Thứ Ba, 11 tháng 6, 2024

Thừa, Thước, Thương


Trai anh hùng, gái thuyền quyên,
Phỉ nguyền sánh phượng đẹp duyên CỞI RỒNG.

CỞI RỒNG chữ nho là THỪA LONG 乘龍 có xuất xứ từ thành ngữ THỪA LONG KHOÁI TẾ 乘龍快婿 chỉ có được chàng rể qúy hay có chồng qúy, theo tích sau đây:

Theo Sách Liệt Tiên Truyện-Quyển thượng 列仙傳·卷上 : Thời Xuân Thu Chiến quốc, Tần Mục Công có cô con gái yêu là Lộng Ngọc 弄玉, thích âm nhạc, nhất là thổi tiêu. Một hôm nằm mộng thấy một thanh niên anh tuấn thổi tiêu rất giỏi. Tỉnh ra mới kể với Tần Mục Công, Công bèn cho người đi tìm thanh niên trong mơ của con gái. Tìm đến Minh Tinh Nhai dưới núi Hoa Sơn, quả nhiên gặp được một chàng trai tuấn tú, tiên phong đạo cốt, tên là Tiêu Sử 蕭史. Sứ giả mời về cung và được Tần Mục Công gả Công chúa Lộng Ngọc cho, lại cất cho một tòa lâu đài để vợ chồng cùng luyện tập thổi tiêu trên đó. Một đêm, vợ chồng đang thổi tiêu dưới ánh trăng, tiếng tiêu réo rắc đã làm cho một con Xích Long 赤龍 (Rồng màu đỏ) và một con Tử Phụng 紫鳳 (Phượng màu tím) bay đến. Vợ chồng cùng cởi xích long và tử phụng bay đi. Tần Mục Công cho người đuổi theo đến giữa núi Hoa Sơn thì mất dạng. Bèn cho lập miếu thờ ở Minh Tinh Nhai dưới chân núi Hoa Sơn mãi cho đến hiện nay.

Tích trên đưa đến thành ngữ THỪA LONG KHOÁI TẾ 乘龍快婿 và THỪA LONG KHÓA PHỤNG 乘龍跨鳳 là Cởi Rồng Cởi Phụng, chỉ vợ chồng cùng lên tiên hay vợ chồng cùng xứng đôi với nhau. Trong Đại "Nam Quốc Sử Diễn Ca" của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái có câu :

Gần xa nức tiếng cung trang,
THỪA LONG ai kẻ Đông sàng sánh vai?

Còn khi Từ Hải chuộc Thúy Kiều ra khỏi lầu xanh, cụ Nguyễn Du đã hạ câu :

Trai anh hùng, gái thuyền quyên,
Phỉ nguyền SÁNH PHƯỢNG đẹp duyên CỞI RỒNG.


THỪA CƠ 乘機 là Nhân cái cơ hội nào đó; là Sẵn dịp may nào đó... Như khi dấy binh khởi nghĩa, Từ Hải đã lập nên "Triều đình riêng một góc trời, gồm hai văn võ vạch đôi sơn hà" vì đã biết lợi dụng :

THỪA CƠ trúc chẻ ngói tan,
Binh uy từ ấy sấm vang trong ngoài.


Còn khi gạt gẫm để dẫn dụ Thúy Kiều rơi vào bẫy của mình, Sở Khanh cũng đã lý luận với Thúy Kiều là:

THỪA CƠ lẻn bước ra đi,
Ba mươi sáu chước, chước gì là hơn?!

Muốn cứu vớt người đẹp mà không dám quang minh chính đại bỏ tiền ra để chuộc thân cho nàng mà lại rủ người ta lén bỏ trốn. Qủa là thủ đoạn của một gả Sở khanh có khác !

THỪA HOAN 乘歡 là Nhân niềm vui, hay Nhân lúc đang vui vẻ... Như khi được Đường Minh Hoàng yêu mến, Dương Qúy Phi đã hết lòng hầu hạ nhà vua không mệt mỏi :

乘歡侍宴無閒暇 THỪA HOAN thị yến vô nhàn hạ,
Có nghĩa:
- Sẵn niềm vui khi được vua yêu mà hầu hạ nhà vua hết yến tiệc nầy đến yến tiệc khác không có thời gian mào rảnh rổi cả...

Trong truyện thơ Nôm khuyết danh bằng Thất ngôn Bát cú "Lâm Tuyền Kỳ Ngộ" (Bạch Viên Tôn Các) của ta có câu:

Một thơ giai lão lên lời chúc,
Một chữ THỪA HOAN mượn chén khuyên.


THƯỚC KIỀU 鵲橋 : THƯỚC là tên chim có mầu đen, nên còn gọi là Ô Thước 烏鵲 mà ta hay dịch là Qụa Đen. Thực ra THƯỚC là con Chim Khách. Theo tích xưa khi nghe chim khách kêu là báo hiệu nhà sắp có khách phương xa đến hay là có người đi xa sắp trở về. Nên còn gọi là Khách Thước 客鵲 là Chim Khách. Còn theo thần thoại dân gian trong truyện Ngưu Lang Chức Nữ thì THƯỚC là con chim bắt cầu mỗi năm vào đêm mùng bảy tháng bảy Âm lịch cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau, nên còn gọi là HỈ THƯỚC 喜鵲 là con chim Thước mang tin Vui đến. Còn...
KIỀU là Cầu, nên THƯỚC KIỀU là Cầu Ô Thước, cây cầu bắt qua sông Ngân Hà cho Ngưu Lang và Chức Nữ hội ngộ nhau trong đêm Thất Tịch. Sau dùng rộng ra cũng để chỉ vợ chồng lâu ngày hội ngộ nhau hoặc trai gái được nên duyên chồng vợ với nhau, như trong truyện thơ Nôm "Từ Thức Gặp Tiên" có câu:

Ba sinh phận đẹp cưỡi rồng,
THƯỚC KIỀU sẵn dịp, loan phòng sẵn duyên.

THƯỚC KIỀU còn được gọi là CẦU Ô, như trong truyện thơ Nôm Phạm Tải -Ngọc Hoa (Phạm Công Cúc Hoa) có câu:

Đưa thơ tính đã nhiều lần,
CẦU Ô rắp bắt sông Ngân cùng nàng.

...hay còn gọi là CẦU THƯỚC như trong truyện Lâm Tuyền Kỳ Ngộ :

CẦU THƯỚC phen nầy thênh dịp bước,
Tấc gang riêng giữ nghĩa chung tình.

Cầu Ô THƯỚC theo truyền thuyết và cầu Ô THƯỚC hiện nay ở Tô Châu
THƯƠNG CẨU 蒼狗 : THƯƠNG 蒼 có bộ THẢO 艹 trên đầu, nên là Màu xanh của cây cỏ. THƯƠNG CẨU là con chó màu xanh, có xuất xứ từ hai câu thơ trong bài Khả Thán Thi 可嘆詩 của Thi Thánh Đỗ Phủ:

Thiên thượng phù vân như bạch y, 天上浮雲如白衣,
Tư tu cải biến như thương cẩu . 斯須改變如蒼狗。

Có nghĩa:
Mây nổi trên trời như áo trắng,
Phút giây chợt tựa chó xanh lơ.

... để chỉ sự biến đổi mau lẹ và vô chừng của mọi sự việc trên đời nầy, như trong truyện thơ Nôm khuyết danh "Trinh Thử" nàng chuột bạch đã kể lể về thân phận của mình như sau :

Thiếp nay ở mé đông lân,
Vì cơ THƯƠNG CẨU lang quân tếch ngàn.

Trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều thì gọi là VÂN CẨU 雲狗 khi nàng cung phi thất sủng lý luận về cuộc đời :

Lò cừ nung nấu sự đời,
Bức tranh VÂN CẨU vẽ người tang thương.


TANG THƯƠNG hay THƯƠNG TANG hay THƯƠNG HẢI 滄海 là Biển(Bể) Xanh, đều là nói gọn lại của thành ngữ THƯƠNG HẢI TANG ĐIỀN 滄海桑田 chỉ cuộc đời biến đổi vô chừng ra ngoài sự ước đoán và suy nghĩ của con người. Thành ngữ nầy có xuất xứ như sau :

Theo Thái Bình Quảng Ký 太平廣記, quyển 60 Thần Tiên Truyện 神仙傳 của Cát Hồng 葛洪 đời Tấn : Vào đời Hán Hiếu Hoàn Đế có hai tiên nhân, một người là Vương Viễn, tự là Phương Bình; một người là Ma Cô Tiên cô. Có một bận, Vương Phương Bình giáng lâm nhà bạn là Thái Kinh với một đoàn tuỳ tùng tiền hô hậu ủng thật rình rang và ngồi trên tiên xa do năm con rồng kéo đến. Nhưng khi vừa giáng xuống sân nhà thì tất cả tùy tùng đều biến mất, chỉ thấy Vương Viễn uy phong lẫm liệt như một vị tướng quân. Sau khi ra mắt người nhà Thái Kinh, Vương bèn ngẩn đầu lên không trung đưa tay ngoắt ra dấu cho người đi mời Ma Cô Tiên. Một lát sau, sứ giả từ không trung báo xuống : " Ma Cô Tiên Cô bảo rằng đã hơn năm trăm năm chưa gặp được tiên sinh, nhưng vì bận phải đi tuần du tiên đảo Bồng Lai, sẽ đến trong chốc lát". Vương khẻ gật đầu. Ngồi đợi trong giây lát, bỗng nghe trên không trung tiếng nhạc vang lừng, Ma Cô từ không trung giáng xuống với y trang rực rỡ, tóc mây buông dài trông như cô gái mười tám đôi mươi của thế gian. Sau khi cùng nhau hành lễ, Vương cho người nhà bày tiệc khoản đãi. Chỉ thấy toàn là các loại cây trái qua qủa được bưng lên trong các mâm chậu thật đẹp, mùi hương của trái cây ngào ngạt khắp phòng.

Trong buổi tiệc, Ma Cô nói với Vương Viễn rằng :"Kể từ ngày đắc đạo và nhận lấy thiên mệnh tuần tra đến nay, cũng đã ba lần thấy Đông hải biến thành ruộng dâu. Mới vừa đây, khi tuần tra đảo Bồng Lai, thấy nước biển ở đây đã cạn đi một nửa, chắc biển lại muốn biến thành đất liền nữa rồi !".

Vương Phương Bình Thở dài mà rằng :"Đúng vậy, các thánh nhân đều bảo, nước biển đang cạn dần, chắc không bao lâu nữa nơi ấy sẽ là nơi đầy rẫy cả bụi hồng trần !". Tiệc tan trong một ngày, nhưng ở thế gian đã là cả ngàn năm rồi, mới hay, không gian khác nhau thì thời gian cũng sẽ khác nhau. Trong mắt thần tiên chỉ một thoáng, nhưng ở thế gian thì bãi bể đã hoá nương dâu rồi .


Điển tích TANG ĐIỀN THƯƠNG HẢI thường được nói gọn lại thành TANG THƯƠNG như trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu :

Phong trần đến cả sơn khê,
TANG THƯƠNG đến cả hoa kia cỏ này.

...hay lấy chữ đầu và chữ cuối mà nói thành TANG HẢI, như trong Truyện Từ Thức gặp Tiên :

Nguồn cơn biết ngỏ ai hay,
Giận cơ TANG HẢI trách ngày thiếu niên.

...lắm lúc lại chỉ sử dụng một vế THƯƠNG HẢI mà thôi, như trong truyện Lưu Nữ Tướng :

Kìa đâu ngàn Sở bãi Tần,
Tưởng cơ THƯƠNG HẢI xoay vần kíp sao!

Thương Hải Tang Điền còn được dịch thẳng ra tiếng Nôm là BÃI BỂ NƯƠNG DÂU, cũng trong Cung Oán của Nguyễn Gia Thiều :

Khóc vì nỗi thiết tha sự thế,
Ai bày trò BÃI BỂ NƯƠNG DÂU?

Còn trong Truyện Kiều thì cụ Nguyễn Du đã mở đầu bằng những câu :

Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ TÀI chữ MỆNH khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc BỂ DÂU,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

và cụ đã đão ngược lại thành DÂU BỂ, khi cho Thúy Vân hỏi Kiều một cách thật vô tư đến ... đáng trách là:

Cơ trời DÂU BỂ đa đoan,
Một nhà để chị riêng oan một mình.
Cớ sao ngồi nhẫn tàn canh,
Nỗi riêng còn mắc mối tình chi đây ?!

Trong văn chương cận đại đã ít sử dụng điển tích văn học, nhưng khi đọc đến bài thơ Sông Lấp của ông tú Vị Xuyên Trần Tế Xương, nghe như có cái gì đó nghèn nghẹn cho sự TANG THƯƠNG BIẾN ĐỔI khi dòng sông Vị Hoàng của quê ông bị lấp, ông đã làm bài thơ với đầy vẻ ưu thời mẫn thế như sau :

Sông kia rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò!
TTX.

杜紹德
Đỗ Chiêu Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét