Thứ Tư, 9 tháng 8, 2017

Người Phụ Nữ Gốc Việt Tham Gia Đóng Mẫu Hạm USS George H.W. Bush


Chắc hẳn nhiều người Việt đã nghe đến cái tên Hàng không mẫu hạm USS George H. W. Bush của Hải quân Hoa Kỳ, tuy nhiên có lẽ còn khá ít người biết rằng trong số những người tham gia dự án đóng con tàu này có một phụ nữ gốc Việt. Người phụ nữ đó là bà Giao Phan, hiện là Phó Giám đốc cơ quan quản trị các chương trình tiếp thu quân dụng của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ. Trong câu chuyện phụ nữ kỳ này, bà Giao Phan sẽ chia sẻ với quí vị những điều mọi người ít biết đến về Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ. 

Hàng không mẫu hạm USS George H. W. Bush là một trong những tàu chiến lớn nhất trên thế giới và là hàng không mẫu hạm thuộc chủng loại Nimitz class thứ 10, hay còn được gọi là siêu Hàng không Mẫu hạm, của Hải quân Mỹ. Dự án xây dựng mẫu hạm này được bắt đầu từ năm 2001 và kết thúc vào năm 2009.

Vào thời gian đó khi còn trên cương vị Trợ lý Giám đốc Dự án, bà Giao Phan được giao nhiệm vụ giám các hoạt động liên quan đến việc thiết kế, xây dựng, kiểm tra, xác định và bàn giao chiếc tàu chiến được coi là niềm tự hào của Hải quân Hoa Kỳ này. 

Bà Giao nói rằng bà cảm thấy may mắn vì được giao nhiệm vụ quan trọng như vậy và hơn nữa việc tham gia dự án xây dựng mẫu hạm này còn có một ý nghĩa quan trọng hơn. 

“Lúc 30 tháng 4, Ba tôi với người Bác bay trên một máy bay trực thăng với ông phi công, chiếc máy bay đã cũ và không có đủ xăng. Lúc mà họ sợ máy bay bị rớt vì hết xăng cũng là lúc họ nhìn thấy một tàu của Hải quân Hoa Kỳ ở ngoài khơi, chính lúc đó họ đã cảm thấy dấu hiệu của sự sống và tự do. Bởi vậy, lúc nghe tôi nhận chức này, cả ba tôi và tôi đều sung sướng vì coi như đã trả được món nợ cho Hoa Kỳ, mà không có gì trả nợ cho xứng bằng là được tham dự vào dự án xây dựng một hàng không mẫu hạm tối tân nhất. Chiến hạm này còn là biểu tượng cho quyền tối cao của hải quân Hoa Kỳ, cho nên tôi rất thích.”

Bà Giao Phan và gia đình sang Mỹ định cư sau khi cuộc chiến tranh kết thúc lúc bà mới 15 tuổi. Bà còn nhớ đó là giai đoạn khó khăn nhất của gia đình mình. Bà kể rằng từ một gia đình thượng lưu ở Việt Nam, nhưng khi qua Mỹ gia đình bà đã phải sống nhờ vào các khoản tiền trợ cấp của chính phủ Hoa Kỳ, từ trợ cấp y tế cho tới quần áo, trong một thời gian dài, vì công việc duy nhất mà Ba của bà tìm được là công việc lao công trong khách sạn. 

Bà nói rằng nếu không có sự giúp đỡ đó của chính phủ Mỹ thì chị em bà đã không có được sự thành công như ngày hôm nay. Chính vì luôn mang ơn sự cưu mang của nước Mỹ nên bà đã gia nhập Hải quân Hoa Kỳ sau khi tốt nghiệp ngành kỹ sư công chánh tại Đại học Công nghệ Virginia (Virginia Polytechnic Institute) vào năm 1984 với mong muốn làm một điều gì đó để trả nợ cho quê hương thứ hai của mình. Bà Giao đã làm việc cho Hải quân Hoa Kỳ trong suốt hơn 20 năm sau đó. 

Vào ngày xảy ra vụ khủng bố 11/9/2001, bà cũng là người đã có mặt tại Ngũ Giác Đài, một trong những địa điểm bị tấn công. Sự kiện đó đã làm bà bắt đầu chú ý và ngưỡng mộ Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ vì những hoạt động đối phó với các hoạt động khủng bố của họ, rồi sau đó là các hoạt động đối phó với trận bão Katrina. Bà đã tự hỏi không biết mình có thể làm gì để đóng góp vào những công việc quan trọng như vậy. 

 Bà Giao nói không có gì trả nợ Hoa Kỳ cho xứng bằng việc được tham dự vào dự án xây dựng một hàng không mẫu hạm tối tân nhất. 

Nhưng mãi tới năm 2007, cơ hội được làm việc cho Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ mới đến với bà khi bà được chọn vào vị trí lãnh đạo cao cấp cho cơ quan tiếp thu quân dụng (US Coast Guard’s Acquisition Programs).

Hiện tại, trên cương vị phó giám đốc, bà quản lý và giám sát dự án tiếp thu quân dụng trị giá 27 tỷ đôla, trong đó gồm việc duy trì và hiện đại hóa các loại máy bay, tàu chiến v..v để phục vụ cho nhiều hoạt động trên biển của lực lượng tuần duyên. Bà cũng đứng trong hàng ngũ những nhân viên dân sự cấp cao nhất trong Lực lượng Bảo vệ Bờ biển, đơn vị quân sự duy nhất trong khuôn khổ Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ. 

Bà cho biết thêm về các hoạt động hiện tại của chương trình tiếp thu quân dụng mà bà chịu trách nhiệm:

“Lực lượng bảo vệ bờ biển muốn đạt được kết quả mỹ mãn trong các nhiệm vụ cao cả, thì chúng tôi cần được trang bị với các phi cơ, phản lực, trực thăng, tàu bè mới và tối tân, nhưng hiện nay các tàu bè và máy bay này cũ quá. Vì vậy công việc chúng tôi làm là cơ quan quản trị là phải theo dõi các hoạt động từ việc đấu thầu cho tới việc kiểm tra diễn tiến đóng tàu của nhà thầu, rồi sau đó bàn giao cho tàu mới hay máy bay mới. Mới đây chúng tôi cũng vừa hoàn tất hai tuần dương hạm lớn nhất và tối tân nhất chưa từng có trong lực lượng, cùng hàng trăm chiếc tàu nhỏ để thay thế những chiếc tàu cũ, rồi cũng hoàn thành 10 phi cơ và trực thăng để bổ sung vào tổng số máy bay mà hiện nay được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động ngày càng gia tăng của lực lượng.”

Bà Giao cho biết mặc dù phải đảm trách rất nhiều nhiệm vụ quan trọng, nhưng lực lượng bảo vệ bờ biển lại được ít người biết tới:

“Tôi nhận thấy so với những binh chủng khác của quân đội Hoa Kỳ thì Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ không được nhiều người biết tới cho lắm, tuy rằng chúng tôi đã gặt hái được nhiều thành quả trong nhiều lĩnh vực và có rất nhiều trách nhiệm đối với người dân Hoa Kỳ. Nhất là mới đây lực lượng đã được chính phủ Hoa Kỳ giao cho vai trò lãnh đạo tất cả các cơ quan của chính phủ liên bang trong việc đối phó với dầu loang ở vịnh Mexico. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ, tức U.S Coast Guard, được thành lập vào năm 1790 và hiện có hơn 40 ngàn nhân viên đang phục vụ khắp mọi nơi trên Hoa Kỳ. Tuy nhiên, rất ít người biết là lực lượng này đã ra đời trước cả hải quân Hoa Kỳ.”

Bà Giao Phan giải thích thêm rằng sở dĩ bà gọi U.S Coast Guard là Lực lượng Bảo vệ Bờ biển thay vì Lực lượng Tuần duyên vì nhiệm vụ của lực lượng này vượt ra ngoài các hoạt động tuần duyên thông thường. Bà nói thêm về tầm quan trọng của lực lượng bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ:

“Tôi thấy ngoài nhiệm vụ tuần duyên để ngăn chặn các vụ phạm pháp dọc bờ biển, bảo toàn an ninh, lực lượng Hoa Kỳ này còn có nhiệm vụ bảo vệ môi sinh ngoài biển cũng như cứu hộ nhiều người lâm nạn ở đại dương. Bởi vì những nhiệm vụ cao cả này mà lực lượng còn được gọi là người bảo vệ bờ biển. Và khẩu hiệu của chúng tôi là ‘Semper Paratus’ tức là ‘Luôn luôn sẵn sàng’.”

Không chỉ nắm giữ nhiều chức vụ cao cấp trong Hải quân cũng như Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ, bà Giao Phan cũng đã nhận được những giải thưởng cao quí nhất mà Hải quân Mỹ trao tặng cho những nhân viên dân sự có thành tích và những đóng góp suất sắc nhất, trong đó gồm có những huân chương như Superior Civilian Service Award vào năm 2006, và Navy Meritorious Civilian Award vào năm 2004.

Bà Giao Phan khiêm tốn nói về những thành tích mà bà đạt được:

“Được vinh danh những giải thưởng này thì thực sự tôi rất mắc cỡ vì bối rối. Ai cũng biết đâu có người nào có thể đạt được thành công một mình đâu. Bởi vậy, tôi rất ngạc nhiên và rất vinh dự nhưng cũng biết là mình đã may mắn được làm việc chung và được học hỏi trong nhiều năm qua lúc phục vụ hải quan và lực lượng bờ biển Hoa Kỳ, tôi cảm thấy mình còn mang nợ nhiều hơn nữa với những giới lãnh đạo cao cấp của mình, cũng như các bạn đồng nghiệp và nhân viên của mình. Những lúc như vậy tôi cảm thấy mình may mắn và được nhiều người trợ giúp quá.”

Bà Giao cho biết có rất nhiều cơ hội để các bạn trẻ gốc Việt có thể tham gia vào lực lượng bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ cũng như cơ hội để các bạn thăng tiến tại đơn vị này, nhưng điều quan trọng là phải có niềm tin và quyết tâm cao:

“Tôi tin tưởng rất mạnh vào câu châm ngôn của Việt Nam ‘Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi cách, sông ngăn’. Do đó với lớp trẻ thì tôi có một lời nhắn nhủ các em là điều quan trọng nhất là dù có đi đường nào chăng nữa thì cũng phải đạt được một trình độ đại học, phải học thật tốt vì đó là một nền tảng vững chắc đưa tới sự phát triển sự nghiệp trong tương lai. Cho dù các em có chọn bất cứ ngành nào thì cũng phải có lòng đam mê với công việc và phải linh hoạt và thích ứng với sự thay đổi.” 

Quí vị có thể tìm hiểu thêm về bà Giao Phan cũng như các hoạt động của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ tại trang web: www.uscg.mil.

Lão Mã Sơn/Trần Gò Công - Sưu Tầm từ Net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét