Đến năm 1963, vì lý do an ninh lãnh thổ, Tổng Thống VNCH tách các quận Đức Long (khu trù mật Vị Thanh cũ), Long Mỹ, Kiên Hưng (Gò Quao), Kiên Long và Kiến Thiện của tỉnh Rạch Giá và Sóc Trăng để thành lập tỉnh Chương Thiện.
Từ Cần Thơ đi theo quốc lộ 4 qua ngã bảy Phụng Hiệp, Vũng Thơm, nếu đi thẳng sẽ đến Sóc Trăng, rẽ phải trên quốc lộ là tiếp tục đi về Bạc Liêu, một vùng đồng ruộng thênh thang, cò bay thẳng cánh. Bắt đầu từ phía Nam của Phụng Hiệp chạy dày đến Quản Long, chúng ta đã thấy rải rác các sóc Miên dọc theo quốc lộ 4 cũng như tận trong các vùng sâu. Họ là hậu duệ của những người Thủy Chân Lạp đã định cư ở đây rất lâu đời, có thể vào những thế kỷ thứ 7 hoặc 8, ngay khi vương quốc Phù Nam sụp đổ. Rồi sau này khi lưu dân người Việt bắt đầu di cư đến Nam kỳ, thì họ lại lui dần về các vùng sâu. Có lẽ vì không hợp với người Việt về phong tục tập quán nên hễ người Việt đi đến đâu là họ cứ lui dần và lui dần. Từ Mô Xoài lui về Tầm Bôn (Tân An), rồi từ Tầm Bôn lui về Lôi Lạp (Gò Công), rồi từ Lôi Lạp lui về Tầm Phong Long (Châu Đốc, Sa Đéc, Vĩnh Long, Trà Vinh), rồi từ Tầm Phong Long lui về những vùng mà ngày nay chúng ta gọi là Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Đa số những người Miên ở các vùng Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau thường trong các phum sóc, gần gủi với người Triều Châu (Tàu), họ thường làm ruộng rẫy. Thời Nguyễn Ánh còn lẩn trốn quân Tây Sơn, thì ông thường lui tới vùng mà bây giờ là Sóc Trăng và Bạc Liêu.
Sau khi chiếm xong Nam Kỳ, người Pháp chia tỉnh An Giang ra làm bốn tỉnh: Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ và một phần phía cực Nam của tỉnh An Giang và một phần cực Nam của tỉnh Hà Tiên (vùng Bạc Liêu bây giờ) để thành lập tỉnh Sóc Trăng. Sóc Trăng nằm bên bờ sông Hậu và dung chứa ba cửa của con sông này (Ba Thắt, Định An và Tranh Đề) nên toàn tỉnh là một vùng đất bồi trũng, thấp thoáng có một vài giồng cao hình vòng cung (đó là những bờ biển ngày xưa), đất giồng thường là đất cát pha trộn đất sét, rất mầu mỡ, thuận tiện cho việc cất nhà và lập vườn cây ăn trái, hay làm rẫy. Thường thì giữa giồng là những dãy ruộng trũng. Sau khi chiếm xong Nam Kỳ, Pháp cho đào nhiều kinh xẻ dọc xẻ ngang, nhằm giúp dẫn thủy nhập điền và tháo phèn ở những vùng trũng, nhưng mục đích chính của họ là dễ dàng trong việc vận chuyển lúa gạo về tỉnh hay lên Sài Gòn.
Sóc Trăng là một trong những tỉnh trù phú nhất của miền Tây, nằm cách Sài Gòn 230 cây số, cách Cần Thơ 60 cây số. Cũng như hầu hết các địa danh ở miền Nam, Sóc Trăng là chữ đọc trại theo âm của tiếng Khmer, có nghĩa là “Xứ nhiều vàng bạc châu báu.” Về vị trí của Sóc Trăng thì Bắc và Tây Bắc giáp Cần Thơ, Nam giáp biển Đông, Tây giáp Bạc Liêu và Cà Mau, và Đông Bắc giáp Trà Vinh và Vĩnh Long. Trước năm 1975, tỉnh Sóc Trăng gồm có tỉnh lỵ Sóc Trăng và 8 quận gồm các quận Kế Sách, Mỹ Xuyên (Bãi Sào), Lịch Hội Thượng, Mỹ Tú, Thuận Hòa, Ngã Năm, Hòa Tú, Long Phú và Thạnh Trị.
Diện tích toàn tỉnh Sóc Trăng là 4.500 cây số vuông. Về khí hậu, Sóc Trăng thuộc vùng khí hậu nhiệt đới, tuy nhiên, nhờ xung quanh là biển nên tiết trời cũng tương đối dễ chịu, nhiệt độ trung bình quanh năm khoảng 27 độ C. Có hai mùa Mưa Nắng rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 với gió mùa Tây Nam với lượng nước mưa gần 1.5 li hằng năm, và mùa nắng từ tháng 12 đến tháng 4 với gió mùa Đông Bắc. Sóc Trăng ít khi bị bão và hạn hán kéo dài. Dân số Sóc Trăng năm 1894 khoảng 105.000 người, gồm người Việt, người Miên và người Hoa; đến năm 1924 tăng lên 183.000 người. Trước năm 1975 vào khoảng 800.000 người.
Sau năm 1975, chính quyền Cộng Sản phân chia lại lảnh thổ nên Sóc Trăng chỉ gồm những quận sau đây: Kế Sách, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Long Phú, Vĩnh Châu, Cù Lao Dung và Ngã Năm, với tổng diện tích là 3.223 cây số vuông. va tổng dân số theo thống kê mới của chánh quyền Cộng Sản vào năm 2000 vào khoảng 1.350.000 người. Các quận đông dân nhất là Mỹ Xuyên, Long Phú (nhất là cù lao Dung nằm trên sông Hậu), Kế Sách, và Thạnh Trị; quận ít dân cư nhất là Hòa Tú. Đa số là người Kinh, chiếm khoảng 65%, người Khmer chiếm khoảng 27%, người Hoa khoảng 7%, còn lại là các dân tộc khác. Đa số dân Sóc Trăng theo đạo Phật, tuy nhiên, trong thời Pháp thuộc, do sự nâng đỡ của chính quyền thuộc địa nên đạo Thiên Chúa cũng phát triển. Khoảng giữa thế kỷ 20, đạo Phật Giáo Hòa Hảo khởi xướng từ An Giang cũng phát triển khá mạnh ở Sóc Trăng. Hiện nay Sóc Trăng là một trong những nơi có nhiều tôn giáo lớn ở Nam Việt như Phật giáo, Thiên Chúa, Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành...
Đài Chiến Sĩ và Bưu Điện Sóc Trăng Gánh hàng rong chợ Sóc Trăng
Cũng như các tỉnh ven biển ở Nam Việt, Sóc Trăng cũng có một bờ biển, tuy không dài như Bạc Liêu và Cà Mau, cũng đủ cung cấp hải sản cho dân trong tỉnh. Tuy Sóc Trăng hãy còn rất nhiều vùng thấp trũng úng phèn như các vùng Mỹ Tú và Thạnh Trị, những vùng dọc theo sông Hậu kéo dài đến sông Mỹ Thanh đất đai phì nhiêu mầu mỡ với nguồn nước ngọt quanh năm. Ngoài ra, những vùng như Kế Sách, một phần của Mỹ Tú, và Long Phú tuy nằm trong sâu, nhưng thế đất khá cao, gần nguồn nước ngọt, và việc tháo nước ủng phèn cũng dễ dàng, nên dân các vùng này thường đào giếng lấy nước xài được quanh năm.
Còn lại các vùng khác, thuộc vùng phù sa mặn, tuy việc thoát nước phèn không bị trở ngại, nhưng thiếu nước ngọt vào mùa khô. Khoảng 85% dân chúng trong tỉnh làm ruộng rẫy. Lúa gạo là nông phẩm chính của tỉnh, thường toàn tỉnh chỉ sử dụng 1/3 số lượng lúa gạo, còn lại 2/3 xuất cảng hàng năm. Tuy đồng bào Khmer chỉ chiếm khoảng 27%, và người Hoa chỉ khoảng 7%, nhưng khắp nơi trong tỉnh đâu đâu người ta cũng tìm thấy sắc thái thật đặc sắc của hai dân tộc này. Dọc theo trục lộ Bắc Nam trong tỉnh, có khoảng 90 chùa Miên và 50 chùa của người Việt và người Hoa. Người Khmer theo đạo Phật Theravada (Nam Tông), và các chùa Khmer có lối kiến trúc thật độc đáo và trang nghiêm. Với người Khmer, ngôi chùa chính là trung tâm văn hóa, nơi tổ chức các lễ hội lớn hàng năm, nơi học kinh, học chữ, và học đạo lý làm người tu thân.
Ngoài ra, chùa còn là nơi lưu giữ những giáo điển và sách sử của dân tộc. Mỗi chùa đều có lối kiến trúc đặc sắc riêng biệt, tuy nhiên, chùa Khmer nào cũng xoay mặt về hướng Đông. Những Chùa Khmer nổi tiếng như Chùa Dơi (hay chùa Mã Tộc đã được xây dựng cách nay hơn 400 năm), nằm cách thị xã Sóc Trăng chưa đầy 2 cây số. Khuôn viên chùa rợp bóng mát của các cây cổ thụ nên có hàng vạn con dơi đến đây trú ngụ, chính vì thế mà người ta gọi nó là chùa Dơi. Cứ khoảng 6 giờ chiều là chúng bay đi kiếm ăn, đến 5 giờ sáng hôm sau là bay về ngủ trên các tàng cây trong sân chùa.
Tuy nhiên, dơi ở đây không bao giờ ăn trái cây trong sân chùa. Đối diện với chùa Dơi là một kiến trúc cũng theo kiểu chùa, nhưng không phải là chùa, mà là nơi lưu trữ những hiện vật nói lên đời sống của dân tộc Khmer như áo quần, trang phục, nhạc cụ, vân vân. Người dân ở đây gọi đó là viện Bảo Tàng của người Khmer. Chùa Khơ-leng là một trung tâm văn hóa lớn của người Khmer tại đây, được xây dựng vào năm 1533.
Hiện nay tại chùa Khleang vẫn còn lưu trữ một bản sao tài liệu ghi chép từ thư tịch cổ, trong đó có nói đến nguồn gốc của đĩa danh Sóc Trăng. Theo đó, vào đầu thế kỷ thứ 16, một viên quan cai quản vùng Sóc Trăng tên là Tác, đã cho xây dựng nhà kho để tích trữ sản vật do dân chúng quyên góp. Từ đó ông đặt tên cho vùng này là Srosk Khleng. Khi người Việt đến định cư họ đọc trại lại là Sóc Trăng. Đến năm 1532, ông Tác vâng mệnh vua Ang Chan của Chân Lạp, xây dựng một ngôi chùa và lấy địa danh ấy mà đặt cho chùa là “Khleang.
Chùa Đất Sét (hay Bảo Sơn Tự của người Việt, được xây từ năm 1906 với lối kiến trúc và điêu khắc thật đặc sắc vì tất cả những pho tượng và những bức hoành phi đều làm bằng đất sét trộn với vỏ cây. Tại đây có tám cây nến mỗi cây nặng 200 kí lô, cao 2.6 mét, sáu cây còn nguyên hảo, và hai cây đang được thắp sáng mỗi ngày). Ngoài ra, Sóc Trăng còn có chùa Sà Lôn hay chùa Chén Kiểu, rất nổi tiếng. Chùa nằm trên quốc lộ 4 (nay là quốc lộ 1A), từ Sóc Trăng đi Bạc Liêu và cách Sóc Trăng chừng 12 cây số. Nét đặc sắc của ngôi chùa là việc sử dụng những mảnh chén bát, dĩa sứ ốp lên tường để trang trí, chính vì vậy mà chùa còn được gọi là chùa Chén Kiểu. Tại tỉnh lỵ Sóc Trăng, người ta có thể tìm thấy những khu phố của người Hoa mà đa phần là người Triều Châu.
Sinh hoạt văn hóa trong tỉnh rất đa dạng với những lễ Tết của người Kinh và người Hoa, có thể nói Sóc Trăng là xứ sở của lễ hội, hàng năm thu hút đông đảo khách thập phương về đây dự lễ và thưởng ngoạn. Những lễ hội chính của người Khmer như Chul-Ch’nam-Thmay, Ok-om-bok, và Dolta... với các cuộc đua ghe ngo và những vũ điệu Lam-thol. Lễ Ok-Om-Bok của người Khmer vùng Sóc Trăng cũng giống như lễ Ok-Om-Bok của người Khmer ở Trà Vinh. Vào ngày rằm tháng 10, ban ngày thì người ta tổ chức đua ghe ngo, còn tối đến khi mặt trăng vừa ló dạng thì người ta bày lễ vật trước sân chùa hoặc sân nhà gồm đủ thứ nào cốm dẹp, chuối chín, dừa tươi đã lột vỏ, khoai lang, khoai mì...
Các gia đình làm lễ cúng và thả những chiếc đèn giấy bay lên trời, những chiếc đèn lồng khác được đặc trên những chiếc bè với đủ đầy lễ vật, trôi trên các sông rạch lung linh huyền ảo. Ngoài ra, ngày mồng một tháng 8 âm lịch, người Khmer Sóc Trăng còn mở hội tế Thần Linh, lễ hội kéo dài 15 ngày. Trong suốt thời gian ấy, các gia đình đến chùa nhờ sư sãi tụng kinh cầu an cho người sống và cầu siêu cho người quá vãng. Tục truyền thuở xưa vua Pimpisar, một đêm kia nghe tiếng kêu đòi ăn uống trong hoàng cung, vua bèn hỏi các sư sãi thì được biết đó là bọn ma đói đi lang thang đòi ăn uống, muốn yên phải cúng lễ, nên từ đó người Khmer mở hội tế thần linh, để cúng tế cho thần linh và người chết.
Về kinh tế thì Sóc Trăng là một trong những tỉnh trù phú nhất của miền Tây. Phần đất Sóc Trăng dọc theo bờ sông Hậu giang với cù lao Dung được phù sa bồi đắp, và bên trong đất liền, Sóc Trăng có những vùng như Kế Sách và Đại Ngãi với bạt ngàn ruộng đồng và vườn tược xanh tươi, nào vườn mận, vườn xoài, vườn ổi, chôm chôm, nhãn. Cây trái Sóc Trăng tuy không nổi tiếng như Bến Tre, Bình Dương hay Lái Thiêu, nhưng phẩm chất và số lượng trồng trọt cũng không thua những nơi đó. Nhất là trái cây của các quận Ngã Năm, Thuận Hòa và Thạnh Trị chẳng những được bán lên Sóc Trăng hay Bạc Liêu, mà còn được đưa lên Cần Thơ và Sài Gòn nữa. Riêng hai quận Kế Sách và Long Phú, nổi tiếng về xoài, mận, chôm chôm và ổi đủ loại. Bên cạnh đó Sóc Trăng còn có một vùng biển khá dài với đầy đủ những hải sản như cua, tôm, sò, ốc, nghêu, vọp, và đủ loại cá biển, dư dùng cho nhân dân toàn tỉnh và còn xuất khẩu sang các tỉnh lân cận như Cần Thơ, Chương Thiện, Vĩnh Long, Long Xuyên, vân vân. Đặc biệt là tôm thẻ và cá gộc của xã Trung Bình (thuộc quận Lịch Hội Thượng), cua và cá biển của xã An Thạnh Nhì (nằm trên cù lao Dung thuộc quận Long Phú), cá cháy của xã Đại Ngãi (quận Kế Sách) và xã An Thạnh Nhất (nằm trên cù lao Dung thuộc quận Long Phú). Nói về thủy sản và hải sản trong tám quận thuộc tỉnh Sóc Trăng thì luôn luôn dư dùng trong tỉnh, nên ngoài việc bán qua các tỉnh lân cận, khoảng 60% thủy sản và hải sản còn lại được dân chúng làm cá khô, tôm khô hay mắm để chở đi Cần Thơ và Sài Gòn.
Về chăn nuôi thì Sóc Trăng nuôi rất nhiều trâu, bò, heo, dê, gà, vịt, cá, tôm nước ngọt, vân vân, đặc biệt xã An Thạnh Nhì (nằm trên cù lao Dung thuộc quận Long Phú) còn nuôi rất nhiều vịt thả rong trong đồng sau mỗi vụ mùa. Khoảng trên 50% số lượng gia súc chăn nuôi được xuất cảng sang các tỉnh lân cận hay lên Cần Thơ và Sài Gòn. Ruộng lúa Sóc Trăng nổi tiếng thơm ngon, vì đất đai phì nhiêu nên mỗi công ruộng thường cho ta trung bình từ 25 đến 35 giạ lúa. Tại chợ Khánh Hưng và ngay cả những chợ quận tại Sóc Trăng có rất nhiều nhà máy chà lúa cho dân trong tỉnh. Tuy nhiên, đa phần lúa gạo Sóc Trăng dư dùng nên được chở lên Cần Thơ hay Sài Gòn để xuất cảng ra nước ngoài (khoảng trên 85% lúa gạo Sóc Trăng được xuất cảng).
Về lâm sản, Sóc Trăng không có rừng lớn, cũng không có gò cao thích hợp với những cây cho ra gỗ quý nên phải mua các loại gỗ quý từ các tỉnh miền Trung để cung ứng cho kỹ nghệ đồ gỗ trong tỉnh. Tuy không có gỗ quý, nhưng Sóc Trăng là tỉnh sản xuất thật nhiều dừa (không thua gì Bến Tre). Ngoài cho trái ra, thân dừa lâu năm còn được dân các vùng quê cùng làm cột nhà, rất chắc và rất bền. Sóc Trăng là một tỉnh trù phú về mọi mặt, nên dân trong tỉnh đa phần khá giả và thường cơ giới hóa trong mọi lãnh vực từ máy cày, máy xới, máy chạy thuyền bè, máy phát điện, máy bơm nước.
Chính vì thế mà nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu trong tỉnh rất cao, không kém gì các tỉnh lớn ở miền Nam như Mỹ Tho và Cần Thơ. Ngoài ra, Sóc Trăng còn nổi tiếng với bánh cống Sóc Trăng (loại bánh có hình trụ, làm bằng bột và đậu xanh, tép hoặc tôm, và thịt bằm), bánh pía và lạp xưởng Vũng Thơm. Về nghệ thuật thì có lẽ hiện nay chỉ có Trà Vinh, Sóc Trăng, và Bạc Liêu là hãy còn ca kịch Dù Kê (một thứ giống như cải lương của người Khmer).
Ngoài ra, tuy không có núi non hùng vĩ hay những bờ biển cát vàng cát trắng, Sóc Trăng vẫn còn nhiều nơi đáng được thăm viếng, như Hồ Nước Ngọt, nằm ngay trên đường đi vào thị xã Sóc Trăng, hồ rộng hơn 30 mẫu tây, với những hàng dương liễu rủ xuống mặt hồ trông rất thơ mộng. Tại quận Kế Sách có cồn Mỹ Phước, nằm giữa sông Hậu Giang, cách Kế Sách chừng 10 cây số. Trên cồn người ta tìm thấy những khu vườn cây ăn trái đầy hoa quả quanh năm, là nơi nghỉ mát lý tưởng cho khách du lịch từ thành thị không kém gì cù lao An Thành của tỉnh Vĩnh Long. Cách thị trấn Phú Lộc chừng 20 cây số, trong quận Ngã Năm, có vườn cò Tân Long với một sân chim thật lớn, nơi trú ngụ của hàng vạn loại chim cò, sống trên những ao đầm thiên nhiên.
Người Long Hồ
Kính mời độc giả xem các Links Về Miền Tây của Tác Giả Người Long Hồ.
Về Miền Tây - Bài 1
Về Miền Tây - Phần 2
Về Miền Tây - Phần 3
Về Miền Tây - Phần 4
Về Miền Tây - Phần 5
Về Miền Tây - Phần 6
Về Miền Tây Bài - Phần 7
Về Miền Tây Bài - Phần 8
Về Miền Tây Bài - Phần 9
Về Miền Tây - Bài 1
Về Miền Tây - Phần 2
Về Miền Tây - Phần 3
Về Miền Tây - Phần 4
Về Miền Tây - Phần 5
Về Miền Tây - Phần 6
Về Miền Tây Bài - Phần 7
Về Miền Tây Bài - Phần 8
Về Miền Tây Bài - Phần 9
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét