Đất trời tuy có 4 phương, địa cầu tuy có 5 châu, thế giới tuy có 193 quốc gia ( thành viên Liên Hiệp Quốc ),nhưng,hầu như , người ta chỉ nói đến 2 phương : Đông và Tây. Mặt trời mọc ở phương Đông và lặn ở phương Tây, đối nhau 180° (‘’đối-phương’’ ?). Đông phương và Tây phương. Orient et Occident.
Hai chữ ‘’Đông / Tây’’ xuất hiện từ thế kỷ thứ 2 (năm 100) ở Tàu, trong quyển ‘’Thuyết văn giải tự’’ (từ điển chữ Hán) của Hứa Thuận (*) trong khi chữ ‘’Orient’’ chỉ xuất hiện ở thế kỷ 11 (chữ Latin ‘’oriens’’= se lever / ‘’đứng lên’’) và ‘’Occident’’, thế kỷ 12, (‘’occidens’’=tomber à terre/’’ngã xuống (đất)’’), chứng tỏ người Tàu (cổ) đã có ý niệm về phương hướng từ rất lâu (?). Nếu văn minh Tây phương tập trung vào hai nền văn minh lớn Hy Lạp và La-Mã -cổ thì 4 nền văn minh-văn hóa chính của Đông phương là : Ai Cập, Lưỡng Hà/ Mésopotamie (2 sông Tigris và Euphrates / Irak,Kuwait, Syrie, Thổ ) , Ấn Độ, Trung Hoa.
Ý niệm ‘’Đông/Tây. Orient/Occident’’ chỉ có sau khi có giao-tiếp Tây-Đông. Khởi đầu với ‘’con-đường-tơ-lụa-đất-liền’’ (thế kỷ 2 Trước Công Nguyên), nối liền Tàu – Tây Á. Có lẽ Marco Polo (1254-1324 / Ý) là một trong những ‘’ông-Tây’’ đầu tiên đặt chân đến Tàu (?). Đến thời nhà Minh (1368-1644), do chính sách bế môn tỏa cảng, con đường này hầu như tàn lụi ! Từ thế kỷ thứ 7, nhờ sự phát triển ngành hàng hải, xuất hiện con-đường-tơ-lụa-trên-biển, nối liền Tàu (Quảng Châu) với Tây Âu (các thương gia, giáo sĩ Bồ, Anh, Pháp, Hòa Lan vv), Ả Rập
‘’Oh, East is East, and West is West, and never the twain shall meet … ‘’ Ôi, Đông là Đông, và Tây là Tây, và hai bên sẽ chẳng bao giờ gặp nhau..) .Câu thơ nổi tiếng của văn (thi) sĩ Anh quốc Rudyard Kipling (1865-1936 / Nobel văn chương 1907) thường được trích dẫn để nói về sự khác biệt giữa hai nền văn hóa Đông-Tây. Tuy sinh ra và chỉ sống ở Ấn-Độ đến năm 6 tuổi nhưng sự hiểu biết của ông Kipling về quốc gia này rất cao, do các chuyến du lịch (Anh-Ấn) thường xuyên. Nên, câu ‘’Đông là Đông, và Tây là Tây…’’ phát sinh từ cuộc sống thực tế và những nhận xét tinh tường.
Nhưng có thật : ‘’Đông Tây sẽ chẳng bao giờ gặp nhau’’?
1929, tờ ‘’Hà Thành ngọ báo’’ của ông Bùi xuân Học, phát hành từ 6/1927 ở Hà Nội, được ông tân-chủ-bút Hoàng Tích Chu (1897-1933) thay đổi toàn diện, từ hình thức đến nội dung. Hình thức : trình bày sáng sủa, chạy tin nóng hổi vv gây thị hiếu độc giả, do người bạn thân (lúc du học Pháp) Đỗ Vân thực hiện. Nội dung : những bài xã luận thời sự, qua ngòi bút của chính ông chủ-bút, được viết bằng một lối văn ngắn, gọn (người thời đó gọi là ‘’văn -cộc’’, nhát-gừng (?) ‘’. Nhưng chỉ được vài tháng, hai ông nhà báo(Chu), nhà in(Vân), đào tạo ở Pháp, đã bị chủ nhiệm mời ‘’đi chỗ khác chơi’’, do báo bán ế quá ! Đọc giả Hà Thành quen với lời viết du dương, câu văn biền ngẫu, không chịu nổi cuộc cách tân của mấy ông ‘’Tây’’-con ! Một tháng sau, hai ông Chu & Vân cùng vài người bạn, xuất bản tờ Đông Tây, cái tên nói lên mục đích của tờ báo : người Đông làm báo Tây (từ cách tổ chức cho đến cách thực hiện tờ báo) và quan điểm viết báo của ông Chu : "Kẻ viết văn lắm khi không phải là kẻ viết báo, dù là khi mình viết báo, điều tối thiểu là phải biết viết văn. Nhưng con nhà báo còn phải có lối viết riêng nữa: sáng sủa, rõ ràng, khúc chiết và dễ hiểu. Hơn nữa, nhà báo không sống bằng tưởng tượng quá nhiều như nhà văn mà phải sống thiết thực, có óc khoa học và quan sát tinh vi … ". Quan điểm ‘’mới’’, viết với cách hành văn ‘’mới’’ ấy , năm 1929, gần 100 năm sau đọc lại, tôi vẫn không thấy khác gì với quan điểm và lối viết ‘’Sài Gòn’’ trước 75!(nguồn: wikipedia)
Giữa thập niên 2000s, tôi được xem một số minh họa, tuy đơn giản, nhưng nêu rõ sự khác biệt giữa ‘’Đông/Tây’’, đúng hơn là giữa ‘’Tàu/Đức’’. Tác giả là nghệ sĩ Yang Liu (1976). Yang Liu sinh sống ở Tàu cho đến khi sang Đức du học rồi (dường như) định cư tại đây. Từ đó, bằng óc quan sát và kinh nghiệm sống, cô đã ghi lại ‘’sự khác-biệt’’ này:
( nguồn : internet )
.....
Cô Yang Liu du-học bằng đường hàng không, tôi du-hoc… -lại-từ-đầu’’ bằng đường biển vượt biên ! Cô và tôi đều vào đại-học-xứ-người ở tuổi thanh-niên (18-25), khác chăng là tôi ‘’vào’’ trước cô khoảng 14, 15 năm (tôi :1980 / cô : 1994).
Không biết Yang Liu bắt đầu thấy sự khác biệt Tàu/Đức từ lúc nào nhưng, với tôi, là sau 4 tháng đến Pháp, khi được một hội bảo trợ rước về, ở một ngôi làng nhỏ, miền Tây nước Pháp. Giao thiệp, tiếp xúc hằng ngày với họ, tôi mới có dịp quan sát, thấy được sự khác biệt Pháp-Việt, chứ trước đó, sống trong ‘’trại’’ tạm cư (centre d’hebergement) chung đụng với mươi gia đình Việt, Lào, Miên, thì cứ như là trong một xóm nhỏ quê nhà !
Trong sinh hoạt hằng ngày hay lúc ‘’nói chuyện’’ với người bản xứ, ngoài những khác biệt mà Yung Liu đã nêu ra, tôi ghi nhận nhiều trái-ngược ‘’Tây’’ (Pháp) –‘’Ta’’ (VNCH-trước-75). Đây chỉ là những ghi nhận cá nhân và có tính cách tương đối :
Tây gọt vỏ từ ngoài vào trong,Ta : từ trong ra ngoài. Tây kỷ niệm ngày sinh (joyeux anniversaire), Ta kỷ niệm ngày giỗ.Tây tang phục đen, Ta tang phục trắng. Cô dâu Tây mặc áo trắng, cô dâu Ta mặc áo đỏ.Tây cầm dù che mưa, Ta che nắng. Ra đường Tây mang giày, Ta mang ‘’dép’’. Tây mặc đồ theo mùa, Ta tứ thời cứ .. vậy.Nhà Tây treo hình con cháu, nhà Ta thờ phượng mẹ cha.Tây ăn nhiều rau , Ta ăn nhiều ‘’cỏ’’ ( hành lá, ngò, ‘’rau’’ răm, ‘’rau’’ menthe vv ).Tây dùng súp tối (mùa đông),Ta : canh ngày 2 bữa.Tây ăn trái chua chấm đường, Ta chấm muối . Tây quết mù-tạt vàng, Ta dầm ớt đỏ. Tây rắc muối, Ta chấm nước mắm. Tây ăn ‘’mì’’ vàng (pâte), Ta ăn bánh trắng (phở, bún).Tây dùng điểm tâm ngọt, Ta xơi đồ mặn. Tây uống cà phê nóng, Ta : cà phê đá. Đãi khách quý : Tây mời cơm nhà, Ta mời ra tiệm.Tây : nam nữ ẩm thực chung bàn ,Ta : nam nữ ẩm thực khác mâm . Đàn ông Tây ‘’vào bếp’’, đàn ông Ta vào ‘’quán’’. Đầu câu chuyện : Tây ly ‘’apéro’’, Ta miếng trầu, điếu thuốc. Chào nhau : Tây bắt tay, hôn má, Ta : chắp tay, gật nhẹ đầu (người lớn), khoanh tay, cúi đầu (con nít). Gọi người : Tây ngoắt tay lên, ta vẫy tay xuống. Hàng xóm Tây : đèn nhà ai nấy rạng, Ta : bán anh em xa mua láng giềng gần. Lễ hội : Tây nhảy đầm (bal populaire), Ta : ‘’hát hội trăng rằm’’. Tây nhiều nhạc vui, ta lắm nhạc buồn. Tây văn nhiều, Ta thơ lắm. Tây đọc thơ,Ta ngâm thơ .Ngôn ngữ Tây nhiều trừu tượng, ngôn ngữ Ta giàu cụ thể ( theo cụ Phạm Quỳnh). Trả lời xác định một câu hỏi phủ -định, Tây : không, Ta : có (Anh không ăn nữa à ? Tây : Không ( tôi không ăn nữa ), Ta : Vâng ( tôi không ăn nữa ) !!! Các cụ già Tây sống riêng, các cụ già Việt sống với con cháu .Tây : ẩm thực là văn hóa, Ta : ẩm thực là … ‘’ăn uống’’. Tây ‘’món nào (bò, gà, cá vv), rượu nấy’’(đỏ, trắng, hường, vàng), ‘’rượu nào, ly đó’’ ( ly rượu đỏ, ly champagne, ly khai vị vv), Ta ‘’xá xị, trà đá, bia..‘’/ ly. Tây chú trọng hình thức bàn tiệc ( bày biện, trang hoàng), Ta chú trọng ‘’nội dung’’ mâm cơm (thịnh soạn). Đàn ông Tây cơm nhà, quà vợ, đàn ông Ta phê pháo, bạn bè. Quan hệ ‘’cha-con’’ Tây thân thiết (nói chuyện, đùa giỡn, đi chơi chung vv) hơn quan hệ ‘’cha-con’’ Ta. Tây hát ru bé,Ta hò ru em. Tây : nói chuyện nhìn thẳng vào mắt, Ta : thỉnh thoảng (lễ phép Đông phương ? ).Tây du lịch thường chỉ riêng hai vợ chồng, Ta du lịch thường là hai vợ chồng và bè bạn. vv
Về mặt kinh tế, phương tây (thường) có đời sống cao hơn phương đông (trừ Nhật/Đại Hàn).Châu Âu giàu hơn Châu Á (xưa ). Tây Âu giàu hơn Đông Âu. Tây Đức giàu hơn Đông Đức (xưa). Ở các thành phố lớn Pháp : phía Tây ‘’nhà ngói’’, phía Đông ‘’nhà lá’’. Ở miền Nam VN, Hai Lúa miền Tây ‘’khá’’ hơn miền Đông vv
Theo cụ Phạm Quỳnh ‘’.. Văn hóa phương Tây là khoa học, văn hóa phương Đông là đạo học .. ‘’.Tây là Động và Đông là Tĩnh ? Có phải vì thế mà Yoga, Thiền, rồi Nhu đạo, Hiệp khí đạo, Thái cực đạo, Việt võ đạo và các môn phái võ học Tàu vv đều là ‘’Đạo’’ (tĩnh), đến từ phương Đông, trong khi Tây chỉ có quyền-anh và các môn thể thao (hoạt động): túc cầu, dã cầu, bóng chuyền, bóng rỗ, quần vợt vv ? Có phải vì thế mà Tây y khác với Đông y? Nhạc Đông- khác nhạc Tây ? vv
Ngay từ 1928, trong bài ‘’Tư tưởng của Tây phương và Đông phương’’ (Đông Pháp thời báo, số 774 & 776), ông vua ‘’logique’’ Phan Khôi (1887-1959) đã nêu ra 3 điểm khác biệt chính :
Tây chuộng Khoa học / Đông chuộng Huyền học .
Tây trọng tư chủ / Đông trọng thống thuộc.
Tây quý tấn thủ / Đông quý an phận.
Huyền học, theo cụ Phan, là ‘’.. không lấy khách quan mà xem xét mọi sự vật, chỉ lấy chủ quan mà ứng tiếp nó. Kẻ học, sau khi đã học nhiều rồi, đã hội được vạn lý vào nhứt tâm rồi, thì có thể đem cái tâm ấy ra mà đối phó với mọi sự vật chớ không theo y như sự mình đã học; như vậy sách Nho gọi là "thần nhi minh chi". Ấy, huyền học tương phản với khoa học là tại đó ..’’. Và cụ đưa Đông Y làm dẫn chứng : ‘’… Bắt đầu dạy về ngũ tạng: tâm, can, tì, phế, thận, thì dạy rằng nó hiệp với ngũ hành, phối với ngũ vị, ứng với ngũ phương và tứ thời. Dạy về dược tánh thì: một vị bạch truật mà chủ cả công cả bổ, đã kiện tì cường vị, lại trị thấp, bĩ, hư đàm; càn cương sao hắc thì nhập thận; hỏi tại làm sao thì bảo rằng vì "thận thuộc thủy, kỳ sắc hắc". Những điều ấy nếu bắt cứ theo phương pháp khoa học mà giải nghĩa thì không tài nào giải ra được. Đến lúc trị bịnh, thầy thuốc nói là bịnh phong, nhưng phong đó không phải là gió; nói là bịnh thấp, nhưng thấp đó không phải là ẩm ướt; thậm chí nói bịnh tại phế, tại can, nhưng thiệt không phải là đau phổi hay đau gan. Những chữ phong, thấp, phế, can đó chẳng qua là một thứ chữ trừu tượng chớ không phải cụ thể. Còn đến cho thuốc thì cùng một bịnh mà mỗi thầy đi một mặt: thầy thì hàn, thầy thì nhiệt, thầy thì bổ hỏa, thầy thì lợi thủy, thầy thì ít vị, thầy thì nhiều vị, mỗi thầy đều kê phương dụng dược theo ý mình. Ôi! huyền diệu là dường nào! ‘’. Thú thật là đọc hết đoạn này, tôi chả thấy huyền-diệu chỗ nào ! Khó hiểu quá ! Có phải vì chữ-trừu-tượng của Tây không diễn tả đúng bệnh-cụ-thể của Ta ?! Nói là bệnh phong, nhưng phong đó không phải là gió, vậy thì bệnh phong gì ? -Phong thấp ? -Phong ngứa ?- Phong …tình ? Kinh phong vv ? Hay là, như một chuyên viên cơ khí xe hơi, đã tinh thông cơ bản ‘’máy xe’’ rồi, thì Đức, Pháp, Mỹ, Nhật vv, ‘’hộp số’’ hay ‘’tự động’’, xăng, dầu hay điện vv là ‘’chuyện nhỏ’’. Xe nào, hiệu gì, máy móc ra sao , không thành vấn đề. Hư chỗ nào, cứ … ‘’thần nhi minh chi’’ mà chửa !
Tuy gọi ‘’Đông’’ và ‘’Tây’’ nhưng, dưới góc nhìn của một nhà địa -sử học (geohistorien), ông C.Grataloup (*) đã nêu ra câu hỏi : có phải ‘’Tây ở phía Bắc’’ và ‘’Đông ở phía Nam’’ ( dấu hỏi cho Nhật và Đại Hàn ) ?
Câu hỏi của ông Grataloup khiến tôi nghĩ thêm rằng, có khác biệt văn hóa Đông/Tây, có khác biệt văn hóa Nam/Bắc, địa-sử-học, địa-lý : Bắc Âu ( la Scandinavie) khác Nam Âu. Bắc Mỹ khác Nam Mỹ (La-Tinh) vv Và , có cả khác biệt về chính-trị : Văn hóa Tự Do khác với văn hóa Cộng Sản hay nói đúng hơn, văn hóa ‘’đa đảng dân chủ’’ khác với văn hóa ‘’độc đảng, độc tài’’.Như văn-hóa-miền Bắc-Việt Nam và văn hóa miền Nam-Việt-Nam. Dưới đây chỉ là những ghi nhận mà đa số người miền Bắc là nạn nhân của một chế độ độc tài, lừa đảo, nổ sảng vv !
Trước 1954, văn hóa miền Bắc VN đã khác với văn hóa miền Nam VN : miền đất mới khai phá thời các chúa Nguyễn rồi trở thành thuộc địa Pháp nhưng đó là sự khác biệt bình thường, ‘’phải có’’ : như ‘’văn hóa’’ Bắc Pháp khác với Nam Pháp, Bắc Tây Ban Nha khác với Nam Tây Ban Nha vv. Chỉ từ sau 75 người dân, Bắc lẫn Nam, mới thấy có sự khác biệt ‘’văn hóa’’ lớn giữa hai miền. Riêng Nam-kỳ thì thấy ‘’Bắc-kỳ’’-9-nút-54 khác hẳn ‘’Bắc-kỳ’’-2-nút-75, một trời, một vực, bên Kinh, bên Mán (ngồi-xe) !. Nam: cháu ngoan ông bà, Bắc : cháu ngoan ‘’Bác Hồ’’. Y Tế Nam dược phẩm. Y tế Bắc ‘thảo’’ phẩm (xuyên tâm liên vv ).Nhạc điệu Bắc nghèo nàn ( nhanh, ‘’nhịp-bước’’ vv) . Nhạc điệu Nam đa dạng (boléro, slow-rock, tango, chachacha, paso vv). Nam: yêu người và yêu đời. Bắc: yêu Bác và yêu Đảng. Nam dạy yêu thương, Bắc dạy căm thù. Nam : nghệ thuật vị nghệ thuật, vị nhân sinh, Bắc : nghệ thuật vị tuyên truyền, vị Đảng sinh. Báo chí Nam tư hữu. Báo chí Bắc Đảng hữu. Nông dân Nam xài máy cày.Nông dân Bắc dùng trâu cày, người cày. Nam ‘’người cày có ruộng’’, Bắc ‘’người cày chung ruộng’’.Quân phục Nam thẳng thóm.Quân phục Bắc thùng thình. Lính Nam đội mũ sắt. Lính Bắc đội nón cối. Bác sĩ, giáo sư vv Nam tốt nghiệp đại học . Bác sĩ, giáo sư vv Bắc ‘’bổ túc văn hóa’’. Nam mua thịt cá ngoài chợ. Bắc mua cửa hàng mậu dịch. Nam tủ lạnh TV trong nhà. Bắc TIVI tủ lạnh ‘’chạy đầy đường’’ (nổ sảng ! ) ! Nam tình yêu là tình yêu. Bắc tình yêu phải ‘’trong sáng’’ (nam nữ không được đứng riêng trong bóng tối (!) , một thứ ‘’trong sáng’’ áp đặt cho người dân, không cho lãnh tụ vv Trong khi trang phục nam nữ miền Nam đa dạng thì, trang phục nam nữ miền Bắc, theo văn nô Phạm hoàng Điệp, trên Hà-Nội-Mới(**) : ‘’ Do ảnh hưởng phục trang thời Mỹ hóa nên người miền Nam mặc cầu kỳ, diêm dúa hơn Miền Bắc lúc đó vẫn còn bao cấp, hàng hoá khan hiếm nên mọi người mặc rất giản dị.Cán bộ, công chức chỉ trông chờ vào chế độ tem phiếu của Nhà nước, không thể may sắm nhiều. Phụ nữ miền Bắc chủ yếu mặc quần phăng may bằng vải kaki hoặc quần ta may bằng vải phíp và áo hoa Trung Quốc. Nam giới mặc quần áo may sẵn bán ở các cửa hàng mậu dịch quốc doanh. Do nền kinh tế nghèo nàn, đời sống khó khăn, mặc đẹp bị coi là xa sỉ …’’. Thế, trước 1954, trước khi miền Nam bị ‘’Mỹ hóa’’, thì nam nữ Hà Nội, Sài Gòn có ăn mặc ‘’rất giản dị’’ không, văn nô Phạm Hoàng Điệp!? vv Đấy, cái văn-hóa của Hà-Nội-Mới đấy : chửi đó, rồi bắt chước đó. Hà Nội có ‘’mới’’ gì đâu, so với thời 54-75 ?! Tại sao con nít Sài Gòn ngoan ngoãn, lễ phép bao nhiêu con nít Hà Nội chửi thề, văng tục bấy nhiêu ? Cho nên có người gọi văn hóa Hà Nội, sau 21 năm ‘’được’’ Đảng lãnh đạo, là văn-hóa ‘’éo’’ !? Đã thế lại có mấy quán chửi khách nhưng đông khách (bún ngan Nhàn, bún dọc mùng Ngô sĩ Liên, bún cá Hạnh béo/ Hà Nội) ! Động tí là chửi, thế mà vẫn có người xếp hàng chịu chửi để được ăn ngon ! Có phải hiện tượng‘’miếng ăn là miếng nhục, là miếng tồi tàn’’ này, phát xuất từ những năm ‘’chống Mỹ kíu …Đảng’’? Đâu rồi Hà Nội, cái nôi của văn chương, nghệ thuật, đâu rồi cái thanh lịch của người Hà Nội, trước những ngày ‘’chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ’’ (Trần Dần)?!!! Người Hà Nội di cư, di tản, sau 75, trở về thăm lại quê xưa, làm sao không nhói tim, không nước mắt hai hàng?
3 điểm khác biệt tư tưởng Pháp/Việt mà ông Phan Khôi nêu ra gần 100 năm trước, với tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, thông tin thế giới vv, ngày nay, hầu như, đã không còn. Nói ‘’hầu như’’ vì, dù muốn có Tự Do, Dân Chủ nhưng, người Việt vẫn bị thống thuộc bởi Một Đảng, với một thứ tự do mà người dân mai mỉa gọi là : Tự-Do-Quốc-Doanh, Tự-Do-có-giấy-phép ! Nhiều người, rất nhiều người tranh đấu, đòi ‘’nhân quyền’’, đã bị tù đày, vẫn bị tù đày, bi trục xuất khỏi VN, ở ngay năm 2024 này !
Bắt ở tù, phải ..ủ-tờ
Cho ‘’tự-do’’ mới được sờ ‘’tự-do’’ ! (***)
‘’Oh, East is East, and West is West, and never the twain shall meet …’’. Thật ra, Kipling không hề muốn nói ‘’Đông và Tây không bao giờ gặp.’’ Đó chỉ là câu đầu trong 4 câu thơ mở và kết bài ‘’The Ballad of East and West’’:
‘’Oh, East is East, and West is West, and never the twain shall meet
Till Earth and Sky stand presently at God's great Judgment Seat;
But there is neither East nor West, Border, nor Breed, nor Birth,
When two strong men stand face to face, though they come from the ends of the earth!’’
(Ô, Đông là Đông, và Tây là Tây, và 2 phương này không bao giờ gặp nhau
Cho đến khi Đất và Trời trước phán xét ‘’vĩ-đại’’ củaThượng Đế
Nhưng sẽ chẳng có Đông và Tây, không biên giới, chủng tộc, giống nòi
Khi hai người đàn ông mạnh mẽ, đối mặt nhau, cho dù họ đến từ tận cùng trái đất ! ) .
Nếu bây giờ, thay East=North, West = South thì, dù chỉ có câu đầu thôi,: ‘’Ô, Bắc là Bắc và Nam là Nam, và hai phương này không bao giờ gặp nhau’’, câu nói của Kipling cũng không đúng với hai miền Nam(Trung)-Bắc Việt Nam. Bởi vì miền Bắc không những đã ‘’gặp’’ miền Nam, mà còn chung sống bên nhau. Cùng với 1 triệu người di cư năm 1954, người dân hai miền đã đồng tâm, hợp sức nhau, xây dựng một quốc gia Cộng Hòa, với một nền văn hóa Việt Nam đúng nghĩa, tiếp nhận từ tiền nhân.
Căm thù không bao giờ đi chung với yêu thương.Văn hóa Cộng Sản đối nghịch với văn hóa Cộng Hòa .
‘’Đông và Tây rồi sẽ gặp nhau‘’.
Nhưng ‘’Bắc’’ và ‘’Nam’’: bao giờ sẽ ‘’gặp’’ (lại)?
Dù sống cùng trên đất nước Việt Nam. Dù cùng chung nòi giống Tiên Rồng !
BP
(*) : Đông, động dã, tùng mộc. Quan phổ thuyết tùng nhật tại mộc trung” (Đông là động thuộc bộ mộc. Quan phổ nói rằng mặt trời ở trong cây https://vusta.vn/ham-nghia-van-hoa-cua-chu-dong-va-tay-trong-van-hoc-trung-dai-viet-nam-p75408.html
(***) Bắt phong trần, phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao (‘’Kiều’’/ Nguyễn Du)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét