Y HỌC THƯỜNG THỨC
Săn Sóc Cấp Cứu
Đại cương
Trong trường hợp có tai nạn xảy ra, điều ta nên làm là gọi điện thoại xin nhân viên thẩm quyền (y tế, cứu hỏa) tiếp cứu. Trong khi chờ đợi nhân viên y tế di chuyển tới hiện trường, người không chuyên môn có thể giúp nạn nhân bằng cách săn sóc cấp cứu. Vậy săn sóc cấp cứu cũng còn gọi là cứu thương hoặc sơ cứu bao gồm những phương cách điều trị cấp thời để tránh tử vong cho nạn nhân hoặc để giảm bớt tổn thương. Các trường hợp tai nạn khẩn cấp chia ra rất nhiều loại như đụng xe, rắn cắn, chết đuối, điện giật... Trong phạm vi cứu thương do cá nhân sử dụng được, tóm tắt có 3 tình huống sau đây: -Cấp cứu người nghẹt thở. -Cấp cứu người xuất huyết. -Cấp cứu người bị ngưng tim hoặc ngừng thở.
Hai thao tác cấp cứu căn bản
Tùy theo trường hợp cấp cứu, có khi cứu thương viên phải áp dụng một hoặc cả hai phương cách sau đây.
Hô hấp nhân tạo
Hô hấp nhân tạo áp dụng cho nạn nhân không bị ngưng tim nhưng bất tỉnh vì ngừng thở hoặc thở quá nhẹ. Phương pháp hô hấp nhân tạo hiện nay sử dụng cách truyền hơi từ miệng cứu thương viên tới miệng nạn nhân (truyền hơi hồi sinh). Nguyên lý là khi ta hít vào một hơi đầy lồng ngực rồi thổi ra mau lẹ thì không khí thở ra còn có đủ ô-xy cho cơ thể nạn nhân sử dụng.
Các động tác về hô hấp nhân tạo chia ra như sau đây:
-Loại bỏ dị vật hoặc máu, đàm nhớt... trong mũi, miệng và cổ họng nạn nhân.
-Đặt nạn nhân nằm ngửa, chêm gối (hoặc đồ vật khác) dưới hai vai để cho đầu họ ngửa nhiều về phía sau.
-Cứu thương viên dùng một tay nâng cằm nạn nhân lên, tay kia dùng ngón cái và ngón trỏ bóp cánh mũi nạn nhân. Kéo hàm dưới cho miệng nạn nhân há ra độ 1 hoặc 2cm.
-Cứu thương viên ngước lên, hít không khí đầy lồng ngực mình, cúi xuống, ngậm chùm hết miệng nạn nhân rồi thổi mạnh để truyền hơi (quan sát thấy ngực nạn nhân phồng lên) rồi lại ngước lên. Tiếp tục việc truyền hơi đều đặn theo nhịp độ từ 15 tới 20 lần một phút.
Cứu thương viên có thể dùng khăn mỏng che miệng nạn nhân để giữ vệ sinh cho mình. Khi truyền hơi hô hấp nhân tạo cho trẻ nhỏ, cứu thương viên không bóp cánh mũi nạn nhân mà ngậm kín cả mũi lẫn miệng em nhỏ và thổi nhẹ hơn.
Tái khởi động tim phổi
Khi tim nạn nhân ngưng đập, phương cách sau đây bóp trái tim cho máu chạy ra các động mạch để hồi phục tuần hoàn khắp cơ thể và cung cấp ô-xy cho mọi cơ quan trong người. Cần phải hành động mau lẹ vì bộ phận quan trọng nhất là não bộ, có thể bị tổn thương sau 5 phút thiếu ôxy. Khi nạn nhân bị ngưng tim, nếu bắt mạch ngay tại động mạch ở cổ cũng không cảm thấy mạch nhẩy là lúc phải cấp tốc tái khởi động tim phổi:
-Đặt nạn nhân nằm ngửa, chêm đồ vật cứng dưới lưng (tấm ván...)
-Cứu thương viên đặt phía dưới bàn tay (chỗ gần cổ tay) đè lên đầu dưới xương ức của nạn nhân. Dùng phía dưới bàn tay kia đè lên lưng bàn tay này.
-Dùng sức hai tay đè thẳng xuống (đè sâu hơn 5cm) rồi nâng nhẹ tay cho lồng ngực nạn nhân nở trở ra. -Khởi đầu đè bóp tim mau lẹ 30 lần liên tiếp trong khoảng 18 giây đồng hồ (có thể mau hơn nhịp độ này, vẫn an toàn).
-Liên tiếp truyền 2 hơi (xem phương pháp truyền hơi mục hô hấp nhân tạo trên đây). -Tiếp tục theo chu kỳ 30 lần bóp tim rồi 2 lần truyền hơi như trên.
-Sau 5 chu kỳ như vậy, tạm ngừng và bắt mạch lại. Nếu tim chưa hoạt động lại, tiếp tục cấp cứu như trên đây.
-Trường hợp cấp cứu trẻ nhỏ, cứu thương viên dùng một bàn tay, đè sâu khoảng bằng 1/3 chiều dày lồng ngực (xem thêm chi tiết trong phần Nhi khoa của cuốn sách này).
-Khi cấp cứu trẻ sơ sinh, đè bằng 2 ngón tay và cũng đè sâu khoảng bằng 1/3 chiều dày lồng ngực.
-Trường hợp có 2 cứu thương viên hiện diện thì một người đè bóp tim còn một người làm hô hấp nhân tạo vẫn theo chu kỳ 30 lần bóp tim nối tiếp là 2 lần truyền hơi. Sau 5 chu kỳ, hai người đổi chỗ cho nhau. Nhịp độ đè bóp tim là 100 lần một phút, áp dụng cho mọi lứa tuổi. Cứu thương viên phải kiên tâm tiếp tục việc cấp cứu cho tới khi nhân viên chuyên môn hiện diện.
Nghẹt thở
Những nguyên nhân chính gây ra nghẹt thở gồm có:
- Chết đuối
- Cổ bị chẹn cứng (thắt cổ, vật nặng đè lên cổ...)
- Dị vật trong cổ họng
- Sưng màng nhầy cổ họng
- Sặc khói
- Sặc khí độc Chết đuối
Khi miệng và mũi nạn nhân hoàn toàn ngâm dưới nước (hoặc chất lỏng khác), động tác hô hấp tự nhiên lại hút nước đầy hai lá phổi rồi gây tử vong vì cơ thể thiếu ô-xy.
Cấp cứu người chết đuối Lập tức mang nạn nhân lên bờ. Đặt nạn nhân nằm sấp, đầu quay qua một bên, hai tay duỗi thẳng đưa lên phía trên đầu. Lấy hết dị vật trong mũi, miệng và cổ họng nạn nhân. Cứu thương viên vòng hai tay dưới bụng nạn nhân, nâng lên cao cho nước trong phổi chảy ra ngoài, lắc qua lắc lại ít lần. Trường hợp nạn nhân chết đuối là trẻ em, cứu thương viên có thể nắm hai chân nạn nhân nhấc lên cao và vỗ lưng nạn nhân ít lần cho nước trong phổi chảy ra. Sau khi đã thải nước trong phổi nạn nhân, đặt họ nằm ngửa và làm hô hấp nhân tạo. Đồng thời cởi quần áo nạn nhân và đắp chăn để tránh bị thấm lạnh.
Trường hợp bị chẹn cổ
Bất kỳ tác nhân nào chẹn cứng phía ngoài cổ cũng làm trở ngại đường hô hấp phía trong và gây nghẹt thở: thắt cổ tự sát, ngã ngửa rồi bị vật nặng đè lên cổ, bị xiết cổ bằng tay hoặc bằng dây...
Cấp cứu người bị chẹn cổ Lập tức loại bỏ tác nhân chẹn cổ nạn nhân.
Trường hợp cấp cứu người thắt cổ, cần có 2 cứu thương viên: một người ôm ngang hông nạn nhân và nâng lên để cho người kia cắt dây. Đặt nạn nhân nằm ngửa và áp dụng hô hấp nhân tạo.
Dị vật trong cổ họng
Khi ta nuốt một miếng thức ăn quá lớn, đường hô hấp có thể bị thức ăn che lấp gây ra nghẹt thở. Trẻ con hay có thói quen ngậm đồ chơi trong miệng, nếu lỡ nuốt phải đồ chơi cũng có thể bị nghẹt thở như vậy.
Cấp cứu người lớn bị dị vật cổ họng Người bị nghẹt thở do sặc thức ăn thường có phản ứng tức thời đứng lên, mở miệng như muốn nói mà không nói được, hai tay cào cổ, da mặt hoặc đỏ hoặc chuyển qua màu tím.
Cách cấp cứu mô tả dưới đây mệnh danh là thao tác Heimlich.
- Cứu thương viên đứng phía sau nạn nhân, lấy thế đứng cho vững, hai tay vòng ra phía trước ôm bụng nạn nhân.
- Một tay cứu thương viên nắm chắc (thành quả đấm) đặt ngay phía trên rún nạn nhân và dưới xương ức rồi dùng tay kia nắm ngoài tay nọ.
- Dùng sức mạnh cả hai tay vừa kéo về phía mình vừa đẩy lên cao trong một động tác mạnh và nhanh.
- Nếu dị vật chưa văng ra, tiếp tục động tác trên nhiền lần nữa. Trường hợp nạn nhân đang ngồi ghế rồi sặc thức ăn, cứu thương viên đứng phía sau ghế và áp dụng thao tác Heimlich.
Cấp cứu nạn nhân sặc thức ăn khi đang nằm:
- Đặt nạn nhân nằm ngửa, đầu quay qua một bên.
- Cứu thương viên quì xuống, mặt hướng về phía đầu nạn nhân, hai đầu gối kẹp hai bên hông nạn nhân.
- Cứu thương viên sắp đặt hai bàn tay giống như khi tái khởi động tim, phổi nhưng phải đặt lên ngay phía trên rún nạn nhân và dưới xương ức.
- Dùng sức mạnh hai tay đè nhanh xuống bụng nạn nhân và đẩy chéo về phía trên.
- Nếu dị vật chưa văng ra ngoài, tiếp tục động tác trên nhiều lần nữa.
Cấp cứu trẻ em bị dị vật cổ họng
- Cứu thương viên ngồi ghế, đặt nạn nhân nằm sấp trên hai chân mình, đầu nạn nhân quay về một bên và cúi thấp.
- Dùng bàn tay đập mạnh giữa hai xương bả vai nạn nhân nhiều lần cho đến khi dị vật văng ra ngoài. - Nếu nạn nhân là trẻ nhỏ hơn nữa, cứu thương viên có thể nắm hai chân nạn nhân dơ lên cao rồi dùng bàn tay đập giữa hai xương bả vai nạn nhân như trên đây. Ta cũng có thể móc họng nạn nhân cho ói dị vật ra.
Sưng màng nhầy cổ họng
Màng nhầy trong cổ họng có thể sưng dày lên và cản trở hô hấp trong các trường hợp: dị ứng, phỏng do thức uống quá nóng hoặc do hóa chất (acit hoặc chất kiềm mạnh), viêm do bệnh nội thương. Cấp cứu người bị sưng màng nhầy cổ họng Tất nhiên đây là một trường hợp cần di chuyển cấp tốc tới bệnh viện.
Trong khi di chuyển:
- Đỡ cho nạn nhân ngồi để đường hô hấp được mở rộng thêm phần nào hay phần đó.
- Nếu nạn nhân còn thở được, cho nhấp giọng bằng nước lạnh.
- Trường hợp nạn nhân ngưng thở hoặc thở rất yếu, áp dụng hô hấp nhân tạo.
Sặc khói
Trong các đám cháy, ngoài các nạn nhân bị phỏng thì sự sặc khói cũng có thể gây tử vong nếu không cứu chữa kịp thời.
Cách cấp cứu Cứu thương viên dùng khăn ướt che mũi, miệng mình trước khi tiến vào hiện trường. Cúi thấp trong khi di chuyển tới chỗ nạn nhân rồi mau lẹ đưa nạn nhân ra khỏi nơi có khói. Ra tới chỗ thoáng khí rồi, nếu nạn nhân ngưng thở hoặc thở quá yếu, áp dụng hô hấp nhân tạo.
Sặc khí độc
Sặc ô-xit cac-bon (nhẹ hơn không khí) Khí này do động cơ xe hơi thải ra hoặc phát sinh khi đốt than mà thiếu ô-xy (đốt lò sưởi than trong phòng kín). Các mỏ than cũng có khí này.
Cách cấp cứu Mở hết cửa lớn và cửa sổ trong phòng có ô-xit cac-bon. Có thể đập vỡ cửa kính cho khỏi mất thì giờ. Trước khi tiến vào hiện trường, cứu thương viên hô hấp đều hòa lối 30 giây rồi hít một hơi dài và nhịn thở trong khi di chuyển. Cúi thấp khi di chuyển hoặc bò tới chỗ nạn nhân. Mau lẹ mang nạn nhân ra nơi thoáng khí rồi làm hô hấp nhân tạo nếu cần.
Sặc thán khí hoặc khí đốt (nặng hơn không khí) Thán khí có thể tụ nhiều trong mỏ than, giếng sâu, cống lớn. Khí đốt gây nguy hiểm nghẹt thở trong nhà nếu ống dẫn khí bị dò.
Cách cấp cứu Mở hết cửa lớn và cửa sổ trong phòng bị dò khí đốt. Có thể đập vỡ cửa kính cho khỏi mất thì giờ.
Trước khi tiến vào hiện trường, cứu thương viên hô hấp đều hòa lối 30 giây rồi hít một hơi dài và nhịn thở trong khi di chuyển. Khi di chuyển tới chỗ nạn nhân, nên đi thẳng đừng cúi. Trường hợp đặc biệt thán khí hoặc khí đốt quá đậm đặc, cứu thương viên cần phải dùng mặt nạ phòng khí độc.
Xuất huyết
Các loại vết thương đều có thể chảy máu nhiều khi động mạch bị tổn thương: đụng xe, cá mập cắn, vết thương khi làm bếp hay sửa chữa lặt vặt trong nhà.
Cấp cứu xuất huyết Cho nạn nhân nằm xuống. Dùng lòng bàn tay đè ngay lên điểm chảy máu, lót bằng khăn hoặc vải sạch. Khi máu ngưng chảy, dùng vải băng dày băng chặt lại. Nới cổ áo và thắt lưng nạn nhân. Đừng cho nạn nhân ăn, uống vì có thể phải đánh thuốc mê khi điều trị tại bệnh viện. Trường hợp bất đắc dĩ, máu ở tay hoặc chân chảy không ngừng mới dùng tới đai chỉ huyết. Khi sử dụng đai chỉ huyết, phải báo cáo rõ ràng cho nhân viên y tế về thời điểm bắt đầu cột đai này.
Đai chỉ huyết Dùng một miếng vải dày chiều ngang lối 7cm, chiều dài đủ để quấn quanh bắp tay hoặc đùi cộng thêm phần để thắt nút. Đai chỉ huyết cột hoặc sát ngay trên cùi chõ, hoặc sát ngay trên đầu gối. Bắt đầu cột nút thứ nhất rồi tiếp tục kéo chặt thêm cho đến khi máu ngưng chảy. Cột tiếp nút thứ hai cho đai khỏi sút.
Phân biệt ngưng tim hoặc ngưng thở Khi nạn nhân đột nhiên té và bất tỉnh, cứu thương viên cần xác định trường hợp này là ngưng tim hay ngưng thở trước khi hành động. Nếu lồng ngực nạn nhân không có cử động hô hấp nhưng ta còn bắt được mạch phía bên cạnh cổ nạn nhân là trường hợp dùng hô hấp nhân tạo. Nếu động mạch cổ của nạn nhân cũng không còn đập nữa là lúc cần tái khởi động tim phổi.
Đối chiếu danh từ y học Việt-Anh
Săn sóc cấp cứu First aid
Tái khởi động tim phổi Cardiopulmonary resuscitation (CPR)
Truyền hơi hồi sinh Mouth-to-mouth resuscitation
Thao tác Heimlich Heimlich maneuver
Sặc khói Smoke inhalation
Đai chỉ huyết Tourniquet
Bác Sĩ Đinh Đại Kha
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét