Thứ Hai, 3 tháng 8, 2020

Màu Nắng Sân Trường

1. Mùa Tựu Trường Năm Cũ


Mỗi năm cứ vào đầu tháng Tám là cả trường rộn ràng cho một niên học mới. Thầy cô giáo và nhân viên các bộ phận của trường họp hành liên tục cả ngày, suốt tuần. Chuẩn bị văn phòng phẩm, tu bổ bàn ghế, bảng đen, phân chia lớp dạy, giờ dạy, chủ nhiệm lớp (hướng dẫn)..v..v.. là cả một chuỗi sinh hoạt nhịp nhàng và quen thuộc. Mệt mỏi nhưng hào hứng, vui nhộn. Thầy cô sắp gặp lại học trò cũ với lớp học mới và học trò mới với lớp học bắt đầu một đoạn đường “đẹp nhất” đời người: lớp 10, 11 và 12. Lứa tuổi của mộng mơ, của hy vọng, của những buổi “tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”! Lứa tuổi của những nụ cười thật hồn nhiên, hồn nhiên đến nổi “chuyện gì cũng cười”, dưng không cũng mĩm nụ cười bâng quơ... Lứa tuổi của những nổi loạn “cơ thể” và những nổi loạn tâm lý “tình cảm”. Lứa tuổi của những giọt nước mắt “dưng không” thắm mặn bờ môi, làm long lanh mắt và xuôi một dòng “trong suốt” tâm hồn. Lứa tuổi của sự hình thành “khung ảnh” của nhân cách, bóng dáng “cuôc đời” mà những năm tháng mai này chỉ là sự bồi đắp, lấp thịt thêm da cho một đời người! Lứa tuổi không cần phải học “thuộc lòng” bao nhiêu bài vỡ hằng ngày, nhưng cũng không thể nào quên những kỷ niệm một ngày trôi. Lứa tuổi của mọi khám phá “đầu đời” với chính mình và với tha nhân hay nói khác hơn, với mọi “người dưng”..!


Năm đó, không hiểu sao hai hàng cây bạch đàn dẫn vào sân trường nở hoa rất sớm. Những chùm hoa tủa trắng trinh nguyên, treo lơ lửng hai bên đường dẫn vào lớp học. Và sau mấy tháng mùa hè, bên hai góc ao của trường đã trổ những bông hoa súng non màu hồng thẩm. Ngôi trường cấp 3 huyện nhỏ nhắn, khiêm nhường của tôi như khoắc lên chiếc áo mới thật đơn sơ, thật dịu dàng của cô gái mới lớn. Mùi nước sơn của chiếc cổng trường màu xanh, mấy chiếc bảng đen, vài bờ tường lớp học vừa được sơn lại. Những cuốn tập, những cuốn sổ ghi tên, kiểm bài của từng lớp cũng thơm mùi giấy mới. Những khuôn mặt thầy cô cũ nhưng với mái tóc mới cắt ngày qua, luôn vẫn mới, luôn vẫn sáng theo buổi lên lớp đầu tiên.. . Không hiểu sao những hình ảnh, mùi vị tầm thường, giản dị đó cứ mãi theo tôi như một nỗi tương tư, suốt đời mang nặng. 

Đã quen trường, quen lớp, nên thường các em khối lớp 11, 12 ổn định rất nhanh và dễ dàng trong ngày đầu năm học. Bỡ ngỡ và rộn ràng nhất là các em học sinh mới của khối lớp 10. Trường mới, bạn bè mới, thầy cô mới, hơn nữa các em đang chập chững vào bao đổi thay đầy “thú vị” của tuổi làm người lớn... Rồi tất cả cũng đâu vào đấy, hai tiết học đầu tiên qua đi, sân trường ngập đầy hương sắc của nắng và bao nhiêu ánh mắt, nụ cười tuổi hoa niên. Mấy dãy hàng lang cũng tràn hương thơm của mùi áo mới, mùi những bìa giấy bao tập, quyện trong mùi rạ khô thoang thoảng trong gió phía sau trường. Từng nhóm đang chụm đầu so sánh thời khóa biểu, thầy nào cô nào dạy môn của lớp năm nay. Và dĩ nhiên, kèm theo là những phê bình, phỏng đoán cho giờ học mai này. “Nghiêm trọng” nhất là các “đàn anh, đàn chị” lớp 12. Đây là lớp học cuối cùng và kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vào cuối năm học. Chuyến đò cuối qua sông, bước chân vào ngưỡng cửa đại học và cả ngưỡng cửa cuộc đời. Những môn chính cho kỳ thi: toán, sinh, lý, hóa, văn, sinh ngữ (Anh hoặc Pháp) là cô thầy nào phụ trách cũng đáng “bàn-bạc-sân-trường”. Trước khi là thầy, tôi cũng là trò, nên mấy vụ này thật sự đã từng có “kinh nghiệm”. Thầy cô nào được “ưa chuộng” nhất, được “miễn cưỡng” chấp nhận, cũng là đề tài của những buổi chụm đầu “hành lang”. Vài năm trở lại đây, tôi được hội đồng nhà trường “đặc cách” chuyên dạy các lớp 12. Lý do không phải chỉ từ tổ chuyên môn nhà trường mà cả "yêu cầu" từ phía hội phụ huynh hoc sinh. Giai đoạn những năm 1976 - 1981, học sinh bỏ học vì hoàn cảnh gia đình và phong trào vượt biên rất cao trong toàn tỉnh. Nhiều tin đồn "hành lang", học sinh cố gắng ở lại học, hay xin cha mẹ ở lại học "với thầy H" một lần trước khi nghỉ học. Để giữ học sinh và nêu cao "thành tích" số học sinh hết cấp 3 toàn trường, hội đồng nhà trường và hội phụ huynh học sinh đành phải "đặc cách" tôi dạy khối lớp 12 là vậy. Đây là một thử thách và cũng là hành trang để lại trong tôi nhiều kỷ niệm một đời “không quên”.

2. Nhất Quỷ Nhì Ma, Thứ Ba...


Nếu các em lớp 10 chuẩn bị làm người lớn, thì các “anh chị” lớp 12 đang làm người lớn. “Người lớn” được xếp hàng thứ ba, sau danh mục “quỷ, ma”. Trong đời tôi thật sự chưa hề giáp mặt “quỷ, ma”, nhưng phần thứ ba này thì... đầy kỷ niệm “xương máu”. Những năm tôi dạy các em lại là những trang lịch sử đặc biệt của xã hội, của đất nước. Có những buổi sáng vào lớp học nhìn quanh, có vài chỗ ngồi trống vắng. Một vài em đã theo gia đình ra đi “biền biệt” tối hôm qua, không nói lời từ giã. Chừng như đây là cả một “thế hệ” mà tương lai và những ước mơ thật sự không nằm trong bàn tay của các em. Dạy để các em có được điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cuối năm, với tôi mà nói, dễ như trở bàn tay. Nhưng dạy để các em có được hành trang cho cuộc sống, cho những mơ ước mai này thì thật là nhiều đêm tôi không ngủ được.

Mãi đến hôm nay, tôi mới có dịp “cảm ơn” các em: “Không phải tôi dạy các em học, mà chính các em dạy tôi rất nhiều bài học”. Những bài học tôi dạy các em không biết thật sự có “giá trị” gì không, nhưng bài học tôi học từ các em mang một giá trị quý báu trong suốt một đời! Chân thật và trong sáng. Có lần một cô giáo dạy văn cùng trường đã nói với tôi: “Thầy H không phải dạy văn, mà muốn làm cuộc đời thành văn chương trong trường học”. Nhận xét đó có phần quá đáng. Suốt trong cuộc lữ hành sống trên xứ người, tôi luôn cố gắng, cố gắng không ngừng với chung quanh, với bản thân chỉ để... không phụ bài học mà các em đã dạy cho tôi. Trong nhiều nghịch cảnh với bao nhiêu thất bại, thua thiệt, tôi luôn giữ lòng trong sáng và cố vươn lên với nghị lực chân thật của mình. Tôi đã làm tất cả những gì mình có thể, đã giữ được lời người thầy cũ trên lớp học năm xưa. Ngôi trường đó là cả một phần đời không thể thiếu trong tôi.

Thường thì năm học của lớp 12 trôi qua rất nhanh, loáng thoáng là đến cuối năm. Tin hành lang từ những “tâm phúc” của tôi mật báo nhiều chuyện “khó tin” nhưng có thật. Tin mật báo cho hay: “Các chị lớp 12 đang rấp tâm lên kế hoạch hại thầy”. Hại tôi? Đúng là người ngay gặp nạn, người hiền gặp tai. “Đây là năm học cuối, các chị nói muốn để lại một kỷ niệm khó quên, rồi mỗi người mỗi ngả. Các chị lên kế hoạch “cua” thầy bằng được. Sau khi “cua” được rồi, các chị đồng loạt “bỏ rơi” thầy, cho “bỏ ghét” làm kỷ niệm!”. Đúng là âm mưu “thâm độc” đây mà. Sau này có dịp thẩm tra lại, thì đây là kế hoạch thực hiện hoàn toàn có thật 100%. Thế là những tuần lễ sau đó, là hàng loạt lời mời thầy tham dự “họp mặt ngoài trời”, “văn nghệ bỏ túi”, “yêu cầu học thêm” và cả những “tờ rơi” trong tập làm bài! Tôi tự biết mình và biết những nổi loạn đáng yêu của tuổi trẻ. Chúng ta có cả con đường dài để trưởng thành và để sống. Nhưng các em chỉ có duy nhất một đoạn đường tuổi trẻ thật ngắn ngũi để khám phá, phát triển và ước mơ. Với tất cả thận trọng để vượt qua bao nhiêu "thử thách", bao nhiêu "cửa ải" mà không gây tổn thương cho tuổi học trò của các em, không phải là điều dễ dàng... 

Phần thuyết trình theo tổ cuối học trình sẽ chiếm 1/4 điểm cuối năm với đề tài: phân tích bài ca dao anh/chị thích nhất, nói lên được tập quán xã hội và giá trị giáo dục. Mỗi lớp chia làm 4 tổ, mỗi tổ gồm 3 dãy bàn. Hôm đó là buổi thuyết trình của lớp 12C (toán lý), tổ 4 gồm 3 bàn cuối lớp. Đây cũng là nhóm "to con lớn xác" (thuộc dạng "chân dài" theo ngôn ngữ bây giờ), nên các em được sắp ngồi hai dãy bàn cuối lớp. Thành phần gồm một thuyết trình viên và một ghi chép bài lựa chọn cùng phần thân bài trên bảng để cả lớp dễ theo dõi. Em L.K.H có chiều cao nhất nhì lớp đảm nhận phần ghi chép trên bảng và thuyết trình viên là T.N.L, tổ trưởng. Khi dòng chữ cuối của bài ca dao được viết lên bảng thì tiếng vỗ tay cả lớp vang lên. Ngồi dưới lớp, tôi hiểu ngay đây chắc nẵm là "thuyết âm mưu" nhưng cứ phớt lờ, thử xem tình hình sẽ đi tới đâu và về đâu: 

"Bồng bồng mẹ bế con sang
"Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo
"Muốn sang thì bắc cầu kiều
"Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy

Lập lại nhiều lần có chủ ý, "Muốn con hay chữ thì yêu, lấy thầy", ngừng hơi lâu như hàm ý có dấu phẩy. Quả thật dám nghĩ ra "kế sách" này và thực hiện công khai cả lớp, thì chỉ có mấy cô học trò thuộc hạng "thứ ba" của tôi mà thôi. Không có lý do gì để "bắt lỗi", lại càng không có lý do để "giận", tôi đành ngồi lắng nghe bài thuyết trình. Điều bất ngờ là bài thuyết trình thật công phu và thật hay. Điểm cho toàn tổ là 7, riêng hai em thuyết trình viên là 8. Vậy là vẹn cả đôi bề, thầy không hẹp hòi mà trò cũng được tưởng thưởng xứng với "công lao". Rồi chừng như mọi việc sau đó tự lắng dịu, năm học kết thúc các em thi tốt nghiệp ra trường, thầy trò bình yên vô sự!

3. Để Những Mai Này

Hình ảnh buổi họp mặt lớp 12C nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam tháng 11, 2019 

Bốn mươi năm, câu nói thật ngắn ngủi mà cả một đời người. Thời gian trôi đi theo dòng chảy “trăm năm là ngắn, một ngày dài ghê”, như nhà thơ Tản Đà đã viết. Năm năm dạy trường cấp 3 R.S, hình ảnh tôi mang theo không nhiều nhưng cũng đủ một đời để nhớ. Ngôi trường đổi tên, cổng trường lớp học đã khác, khang trang cao đẹp hơn ngày trước, nhưng ký ức luôn giữ nguyên hình ảnh môt thời. Một lần về Việt Nam năm 2011, tôi và gia đình có ghé thăm trường. Thoáng chốc, chỉ đủ ghi lại vài bức ảnh của ngôi trường hôm nay. Thay đổi là quy luật tất yếu của sự vật, nhìn sân trường với khuôn mặt, tà áo trắng bay lượn của thế hệ tương lai, không hiểu sao tôi thương nhớ vô cùng những hình bóng của một thế hệ hôm qua. Những lớp học thấp, bàn ghế chông chênh học sinh với muôn màu muôn vẻ, có gì mặc nấy tô thắm đậm cả một sân trường. Màu nắng của sân trường năm xưa và hôm nay, chừng như cũng có chút gì đó nhạt mờ. Đôi mắt tôi đã đổi thay hay nắng thời gian đã nhuốm màu năm tháng? Câu trả lời có lẽ nằm sâu trong mỗi vùng tâm cảnh của chúng ta? Ký ức chỉ là phần bé nhỏ của lịch sử, không có hôm qua làm sao có được một hôm nay và trước mặt. Tôi hôm nay là của hôm qua có được. Kỷ niệm là của hôm qua nhưng là bông hoa tươi thắm của hiện tại và tương lai.

Cả lớp 50 học sinh, nay mỗi người một nơi, mỗi hoàn cảnh mỗi cuộc đời, cố gắng gom góp lại chỉ còn không quá chiều ngang của bức ảnh. Có nhiều em, nếu gặp lại tình cờ, chắc chắn tôi không thể nào nhận ra. Xin nói thêm, trong bức ảnh họp mặt năm 2019 bên trên, chỉ còn lại một em trong "nhóm âm mưu" của 40 năm về trước. Cô học trò nhỏ đã thành người, gia đình hạnh phúc và lên cả chức "bà ngoại"... Thời gian đã xóa nhòa bao bóng hình của quá khứ. Nhưng cũng chính thời gian mài dũa "long lanh" bao góc cạnh của cuộc đời. Những người khách qua chuyến đò năm ấy, nay tóc cũng điểm sương, "thầy trò tóc bạc như nhau"! 

Kỷ niệm luôn đẹp và trân trọng dù ở bất cứ lứa tuổi nào. Viết những dòng chữ này hôm nay, nhiều thầy cô và các em đang sống trên quê hương hay cùng khắp một vùng đất nào đó của mặt địa cầu; xin hãy xem bài viết này của tôi như một ký ức, một kỷ niệm thật đẹp trên dòng chảy đời người. Với các thầy cô, các em đã vĩnh viễn rời cuộc đời tạm, vào cõi vĩnh hằng, thì đây như nén hương lòng thương tưởng, tôi xin kính dâng...

"... Giã biệt bạn lòng ơi!
"Thôi nay xa cách rồi, kỷ niệm mình xin nhớ mãi
"Buồn riêng một mình ai chờ mong từng đêm gối chiếc
"Mối u hoài này ai có haỵ
"Nếu ai đã từng nhặt hoa thấy buồn,
"Cảm thông được nỗi vắng xa người thương
"Màu hoa phượng thắm như máu con tim
"Mỗi lần hè thêm kỷ niệm
"Người xưa biết đâu mà tìm? (Nỗi Buồn Hoa Phượng - Thanh Sơn)



Durham, North Carolina
Người Chợ Vãng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét