Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

Ân Tình của Người Cha


"Còn cha gót đỏ như son
Mất cha tâm thức soi mòn từ đây
Công cha dưỡng dục vun đầy

Núi cao thăm thẳm ơn này dâng cha
Có cha như có nóc nhà
Không cha lạc lõng đời là bơ vơ
Cho con hình ảnh tôn thờ
Cha đi ngày đó con bờ quạnh hiu..."

("Cha Tôi", VHLA/Father's Day 2004)

Tôi làm bài thơ trên khi ngày Lễ Cha đến gần hơn. Nếu mẹ là hình ảnh gần gủi nhất khi người con mới chào đời và mẹ mang con trong bụng mình 9 tháng 10 ngày với bao vất vã, khổ cực thì sự liên hệ kỳ diệu giữa tình mẫu tử qua ống nhau truyền sự dinh dưỡng để con của mẹ được tượng hình khôn lớn. Với hình ảnh ban sơ gắn bó, chặt chẽ giữa tình mẫu tử đó, vai trò người cha bị phai nhạt đi chăng?

Thưa không hẳn như vậy đối với những người con được hình ảnh người cha đi bên cạnh những năm tháng măng non rồi trưởng thành của cuộc đời thì cuộc đời sẽ mang nhiều ý nghiã nồng nàn hơn, hạnh phúc hơn cho tình phụ tử vốn thắm thiết như định luật của thiên nhiên.

Những ngày còn bé, tôi nhìn cha trong trong bộ quân phục đại lễ tôi thần tượng ông làm sao đó! Dáng ông đầy oai phong, uy nghi của nét anh hùng trong tôi. Cha tôi vẫn là những hình ảnh gần gủi đưa tôi từng bước đi chuẩn bị khi tôi va chạm với những ngày đầu đời. Nếu người mẹ là người đóng góp cho từng mạch máu, từng sợi gân cơ cứng cáp tạo dựng hình hài trực tiếp từng dòng sữa đầu đời, hay qua những món ăn mà tôi khoái khẩu, hay những quần áo mới mà mẹ mua cho ngày khai trường hay mừng đầu năm, thì cha đến với tôi nhiều ý nghiã của sự gian nguy khi tôi gặp phải hay những rèn luyện có tính cách thử thách ngoài trường đời.

Tôi còn nhớ phòng tôi ngủ ở lầu 2, kế bên có lùm cây mận hồng đào từ nhà láng giềng chià sang. Tôi thích những chùm hoa trắng nở rộ khi mùa mận đến, trong cái tuổi ngây thơ của thời tiểu học, trong lúc ngồi học bài và bổng nhìn ra cửa hành lang, một chú rắn lục đang lẻn chui vào phòng tôi từ cây mận ngoài kia. Đầu óc tôi toé hỏa tam tinh trong nỗi sợ sệt tôi la hoảng lên. Cha tôi từ phòng bên cạnh chạy sang với cây baton đập chú rắn đang núp dưới gầm giường ngủ của tôi. Rồi một lần khác cha tôi đưa anh em chúng tôi đi Cát Lái hóng mát và dự picnic cuối tuần với các gia đình bạn bè của ông, tôi còn nhớ ở tuổi đầu đời thật liếng khỉ tôi đu cành cây khô cạnh bờ sông, nhánh cây bỗng gãy đôi, tôi văng xuống sông ông nhào theo cứu tôi lên bờ. Những kỷ niệm thời niên thiếu đó làm sao tôi quên được ? Nó hiện về trong tôi đẹp đẽ như đầu mùa Xuân tôi theo cha tôi đi mua mai vàng về chưng trang điểm căn nhà cho những điềm may kết lộc đầu năm.

Cha tôi có sức khỏe dẻo dai, bền bỉ, tôi nhớ ông tập luyện võ thiếu lâm, thái cực quyền, hít thở khí công và tập chạy bộ. Hồi tôi còn nhỏ có những sáng sớm chủ nhật ông và tôi chạy bộ tàng tàng từ góc đường Cường Để và Lê Thánh Tôn gần bến Bạch Đằng ngược về hướng đường Thống Nhất để vào Sân Hoa Lư, rồi chạy nhiều vòng trong đó, tôi chạy lẽo đẽo theo sau mà đôi chân gần như rã rời, lứa tuổi lên 9 hay 10 của thời còn non nớt. Cha tôi vẫn tiếp tục chạy và hít thở điều hòa vòng cái sân vận động này, tôi mệt lã cứ tà tà tiếp tục cuốc bộ quanh sân sau khi cảm thấy mình hết xí quách. Đoạn ông chạy băng qua mặt tôi, bằng cử chỉ trìu mến ông xoa nhẹ lên đầu tôi và nói vọng theo: "Hãy ráng lên con!". Vâng, câu nói tuy tầm thường như vậy mang nhiều ý nghĩa đặc biệt với tôi sau này khi trưởng thành. Khi đi học võ ra giao đấu bị trúng đòn của đối phương, hay giao đấu tennis nếu có thua phải về luyện lại, hãy ráng lên và ráng lên,... Rồi oan khiên khi hai mùa thu năm ấy tôi bị hai con quái vật "Celebral Hemorrhage Stroke", tức chứng tai biến vỡ mạch máu não đốn tôi ngã quị như một võ sĩ bị hạ đo ván, tôi nhìn 2 cháu con trai tôi, tôi nhớ đến lời khuyên năm xưa của cha tôi "Hãy ráng lên con!" và tôi cố gượng đứng dậy cho các con tôi hiểu rằng cha chúng sẽ luôn cố gắng và không bỏ cuộc.

Những kỷ niệm thời niên thiếu với cha tôi vẫn đong đầy trong trí nhớ. Khi cái thuở mới đi học ông là người gò tay cho tôi tập viết, ông hướng dẫn tôi những bài toán đố khó khăn với tâm trí thơ ấu tôi tại bậc tiểu học. Cha tôi là người đầu tiên dạy tôi viết và phát âm từng câu Anh ngữ và Pháp ngữ. Khi đau yếu, cha tôi phát thuốc cho uống, những viên thuốc nhức đầu hay cảm cúm đầy ân tình của thời xa xưa đó đã tạo cho tôi cái tiền lệ để sau này tôi phát thuốc lại cho các con tôi. Ngày lễ Cha kể về Cha, nhớ về Cha, tri ân Cha với những ân tình phụ tử vốn nồng nàn, vốn thiêng liêng, hay để nhớ về dĩ vãng cũ vẫn sống mãi và thật đẹp trong tôi.

Năm 1963 khi ông sang học tại Mỹ, ông gửi về cho gia đình một bức hình chụp ông cùng 3 người bạn đồng khóa của (1) hải quân hoàng gia Úc, (1) Đan Mạch và (1) Hy Lạp tại cây cầu sơn đỏ Kim Môn (Golden Gate). Bốn người thanh niên trong bộ lễ phục hải quân đại diện cho QG mình và họ khoác thêm áo navy overcoat màu navy blue đang tươi cười rạng rõ trước ánh ban mai của mùa Xuân chan hòa tại vịnh San Francisco, mặt sau ông ghi vài dòng chữ mà nét chữ ông viết quen thuộc và trân quý trong ánh mắt tôi:
"Hải con thương,
Ba hy vọng sau này con có dịp sang đây để nhìn thấy cái kỳ quan Golden Gate Bridge này của thế giới. Nó thật hùng vĩ con à. Ba TPD".

Hôm sau tôi mang vào lớp học khoe ngay với các bạn học, mà cả bọn nhóc tì của tôi xuýt xoa. Có đứa bảo: "Ba mày le thế!". Tôi cười tít mắt vì "tuổi trẻ thích lấy le đấy". Thật ra chúng tôi chả đứa nào dám ước mơ xa vời như chuyện thần tiên đặt chân đến một xứ giàu có mà lại xa xôi, thì cái ước mơ đặt đôi chân nhỏ bé lên vĩa hè gần chân cầu Kim Môn của San Francisco vốn là chuyện thần thông, hoang đường. Nếu có mơ thì bọn nhóc chúng tôi chỉ dám mơ ước được có một lần bước lên phi cơ để xem bên trong nó như thế nào và có được cái cảm giác mình ra sao khi nó bay trên mây thôi thì chúng tôi hả dạ lắm rồi.

Sau này ông được thả ra sau khi bị tù đày tại miền Việt Bắc 13 năm, ông sang Mỹ sau gần 30 năm mà ông đã đến xứ này. Mùa hè 1993, tôi chở ông lên San José thăm các bạn ông, xong tôi đưa ông ghé thăm bên nhà vợ tôi tại Sacramento, trên đường về lại trùng hợp ngay Father's Day, tôi đánh đường vòng qua San Francisco trước khi về lại Los Angeles. Tôi cho xe đừng tại công viên khu rest area ngay chân cầu Kim Môn. Hai vợ chồng tôi trong bộ đồ sweat-suit và khoác áo chiếc áo tennis jacket. San FranCisco vào 3 giờ chiều có gió lồng lộng lùa trên mặt biển thổi lạnh cóng chân tay dù là mùa hè nắng vẫn còn nhiều, nắng chiều chiếu xuống dòng nước biển xanh. Ánh mặt trời chiếu sáng từ hướng Oakland cho thấy cả vùng trời bao la quanh vịnh thật đẹp mắt. Dáng của Ba tôi lúc này trông quá già, ông ốm yếu, hom hem trong nỗi ngậm ngùi của tôi, ông khoác chiếc áo pardessus đen phủ kín người để chống lạnh, tôi ôm cha tôi khi máy ảnh liên tục bấm hình do vợ tôi làm phó nhòm. Tôi kể lại cho cha tôi nghe bức hình năm xưa mà ông gửi với lời ước mơ nếu tôi có dịp đến nơi đây để chiêm ngưỡng một kỳ quan thế giới, và vì chuyến đi đường vòng xa xôi này chỉ đưa cha tôi về lại dĩ vãng của ngày xưa mà ông đã quên lãng. Chuyến đi lại may mắn diễn ra đúng ngày lễ dành cho Cha hay ngày Lễ Cha, tôi bắt tay ông, xiết nhẹ trong nỗi hạnh phúc và hôn lên bờ vai gầy guộc của ông thay cho lời chúc mừng: Happy Father's Day.

Việt Hải Los Angeles

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét