Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2024

Portland Trong Trái Tim Tôi


Đây là bài số bảy trăm ba mươi ba (733) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ ORTB.

Cứ mỗi tuần thứ hai đến là tôi lại nhớ tôi phải viết bài cho mục Một Cõi Thiền Nhàn trên Oregon Thời Báo để quý vị cao niên ở Portland đọc cho vui với cái tuổi "không còn trẻ của mình". Tôi sẽ kể cho bạn nghe những vui buồn khi tôi sống ở Portland và những sinh hoạt khi tôi giữ mục Một Cõi Thiền Nhàn trên Oregon Thời Báo cho bạn đọc cho vui nhé.

Sau năm 1975, người viết trở thành "bà mẹ quê" ở nhà nấu cơm nuôi chồng, nuôi con, nuôi gà, nuôi vịt sống qua ngày vì Bộ Xã Hội, nơi người viết làm việc đã bị giải thể. Rồi với nhiều áp lực trong cuộc sống, trong tinh thần, chúng tôi trở thành những thuyền nhân tìm đường vượt biên và đã được cô em gái, nguyên là du học sinh trước năm 1973 cư ngụ tại Portland, Oregon bảo trợ chúng tôi đến sống ở Portland kể từ năm 1981.

Portland ngày ấy rất ít người Việt Nam định cư. Đa số những người tỵ nạn ở Portland được cơ quan USCC bảo trợ và giúp đỡ trong những ngày đầu để hội nhập vào đời sống Mỹ.
Dân số Portland vào thời điểm năm 1981 không đông đảo như bây giờ, người dân hiền hòa dễ thương. Khí hậu trong lành có đầy đủ bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Cảnh sắc Portland đẹp như một Đà Lạt ngày xưa, nên tôi đã yêu Portland ngay từ dạo đó và đã sống ở nơi đây hơn 40 năm rồi.

Xin mời quý bạn cùng thưởng thức Youtube Portland trong trái tim tôi do tôi thực hiện dưới đây:
Youtube Portland trong trái tim tôi 5:15


Khi trở lại đời sinh viên ở “đại học trường làng” Portland Community College năm 1982, trong không khí trẻ trung vui vẻ của khung viên đại học, người viết đã cùng các bạn sinh viên Huỳnh Lương Vinh, Lưu Sĩ Minh, Nguyễn Minh Ngân, Nguyễn Khôi Nguyên v..v… tổ chức nhiều buổi “văn nghệ văn gừng mừng” Ngày Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu v..v… để giới thiệu văn hoá Việt Nam đến những người bạn Mỹ tại trường rất nhiệt tình, hào hứng với phương tiện thiếu thốn đủ mọi mặt vì lúc đó chúng tôi là những “sinh viên nghèo” mà lị.

Rồi thời gian lặng lẽ trôi qua, chuyện áo cơm và lo lắng cho cuộc sống mới nơi xứ người đã làm cho người viết phải tạm gác lại chuyện văn thơ nghệ thuật và chuyện đi vác ngà voi sang một bên một thời gian vì bao tử đói thì làm sao có đủ sức mà “phun châu nhả ngọc” cho được. Smile!
Không ai có thể giúp mình bằng tự chính mình được. Vợ chồng chúng tôi đã bỏ lại ở quê hương những gì mình đã có và ra đi với hai bàn tay trắng trên chiếc thuyền con bé nhỏ chẳng biết sẽ trôi dạt về đâu.

Cũng nhờ trời thương, chúng tôi đã đến bến bờ tự do trong an lành, sum họp gia đình đầy đủ. Chúng tôi đi học trở lại chỉ là để có tiền trả tiền nhà, tiền điện, tiền thực phẩm với số tiền “basic grant” và tiền “work study” ít ỏi. Chúng tôi phải vừa đi học ban ngày vừa đi làm thêm công việc quét dọn công sở (janitor) ban đêm. Cầm những đồng tiền làm được do tự chính tay mình làm ra được trong buổi ban đầu gian khổ nơi xứ người, tôi đã nhiều đêm phải khóc thầm. Than ôi! Thời oanh liệt kẻ hầu người hạ nay còn đâu?
Nhưng dầu sao đi nữa, chúng tôi vẫn có phúc hơn bao nhiêu người đói khổ còn lại ở quê nhà vào thời điểm đó, nên chúng tôi có ngại gì những gian khổ lúc ban đầu này.

Rồi Trời Phật cũng thương cho kẻ có lòng nên dần dần chúng tôi cũng đã ổn định được đời sống. So với bao nhiêu người khác, chúng tôi chẳng có gì là cao sang quyền quý cả. Tôi an phận làm một cô giáo tầm thường nơi xứ lạ. Điều quan trọng đối với tôi trong hiện tại là vợ chồng yêu thương nhau, con cháu ngoan hiền, có sức khỏe tốt, thân an trí lạc là tốt lắm rồi. Tiền bạc, danh vọng, chúng tôi đã có rồi cũng đã mất, Cuộc đời có không, không có, chuyện ghét thương thương ghét là chuyện thường tình nơi chốn bụi hồng lao xao này, hơi đâu mà thắc mắc cho mệt! Bạn nhỉ?

Mỗi người có một cái nhìn, một thái độ, một cảm nghĩ khác nhau về một sự việc. Người khác có quyền nghĩ sao về mình là tùy ý họ vì họ có cái quyền đó. Có sao đâu? Còn mình như thế nào thì hãy để cái “nhất điểm lương tâm” của mình và Trời Phật phán xét vì người viết vẫn tin rằng: “Ngẩng đầu cao ba thước đã có thần linh” rồi, cho nên ta cứ an tâm sống vui sống khỏe trong giây phút hiện tại là được rồi. Tôi nghĩ thế! Bạn đồng ý chứ?

Khi người viết quyết định “rửa tay gác bút” chốn học đường trước cái tuổi về hưu hợp pháp, chính thức của chính phủ trước đây cho phép, đã làm cho phu quân của tôi “càm ràm” và nhiều thân hữu, bạn đồng nghiệp của tôi ngạc nhiên hết sức vì tại sao một người năng động, làm việc hết sức tích cực, nhiệt tình như tôi lại thích về nhà làm “bà mẹ quê” hơi sớm như vậy nhỉ?

Có thể là tôi chán việc tranh đua, chèn ép, bất an ninh nơi chốn học đường nên thích ở nhà vui hưởng hạnh phúc gia đình với chồng con, cháu nhỏ chăng?
Có thể là vì tôi muốn nghỉ làm việc sớm để có thể làm được những việc mình thích mà lâu nay vì cuộc sống mà phải tạm gác lại chăng?
Có thể là vì tôi đã thuộc bài:

“Biết đủ thì là đủ, đợi đủ biết bao giờ mới là đủ
Biết nhàn thì là nhàn, đợi nhàn biết bao giờ là nhàn” chăng?

Là vì nguyên nhân nào đi nữa, tôi nghỉ việc mà vẫn được ông Bush, ông Obama, ông Trump trả lương cho tôi hằng tháng và cung cấp bảo hiểm sức khoẻ cho tôi là được rồi. Có sao đâu?

Năm 2002, tôi đã trở lại “phóng tay, múa bút” trên ORTB, trên các đặc san thân hữu bên anh, bên em, trong các diễn đàn cõi ảo, cõi thật “cho vui với đời” một ti tị với cái tên “Sương Lam mờ chân mây” mà tôi đã chọn từ năm 17 tuổi khi sinh hoạt Gia Đình Phật Tử Chánh Minh ờ Việt Nam ngày xưa.

Bây giờ người viết lại có được “job” làm kẻ giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn để tâm tình với quý vị cao niên hằng tuần trên ORTB với nụ cười duyên dáng. Không ngờ tôi cũng đã "trải dài tâm tinh" qua 733-bài viết trong mục MCTN trên Oregon Thời Báo tại Portland, Oregon rồi. Trung bình một bài viết trong mục MCTN của tôi là 4 trang đánh máy, như vậy tôi viết được tổng cộng là 2932 trang. Mèn ơi! Cũng nhiều đấy nhỉ! Smile!

Nhiều thân hữu đã làm "dám đốc, dám xúi" người viết in sách và tổ chức ra mắt sách cho vui. Nhưng..... cho đến giờ phút này, và có lẽ sau này nữa, người viết chỉ viết "cho vui với đời" mà thôi, chứ không có ý định in sách hay ra mắt sách riêng cho mình làm chi cho mệt trí.

Người viết vẫn thích góp mặt chung với bạn bè, mỗi người góp một ít bài, một ít tiền, chung nhau thực hiện các tuyển tập, xong rồi chia nhau mỗi người dăm ba quyển tặng bạn bè, như thế cũng đủ vui rồi. Khỏe re! Smile!

Người viết thường tự nhủ: "Nếu đã có duyên văn nghệ với nhau thì sẽ có "người tri âm, kẻ tri kỷ" tìm đọc thoải mái “Free” các bài tâm tình của tôi trên trang Một Cõi Thiền Nhàn của tôi trong Oregon Thời Báo hay trên trang nhà của tôi là tôi thấy vui rồi. Tiền in sách, ra mắt sách này nếu dùng vào những việc công ích, cứu trợ kẻ đáng giúp đọ, xoa dịu những mảnh đời bất hạnh vẫn có giá trị, ý nghĩa hơn chăng?

Khi có thời giờ và sức khỏe, tôi đưa thơ văn, bài nhạc lên trang nhà của tôi
hay vào trang youtube của tôi
hoặc vô trang Web Pinterest của tôi

Xem “chùa” giống như Quán Ven Đường của GS Huỳnh Chiếu Đẳng vậy đó.

Nếu đủ duyên lành vợ chồng tôi đi chùa lễ Phật tụng kinh. Ai nói gì thì nói, ai khen chê gì thì chê khen. Ai giận hờn gì thì hờn giận. Mặc họ! Có sao đâu? Bon chen và tức giận làm gì cho mệt!


Cũng nhờ có duyên lành, khi giữ mục MCTN này, người viết được nhiều bạn thật, bạn ảo gửi tặng kinh sách, tài liệu đến cho người viết để làm tài liệu viết bài, làm youtube, thực hiện ảnh thơ, phổ nhạc, ngâm thơ giúp, lưu trữ hay giới thiệu đến các diễn đàn, thân hữu khác v..v…

Nhiều khi nhờ đọc một câu chuyện mà bạn bè chia sẻ trong các diễn đàn văn nghệ mà người viết tham gia sinh hoạt hay do email bạn gửi đến hay khi đi dự tiệc sinh hoạt với bạn hữu, tiệc gây quỹ cúng chùa v....người viết lại có hứng khởi và tài liệu viết bài tâm tình cho quý vị cao niên đọc đỡ buồn trong tuổi hoàng hạc này. Cũng vui thôi! Xin cám ơn những người bạn tốt của tôi nhé.

Xin mời quý bạn cùng thưởng thức

1-Youtube Họp Mặt Nhóm QGHC Portland và thân hữu 10- 10-2024 tại nhà hàng Thiên Hoàng
2- Youtube Tiệc Cơm Chay Chúc Phúc chùa Huệ Minh, WA 10 13 2024 – Suong Lam Portland Youtube Channel https://www.youtube.com/watch?v=ChmNNI3WqTI
3-Sương Lam giới thiệu Tiệc Gây Quỹ Cơm Chúc Phúc Chùa Huệ Minh 10-10-24 Suong Lam Tran Youtube Channel https://www.youtube.com/watch?v=ChqQxXvzPMk

Chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi MCTN 733- ORTB 1164-101624)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét