Giác
ngộ là gì?
Theo
từ nguyên, Phật (Buddha) có nghĩa là người giác ngộ, người tỉnh thức hoàn toàn
khỏi các ràng buộc và chấp thủ của thế gian. Và sự giác ngộ (bodhi) là sự tỉnh
thức về các hiện hữu và đời sống bằng con mắt của lý nhân duyên.
Xuất
phát từ kinh nghiệm giác ngộ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni Buddha) và
bằng những nỗ lực tích cực của bản thân thông qua con đường thiền định và quán
chiếu, Đức Phật đã trở thành một bậc giác ngộ tối thượng đầu tiên trong lịch sử
nhân loại. Sau khi tự mình thực chứng con đường giác ngộ, Đức Phật đã hướng dẫn
chúng sinh một cách khéo léo và tỉ mỹ những kinh nghiệm giác ngộ của Ngài và
con đường đã đưa Ngài đạt đến mục đích!
Giác
ngộ đầu tiên là sự chuyển hóa về tri thức: sự ngu muội được thay thế bằng tuệ
giác. Kế tiếp là sự chuyển hóa tình cảm: thái độ sợ hãi và lo âu được thay thế
bằng sự an tịnh, đau khổ bằng hạnh phúc. Thứ ba là sự chuyển hóa trong thái độ:
cố chấp được thay thế bằng cởi mở. Và thứ tư là sự chuyển hóa trong cách cư xử:
sự tước đoạt được thay thế bằng sự ban cho, sự lười biếng bằng sự năng động và
sự phá hoại bằng sự kiến tạo.
Theo
đó, những gì Đức Phật đã giác ngộ và thực hiện được, tất cả mọi người cũng có
thể đạt được. Thế nhưng, đạt được bằng cách nào, và câu trả lời đơn giản nhất
là hãy mạnh dạn đặt từng bước chân vững chắc lên con đường mà ngày xưa Đức Phật
đã đi qua! Ấy chính là con đường nhận chân đau khổ như một thực tại, truy ra
nguồn gốc của đau khổ, cảm nhận trạng thái vắng mặt của đau khổ; đồng thời thực
hiện con đường thoát khổ đó! Đó cũng chính là con đường dẫn đến sự chấm dứt của
khổ đau, từ thế giới của sự sanh đến thế giới vô sanh, từ sự mê muội đến sự tỉnh
thức.
Bốn
phương diện chuyển hóa ấy vốn phụ thuộc lẫn nhau. Nghĩa là, sự chuyển hóa về
tri thức sẽ dẫn đến sự chuyển hóa về tình cảm, rồi từ đó đưa đến sự thay đổi về
thái độ và về cách cư xử để có được một đời sống trong sạch và an tịnh trong từng
ý nghĩ, lời nói và hành động.
Sự
giác ngộ trong Phật Giáo không phải là một cái gì huyền bí hay siêu nhiên. Người
Phật tử tu tập con đường giác ngộ mục đích làm cho chính bản thân mình được hạnh
phúc cũng như mang lại hạnh phúc cho người khác ngay trong hiện tại.
Giác
ngộ có thể đạt được hay chứng nghiệm ngay trong đời sống này, quả vị giác ngộ
được thực hiện ngay trong đời sống đau khổ này, tại giây phút hiện tại này khi
các nỗ lực chân chính của từng cá nhân được đầu tư và thực hiện đúng mức. Người
đạt được giác ngộ vẫn sống trong thế giới như mọi người, cũng như có những nhu
cầu cần thiết hằng ngày. Có điều, họ không giống như người thế tục ở chỗ, họ
hoàn toàn không còn những chấp thủ cá nhân, tính hẹp hòi, ích kỷ mà ngược lại,
họ luôn sống với lòng vị tha, không vướng mắc mọi hệ lụy ở đời!
(22/9/2013)
Hà Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét