,
thau nhôm có nắp đậy, ai mua thì dở ra, việm sành, .v..v..
Vốn sợ qua cầu, nhưng vì ham dế, bỏ guốc, đi đến bện này cầu, hít hơi
(lấy hơi Minh Vương), chạy tốc độ tối đa sang bên kia mua dế, hồi nhỏ đi
học mới đi sandal, ở nhà đi guốc, sang chợ đến quầy bán guốc của bà
Chín, má vợ của bác Sáu Minh, guốc làm bằng cây vông,vì loại cây này khi
khô rất nhẹ, guốc đàn ông con trai thì thuôn dài, đế thấp, guốc các bà,
các cô có eo giữa thân, gót cao nhưng cũng vừa vừa, vật dụng đở chân
của các bà đa dạng phong phú nhiều, guốc vông, guốc sơn, guốc sơn mài,
còn quai thì đủ kiểu.
Đến quầy lựa cho vừa chân, đóng quay tại đó, bà Chín vốn đầy đặn mặt
rất phúc hậu, luôn tươi cười khi khách đến mua, dù quen hay lạ, phải
công nhận bà Chín cười rất phúc (không biết hai cô Phượng – Oanh có còn
nhớ hay không ), riêng bác Sáu Minh gái mãi sau nầy vẫn đi guốc vông, dù
bà Chín mất đã lâu mãi đến khi, bác bị tai nạn gần đây mới không còn đi
guốc nữa (đi dép lào, nhưng nằm nhiều hơn đi).
Vĩnh long xưa, có hai nơi dành cho các đoàn cải lương, là miều Tống
Quốc Công ở phường một và chùa Bà Minh Hương ở phường năm, còn rạp Lê
Thanh dùng chiếu phim, tôi nhớ có lần đoàn hát cải lương Hoa Sen, đoàn
này là cải lương pha hát bong (chiếu phim), hồi xưa gọi là đoàn cắt bụp,
vì có bắn súng. Lần này tôi được tham gia xem nhờ bà nội dẫn theo đi
cùng bác Sáu Minh gái. Nội tôi mặc áo dài thâm, còn bác Sáu gái áo dài
trắng nhạt, rất lịch sự, đi xe lôi đạp (còn gọi là xe kéo), lên dốc cầu
sắt ông tài xế gò lưng kéo lên, đến khi xuống dốc ển lưng ghì lại, ở chợ
rất đông xe lôi đạp, nếu tôi nhớ không lầm thì chỉ khoảng hai chiếc xe
lôi có gắn máy kéo, đầu kéo là chiếc xe mobilet (mô bi lết)loại bình
xăng vuông, đời đầu. Khi có khách tài xế kéo xe chạy lấy trớn, rồi nhảy
lên xe rất nhanh gọn, đạp lia lịa, rồ ga máy kêu xẹt xẹt bằng bằng khói
xanh um một góc đường.
Từ cầu sắt (Thiềng Đức) phía phường năm của tôi, tuy đoạn đường ngắn,
đường cùn, có ba rạch ba cầu, gồm từ cầu sắt quẹo trái, rạch cầu cây Mít
(nơi đầu cầu khi xưa có cây mít bự), rạch cầu Đào, đến là cầu Dài, tiếp tục đi tới nữa là cùng đường, bên trái, đường dẫn sang chợ Vĩnh Long qua đò Bến Đá, bên phải là cầu Dài,
cầu này đáng lẽ phải ghi vào tự điễn guiness phường mới được, bởi nó
đúng nghĩa, đầy nghĩa (cầu kì), là cầu ván, đủ thứ ván tạp, dài vắn khác
nhau, ngang khoảng sáu bảy tấc, nằm trên từng khoảng cọc ngắn, cao độ
năm tấc, còn nhà dân thì thấp dưới cầu, chạy ngoằng ngoèo tùy theo nhà
cư dân, rất dài cập theo bờ sông cái, giờ thì không còn, bởi bờ sông lở
sâu, nay thành bờ kè rất khang trang.
Để coi, trong khoảng đường Lê Minh Thiệp (là tên ông giáo) nay là đường (Nguyễn Chí Thanh), có hai chùa tàu, chùa Ông và chùa Bà, riêng chùa Bà ,thờ bà Thiên Hậu, chia không gian thờ và hát xướng làm hai khu riêng biệt, (cũng tương tự như miếu Tống Quốc Công), hướng cầu xuống tí, ngày xưa lắm là đình, tọa lạc bên cạnh rạch cầu cây Mít, đình này nằm bên trái cây dương rất to cao, nơi đây dùng làm chổ hội họp của cấp Hương, Bộ làng Thiềng Đức hồi xưa. Sau đó, khoảng thập niên bốn mươi, năm mươi, kèm thêm chức năng giáo dục, lớp nhì và lớp nhất ,trước khi sang tường tỉnh học. Còn lớp năm, tư ,ba thì học trường fostille (còn có tên gọi là trường thủy binh), một cấp mà hai nơi dạy , cách nhau khoảng hai trăm thước trên cùng một đường, kể được hai chùa Tàu, một đình, còn chùa Phật cũng rất cổ kính, tên gọi chùa Long Thiền, (nay đang tân trang lại theo trào lưu, nên cũng nhạt nhòa ít nhiều nét cổ kính xưa), sau năm bảy lăm,thêm chùa Ni, do ni lập, tên Thanh Châu, cạnh chùa Long Thiền, là nhà thờ họ đạoThiềng Đức, do cha Lục hoạt đông mà nên, lúc đầu nhà thờ hơi nhỏ, nay chuẩn bị nới rộng và cất xứng đáng với sinh hoạt trong họ đạo, cùng giáo dân.
Đề cập đến trường học mà không kể hết các trường thì quả tình có lỗi. Vĩnh Long xưa, có lẽ dân địa phương trọng học vấn lắm, cấp trung học công là trường Nguyễn Thông, cấp tư thục có ba trường, bao gồm trường Lam Sơn, trường Long Hồ, trường Nguyễn Trường Tộ, Lam Sơn rã gánh trước, rồi đến Long Hồ, nay vẫn có tên trường Nguyễn Trường Tộ, đã dời địa điểm khác nghe đâu là trường điểm, là trung học công lập. Nơi ba ngôi trường trung học tư thục đã từng đào tạo, nay thành nơi kinh doanh, dân cư, công cộng. Sau nầy khi trường Nguyễn Thông đổi tên Tống phước Hiệp, thì Nguyễn Thông là tên trường bán công, tọa lạc cạnh di tích cây đa cửa Hữu, cũng trong phường một còn có hai trường tiểu học Nam và Nữ riêng biệt.
Về hướng đi Cần Thơ, từ khoảng ngã ba Cần Thơ lên cầu Tân Hữu, khi xưa dành chứa rác, thuở này tôi còn lóc cóc, theo mấy bà chị lớn lội bộ đến gần cầu Tân Hữu xuống ruộng khô cùng ngồi túm tụm, mua dưa gang ăn tại chỗ với đường chảy, dưới ngọn đèn dầu lửa bánh ú, được kéo tim đèn cao cả phân, khói đèn mù mịt, bởi có nhiều người bàn, nhiều tốp anh chị lớn kéo nhau lên đây, vui chuyện làm quen nhau giữa trai gái là chánh, ăn là phụ, mấy bà chị trong xóm tôi, cứ chạng vạng tối, mùa dưa gang, rũ nhau trẫy hội mong có anh nào để mắt đến mình, bởi các bà đang độ, mà ngộ chẳng có ai chú ý cả, đi về quân số như y, không dư thiếu, để được mừng. Đâu độ khoảng những năm 56 -57, chính quyền lúc đó thổi sình (xáng thổi) hai bên bờ lộ, mở rộng khu dân cư, cùng lúc nầy có thêm hai trường trên vùng xáng thổi: trường trung học Kỹ Thuật và trường Sư Phạm Vĩnh Long, rồi một sân banh kế bên được thành lập, dân cư tập trung đông đúc, dần dần trở nên khu kinh tế ổn định.
Nói đến trường lớp, là nhớ liền thầy cộ bạn học, còn nhớ khi sang sông
đi học bằng đò, do ông câm chèo đưa qua bến chợ cá ở Vĩnh Long, tôi đi
dọc theo con đường có nhà của Tiến ở (ty Ngân khố), trước mặt tôi, hai
chị lớp trên đang thong thả ôm cặp bước đều, chị đang đi phía trong bỗng
bất chợt nhảy nhanh tới trước vừa la lớn:
-“Á” với vẻ hốt hoảng hoang mang, chị bạn đi cạnh hỏi
- Gì vậy?
- Tao tưởng c.. ,thì ra hai bà này mải mê chuyện nên quên trên đường đi học rải rác, từng mảng đất sét lớn nhỏ do bánh xe bỏ dọc đường học trò đi.
Trong năm đệ tứ,Tuấn ngồi dãy đầu bàn thứ ba, còn tên ngồi kế Tuấn tôi
quên (có lẽ Tuấn còn nhớ), tôi thì ngồi đầu bàn thứ tư dưới Tuấn, cạnh
trong là tên Đô, tên này khỉ khọt thuộc sư phụ tôi, ngồi bàn học, quần
hùng khoanh tay trên bàn như nhau, thầy quay lưng để viết bài, Đô với
tay khều Tuấn, thầy quay xuống, nó khoanh tay gọn hơ trở lại, thầy vừa
xây lưng, thằng Đô khều mạnh hơn, Tuấn làm tỉnh, lần này tên Đô thò tay
khỉ xô mạnh tới trước, mắt kiếng của Tuấn trể xuống, tên này tức mình
quá, quay ra sau (kênh)một phát,vậy là bình yên trở lại, thằng Đô mới
thôi cái trò giởn nhây.
Cũng thằng Đô nữa, số là khi vào học, các bạn kẹp tóc thường úp nón lá ở
đầu bàn (giờ thì không còn thấy hình ảnh nón lá nghiêng nghiêng mái tóc
với một tay vịn kèm, tay kia ôm cặp, khi đến trường hay khi tan học),
không biết ở đâu mà nó có cọng thun khoanh, ông nội xé giấy tập làm (bì)
vói bắn vào vào nón lá kêu cái bụp, kết quả, nón có một lổ thủng, các
bạn đang tập trung học có ai chú ý đâu mà biết, nó tiếp tục phát thứ
hai, đến lần thứ ba, phía bàn sau có sự tham gia của hai ba đứa nữa, lần
này chúng nó bắn hăng quá, tôi nghe, bùm bụp liên tu, tôi vốn nhạy cười
đang vén mồm toét ra (vô duyên), thầy quay xuống, miệng tôi trở về vị
trí cũ nhanh chóng, các bạn gái chắc là phát giác ra, lục tục mang nón
mang vào trong, không biết đợt pháo nầy, hai chị Trân, Huê, hai bạn
Điệp, Huỳnh Hoa có dính đạn không nữa, chờ khi gặp lại nhớ hỏi chỉ Trân
xem mới được.
Trên đường tan học về nhà, Độ chung đường chung hẻm với Huỳnh Hoa, tên
này thương thầm Huỳnh Hoa, nên lén quăng trái tim mình vào cặp bạn, còn
HH thì chứa tim của bạn Bảnh cùng lớp, ngồi sau cách chúng tôi vài bàn,
nên khi trái tim Đô quăng vào, nhưng dội ra rồi rớt đâu đó dọc đường hồi
nào cũng không rõ. Học được nửa năm đệ tứ Đô nghỉ học, bỏ lớp, bỏ bạn,bỏ trường nhưng không bỏ được thương nhớ mang mãi theo đường phiêu bạt
trong chiến tranh.
Lần nọ tôi gặp lại Đô ở Rạch Giá, hai đứa mừng lắm, rủ nhau đi dạo, rồi
nhậu la cà trên những kệ của ai đó dọc đường đi, có cả Tâm đen cũng bạn
học cũ nhưng không chơi chung thuở còn học cùng nhậu. Cách khoảng năm
tôi cũng gặp lại nó, hai đúa uống rượu nhắc chuyện xưa, toàn chuyện thuở
còn đi học, vui có, buồn có,ưu tư cũng có đủ cả, chuyện mãi đến khoảng
nửa đêm, tôi về chỗ ở bên trong bưu điện Rạch Giá,nơi uống gần bãi biển
khá gần nơi tôi ở, thằng Đô không cho tôi về một mình, nó đưa tôi về,
tôi thấy tội khi nó lang thang chập choạng một mình khi trở về, tôi lại
đưa nó về, rồi nó cũng cùng tâm trạng như tôi, tiễn tôi, sau đó cùng
chia tay nửa đường, con đường khuya mờ ảo với ánh điện vàng vọt hắt từ
đèn đường bên kia sông. Sau đó tôi không còn gặp lại nó nữa.
Sau bảy lăm, cũng rất tình cờ, tôi gặp lại nó ở quê nhà Vĩnh Long, với đôi mắt
đã bỏ lại ở An Lộc, thằng này hay quên quá, hết bỏ trái tim, rồi bỏ đôi
mắt. Gặp mặt nhau, ngồi trên sạp cây trước nhà má nó, một xị rượu, một
dĩa mồi, mà khi ăn uống phải mò, tôi nó ngậm ngùi kể chuyện xưa, rồi nó
mất hồi nào tôi cũng chẳng hay biết, tôi mãi bươi tìm sinh kế, lăn lóc
hết thành thị đến thôn quê. Nhưng câu hát nối theo lời tôi hát, tôi vẫn
không quên, giờ hình hài nó đã tan rã có lẽ lâu lắm rồi.
Tôi hát nho nhỏ ở buổi uống rượu cuối cùng, (em tan trường về đường mưa nho nhỏ, em tan trường về đường mưa nho nhỏ ) nó ca nối theo, đúng hơn nó đọc …em tan trường về, anh theo tò tò, theo để hửi đ.....sau lời đọc là nụ cười buồn phảng phất nét bao dung cùng đôi mắt mù.
Trương văn Phú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét