" Đây là bài thơ bày tỏ cảm xúc lúc trèo lên cao vào ngày tết Trùng Cửu (mồng 9 tháng 9 âm lịch, còn gọi là tết Trùng Dương).Tào Phi trong bài “Cửu nhật dữ Chung Do thư” có viết: “Năm qua tháng lại, bỗng tới mồng 9 tháng 9. Chín là số dương (số nhiều), mà tháng và ngày cùng ứng thì tục lệ đón mừng là để hợp với sự trường cửu, cho nên bày tiệc hội”. Ở Trung Hoa tục lệ có từ cổ xưa là đến ngày lễ tết này thì trèo trên đồi cao và cắm cánh thù du lên đầu hoặc mình nhằm tránh nạn dịch ".
Cả bài thơ mang đến một nỗi buồn diệu vợi, sự chán nản ê chề toát lên trong từng lời thơ, gieo vào lòng người đọc cảm giác yếm thế khi tuổi già bóng xế.
Chúng Ta cùng thưởng thức "Đăng Cao" của Đỗ Phủ
風急天高猿嘯哀
渚清沙白鳥飛回
無邊落葉蕭蕭下
不盡長江滾滾來
萬里悲秋常作客
百年多病獨登臺
艱難苦恨繁霜鬢
潦倒新停濁酒杯
Đăng Cao
Phong cấp thiên cao viên khiếu ai
Chử thanh sa bạch điểu phi hồi
Vô biên lạc diệp tiêu tiêu hạ
Bất tận trường giang cổn cổn lai
Vạn lý bi thu thường tác khách
Bách niên đa bệnh độc đăng đài
Gian nan khổ hận phồn sương mấn
Lạo đảo tân đình trọc tửu bôi
Dịch nghĩa: Lên Cao
Gió thổi gấp trời cao,tiếng vượn kêu nghe thật buồn thảm
Bãi nước trong, làn cát trắng,chim bay trở về
Không biết bao nhiêu lá rụng nghe xào xạc
Sông dài ngút ngàn nước cuồn cuộn chảy đi
Muôn dậm thu buồn khi thân cứ mãi nơi đất khách
Trăm năm tuổi hạc nhiều bệnh lại một mình lên đài cao
Hận vì khổ sở khó khăn nên mái tóc bạc màu sương gió
Ốm yếu chán nản đến rượu thường rượu đục cũng đành ngưng không uống
Dịch Thơ:
Gió lộng trời cao vượn khóc than
Vũng trong cát trắng chim về đàn
Vô vàn lá úa lao xao rụng
Cuồn cuộn sông đi tận ngút ngàn
Muôn dặm thu buồn thân đất khách
Trèo cao trăm tuổi bệnh đa mang
Hận sầu tóc nhuốm màu sương bạc
Rượu đục đành ngưng sức lực tàn
Quên Đi
***
Lên Cao
Vượn não nuột trời cao gió lộng,
Bãi trong cát trắng bóng chim về.
Rạt rào lá rụng sơn khê,
Trường giang cuồn cuộn mãi mê bên trời.
Khách vạn dặm tơi bời thu đến,
Lên đài cao già bệnh rề rề .Tóc sương tân khổ não nề,
Ngả nghiêng rượu đục ê chề buông chung !
Mailoc
***
Lên Cao
Trời cao vượn hú gió ào ào
Cát trắng vũng trong chim lượn chao
Thu úa lá vàng rơi lả tả
Sông dài sóng cuộn vỗ rào rào
Ngậm ngùi thân lão đời lưu lạc
Hổn hển đài xa bước thấp cao
Vất vả gió sương hằn mái tóc
Sức tàn, rượu đục nuốt không vào.
Phương Hà phỏng dịch
***
Mỏi Gối Chùn Chân Cũng Ráng Lên!
Vòm trời lộng gió vượn kêu gào,
Cát trắng nước trong chim liệng cao.
Xào xạc lá vàng bay lả tả,
Rì rào sông lũ cuốn phăng ào.
Dặm ngàn đất khách buồn thu mãi,
Già bệnh ngất ngư cũng ráng ... nào!
Cay đắng hận sầu đầu đã bạc
Tàn hơi bỏ rượu ngắm trăng sao !
Mai Xuân Thanh
***
Lên Cao
Gió rít chiều buông vượn hú ...ôi!
Chim bay về tổ trú đêm rồi
Lá rơi tan tác tha hồ lượn
Nước đổ cuộn cuồn thả sức trôi
Đối cảnh ngày thu buồn lạc lối
Lên đồi tuổi lão mệt từng hồi
Thương đầu bạc tóc se căm hận
Rượu đục thay màu chịu bỏ thôi!
Nguyễn Đắc Thắng
***
Đăng Cao
Trời cao gió lộng vượn kêu than
Cát trắng vũng trong chim gọi đàn
Xào xạc rơi rơi mùa lá đổ
Ngút ngàn siết siết nước trường giang
Buồn sao đất khách khi thu tới
Mệt lả đài cao lúc tuổi sang
Vướng khổ sầu vương đầu điểm tuyết
Rượu đành thôi rượu tấm thân tàn
Kim Phượng
***
Lên Cao
Gió lộng trời cao vượn hú buồn,
Nước trong cát trắng nhạn kêu thương.
Lá vàng rào rạt vàng rơi rụng,
Nước cuộn trường giang cuộn chảy tuôn.
Ngàn dặm sầu thu thân đất khách,
Trăm năm thân thế tóc pha sương.
Gian nan bệnh tật đăng cao ngắm,
Rượu bỏ ly không gục ngã buồn!
Lục bát:
Trời cao gió lộng vượn buồn,
Bãi trong cát trắng chim muôn lượn lờ.
Muôn chiều lá đổ ơ thờ,
Trường giang cuồn cuộn lờ mờ chân mây.
Bi thu đất khách thân gầy,
Trăm năm thân thế ngập đầy gian nan.
Pha sương tóc trắng hơi tàn,
Đăng cao bỏ rượu ly càng quạnh hiu!
Đỗ Chiêu Đức
Chú Thích:
CHỮ: Cồn cát hoặc Cồn đất nổi lên ở giữa sông.
HỒI: là Về, nhưng ở đây Điểu Phi Hồi có nghĩa là Chim bay lượn lòng vòng trên các bãi, cù lao.
PHỒN: là Nhiều, là Phức tạp, Rối Rắm.
SƯƠNG MẤN: Tóc mai bạc như sương.
LẠO ĐÃO: là Qụy ngã, ý chỉ gìa nua bệnh tật nên qụy ngã trước cuộc sống, trước cuộc đời.
TÂN ĐÌNH: là Vừa mới dừng lại.Ý chỉ Vừa mới cai rượu.
TRỌC TỮU BÔI: Trọc là Đục, là Dơ. Trọc Tữu Bôi là Ly rượu bị dơ vì đã không được sử dụng để uống rượu nữa!
***
Quên Đi xin có vài ý kiến.
Trong dịch thơ người xưa, chúng ta ngày nay mỗi người hiểu một cách theo hiểu biết của riêng mình. Tuy nhiên, qua phần giải thích của anh Chiêu Đức ở ba chữ cuối của câu cuối, Quên Đi có nhận xét như sau:
濁酒杯 Trọc Tửu Bô
Trọc 濁 ở đây có bộ thuỷ nên có nghĩa là đục.
濁酒杯 trọc tửu bôi: có nghĩa là "rượu đục trong chén"
Nếu là chén dơ thì phải dùng chữ Tạng 髒 có nghĩa là dơ bẩn. Tạng tửu bôi 髒酒杯 chén dùng uống rượu bị dơ bẩn.
Kính
Quên Đi
***
Trèo Lên Cao
Gió dật, trời cao, tiếng vượn ôi
Bãi quang, cát trắng, chim quay hồi.
Cơ man lá rụng, rơi rơi xuống,
Suốt dọc Trường giang, cuộn cuộn trôi.
Muôn dặm thu buồn, nao dạ khách,
Trăm năm bệnh mãi, bước thân côi.
Gian nan, hờn khổ, đầu phơ bạc;
Vất vả, đành ngưng bợm rượu thôi.
Danh Hữu
Chú thích:
Trong bài này, ở câu cuối, có mấy chữ khó hiểu nên các dịch giả xưa nay thường dịch chưa chuẩn. kể cả người Hoa khi họ dịch sang ngoại ngữ (Anh, Pháp).
Lao đảo: vất vả, cực khổ.
Tân đình: mới chịu ngừng.
Trọc rửu bôi: Chén của kẻ bợm rượu : cụm từ này đến từ câu thành ngữ: Trọc Hiền thanh Thánh 濁賢清聖, nghĩa là người hiền (hiền ở đây là giỏi, là hay rượu) thì uống rượu đục, tức là rót ra chưa kịp để nó lắng xuống là ực ngay, còn Thánh thần thì cứ để li đó trên bàn thờ mà chưa uống. Ngày xưa rượu tự cất nấu, nó không được trong như rượu bây giờ, có máy móc chưng cất.
Do đó, mà có câu khuyên giữa khách uống rượu: Lạc Thánh tị hiền, nghĩa là: Hãy vui với chén rượu Thánh mà tránh uống chén rượu hiền. Tức là nên uống vừa phải, từ từ.
Ý nghĩa của từ chén rượu đục là như vậy. câu thơ này có nghĩa là: Ta vất vả quá, thôi hãy ngưng làm tay bợm rượu đi. Hàm ý, bớt uống rượu thì sẽ không đến phải quá vất vả để kiếm tiền.
***
Lên CaoGió nổi, non xa, tiếng vượn gào,
Bến trong, cát trắng, én lao xao.
Mênh mang lá rụng về đâu nhỉ?
Cuồn cuộn sông trôi đến chốn nào.
Ngàn dặm thu buồn, nương đất khách,
Một thân già yếu, gượng lên cao.
Gian nan khổ hận đầu sương bạc,
Ngất ngưởng, say rồi, thôi, nữa sao
Phạm Khắc Trí(Cuối năm Kỷ Sửu - 2010)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét