Tổng Quan Về Hai Trạm Thu Thuế Kas Krobei Và Prei Nokor:
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà địa chất học, vùng Bến Nghé nói riêng và toàn vùng Nam Kỳ nói chung, đã được thành hình cách đây khoảng trên dưới 6.000 năm, vào đợt biển thoái lần cuối cùng. Nhờ vậy mà toàn bộ vùng mà bây giờ chúng ta gọi là Nam Kỳ xuất lộ. Sau đó phù sa từ sông Cửu Long đã phủ lên mặt đất tại đây một lớp đất mầu mỡ. Vào khoảng thế kỷ thứ nhất sau tây lịch, vương quốc Phù Nam đã thành hình trên vùng đất nầy, nhưng đến cuối thế kỷ thứ VI, vương quốc nầy đã bị triệt tiêu và mãi cho đến ngày nay sự biến mất của vương quốc nầy vẫn còn trong nghi vấn. Từ khoảng thế kỷ thứ VII đến cuối thế kỷ thứ VIII, vùng Kas Krobei và Prei Nokor cũng như toàn vùng Thủy Chân Lạp đều chịu ảnh hưởng của nền văn minh Angkor. Đến đầu thế kỷ thứ IX, vương quốc Chân Lạp bị chia làm hai, đó là vùng Lục Chân Lạp(1) và vùng Thủy Chân Lạp(2). Kể từ đây Thủy Chân Lạp không còn chịu ảnh hưởng của Angkor cho đến thế kỷ thứ XI. Từ thế kỷ thứ XII trở về sau nầy, khi vương quốc Chân Lạp đang trên đà suy yếu và phải luôn đối đầu với Xiêm La và Mã Lai về phía Tây và Tây Bắc, thì hai vùng Kas Krobei và Prei Nokor luôn là điểm tranh chấp giữa Champa và Chân Lạp. Đến khi Xiêm La đã lấn chiếm toàn bộ vùng đất phía Tây Bắc Cao Miên ngày nay, họ lại dòm ngó sang vùng đất phía Đông và phía Nam Cao Miên. Chính vì vậy mà kể từ thế kỷ thứ XVII mãi đến giữa thế kỷ thứ XIX, hai vùng Kas Krobei và Prei Nokor(3) luôn bị vương quốc Xiêm La dòm ngó. Lịch sử cho thấy Xiêm La đã nhiều lần phát động những cuộc chiến tranh những mong lấn chiếm toàn bộ vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là Nam Kỳ. Tuy nhiên, kể từ thế kỷ thứ XVII trở về sau nầy, do những nguyên nhân chủ quan và khách quan, thế lực và ảnh hưởng của xứ Đàng Trong ngày càng mạnh đối với vương quốc Chân Lạp. Nói về những nguyên nhân chủ quan, thứ nhất là dân số Việt Nam tại xứ Đàng Trong ngày càng tăng nhanh nên họ phải đi lần về phương Nam tìm đất sống; thứ nhì hai họ Trịnh Nguyễn đang tranh chấp quyền lực nên các chúa Nguyễn phải thiết lập một hậu cứ vững chắc ở phương Nam để đối đầu với họ Trịnh. Bên cạnh đó có hai nguyên nhân khách quan đã góp phần không nhỏ cho sự hiện diện của người Việt Nam trên mảnh đất nầy, thứ nhất là vương quốc Xiêm La lúc nào cũng hà hiếp Chân Lạp khiến các vua Chân Lạp phải ngã hẳn về phía Đàng Trong để mong được sự che chở và bảo vệ; thứ hai là vào hậu bán thế kỷ thứ XVII, một số di thần nhà Minh không phục Thanh triều nên đã đến xứ Đàng Trong xin tỵ nạn và đã được chúa Nguyễn cho vào đây khẩn đất.
Sự Ngộ Nhận Về Hai Vùng Đất Nằm Sát Cạnh Nhau: Kas Krobei Và Prei Nokor
Mãi đến ngày nay có nhiều người lầm tưởng vùng Prei Nokor chính là trung tâm Sài Gòn ngày nay. Kỳ thật, khi vua Chey Chetta II cho xứ Đàng Trong lập hai đồn thu thuế tại Prei Nokor và Kas Krobei, thì vùng Kas Krobei lại là vùng nằm khoảng trung tâm Sài Gòn ngày nay, còn vùng Prei Nokor nằm khoảng giữa Bình Chánh và Kas Krobei (Bến Nghé). Như vậy, vùng trung tâm Sài Gòn ngày nay phải là vùng Kas Krobei, tức vùng Bến Nghé khi xưa, còn vùng Chợ Lớn ngày nay phải là vùng mà chúng ta gọi là Prei Nokor thời đó. Đến năm 1776, sau khi nghĩa quân Tây Sơn đã triệt tiêu Cù Lao Phố, những người Hoa còn sống sót đã bỏ chạy về phía tây nam của vùng Bến Nghé, tức là khu Prei Nokor ngày trước, để lập nên khu Chợ Lớn ngày nay, và họ đặt tên cho khu định cư mới của họ là “Đê Ngạn”, theo âm Quảng Đông là “Thầy Ngòn”. Theo Aubaret và Francis Garnier, sau khi Cù Lao Phố bị đại quân Tây Sơn thiêu hủy, hầu như toàn bộ người Hoa tại đây đều xuôi về phía Tây Nam theo hướng Dĩ An, Thủ Đức, và qua khỏi Tân Bình... để lập nên một khu phố khác mà họ đặt tên là “Đê Ngạn”(4), đọc theo âm tiếng Hoa phổ thông là “Tỉ Án”, và người Việt đọc trại ra là “Tài Ngòn”, nhưng lâu dần âm nầy biến thành “Sài Gòn”.
Tuy nhiên, theo lịch sử của xứ Đàng Trong thì địa danh Sài Gòn đã có từ trước khi người Hoa từ Cù Lao Phố tràn về vùng Prei Nokor để xây dựng thành phố “Thầy Ngòn”. Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn, được viết vào năm 1776, thì ngay từ năm 1674, thống suất Nguyễn Dương Lâm đã vâng mệnh chúa Nguyễn đem quân vào đánh Chân Lạp và đã phá vỡ lũy “Sài Gòn”(5). Như vậy tên gọi Sài Gòn đã xuất hiện từ năm 1674 hoặc trước đó nữa. Theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, năm 1776, sau khi nghĩa quân Tây Sơn đã triệt tiêu cù lao Phố, những người Hoa còn sống sót đã bỏ chạy về phía tây nam Bến Nghé, tức là khu Prei Nokor ngày trước, để lập nên khu Chợ Lớn ngày nay. Họ gọi vùng Chợ Lớn nầy là “Thầy Ngòn”, và viết thành ‘Đê Ngạn’. Có lẽ người Việt mình phát âm trại ra là Sài Gòn, chứ thật ra “Thầy Ngòn” là tên mà người Hoa chỉ đặt cho vùng Chợ Lớn mà thôi. Trong khi đó, cũng chính những người Hoa tại “Thầy Ngòn” lại gọi vùng trung tâm Sài Gòn là “Tây Cống”, phát âm theo tiếng quan thoại là “Xi Koóng”.
Hai Thành Phố “Thầy Ngòn” Và “Sài Gòn” Hoàn Toàn Khác Nhau:
Như trên đã nói, sau năm 1776 những người Hoa còn sống sót trong vùng cù lao Phố đều bỏ chạy đến vùng phía tây nam Bến Nghé sinh để sinh sống tại một khu thị tứ có sẳn, đó là khu Prei Nokor dưới thời các chúa tiên triều nhà Nguyễn, và tại đây họ đã thành lập một thành phố mang tên là “Đê Ngạn”(4) và phát âm là “Thầy Ngòn”, và cũng chính những người Hoa tại “Thầy Ngòn”, tức thành phố Chợ Lớn ngày nay, lại gọi vùng trung tâm Sài Gòn là “Tây Cống”(6). Ngày nay, có lẽ chúng ta không thấy xa khi đi xe từ trung tâm thành phố Sài Gòn đến Chợ Lớn, nhưng vào thời điểm 1776 thì khoảng cách khoảng mười cây số ấy quả là xa. Đến khi người Pháp chiếm thành Gia Định, họ dư biết là cư dân địa phương gọi vùng nầy là Bến Nghé, nhưng có nhiều lý do khiến họ không gọi nó là Bến Nghé, thứ nhất vì họ phải trả một cái giá khá đắc về nhân mạng và những tổn thất nặng nề khác về chiến cụ để chiếm được vùng Bến Nghé, nên họ không mấy mặn mà với cái tên nầy, thứ nhì lúc người Pháp chiếm thành Gia Định, họ nghe người Hoa ở Chợ Lớn, tức vùng Prei Nokor ngày trước, gọi Bến Nghé là “Xi Koóng” nên họ cũng gọi trại theo là Sài Gòn. Và cũng kể từ đó họ dùng cái tên “Thầy Ngòn” để gọi chung cho cả Bến Nghé và Chợ
Lớn, nhưng họ nào có biết là địa danh Sài Gòn đã được xứ Đàng Trong dùng để gọi vùng Bến Nghé từ năm 1674. Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn, được viết vào năm 1776, thì ngay từ năm 1674, thống suất Nguyễn Dương Lâm đã vâng mệnh chúa Nguyễn đem quân vào đánh Chân Lạp và đã phá vỡ lũy “Sài Gòn”. Trong bài viết về “Hình Ảnh Sài Gòn” năm 1860, ông Louis Malleret đã viết: “Ở phần đất cao của thành phố, sau khi vượt qua Trường Thi, nơi kỵ binh và thủy binh đang đóng, người ta gặp nhiều lăng mộ và các vườn cây ăn quả ẩn mình trong các ngôi làng toàn nhà lá. Cuộc kê khai số đinh trong khu vực đô thị Sài Gòn-Chợ Lớn cho phép chúng ta xác định được một số những ngôi làng nầy. Đi theo con “đường chiến lược”, ngày nay trở thành phố Frère Louis(7), ta có thể tới được khu buôn bán lâu đời nhất (khu Chợ Lớn), trong đó Sài Gòn, đúng hơn là Bến Nghé, chỉ là một khu ngoại ô xa xôi...
Sách vở cho biết sự di cư của người Tàu tới Chợ Lớn bắt đầu từ năm 1778 và có lẽ sự kiện người Tàu rời bỏ các trung tâm ở sâu trong nội địa tới Chợ Lớn để chạy trốn cuộc chiến tranh của Tây Sơn là có thực. Nếu chú ý rằng Nam Kỳ xưa kia thuộc Cao Miên và trước khi có Chợ Lớn đã có một thành phố Khmer gọi là Prei Nokor thì ta có thể giả thuyết rằng người tàu đã ở Chợ Lớn từ rất sớm như đã ở khu vực Angkor và nhiều thành phố khác trong nước Cao Miên cổ. Nhìn từ trên máy bay, dấu vết của Prei Nokor là một đường bao với một trường đua ở bên trong. Với các đền chùa của các bang hội Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu của người Minh Hương..., chỉ riêng Chợ Lớn có đặc trưng của một thành phố.” Qua những chứng liệu vừa kể, chúng ta thấy hai thành phố “Thầy Ngòn” và “Tây Cống”, tức Sài Gòn, hoàn toàn khác biệt nhau.
Phải Chăng Kas Krobei Chính Là Vùng Bến Nghé?
Câu hỏi tự nó cũng là câu trả lời vì Kas Krobei là tiếng Khmer có nghĩa là “Bến Trâu”. Đó là nói về phần nguồn gốc Kas Krobei từ phía người Khmer. Bây giờ chúng ta thử tìm hiểu về nguồn gốc của địa danh Bến Nghé về phía người Việt Nam. Tưởng cũng nên nhắc lại là vào thế kỷ thứ XIV, nước Chân Lạp bị quân Mã Lai đánh phá dữ dội nên phải chịu thần phục Mã Lai. Sau đó Chân Lạp lại bị Xiêm La đánh chiếm. Trong khoảng thời gian chiến tranh giữa Xiêm La và Chân Lạp, một số dân Chân Lạp sống sót đã bỏ xứ chạy về trốn tránh trong vùng nầy. Có lẽ từ đó mà tại vùng mà bây giờ chúng ta gọi là Sài Gòn có những địa danh Khmer như Prinagaram (phố giữa rừng), Kas Krobei(8), và Prei Nokor(9), vân vân. Theo Phương Đình Dư Địa Chí, sông Tân Bình chảy qua vùng phía bắc huyện Bình Dương khoảng 5 dặm, tức vùng Bến Nghé, có tên là sông Ngưu Hống, chảy đến trước tỉnh thành lại chuyển sang hướng đông đến cửa Phù Gia, Tam Giang rồi hợp với sông Phúc Bình để chảy ra cửa bể Cần Giờ. Thuyền buôn đi lại lũ lượt, là một nơi đô hội lớn trong vùng. Tục truyền sông nầy có nhiều cá sấu, từng đàn đuổi nhau kêu gầm như tiếng trâu kêu cho nên gọi là sông Ngưu Hống, nên nước sông lúc nào cũng đục. Sau khi Nguyễn Ánh thu phục thành Gia Định thì nước sông lại trong, rồi năm Minh Mạng thứ 2 và thứ 6, nước sông lại trong lần nữa. Dân gian đương thời cho rằng đây là điềm an lạc thái bình cho cư dân. Đến năm Minh Mạng thứ 17, 1846, nhà vua cho khắc hình sông vào cao đỉnh. Đến năm Tự Đức thứ 3, 1850, nhà vua cho liệt tên sông vào điển thờ(10). Có lẽ thời đó vùng đất nầy lúc nào cũng có những tiếng gầm như tiếng trâu của hàng ngàn đàn cá sấu, cho nên những cư dân Việt Nam đầu tiên đến định cư trong vùng đất nầy đã đặt tên cho sông là sông Ngưu Hống (Bến Nghé), bến là Ngưu Tân (Bến Nghé), và rồi lâu dần cả vùng đất nầy cũng mang tên Bến Nghé. Hơn nữa theo các bô lão địa phương kể lại, lúc đầu khai phá vùng đất nầy, cư dân ở đây nuôi rất nhiều trâu để giúp người phá rừng làm ruộng. Mỗi trưa họ dắt từng đàn trâu đến phía rạch Ông Bương(11) để cho trâu uống nước, vì vậy mà có rạch Bến Trâu, đến năm 1954 vẫn còn con rạch mang tên Bến Trâu ở vùng Phú Lâm.
Sau khi thành lập hai phủ Phước Long và Tân Bình vào năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh bèn xây đắp một lũy đất dài khoảng 8 hoặc 9 cây số, từ phía dưới rạch Thị Nghè lên vùng Chí Hòa ở khu Rạch Cát, nhằm bảo vệ vùng phía tây bắc và tây nam vùng Kas Krobei và Prei Nokor, tức vùng Sài Gòn-Chợ Lớn ngày nay; riêng phía đông bắc và đông nam Sài Gòn đã có rạch Thị Nghè, sông Tân Bình và sông Sài Gòn che chắn. Như vậy ngay từ thời điểm nầy vùng Bến Nghé đã được triều đình xứ
Đàng Trong để ý đến. Tuy nhiên, vào thời điểm quan Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh(12) vào kinh lược xứ Nông Nại, thì dân số vùng nầy lúc bấy giờ không vượt quá con số 200.000, nghĩa là dân cư rất thưa thớt. Toàn vùng Sài Gòn và Nông Nại vẫn còn chìm trong những khu rừng rậm hoang vu như khu rừng Hóc Môn, Tân Bình, Gò Vấp, Phú Lâm, vân vân. Chính vì vậy mà quan Kinh Lược Nguyễn Hữu Cảnh phải xin phép các chúa Nguyễn cho chiêu mộ cư dân cố cựu từ các phủ Điện Bàn, Quảng Nam, Quảng Ngãi, và Qui Nhơn đến đây khai hoang lập ấp với quy chế thật dễ dãi. Về việc nầy chính Trịnh Hoài Đức đã ghi lại trong Gia Định Thành
Thông Chí như sau: “Nông Nại nguyên xưa có nhiều ao chằm rừng rú. Lúc đầu thiết lập ba dinh, một dân đến ở, có đất ở hạt Phiên Trấn mà kiến trưng làm đất ở hạt Trấn Biên, hoặc có đất ở hạt Trấn Biên mà kiến trưng làm đất ở hạt Phiên Trấn, như vậy cũng tùy theo dân nguyện, không ràng buộc gì cả, cốt yếu là khiến dân mở đất khẩn hoang, chia thành điền, lập thành thôn xã mà thôi.” Mãi đến thế kỷ thứ XVIII, thì đa phần đất Prei Nokor vẫn còn rất hoang vu. Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn:
“Ở phủ Gia Định, đất Đồng Nai toàn là rừng rậm hàng ngàn dặm, họ Nguyễn trước kia lấy được đất ấy, rồi chiêu mộ dân từ các phủ Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn di cư đến khai hoang lập ấp trên vùng đất mầu mỡ, họ chiếm lấy vườn trồng cau, làm nhà ở. Lại mua con trai con gái người Mọi ở các đầu nguồn đem bán làm nô tỳ... cho chúng lấy nhau, sinh con đẻ cái, nuôi nấng chúng cho lớn lên để làm việc phá rừng cày ruộng, vì lẽ đó mà lúa thóc tại vùng nầy rất nhiều. Tại các địa phương, mỗi nơi có 40, 50 hoặc 20, 30 nhà giàu, mỗi nhà đều có từ 50 đến 60 điền nô, từ 300 đến 400 trâu bò, cày cấy, gặt hái rộn ràng không lúc nào rảnh rỗi, hàng năm đến tháng 11, tháng chạp, giã gạo, sàng gạo, bán lấy tiền để dùng vào lễ chạp, lễ tết, sau tháng giêng trở đi, không làm việc xay giã nữa. Họ đem nông sản bán ra các vùng Phú
Xuân để đổi lấy hàng từ miền Bắc như tơ lụa, lãnh, trừu, và áo quần tốt đẹp.” Đến hậu bán thế kỷ thứ XVII, đầu thế kỷ thứ 18, các di thần nhà Minh không phục nhà Mãn Thanh nên đã chạy qua xứ Đàng Trong và được chúa Nguyễn cho vào khai khẩn vùng Đồng Nai và Mỹ Tho. Tưởng cũng nên nhắc lại vào năm 1679, tướng Trần Thượng Xuyên, tổng binh các châu Cao, Lôi, Liêm, cùng phó tướng Trần An Bình theo cửa Cần Giờ, lên đồn trú tại xứ Đồng Nai, khai phá đất hoang, lập ra Đông Phố(13), một trong những khu thị tứ sầm uất nhất của xứ Đàng Trong thời bấy giờ.
Thật vậy, ngay từ đầu thế kỷ thứ XVIII, việc mua bán lúa gạo tại vùng Nông nại đã đóng một vai trò hết sức quan trọng cho xứ Đàng Trong. Lúa gạo được chở từ cảng Nông Nại ra Quảng Nam, Phú Xuân, ngay cả các vùng Tân Gia Ba và Malacca nữa. Theo giáo sĩ Halbont tại vùng Thuận Hóa thì mỗi năm từ Đồng Nai, vùng đất phì nhiêu, có hàng ngàn chiếc ghe đến từ vùng nầy mang lại sự đầy đủ và nỗi vui mừng cho dân chúng. Đến thời Gia Long thì đất Nam Kỳ vẫn còn chia làm 3 dinh và 1 trấn là Biên Trấn dinh (Biên Hòa), Phiên Trấn dinh (Gia Định), chia Gia Định làm ba (03) tỉnh gồm các tỉnh Tây Ninh, Chợ Lớn, và Gia Định. Quan Kinh Lược Nguyễn Hữu
Cảnh có công rất lớn với dân tộc Việt Nam trong việc mở cõi về phương Nam. Đến trước năm 1776, vùng Cù Lao Phố(13) và toàn vùng Gia Định đã phát triển trên một qui mô rộng lớn, sinh hoạt thời nầy được Lê Quí Đôn ghi lại trong Phủ Biên Tạp Lục như sau: “Ở mỗi địa phương, mỗi nơi có từ 40 đến 50 hoặc từ 20 đến 30 nhà giàu.
Mỗi nhà có từ 50 đến 60 người giúp việc ruộng rẫy, từ 300 đến 400 trâu bò, cày bừa gặt cấy rất rộn ràng. Gạo được bán ra Phú Xuân để đổi lấy hàng Bắc như tơ lụa, trừu, quần áo, vải bô.” Cùng năm 1776, quân Tây Sơn chiếm vùng Cù Lao Phố và truy đuổi Nguyễn Ánh ra khỏi thành Gia Định.
Vị Trí Của Vùng Đất Bến Nghé Khi Còn Mang Tên Kas Krobei:
Sau khi đại quân Tây Sơn đã phá hủy toàn bộ vùng Cù Lao Phố vào năm 1776, đa số những người Minh Hương còn sống sót đều kéo nhau chạy về vùng đất Bến Nghé. Vào thời đó tàn quân của Nguyễn Ánh cũng chạy theo nhóm người Minh Hương về đây. Đến năm 1778, sau khi củng cố lực lượng, Nguyễn Ánh đã cho xây đắp một lũy đất từ bờ sông Sài Gòn đến kinh Tàu Hủ ngày nay. Nguyễn Ánh lại cho thiết trí những cọc gỗ nhọn có bọc sắt tại các vàm sông rạch quanh vùng. Sau khi người Hoa đã rời bỏ vùng Cù Lao Phố để chạy về định cư tại vùng Bến Nghé, rồi đến khi Nguyễn Ánh xây đắp chiến lũy, có thể nói khu vực Bến Nghé thời đó bao gồm cả một vùng rộng lớn từ Gia Định, qua Sài Gòn, rồi chạy về phía Nam đến vùng Chợ Lớn ngày nay. Theo Sơn Nam trong “Bến Nghé Xưa”, Bến Nghé ở vào vị trí độc đáo: sát bờ biển, bên Khánh Hội là ranh giới của rừng Sác, chạy ra tới biển. Ở lằn ranh từ Tây Nguyên đổ xuống, có thể trồng cây cao su. Ranh giới của vùng đất thấp ăn đến Đồng Tháp Mười và chạy đến tận vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhờ vậy mà Bến Nghé liên lạc dễ dàng ra Trung và Bắc Phần, lên cao nguyên, lại có đường thủy lên Campuchia. Trên biển Đông, Bến Nghé được ca ngợi là bao lơn của Thái Bình Dương. Muốn vào cảng, tàu bè theo sông Lòng Tàu quanh co giữa rừng Sác, lạch nước sâu và rộng, không phải nạo vét thường xuyên, quanh năm không có sương mù(14).
Ngày nay mỗi khi nhắc đến Bến Nghé, có người lầm tưởng đó là tên gọi xưa của Sài Gòn mà thôi. Như vậy cũng đúng, nhưng không đúng hoàn toàn, vì đối với cương giới của xứ Đàng Trong thời đó, vùng Bến Nghé là cả một vùng đất rộng lớn bao gồm các vùng Gia Định, Sài Gòn và Chợ Lớn ngày nay. Phía Bắc của Bến Nghé là vùng gò nỗng, đất cao chạy từ phía Gò Vấp xuống rạch Thọ Nghè, qua gò Tân Định, rồi theo bờ sông Sài Gòn đến cột cờ Thủ Ngữ và Bến Sỏi ngày trước(15). Tại đây có những vùng cao hơn 10 mét so với mực nước biển, tức là khu vực thành Gia Định ngày trước, ngày nay là khu vực đường Đinh Tiên Hoàng. Phía Nam bờ vàm rạch Bến Nghé là vùng đất thấp. Về bên phải của bờ sông Sài Gòn, từ vàm rạch Thị Nghè ra đến Nhà Bè, từ lâu nay đã là một vị trí chiến lược quan trọng trong việc phòng thủ thành Gia Định. Dưới thời các chúa Nguyễn, vùng Bến Nghé đã có Đồn Dinh chịu trách nhiệm an ninh lãnh thổ cho cả vùng.
Quân Xiêm La Luôn Dòm Ngó Vùng Kas Krobei và Prei Nokor:
Sau khi công nữ Ngọc Vạn về làm hoàng hậu cho vua Chey Chetta II vào năm 1620, và sau khi chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho đặt hai trạm thu thuế tại hai xứ Prei Nokor và Kas Kobei vào năm 1623, tức vùng Sài Gòn-Bến Nghé ngày nay, từng đoàn lưu dân cùng khổ người Việt từ các xứ Thuận Quảng kéo nhau vào đây tìm đất sống. Dầu đây là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi về mọi mặt, nhưng những người đi tiên phong đã gặp phải vô vàn trở ngại từ rừng thiêng nước độc đến vô số thú dữ thời đó đã giết hại không biết bao nhiêu sinh mạng mà kể cho xiết. Ngay từ những ngày đầu mở cõi về phương Nam, Bến Nghé đã sớm trở thành trung tâm của cả vùng Nam Kỳ. Và có lẽ vương quốc Xiêm La, tức Thái Lan ngày nay, cũng nhìn thấy vị trí chiến lược của vùng Bến Nghé nên lúc nào cũng chực chờ đánh chiếm vùng đất nầy. Năm 1731, quân Xiêm La đã tràn vào đến 18 Thôn Vườn Trầu và uy hiếp vùng Bến Nghé, nhưng đã bị quân đội xứ Đàng Trong đẩy lui. Trước năm 1748, chưa có con đường thiên lý bắc-nam nên mọi sự di chuyển đi lại đều bằng đường thủy, nên sự di chuyển từ kinh đô đến các vùng Trấn Định, Long Hồ và Hà Tiên, vừa chậm mà lại vừa nguy hiểm vô cùng. Chính vì vậy mà Bến Nghé đã sớm trở thành điểm trung chuyển vô cùng quan trọng cho miền ngoài(16) cũng như vùng Đồng Nai với vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày nay. Đến năm 1771, quân Xiêm La tiến chiếm Hà Tiên và tìm cách đánh dần lên Trấn Giang(17) để tìm đường lên đánh chiếm Bến
Nghé. Để dễ bề tiến quân, quân Tây Sơn đã cho nạo vét và khai thông kinh Ruột Ngựa vào năm 1772, nhờ đó mà quân sĩ đã di chuyển rất nhanh chóng đến vùng Mỹ Tho và cuối cùng quân ta đã đẩy lui họ một cách dễ dàng. Năm 1784, khi Nguyễn Ánh cho người đi Vọng Các cầu viện, hai tướng Xiêm La là Chiêu Tăng và Chiêu Sương đã kéo quân sang đánh chiếm toàn bộ miền Tây, nhưng trên đường tiến quân về Bến Nghé thì giặc đã bị nghĩa binh Tây Sơn đánh tan tác tại vùng Rạch Gầm Xoài Mút. Năm 1790, khi Nguyễn Ánh quyết định xây Kinh Gia Định, ông đã cho xây đắp nhiều con đường bằng đất hầm quanh vùng như đường Phú Lâm đi Cai Lậy. Như vậy, tính đến năm 1790, con đường thiên lý lót bằng đất hầm và đá ong đã có thể đi từ kinh kỳ đến Cai Lậy. Đồng thời, Nguyễn Ánh cũng cho nạo vét lại những con rạch nối liền miền Tây với rạch Bến Nghé để tiện việc chuyên chở lương thực từ miền Cửu Long lên Kinh Gia Định tiếp tế cho quân lính của ông. Kinh Bảo Định đã được Nguyễn Cửu Vân đào từ năm 1705, từ sông Tiền lên Tân An, nay chỉ cần nạo vét lại là ghe thuyền có thể đi lại dễ dàng. Năm 1833, lịch sử xâm lược của quân Xiêm La lại tái diễn khi họ kéo quân qua gọi là tiếp trợ cho quân nổi dậy của Lê văn Khôi. Quân Xiêm La tiến ào ạt từ nhiều mặt tại các vùng Hà Tiên, Châu Đốc, và Tân Châu, rồi hiệp nhau tại Vàm Nao để kéo xuống đánh chiếm Sa Đéc để tiến về Mỹ Tho và Bến Nghé, nhưng đã bị quân ta đánh tan tại vùng Sa Đéc.
Có Phải Chăng Prei Nokor Lại Là Vùng Chợ Lớn?
Sau cuộc hôn nhân giữa công nữ Ngọc Vạn và vua Chey Chetta II vào năm 1620 đã khiến cho xứ Chân Lạp đối xử thật dễ dãi cho những lưu dân Việt Nam đến vùng Thủy Chân Lạp tìm đất sống. Đến năm 1623 thì số cư dân người Việt tại vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là Sài Gòn đã khá đông nên chúa Nguyễn đã sai một sứ bộ sang Chân Lạp yêu cầu vua Chey Chetta II cho xứ Đàng Trong lập hai đồn thu thuế tại Prei Nokor (Sài Gòn) và Kas Krobei (Bến Nghé). Tuy nhiên, không có tài liệu nào ghi lại rõ ràng hai đồn thu thuế nầy cách nhau bao xa và vị trí chính xác là ở đâu. Mặc dầu hồi đó hai vùng nầy vẫn còn hoang vu, nhưng vẫn là điểm trung chuyển nghỉ ngơi của các thương nhân đi vào Chân Lạp. Kể từ đó hai địa danh Sài Gòn và Bến Nghé được xứ Đàng Trong mặc nhiên coi như lãnh địa của mình. Vào năm 1747, một biến cố lớn xãy ra tại vùng Đông Phố, có một thương gia người Phước Kiến tên Lý văn Quang nổi lên mong biến vùng nầy thành một khu tự trị của người Hoa. Biến cố nầy đã gây sự bất ổn cho những người Minh Hương tại Giản Phố. Tiếp theo đó, vào năm 1776, đại quân Tây Sơn vào đánh chiếm và thiêu hủy toàn bộ Giản Phố. Người ta phải dời vùng đất trung tâm về một nơi gần miền tây hơn, chính vì vậy mà khu Bến Nghé-Sài Gòn được chọn và đồng thời vùng Nông Nại bị lãng quên một cách nhanh chóng hơn. Bên cạnh đó, do công cuộc khai khẩn ruộng đất của lưu dân người Việt nên vào khoảng thế kỷ thứ XVIII, nghĩa là không đầy một thế kỷ sau đó cả một vùng rừng rậm hoang vu Prei Nokor đã biến thành một trung tâm sản xuất nông nghiệp và buôn bán phồn thịnh. Năm 1778, đa số người Hoa ở vùng cù lao Phố đã bị quân Tây Sơn đánh đuổi đều ngược dòng sông Bến Nghé lên khu Chợ Lớn ngày nay. Tại đây họ lại xây dựng phố sá như phía Bến Nghé và tiếp tục buôn bán như xưa. Người Hoa gọi vùng nầy là ‘Đê Ngạn’, người Phúc Kiến phát âm là ‘Tầy Ngon’, và người Việt lại đọc trại là ‘Thầy Ngòn’. Có lẽ đọc như vậy riết rồi lại trại ra là ‘Sài Gòn’. Thành phố nầy được người Việt Nam gọi là Chợ Lớn từ khi người
Pháp xây dựng hai ngôi chợ: Chợ Lớn(18) và Chợ Nhỏ(19). Kỳ thật, khu được mệnh danh là ‘Sài Gòn’ về sau nầy đích thực là khu ‘Bến Nghé’ ngày trước. Hiện trên những gò cao vẫn còn những chứng tích của những ngôi chùa cổ đã được xây dựng từ năm 1774 như chùa Giác Lâm, chùa chùa Giác Viên, chùa Cây Mai và chùa Cây Gõ, vân vân. Khu vực Chợ Lớn, mà ngày xưa gọi là Sài Gòn, có bến cẩn đá xanh rất xinh xắn. Theo bản đồ của Trần văn Học dưới thời Gia Long, Chợ Lớn chạy từ con đường mà ngày nay là đường Tản Đà đến khoảng chợ Kim Biên trong quận 5. Mặc dầu không lớn như bên phía Sài Gòn, nhưng vì người Hoa tập trung rất đông, nên chỉ trên khoảng phố sá dài khoảng 3 dặm của Chợ Lớn thật là náo nhiệt. Mặc dầu thời đó hai vùng Bến Nghé và Sài Gòn vẫn còn cách nhau bởi một khoảng rừng thưa, nhưng từ sau năm 1788 khi thành Gia Định (thành Qui) được xây dựng thì vùng Bến Nghé đã một sớm một chiều biến thành xứ thành thị vì Thành Qui rất thuận tiện, trên chợ dưới bến nên người thời đó còn gọi là chợ Bến Thành với cả một dãy dinh thự, kho lẫm, xưởng đóng ghe thuyền và tàu chiến. Đồng thời, hệ thống đường sá và phố chợ được xây dựng rất qui mô. Đây là khu chợ Bến Thành Cũ, chứ không phải là chợ Bến Thành(20) ngày nay. Chẳng bao lâu sau cả vùng Bến Nghé-Sài Gòn, tức vùng Chợ
Lớn ngày nay, đã nhanh chóng trở thành trung tâm chính trị và kinh tế cho cả vùng miền Nam. Trịnh Hoài Đức đã ghi về Bến Nghé trong Gia Định Thành Thông Chí như sau: “Sau khi Thành Qui được xây đắp thì dân cư đông đúc; phố chợ san sát; nhà tường, nhà ngói liên tiếp nhau. Tàu ghe từ ngoài biển đến buôn bán qua lại, cột buồm liền lạc, xưng là xứ đô hội, cả nước không đâu sánh bằng.” Thêm vào đó, sau khi vua Quang Trung băng hà, cục diện hoàn toàn đổi thay. Ở miền Nam, Nguyễn Ánh ra sức củng cố thành Gia Định, xây dựng kho lẫm, xưởng đóng thuyền chiến, xưởng chế tạo vũ khí, vân vân. Hồi nầy thương cảng Bến Nghé thu hút tàu bè của thương nhân ngoại quốc lui tới buôn bán đông đảo. Phố xá sầm uất, chợ búa tấp nập đã khiến cho vùng Prei Nokor-Bến Nghé trở thành trung tâm chính trị và kinh tế cho toàn vùng. Trịnh Hoài Đức lại ghi tiếp về Bến Nghé: “Nơi đây dân cư đông đúc; phố chợ san sát; nhà tường nhà ngói liên tiếp cùng nhau... Tàu ghe hải dương đến buôn bán qua lại, cột buồm liền lạc, xưng là xứ đô hội, cả nước không đâu sánh bằng.”(21) Vào năm 1821, Finlayson đã ghi lại trong “Journal de voyage”, được đăng trong “Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises” vào năm 1939 như sau: “Không ngờ ở miền xa xôi nầy lại có một thành thị to và rộng như vậy... Cách xếp đặt phố xá ở đây còn phong quang thứ tự hơn nhiều kinh đô Âu châu.” Khi người Pháp vừa chiếm Gia Định vào năm 1859, con đường lót đất hầm nối liền Bến Nghé và Chợ Lớn(22) chỉ là một con đường với lác đác vài căn nhà lá trong khu trũng thấp mà thôi. Rõ ràng vào năm 1859, thì khu thị tứ Sài Gòn, nói đúng hơn là Bến Nghé, hoàn toàn cách biệt và khác hẳn khu thương mại sầm uất Chợ Lớn thời bấy giờ. Theo ông Louis Malleret, một nhà khảo cổ học người Pháp, trước khi có Chợ Lớn khu vực nầy đã từng có một khu thị tứ Khmer tên Prei Nokor, tuy nhiên chỉ sau khi người Hoa đổ dồn về đây buôn bán thì Prei Nokor mới thật sự thay hình đổi dạng thành một Chợ Lớn với đặc trưng của một thành phố. Điều nầy cho thấy rõ Kas Krobei và Prei Nokor là hai thành phố riêng biệt trước khi nó được sáp nhập lại làm một sau thời Pháp thuộc để trở thành một Sài Gòn “Hòn Ngọc Viễn Đông” vào thập niên 1950.
Kinh Tàu Hủ tại Chợ Lớn—La Cochinchine 1925.
Chú Thích:
(1) Cao Miên ngày nay.
(2) Nam Kỳ ngày nay.
(3) Sài Gòn và Chợ Lớn ngày nay.
(4) Đê Ngạn chữ Hán có nghĩa là nắm vững bờ sông.
(5) Thời đó, lũy ‘Sài Côn’ là một lũy quân sự của Cao Miên với mục đích bảo vệ một miền đất chạy dài từ cửa biển Cần Giờ và cửa Ba Rài lên đến vùng biên giới Việt-Miên ngày nay.
(6) Sở dĩ có tên Tây Cống là vì đây là phần đất mà các vị vua của nước ở phía tây cống hiến cho xứ Đàng Trong.
(7) Ngày nay là đường Trần Hưng Đạo.
(8) Còn gọi là “Bến Trâu”.
(9) Rừng Gòn, tức vùng Chợ Lớn ngày nay.
(10) Phương Đình Dư Địa Chí, Nguyễn văn Siêu, NXB Tự Do, 1958 và Đại Nam Nhất Thống Chí, tập V, quyển xxxi, tr. 214.
(11) Ngày nay đã bị lấp cạn, nhưng thời VNCH vẫn còn có một cái hẻm nhỏ tên hẻm Rạch Ông Bương.
(12) Nguyễn Hữu Cảnh sanh năm 1650 tại xã Chương Tín, huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình. Theo các nhà sử học, Nguyễn Hữu Cảnh chính là hậu duệ của Quốc Công Nguyễn Bặt dưới thời nhà Đinh, và cũng là cháu mấy đời của Nguyễn Trãi. Cha ông là Chiêu Vũ Hầu Nguyễn Hữu Dật, người đã có công lớn với xứ Đàng Trong trong cuộc đối đầu với nhà Trịnh ở phía Bắc. Ông là một vị tướng văn võ toàn tài, một nhà quản lý hành chánh xuất sắc dưới thời Nguyễn Sơ. Ngay khi cha ông mất vào năm 1681, ông đã tích cực tham gia vào quân đội xứ Đàng Trong. Năm 1692, chúa Nguyễn sai ông đem quân đánh dẹp vua Champa là Bà Tranh ở Diên Ninh (Phú Yên ngày nay), rồi đổi tên vùng đất mới nầy ra làm Thuận Thành. Ông là vị quan Trấn Thủ đầu tiên của của trấn Thuận Thành. Ngay sau khi nhậm chức Trấn Thủ Thuận Thành, ông đã tổ chức cho dân chúng khai hoang lập ấp, khiến trấn Thuận Thành ngày càng phát triển rất vững vàng. Chính ông là người đầu tiên đã khai sanh ra vùng đất phía Nam, và là người xây dựng một cách vững chắc hệ thống hành chánh đầu tiên ở Sài Gòn-Gia Định.
(13) Đây là một hòn đảo phì nhiêu, nằm trên sông Đồng Nai, nên chỉ sau một thời gian ngắn, những người Minh Hương nầy đã thành lập và phát triển khu nầy thành Nông Nại Đại Phố. Lúc đó Đông Phố có giao dịch thương mại với người Tàu, Nhật, châu Âu. Thuyền bè tụ tập về đây rất đông đảo. Kể từ thập niên 1680, Cù Lao Phố, hay Đông Phố, hay Giản Phố, đã bắt đầu trở thành một trung tâm thương mại lớn nhất của xứ Đàng Trong. Cù Lao Phố nằm cách bờ biển trên 100 cây số, nhưng lúc đó nó là một cảng nước sâu, là trung tâm tụ hội của các khu vực, là khu chợ đầu mối của các khu chợ quanh vùng. Vào thời Pháp thuộc, quốc lộ số 1 và đường rầy xe lửa xuyên Việt đều đi ngang qua Cù Lao Phố qua hai cây cầu là cầu Gành về phía nam và Cầu Rạch Cát về phía bắc. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí của triều Nguyễn đã ghi lại cảnh phồn thịnh và sầm uất của
Cù Lao Phố như sau: “Cù Lao Phố ngày trước là một nơi hưng thịnh, thu hút nhiều cư dân đến từ miền Trung. Nhà mái ngói, tường vôi, lầu cao, quán rộng. San sát bên bờ sông là các nhà làm bằng gỗ hai tầng, nối liền năm dặm. Ngoài việc xây cất nhà cửa, chợ búa, phát triển các nghề trồng trọt, thủ công nghiệp, tướng Trần Thượng Xuyên còn cho xây ba loại đường rộng, bằng phẳng, đến nay vẫn còn. Con đường giữa, theo chiều dài cù lao, lót đá ong đỏ, dài khoảng 4 cây số, từ chùa Đại Giác đến Bến Đò Kho. Con đường thứ hai, xây ngang qua Cù Lao Phố, lót đá trắng, cắt ngang con đường giữa cạnh chợ Hiệp Hòa, đi đến bến đò Tân Vạn. Con đường thứ ba lót đá xanh, bao quanh Cù Lao, ngày nay không còn nữa.”
(14) Bến Nghé Xưa, Sơn Nam, NXB Văn Nghệ, 1992, tr. 12.
(15) Những vùng nầy chỉ cao hơn mực nước biển trung bình khoảng 2 mét mà thôi.
(16) Miền Trung.
(17) Cần Thơ ngày nay.
(18) Tức Chợ Lớn cũ.
(19) Tức Chợ Thiếc hay Chợ Phó Cơ Điều.
(20) Chợ Bến Thành bây giờ chỉ mới được xây lại vào khoảng những năm 1903 hay 1904 mà thôi.
(21) Theo Trịnh Hoài Đức trong “Gia Định Thành Thông Chí”, Lý Việt Dũng dịch và chú giải, NXB
Tổng Hợp Đồng Nai, TPHCM, 2005, tr. 114.
(22) Ngày nay là đường Trần Hưng Đạo.
Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2011
Copyright © 2012 by Ngoc Tran. All rights reserved.
Nhấp vào Links:
1/ Cựu Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm Giới Thiệu Vể Tác Giả Người Long Hồ
2/ Đất Phương Nam (Tập I) - Lời Đầu Sách
3/Đất Phương Nam - Đôi Nét Về Tác Giả Người Long Hồ & Mục Lục
4/ Đất Phương Nam - Công Nghiệp Của Các Chúa Nguyễn Đối Với Vùng Đất Nam Kỳ
5/ Đất Phương Nam - Theo Dòng Thời Gian
6/ Đất Phương Nam - Tiến Trình Nam Tiến
7/ Đất Phương Nam I - Thu Phục Champa
8/Đất Phương Nam I - Thu Phục Thủy Chân Lạp
9/ Đất Phương Nam I - Cộng Đồng Những Cư Dân Bản Địa Trên Đất Nam Kỳ Xưa2/ Đất Phương Nam (Tập I) - Lời Đầu Sách
3/Đất Phương Nam - Đôi Nét Về Tác Giả Người Long Hồ & Mục Lục
4/ Đất Phương Nam - Công Nghiệp Của Các Chúa Nguyễn Đối Với Vùng Đất Nam Kỳ
5/ Đất Phương Nam - Theo Dòng Thời Gian
6/ Đất Phương Nam - Tiến Trình Nam Tiến
7/ Đất Phương Nam I - Thu Phục Champa
8/Đất Phương Nam I - Thu Phục Thủy Chân Lạp
10/Đất Phương Nam I - Vùng Đất Cochinchine Và Công Nữ Ngọc Vạn
11/Đất Phương Nam I - Kas Krobei Hay Prei Nokor Là Sài Gòn?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét