Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2020

Gió Thu


Cụ Tản Đà ( 1889 – 1939 ) Nguyễn Khắc Hiếu là con trai út của Án Sát Nguyễn danh Kế , 5 tuổi đã học Tam tự kinh , 6 tuổi Luận ngữ …vv Tuy thi Nam trường (thi Hương?) không đỗ (theo Nguyễn mạnh Bổng, anh(em) vợ Tản Đà) nhưng không phải vì thế mà Cụ không tinh thông tiếng Hán. Mà trái lại! Gần một trăm bài thơ Đường, qua ngòi bút tài hoa của Cụ, là một trong những bài dịch có giá trị: vừa sát nghĩa, vừa hay! 

Biết vậy, nhưng có một khoảng thời gian tôi vẫn thắc mắc về một câu thơ " thừa chữ " (!) của cụ Hiếu":câu " trận gió thu phong"trong bài " Gió Thu " nổi tiếng: 

"Trận gió thu phong rụng lá vàng 
 Lá rơi hàng xóm , lá bay sang … 
Trận gió thu phong rụng lá hồng
Lá bay tường bắc lá sang đông …" 

Bởi, tôi nghĩ: phong đã là gió, mà còn "thu phong" theo sau nữa, đọc lên, tuy âm du dương nhưng ý thì … cà lăm quá: "trận gió .. gió thu rụng lá vàng"! Người mà tên tuổi đã đi vào văn học sử nước nhà, đã được Hoài Thanh"cung chiêu anh hồn" ở ngay trang đầu quyển "Thi nhân Việt Nam" ( thập niên 40s ), người mà tên được đặt cho một con đường ở Chợ Lớn(trước 75); tài ba như thế, chả nhẽ lại dùng thừa chữ? 
 
"Thắc mắc" đó theo tôi trong mấy chục năm dài, cho mãi đến mùa thu 2014 khi sang Canada thưởng ngoạn mùa hạ"Indien". Ngẩn người trước những rừng phong, lá phong, sực nhớ đến" trận gió thu phong", trong đầu tôi mới lóe (thêm) một câu hỏi:  hay là cụ Hiếu "quên", không để dấu phẩy sau "trận gió"? "Trận gió thu phong rụng lá vàng ….", đúng ra, phải viết là " trận gió thu, phong rụng lá vàng" . Bởi vì "phong", theo cụ Hiếu, là "cây phong"(?). Ừ nhỉ , " phong" như trong một câu thơ văn hào: "Rừng phong,thu đã nhuốm màu quan san". Anh nhà quê như tôi, lúc còn ở Việt Nam, cứ nghĩ cây phong chỉ có bên Tàu. Sang "đây" mới rõ (!) Gia Nã Đại là xứ của cây phong và chiếc lá trong quốc kỳ của Gia Nã Đại là lá phong. 


Thơ Việt Nam mình, ngoài Gió Thu , theo sự hiểu biết (nông cạn) của tôi, không có " phong" (cây), trừ "Kiều" . Nhưng "Kiều" là người Hoa gốc … Tàu. Vương Thúy Kiều là nhân vật chính của Kim Vân Kiều truyện ( tôi nghĩ là phải viết hoa 3 chữ thay vì 2, cho KIM Trọng, Thúy VÂN, Thúy KIỀU ), của văn sĩ Tàu: Thanh Tâm Tài Nhân ( thế kỷ 16 / 17? ). 

"Kim Vân Kiều truyện" được cụ Nguyễn Du, qua đôi tay tài hoa, biến thành Truyện Kiều: một tuyệt phẩm quốc tế. "

Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san"

 là hai câu trong đoạn tả Thúc Sinh giã biệt Thúy Kiều, từ Lâm Tri về Vô Tích, để xin bà vợ Hoạn Thư cho Kiều làm "bé"! Lâm Tri, Vô Tích là những địa danh bên Tàu. Lúc nhỏ, đọc đến đây, tôi không hiểu "bào" là gì, tự hỏi" chả nhẽ thời đó đã có đá bào? ", rồi lại nghĩ khác có thể do in sai " bài" ra " bào"? Sau này mới biết, bào là áo bào. Cụ Nguyễn tả cảnh chia ly: người lên ngựa, người buông áo (bào), thôi níu kéo nhau. Chứ thương gia và kỹ nữ không có đánh cờ tướng hay kéo xì-dách gì trong rừng phong cả! 

Trong thơ Tàu,"phong"( cây ) cũng ít được nói đến. Tôi chỉ biết được có mấy câu nhưng toàn liên quan đến cây phong trước Hàn San Tự (Tô Châu): ngôi chùa đã đi vào văn học sử Tàu qua tuyệt tác  Phong Kiều dạ bạc của thi sĩ Trương Kế mà nhiều người biết: 

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên 
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên 
Cô Tô thành ngoại Hàn San Tự 
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền. 

Ðêm Khuya Thuyền Ðậu Bến Phong Kiều: 

Trăng tà, tiếng quạ kêu sương 
Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ 
Thuyền ai đậu bến Cô Tô 
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San 
Tản Đà (?) 

Bản dịch này, cho đến nay, ghi là của Tản Đà nhưng tôi không tìm thấy trong 75 bài dịch đăng trong tập 2  "Tản Đà vận văn toàn tập " ( Institut de l'Asie du sud- est tái bản / 1986 / Paris ). Theo một bài viết trên mạng, ông Hoàng nguyên Chương cho hay, năm 1995, học giả Nguyễn Quảng Ninh (Việt Nam), qua nhiều tài liệu nghiên cứu, công bố: tác giả là ông Nguyễn hàm Ninh(1808-1867), không phải Nguyễn khắc Hiếu (?) 
Cũng cây phong này, theo ww.thivien.net , năm xưa, thi nhân Vương Sĩ Trinh (tài liệu Wikipedia nói là Vương Ngư Dương), sáng tác hai bài thơ " Dạ vũ đề Hàn San tự". Dạ vũ ở đây có nghĩa "đêm mưa" . Đêm mưa đề thơ Hàn San Tự, chứ không phải chùa Hàn San tổ chức … nhảy đầm tối thứ bảy! Trong hai bài này, cây phong được nhắc đến qua những câu như:

 “ .. Sơ chung dạ hỏa Hàn San Tự 
Ký quá Ngô phong đệ kỷ kiêu “ 

( Tiếng chuông thưa, ánh lửa đêm chùa Hàn San, 
Nhớ đã qua cầu bên cây phong huyện Ngô) 

hay:

“ Phong diệp tiêu tiêu thủy dịch không"
( lá phong hiu hắt bến nước vắng). 

Ông Khang Hữu Vi cũng có câu:

 “ Lãnh tận Hàn San cổ tự phong ” 
(Lạnh đến cả cây phong bên ngôi chùa cổ Hàn San)


Nhưng, Việt Nam làm gì có cây phong(maple/érable )? Câu hỏi này, sau khi du lịch Canada về, tra tự điển của Cụ Đào duy Anh, tôi mới vỡ lẽ: phong là cây bàng

A, cây bàng thì tôi biết dù chưa thấy bao giờ. Biết ( từ năm Đệ Thất !) qua “ Nhặt Lá Bàng “ của nhà văn Nhất Linh, với hai chị em con nhà nghèo đi nhặt lá bàng, trong một đêm thu Hà Nội “ Mau lên chị ơi, nhặt cả hai tay chị ạ !". Biết, qua “Chiều Thu" của nữ sĩ Ngân Giang (Cây bàng đã rụng lá bàng / Cổng nhà ai đấy có nàng nhìn xa ..).Nhưng lá bàng Việt Nam thì không giống lá-phong-Gia-nã-Đại tuy nó cũng "cây cơm nguội vàng" / “cây bàng lá đỏ “ khi “ thu sang cùng heo may “ . 

Từ lần “ hạ đỏ “ ở Canada, tôi đâm ra mê cây phong (đừng gọi là … phong tình, nghe quê lắm!), đúng hơn là mê màu cây, sắc lá. Dù đã nằm lòng cảnh "rừng phong, thu lá " ấy, nhưng mỗi lần gặp lại " nó " trên màn ảnh, qua trang sách, tôi đều xúc động . Mùa thu đẹp nhất thế giới phải là mùa hạ “ Indien”! 

Trận gió thu, phong rụng lá vàng. Đọc lên thì hiểu nhưng câu thơ không còn cái “ hơi “ như trước. Cứ như mùa thu bị đứt đoạn nửa chừng (em nhớ cho / mùa thu đã chết rồi ?! ). Cứ như lá rơi bên hàng xóm không bay sang được! Uống mà không có lá rơi đệm cảnh thì mất ngon đi nhiều lắm. Rượu ngon không có lá rơi / Không " chiêu " , không phải không mời , không " chiêu "! 

Bây giờ thì tôi hiểu tại sao cụ Nguyễn không dùng dấu phẩy. Trận gió thu phong rụng lá vàng . Chỉ đọc lên thôi . Là đã thấy thu rồi . Thu ngoài trời, thu cả lòng côi! 

Trận gió thu phong rụng lá vàng. 
Lá rơi hàng xóm, lá bay sang … 

Trận gió thu phong rụng lá hồng . 
Lá bay tường bắc, lá sang đông … 

Bao giờ thì có trận cuồng phong cuốn phăng đi những chiếc lá hồng tường… bắc già nua, mục rã, làm tiêu điều đất nước Việt Nam từ mấy chục năm nay?! 

BP 
18/11/2020 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét