Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2022

Tưởng Nhớ Nhà Văn Hoàng Đạo (1907-1948)


Tưởng Niệm 74 Năm, Ngày Mất Nhà Văn Hoàng Đạo (22/6/1948)

Nhà văn Hoàng Đạo là thành viên trong Tự Lực Văn Đoàn (năm 1933, Nhất Linh thành lập gồm có Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ…) và trong gia đình của cụ Nguyễn Tường Chiếu húy Nhu (thân phụ là Nguyễn Tường Tiếp làm Tri Huyện ở Cẩm Giàng) và bà Lê Thị Sâm với các người con: Nguyễn Tường Thụy (1903-1974), Nguyễn Tường Cẩm (1904-1947), Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh) (1906-1963), Nguyễn Tường Tư tức Long (Hoàng Đạo) (1907-1948), Nguyễn Thị Năm tức Thế (1909-1997), Nguyễn Tường Sáu tức Lân (Thạch Lam) (1910-1942), Nguyễn Tường Bẩy tức Bách (1916-2013), Nguyễn Tường Bách tuy là bác sĩ nhưng thời trai trẻ theo bước đường văn chương và chính trị với 3 người anh nên sống lưu lạc ở Hoa Lục (1946-1988), khi định cư tại Canada và Hoa Kỳ, lấy bút hiệu là Viễn Phương, ấn hành nhiều tác phẩm.

Viết về tiểu sử các nhà văn trong gia đình Nguyễn Tường ngoài các nhà phê bình văn học, nhà văn, nhà báo từ thập niên 40… trải qua nhiều thập niên với thế hệ hâu duệ từ trong nước đến hải ngoại. Trong lịch sử văn học Việt Nam chưa có dòng họ nào được tiếp nối qua nhiều thế hệ như vậy. Ngoài bút hiệu Tứ Ly, trong các tác phẩm của Hoàng Đạo do các nhà xuất bản Đời Nay, Sống Mới, Khai Trí ấn hành trước năm 1975 ở Sài Gòn đều ghi tiểu sử của Hoàng Đạo. Đạo hiệu: Phúc Văn, bút hiệu khác là Tường Minh nhưng không thấy nhắc tới. 

Hồi Ký Về Gia Đình Nguyễn Tường: Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam của bà Nguyễn Thị Thế, dày 252 trang, ấn hành năm 1974 ở Sài Gòn, là tài liệu văn học chính xác để sưu tầm. Bà là thân mẫu của nhà văn Duy Lam Nguyễn Kim Tuấn (1932-2021) và nhà văn Thế Uyên Nguyễn Kim Dũng (1935-2013). Trong hồi ký bà ghi rõ nguyên quán ở cẩm Phô, Điện Bàn, Quảng Nam. Với cái bóng của những cây đại thụ trong văn chương cũng là niềm hãnh diện của người dân xứ Quảng nhưng trước năm 1975 ở miền Nam VN, những bài viết của các cây bút nơi quê nầy ít đề cập đến gốc gác, với tôi, có lẽ đó là đặc tính của người dân xứ quảng không “kể lể” để “bắt quàng làm họ” với những nhà văn nổi danh, không sinh ra trên mảnh đất quê nhà.

Trong bài viết Nhất Linh, Ngọn Đuốc Soi Đêm của tôi năm 2006. Sau nầy đăng trong quyển Nhân Văn & Tình Sử năm 2015 (trang 221-242) có đề cập: “Sau gần bốn chục năm (1963-2001), con cháu trong gia tộc Nguyễn Tường đã đưa di cốt nhà văn Nhất Linh ở Sài Gòn và vợ ở Pháp trở về nguyên quán. Trong bài Nắm Cỏ Đưa Về Tấc Đất Xưa của nhà văn Phạm Phú Minh trong tạp chí Thế Kỷ 21 (tháng 7-2002) đã ghi:

“... Theo anh Nguyễn Tường Thiết, con trai út của nhà văn cho biết thì năm 1975, chính quyền cộng sản giải tỏa nghĩa trang chùa Giác Minh ở Thông Tây Hội (Gia Định), anh Nguyễn Tường Thạch là là con trai Nhất Linh đã hỏa thiêu di cốt của cha và gửi bình tro tại chùa Kim Cương đường Trần Quang Diệu tại quận Ba, Sài Gòn. Năm 1982 bà Nguyễn Tường Tam (Phạm Thị Nguyên) sang Pháp đoàn tụ với con, nhưng cũng trong năm nầy bà qua đời, được an táng tại nghĩa trang ở Pháp.

Năm 2001, các người con của ông bà Nhất Linh đã quyết định dời mộ ông bà và của người con gái lớn là chị Thư về Quảng Nam, nguyên quán của gia tộc Nguyễn Tường... … Ngày 28.4.2001 cử hành lễ chôn cất các di cốt tại nghĩa trang riêng của họ Nguyễn Tường ở Hội An. Mộ của ông bà Nguyễn Tường Tam nằm gần mộ cụ tổ Nguyễn Tường Phổ, người đầu tiên của họ Nguyễn Tường ra làm quan và lập nghiệp ngoài Bắc, nhưng khi mất đã được mang về an táng tại quê nhà…”. Và từ đó, nhà từ đường Nguyễn Tường ở Hội An được lưu trữ rất nhiều về tài liệu văn học của dòng họ Nguyễn Tường. (Để tìm hiểu thêm, tôi email cho các cháu và được biết chỉ lưu trữ về tài liệu văn học, ít có tài liệu về chính trị như Việt Nam Quốc Dân Đảng).

Hoàng Đạo lập gia đình năm 1933 với bà Marie Nguyễn Bình (1913-1975). Trong cuốn Hồi Tưởng, ấn hành năm 2021, trang 198, nhà văn Từ Dung ghi: “Tôi có hai người anh và một người chị. Chị lớn tên là Nguyễn Minh Thu, người anh thứ hai là Nguyễn Tường Ánh, anh thứ ba là Nguyễn Lân. Tôi là con út ...”. Theo GS Trần Huy Bích: Trưởng nữ Nguyễn Minh Thu, sinh năm 1934 (Giáp Tuất), thân mẫu của Đặng Thơ Thơ, Trưởng nam Nguyễn Tường Ánh, sinh năm 1936 (Bính Tý), thứ nữ Nguyễn Lan Phương, sinh năm 1937 (Đinh Sửu) và thứ nữ Nguyễn Từ Dung…”

Bà quả phụ Hoàng Đạo mang con cái vào Nam, nhà giáo Nguyễn Lân tiếp nối nghiệp văn của gia đình Nguyễn Tường và thân phụ Hoàng Đạo, với tuyển tập truyện ngắn Sôi Nổi và truyện dài Tìm Một Cõi Về (Ra mắt tác phẩm nầy vào chiều Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2010, tại phòng sinh hoạt nhật báo Việt Herald). Tác phẩm Hồi Tưởng của Từ Dung ấn hành năm 2020 và vừa ra mắt sách vào trưa Chủ Nhật, 15 tháng Năm, 2022 tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt. Theo lời nhà văn Ngọc Cường, anh họ của tác giả Từ Dung cho biết: “Tác phẩm này được viết theo dạng hồi ký, nội dung sách nói về đời thật và người thật của tác giả và gia đình. Đây là một tuyển tập gồm nhiều bài mới và cũ, từng được đăng trên các tạp chí văn chương ở hải ngoại”.

Trong Kỷ Yếu Phong Hóa Ngày Nay & Tự Lực Văn Đoàn, ấn hành năm 2013 ngoài bài viết Khái Niệm Về Hoàng Đạo, Ba Tôi của Minh Thu, trang 80, chỉ để cập thoáng qua tâm tính của phụ thân và tình cảm với con cái. Ngoài ra có bài viết của nhà văn Đặng Thơ Thơ (cháu ngoại Hoàng Đạo) trang 150 và Từ Dung trang 212.

Theo bài viết của Đặng Thơ Thơ: “Cuối năm 1940 vì tổ chức đảng Đại Việt Dân Chính chủ trương xây dựng lực lượng, lợi dụng các biến cố quốc tế để đánh đuổi thực dân Pháp, lật đổ triều đình Huế xây dựng một nước Việt Nam độc lập và dân chủ; nên ông cùng các đồng chí bị Pháp bắt giam và đưa đi đày tại trại an trí Vụ Bản thuộc châu Lạc Sơn tỉnh Hòa Bình. Năm 1943 thực dân Pháp giải ông về quản thúc tại Hà Nội. Tháng 6 năm 1946 sau khi lực lượng cách mạng dân tộc bị kiệt quệ trong một cuộc nội chiến chống Việt Minh cộng sản, ông cùng các chiến sĩ Quốc Dân rút sang Trung Quốc. Trú ở Côn Minh rồi sang Quảng Châu, thời gian này ông tập trung nghiên cứu tìm một chính thể và mô hình xã hội thích hợp để áp dụng tại Việt Nam. Ông qua đời đột ngột trên chuyến xe lửa Hương Cảng - Quảng Châu ngày 22.7.1948, thi hài an táng tại trấn Thạch Long. Sau này dưới thời kỳ cải cách ruộng đất Trung Quốc giải tỏa nghĩa trang làm khu dân sinh và mộ phần của ông bị san bằng không còn dấu vết”.

Trong Hồi Ký của bà Nguyễn Thị Thế về Cái Chết Của Hoàng Đạo, trang 135, trong đó ghi: “Khi anh Tư mất (16.6 năm Mậu Tý, 22.7.1948), mẹ tôi đang ở chùa Hai Bà. Mẹ tôi nhờ nhà chùa làm mâm cỗ chay để cúng và làm lệ phát tang. Một năm sau (*?) chị Tư sang thăm mộ. Cũng may hồi đó Trung Hoa chưa là cộng sản nên đi lại dễ dàng, chôn ở nghĩa trang Thạch Long”.

Trong bài viết Việt Nam Một Thế Kỷ Qua, Nguyễn Tường Bách & Tôi của nhà văn Ngô Thế Vinh về hai quyển hồi ký Việt Nam Một Thế Kỷ Qua của tác giả Nguyễn Tường Bách ấn hành năm 1998, 2000, hồi ký Nguyễn Tường Bách & Tôi của bà Hứa Bảo Liên (vợ Nguyễn Tường Bách) ấn hành năm 2005, ghi lại vào thời điểm đó khi bà nhận được tin có một người Việt Nam đột ngột chết trên chuyến xe lửa từ Hồng Kông về Quảng Châu. Ông hành khách ấy đột ngột gục xuống ngay chỗ ngồi trên toa xe lửa khi đang xem báo. Không có cách gì cứu chữa; xác đã được đưa xuống ga Thạch Long.


“Tôi về kể lại, mọi người đều chột dạ, nhưng lại tự an ủi là người Việt họ Nguyễn thì nhiều, không chắc có phải là anh Long. Nhưng hôm đó mọi người đều thắc mắc lo âu. Sáng hôm sau, tôi lại ra chợ, lần này thấy bà chủ tiệm hình như đang đợi tôi, Thấy tôi bà nói luôn: có người sang nói, người mất trên tàu tên là Nguyễn Phúc Vân (đấy là tên hiệu của anh Long ít người biết). Tôi không để bà ta nói hết, quẳng ngay chiếc rọ, chân dép chân đất, tất tả chạy về. Sau khi nghe tôi kể lại, mọi người đều im lặng, nhưng nước mắt đã tràn xuống… Sau một thời gian ngắn, anh Bách chạy về nói với tôi: ‘Sáng sớm mai, mọi người phải đi, song trong nhà không ai có đủ tiền, mà cũng không biết phải dùng hết bao nhiêu. Nay em sang Quảng Châu vay cô Bình 500 đồng HK (khoảng 60 USD, theo thời giá lúc ấy 1 USD tương đương với 8 HKD), nếu cô ta không có thì nhờ vay hộ, xong việc sẽ trả ngay’. Tôi biết số tiền này rất cần, nhưng số tiền lớn như vậy, tương đương với hai lạng vàng, không biết có thể vay được không?

… Sáng hôm sau, các anh dậy sớm lên đường. Tôi vì có con mọn nên các anh khuyên tôi ở lại coi nhà… Hai hôm sau, các anh trở về, người nào người nấy bơ phờ như kẻ mất hồn, hai mắt đỏ hoe. Thật không có gì đau thương bằng trong lúc lưu vong, lại xảy ra sự sinh ly tử biệt này! Anh Bách có cho tôi biết, khi mở quan tài, mọi người đều khóc không ra tiếng, cảnh tượng này không bao giờ quên được. Còn hành lý và giấy tờ trong người anh Long đã được nhà ga trao trả thân nhân chu đáo”

Việt Nam Một Thế Kỷ Qua, hồi Ký cuốn hai của Nguyễn Tường Bách, ấn hành 2000 tại Hoa Kỳ, ghi:

“… Khi tới nơi, mở nắp quan tài thì mặt người chết đã sưng phù biến dạng nhưng mọi người nhận ngay ra đó là anh Long vì còn nguyên bộ đồ áo tây mà anh vẫn thường mặc. Mọi người đau buồn nhưng người đau đớn nhất là anh Tam. Mấy anh em chỉ còn biết chung tay đào một mộ huyệt sơ sài cho anh Hoàng Đạo, cắm mấy nén hương cuối cùng và một bia đá được đặt trang nghiêm trên đầu mộ, với mấy dòng chữ:

Nguyễn Tường Long
Người Việt Nam
Sinh năm 1906*, mất năm 1948
Yên nghỉ nơi đây

(*) Năm sinh đúng của Hoàng Đạo là 1907 tức năm Đinh Mùi nhưng khai sinh ghi 1906.

Một tháng sau (*?) thì chị Nguyễn Tường Long cùng con gái Minh Thu sang thăm mộ, chị đã khóc rất thảm thiết. Sau đó chị Long ra thẳng Hồng Kông, Hứa Bảo Liên thì về lại Quảng Châu. Và đó cũng là lần chia tay vĩnh biệt giữa hai chị em.
Trong bài viết của tác giả Ngô Thế Vinh ghi lại nhiều chi tiết về cuộc tình của BS Nguyễn Tường Bách và cô gái người Hoa là Hứa Bảo Liên. Cuộc hành trình đầy gian nguy của các nhà cách mạng trong VNQDĐ từ Việt Nam sang Côn Minh, Quảng Châu… qua các tác phẩm của Nguyễn Tường Bách đã ghi lại giai đoạn lịch sử quan trọng.
(Tuyển tập II Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật & Văn Hóa của Ngô Thế Vinh, ấn hành năm 2022, dày 540 trang, bài viết trang 31-72).
(Ghi chú thêm: (*?) một tháng & một năm, có sự khác biệt về thời gian).

Tuyển Tập Tự Lực Văn Đoàn & Các Cây Bút Hậu Duệ do nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian thực hiện đã ra mắt vào trưa Chủ Nhật, 15 tháng Chín, năm 2019 tại Lecture Hall của đại học CSU Long Beach. Tuyển tập dày gần 500 trang với 35 tác giả. Trong buổi ra mắt tuyển tập có bài tham luận Hoàng Đạo Như Một Ẩn Số của Đặng Thơ Thơ. Nhân đây trích những dòng chính:

“… Tuy Hoàng Đạo là lý thuyết gia kiêm bộ óc tham mưu của Tự Lực Văn Đoàn (TLVĐ), đa số chúng ta chỉ biết đến Hoàng Đạo không nhiều qua số tác phẩm đã được xuất bản và đưa vào chương trình Việt văn lớp Đệ Nhị (tức lớp 11) của Việt Nam Cộng Hòa trước 1975 gồm truyện dài Con Đường Sáng và tập tiểu luận Mười Điều Tâm Niệm. Những tác phẩm khác đã xuất bản của ông gồm tập truyện ngắn Tiếng Đàn, cuốn phóng sự dưới dạng đối thoại Trước Vành Móng Ngựa về những vụ xử án thời Pháp thuộc khi Hoàng Đạo làm tham tá lục sự trong các tòa Tây án ở các tỉnh Trung, Nam, Bắc, và tập tiểu luận Bùn Lầy Nước Đọng rất ít được nhắc tới vì (1) vừa xuất bản đã bị thực dân Pháp thu hồi năm 1938, và (2) nội dung quá cấp tiến về phương diện nông thôn nên các chính quyền quốc gia từ Trần Trọng Kim, Bảo Đại, Ngô Đình Diệm đa số gồm địa chủ có quyền lợi ngược với nông dân nghèo đều không muốn nhắc tới nhiều (theo Thế Uyên, trong “Đọc và Đặt Lại Vị Trí Hoàng Đạo”, Thế Kỷ 21, số 199 chuyên đề Hoàng Đạo).

… Dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước 1975 đã có những đánh giá sai hoặc phiến diện về Hoàng Đạo, do không đọc, nghiên cứu đầy đủ những tác phẩm và sự nghiệp viết của ông. Bắt đầu từ Vũ Ngọc Phan với những đánh giá sai lạc và những nhà phê bình đi sau cứ tiếp tục dựa vào, giữ nguyên, hoặc có thái độ cực đoan như Nguyễn Văn Xuân...

… Dưới chế độ cộng sản hiện hành, vẫn tiếp tục có một sự lãng quên cố tình của giới phê bình văn học mỗi khi nhắc đến Tự Lực Văn Đoàn và bỏ qua vai trò cột trụ của Hoàng Đạo. Điều này cũng dễ hiểu, vì TLVĐ, hơn là một tập hợp những người làm văn chương, thực ra nhắm đến một vận động cách mạng cấp tiến về các mặt văn hóa, xã hội, chính trị, tư tưởng với mục tiêu cuối cùng là cứu quốc và giải phóng dân tộc… Và hơn ai hết, Hoàng Đạo là người thực hiện triệt để các phương thức đấu tranh chống thực dân với những bài nghị luận hàng tuần, trong suốt mười năm làm báo. Ông trực diện đả kích, chất vấn, đưa ra yêu sách với chính quyền thực dân. Trong mục tiêu gây dựng một phong trào văn hóa để tiến tới giải phóng quốc gia, những bài viết của Hoàng Đạo trên Phong Hóa và Ngày Nay là mũi nhọn khai phá nhằm trang bị kiến thức chính trị, xã hội, luật pháp cho dân chúng, tạo một ảnh hưởng sâu rộng đến các tầng lớp sinh viên, học sinh, trí thức trẻ thời đó… Và tất nhiên, những người cầm quyền trong nước bây giờ, kế thừa của Việt Minh ngày trước, không chấp nhận sự có mặt và công sức của những người trí thức cách mạng như Hoàng Đạo, thuộc những đảng phái khác mà họ đã ra sức tiêu diệt bằng mọi thủ đoạn…

… Để kết luận, mỗi con người mang trong mình những ẩn số của lịch sử, của những thế hệ trước đó. Hoàng Đạo là ẩn số thì tôi cũng là sự tiếp diễn của ẩn số Hoàng Đạo. Giải một ẩn số là điều cần thiết để mình không là một ẩn số cho những thế hệ sau. Việc chúng ta làm ngày hôm nay là một phần đáng quý trong nỗ lực giải những bài toán quá khứ” (ĐTT)
Có lẽ bài viết đầu tiên của Đặng Thơ Thơ: Hoàng Đạo - Tiểu Sử & Sự Nghiệp Văn Hóa phổ biến vào ngày 22.7.2008 (ngày mất của ông ngoại) và kế tiếng với các bài viết về ông ngoại.
Nay, nhân ngày mất 74 năm của nhà văn Hoàng Đạo, tôi viết để tưởng nhớ nhà văn, nhà báo, nhà tư tưởng trong Tự Lực Văn Đoàn… có công lớn trong việc cải cách xã hội, nhân sinh và tiền đồ dân tộc.
Viết về nhà văn, theo tôi, mà không đề cập đến các tác phẩm để dẫn chứng văn nghiệp, chỉ nêu ra tiều sử có lẽ là điều thiếu sót. Đôi khi sưu tầm trên internet với vài sai sót, thiếu kiểm chứng nhưng cũng đề cập. Hơn nữa, có nhiều bài viết không trích dẫn nguồn tài liệu và tác giả đã đề cập nên dễ có sự nhầm lẫn.

Trong quyển Nhà Văn Hiện Đại của nhà phê bình Vũ Ngọc Phan năm 1942 (ấn bản lần thứ III, Sống Mới, gồm 3 quyển trong 5 quyển). Quyển Ba, Phần Tiểu Thuyết Luận Đề với Hoàng Đạo (trang 909-916) có trích vài đoạn trong quyển Trước Vòng Móng Ngựa và vài câu trong Con Đường Sáng. Và, bốn câu kết: “Hoàng Đạo là một nhà văn sở trường về nghị luận, về châm biếm hơn là tiểu thuyết; ở hai loại trên ông phán đoán vững vàng, lập luận chắc chắn, còn ở loại tiểu thuyết, ông không được giàu tưởng tượng cho lắm”.

* Những Tác Phẩm Của Hoàng Đạo
* Mười Điều Tâm Niệm

Mười Điều Tâm Niệm của Hoàng Đạo đăng trên tuần báo Ngày Nay của nhóm Tự Lực Văn Đoàn (từ số 25 ngày 13-9-1936 đến số 41 đầu năm 1937) sau đó được in thành sách năm 1939. Quyển sách nầy do Xuân Thu xuất bản ở Mỹ, trong ấn bản photocopy, dày 76.
Lời Nói Đầu: “… Cõi đời cũ, cõi đời cằn cỗi, đọng lại như nước ao tù từ mấy ngàn năm xưa của phái thủ cựu đã đi vào nơi tiêu diệt như đêm tối tan đi trước ánh sáng của vầng thái dương.
… Trong cuộc đời mới đang đợi ta, đầy ánh sáng và chông gai, lúc nào cũng phải tâm niệm đến những ý tưởng chính, đến nguyên tố nền tảng của tinh thần mới. Những tư tưởng, những nguyên tố ấy, ta có thể gồm lại đúng mười điều, mười điều tâm niệm”.
(Tự Lực Văn Đoàn)

Nội dung với tóm tắt qua trích dẫn trong Mười Điều Tâm Niệm:

- Điều Tâm Niệm Thứ 1. Theo Mới

“Văn hóa cũ chỉ còn rớt lại trong những tập tục một ngày một ít và ở trong óc của phái ‘trung dung’. Phái này ở trong nước ta rất thịnh hành và cũng rất có quyền thế. Họ nêu ra cái thuyết dung hòa văn hóa cũ và văn hóa mới, lời lẽ nghe ra có vẻ uyên thâm lắm…

… Không nên ngã lòng vì những điều trở ngại, và lúc nào cũng ngờ rằng sau lưng ta, bao giờ cũng có một số đông người cùng một ý tưởng muốn theo mới như ta ủng hộ, khuyến khích”.

- Điều Tâm Niệm Thứ 2. Tin Ở Sự Tiến Bộ.

“Có tin ở sự tiến bộ, ta mới có thể lo hành động để đi tới sự tiến bộ được. Lòng tin ấy, không phải là ai cũng có cả… Vậy theo những người yếm thế ấy, không còn mong dìu dắt họ đến con đường đầy ánh sáng của văn hóa Tây phương được.

… Đời ta đương sống hiện thời là một đời khoa học: cố cương cường mới sinh tồn được còn nhu nhược ắt phải lần hồi đào thải. Ta phải nỗ lực đi với cuộc đời khoa học ấy, đặng tỏ ra rằng ta cũng đáng sinh tồn”.

- Điều Tâm Niệm Thứ 3. Sống Theo Một Lý Tưởng.

“… Cần phải có một lý tưởng để soi sáng cả đời ta, sự thật đã rõ ràng hiển nhiên. Nhờ lý tưởng, ta sẽ được an ủi những khi thất vọng, ta sẽ hăng hái nhiệt thành đối với những việc đáng làm, đời của ta sẽ có nghĩa…
… Lý tưởng phải hợp với những tính tình cao thượng, những chí hướng bàng bạc trong linh hồn ta”.

- Điều Tâm Niệm Thứ 4. Làm Việc Xã Hội.

“… Đời này là đời của người sống, đời của cá nhân hay nói cao hơn một bậc nữa, là đời của đoàn thể, đoàn thể hiểu theo nghĩa rộng. Cá nhân đương giải phóng, cá nhân đương thoát ly những chế độ bó buộc lùa người ta đi vào con đường nhỏ, hẹp, bùn lầy. Cá nhân cần phải tự mình kết đoàn, gom tài gom sức để cùng đưa nhau đến thế giới rộng rãi của khoa học…

… Ta không thể một ngày sao lãng được sự cần thiết ấy. Ta cần phải dạy lẫn nhau, và đem điều sở đắc truyền cho những người chung quanh biết. Như vậy, những thanh niên hủ bại, những cặn bã xưa, những sự tối tăm ngu xuẩn sẽ tan đi, để chỗ lại cho ánh sáng”.

- Điều Tâm Niệm Thứ 5. Luyện Tính Khí.
“… Tính khí phải luyện nên cương cường quả quyết. Phải tập ý chí cho mạnh mẽ linh hồn thành rắn rỏi. Ta phải tự sai khiến được thân thể ta, định được dục vọng của ta, chỉnh được tâm ta, rồi mới có thể sai khiến được người khác, cải tạo được xã hội…
… Ta sẽ không sợ ai, không sợ, thực là một đức tính quý hóa nhất cho dân tộc ta... Ta phải đặt nhân phẩm lên trên những nỗi đau đớn.
… Không sợ, không nịnh; không ghét, vui vẻ và quyết đoán, luyện được ngần ấy đức tính, dân tộc ta sẽ có can đảm của người Nhật, ý chí của người Anh, nước ta sẽ là một nước có diễm phúc tuyệt vời vậy…
Vậy ta cần phải luyện tính khí để luôn luôn giữ được giá trị của con người.

- Điều Tâm Niệm Thứ 6. Phụ Nữ Ra Ngoài Xã Hội.

“… Ngày xưa, chị em bị áp chế dưới quyền của đàn ông. Bao nhiêu việc nặng nhọc, cực khổ, chị em phải gánh lấy. Ở nhà quê thì cấy lúa, giã gạo, ở tỉnh thành thì buôn bán để đức ông chồng dài lưng hoặc “vuốt râu nịnh vợ con bu nó” hoặc “tổ tôm, sóc đĩa nó thì chơi hoang”. Ở hoàn cảnh nào, trong thời gian nào, cũng là sống để mà phụng sự người đàn ông cả…
… Chị em phải quả quyết bước qua ngưỡng cửa gia đình mà làm các công việc xã hội. Chị em cần phải mạnh bạo hơn chút nữa, gom tài, gom sức để lập hội học, hội thể dục, hội cứu tế, đoàn hướng đạo… và những công cuộc khác bọn nam giới đương theo đuổi”.

- Điều Tâm Niệm Thứ 7. Luyện Lấy Bộ Óc Khoa Học.

“… Ta cần phải luyện lấy bộ óc khoa học. Nên tin ở sự mầu nhiệm của khoa học và đem điều sở đắc tuyên truyền cho những người chưa biết cho đến bao giờ mọi người coi là một sự hiển nhiên rằng mọi sự xảy ra trong trời đất đều có nguyên nhân. Nguyên nhân ấy không phải là do ý chí dị thường của những ông thần ác nghiệt, hung hãn, nhỏ nhen mà ra, nhưng chính là sự phát huy của một luật thiên nhiên, tìm tòi những luật thiên nhiên, dùng những luật ấy để giúp đời, đó là nhiệm vụ của khoa học, khiến cho ta ra khỏi làm nô lệ quỷ thần, mà đem quỷ thần – hiểu theo nghĩa thông thường – làm nô lệ cho ta, đó là nhiệm vụ của khoa học…
Ta phải luôn luôn nhớ rằng thiếu bộ óc khoa học, không thể có tiến bộ được”.

- Điều Tâm Niệm Thứ 8. Cần Sự Nghiệp, Không Cần Công Danh.

“… Người xưa nhầm công danh với sự nghiệp… Sự thực, thanh niên thuở xưa hám công danh mà không hám sự nghiệp…
… Tuy nhiên, không phải là thanh niên ta không được nghĩ đến công danh, nhưng không bao giờ ta nên quá lo đến. Không bao giờ ta nên để công danh lên trên tất cả mọi sự, trên cả nhân phẩm, trên cả luân lý, như nhiều người tự xưng là thượng lưu trong xã hội ta”.

- Điều Tâm Niệm Thứ 9. Luyện Thân Thể Cường Tráng.

“… Ta phải luôn luôn nhớ rằng, điều cốt yếu thứ nhứt là luyện lấy sức khỏe, rồi đến luyện tính khí cho cương cường, lên từng trên nữa mới là việc mở mang trí khôn.
… Công việc của thanh niên, là tự luyện lấy thân thể cho cường tráng và hô hào người chung quanh theo gương để đi đến những thành tích vẻ vang của người Đức, của người Mỹ, của người Nhật”

- Điều Tâm Niệm Thứ 10. Cần Có Trí Xếp Đặt.

“… Ở các nước Âu, Mỹ, họ làm việc có phương pháp nhất định. Trong một công cuộc chung, những phần tử đều có quyền hạn rõ ràng, có trách nhiệm phân minh, những phần tử ấy đều cùng hoạt động nhịp nhàng để mưu đoạt mục đích chung.
Phương pháp tổ chức và xếp đặt ấy là sức mạnh của người Âu trong các công cuộc vĩ đại. Phương pháp đó lại là một điều nhu cầu cho ta, mà hiện ta đương thiếu. Vì sự thiếu thốn đó, mà những công cuộc cải cách không có kết quả tốt đẹp.
Vậy, cái tinh thần luộm thuộm cẩu thả của phần đông dân ta hiện thời, ta phải coi như một người thù lớn. Ta cần phải cố tự luyện, tự tu, để đối chọi với cái tinh thần ấy và hết sức đem phương pháp xếp đặt áp dụng vào các công cuộc chung của ta mới mong có kết quả rực rỡ được”.

Với Mười Điều Tâm Niệm, kể từ khi đăng trên báo cho đến nay đã 86 năm, tuy thời gian đã lâu nhưng với tuổi trẻ hiện nay ở trong nước với Những Điều Tâm Niệm với tinh thần tự lập, tự chủ, cuộc sống lành mạnh, trong sáng, biết phục vụ xã hội… nên học hỏi và dấn thân.

* Trước Vành Móng Ngựa

Trước Vành Móng Ngựa (phóng sự, Đời Nay, Hà Nội, 1938), dày 174 trang, gồm 52 bài viết ngắn. Đây là tác phẩm đầu tay viết về nơi xảy ra “đáo tụng đình”.

Vào thời đó, Hoàng Đạo đỗ cử nhân Luật, Tham Tán Lục Sự nên sở trường viết về 52 phiên tòa được tác giả ghi nhận nơi tòa án xét xử nói lên thực trạng xã hội từ cái nghèo và dốt với sự bất công giữa kẻ giàu, quyền thế và dân đen… khi xét xử. Mỗi bài ngắn gọn với 3, 4 trang sách, phiên tòa khoảng thời gian ngắn ngủi chỉ có quan tòa, đôi khi có thông ngôn, nguyên đơn và bị can… qua vài câu hỏi và trả lời rồi kết án. Những dòng chót với nhãn quan của người viết mỗi phiên tòa. Tuy ngắn gọn nhưng sâu sắc.

Nghèo dẫn đến phạm tội như: Hối Hận, Nhẫn Nhục, Cơm Thừa…


- Điển hình như trong Nhẫn Nhục với phiên tòa bị cáo Nguyên Hân làm cu li xe, thuê xe cai Thìn. Nguyễn Hân không kiếm ra tiền nên bỏ xe nơi phố vắng. Khi cai Thìn tìm được xe, thấy mất áo tơi, cai Thìn “sue” Nguyễn Hân ra tòa.

“Nguyễn Hân, áo nâu cộc vá vai, lê đôi guốc vỡ ra trước vành móng ngựa. Mặt xám đen, hốc hác, tóc hoa râm: trông những vết răn trên trán, ta có thể đoán phỏng được cái đời lam lũ, vất vả của người cu li xe đã gần hết đời làm nô lệ miếng ăn.
Viên Thông Ngôn: Bỏ guốc ra! Trong tòa ai cho phép đi guốc!
Ngơ ngác, Nguyễn Hân nhìn viên thông ngôn một cách sợ hãi, như đương đem hết trí khôn ra để hiểu tại làm sao đi giầy tây lộp cộp vào tòa thì đi được, mà kéo guốc vào tòa lại cấm...
Viên Thông Ngôn (gắt): Súc vật! Sao không bỏ guốc ra?
Sợ sệt e dè, Nguyễn Hân cúi đầu trước câu chửi rủa, lẳng lặng bỏ đôi guốc ra, rồi cúi xuống cầm lên. Lúc đó, trên nét mặt Hân hiện ra vẻ nhẫn nhục vô cùng, nhẫn nhục như cái kiếp sống đầy đọa của anh ta.

Ông Chánh Án: Nhưng vì cớ gì anh bỏ xe?

Nguyễn Hân: Bẩm con kiếm không đủ tiền thuế, nếu đem về trả thì anh cai anh ấy đánh con chết mất. Con đi từ hai giờ chiều, đến tối mịt mới được hai cuốc xe. Suốt đêm kiếm thêm được có hai hào thì con biết làm thế nào?
Khóe mắt hơi đỏ, Nguyễn Hân vừa kể lể, vừa hồi tưởng lại cái cảnh tình đau đớn của một người phu xe kiếm không đủ trả tiền cai, buồn bã, lo lắng, sợ hãi cái người chỉ việc ngồi rồi đợi tiền mồ hôi nước mắt của người khác đem đến nộp.

Ông Chánh Án: Hai mươi ngày tù.

Lẳng lặng, Nguyễn Hân cúi đầu trở ra, tay vẫn xách đôi guốc, trên nét mặt thấy hiện ra lòng nhẫn nhục lúc này đã thoáng qua, lòng nhẫn nhục không bờ bến của hạng người đã quen chịu đựng những điều đau đớn, tủi nhục mà họ không hiểu tự đâu họ phải chịu”.
Các phiên tòa khác về tệ nạn xã hội như Chai Nước Hoa, Tòa Thương, Một Người Lương Thiện, Tử Tế…

- Tử Tế

“Đứng trước tòa một chị đỏ tròn như hạt mít: Trong khuôn mặt tròn, lộ ra cặp mắt tròn, cái mũi tròn và hai cái má tròn vẻ thật thà ngây thơ trong bộ quần áo nâu sạch sẽ, tinh tươm.

Ông Chánh Án (nghiêm nghị): Chị bị buộc vào tội ăn cắp của chủ, một tội rất nặng chị có nhận không?
Thị Vân: Bẩm, con không ăn cắp.
Ông Chánh Án: Lại còn kêu oan. Chủ chị đi vắng, chị mở tủ lấy năm chục bạc và đồ nữ trang, rồi, cả người lẫn của, không thấy bóng chị đâu nữa.
Thị Vân: Bẩm, con có lấy số tiền ấy thật, nhưng con không ăn cắp…”

Sau vài mẩu đối thoại giữa Chánh Án và Thị Vân, cuối cùng:
“Cũng may cho Thị Vân, tuy gặp bà chủ không tử tế, nhưng gặp ông tòa tử tế chỉ phạt có năm tháng tù”.
Dẫn chứng hai phiên tòa trên, chỉ có bị can tự biện hộ rồi quan tòa quyết định hình phạt.
Nếu phiên tòa xảy ra giữa người Pháp và người Việt thì kết quả người Việt lãnh đủ như trong:

- Bộ Râu Dài

“Người nhỏ nhắn, yếu đuối trong chiếc áo the thâm, Nguyễn Thị Nam đứng nhu mì ở trước tòa: Thị bị thưa về tội đánh người bị thương. Trông bộ mặt chị choắt lại bằng hai ngón tay chéo, người ta chỉ thấy đôi mắt dữ tợn và cặp môi mỏng dính.

Ông Chánh Án: Chị có đánh người ta không?
Cất tiếng the thé như xé lụa, Thị Nam đáp:
- Bẩm, tôi có đánh "nó" đâu. Nó là tình nhân của tôi, một điều yêu tôi, hai điều yêu tôi; tôi ăn ở với một chú Khách được đứa con, nó đòi nhận cả làm cho nó. Đến bây giờ nó có đứa khác, nên tình phụ tôi, đánh đập tôi.
Con người như rứa thì tệ thật. Ai cũng muốn nhìn nó rõ mặt bạc tình lang của thị.
Bỗng một người Tây đen to lớn, lực lưỡng như hộ pháp, nặng nề bước vào: "Nó" đấy!

Bạc tình lang của Thị Nam quấn trên đầu chiếc khăn vành lớn như đội một đống vải; mặt như bằng đồng đen, điểm bộ râu dài và rậm che lấp cả mồm. Ông hộ pháp ấy đứng bên Thị Nam, Thị Nam trông bé tí như con chuột nhắt đứng bên con voi khổng lồ. Tuy vậy, chính con voi lại bị con chuột đánh: Đáng thương thay!

Sau một hồi "ả ra ả ra", Singh - cái tên xinh xẻo của chú Tây đen - khai rằng:

- Tôi lấy Thị Nam được hai năm, nhưng vì nó hư, nên tôi phải đuổi đi. Hôm ấy, tôi đi qua hàng cơm Thị Bôi, nó ngồi trong cứ chửi rủa tôi mãi. Tôi hỏi nó chửi ai, thì nó túm lấy tôi nó đánh, nó cắn, hiện có giấy đốc tờ làm chứng. Nhưng không phải vì thế mà tôi kiện nó, tôi kiện vì nó nắm, rứt mất một ít râu của tôi. Mà râu của tôi, thì quý lắm.

Thị Nam: Các ông trông bộ râu của hắn, vẫn rậm như rừng, giá rứt đi một nửa, cũng không ai trông thấy…”

Ông Chánh Án (mỉm cười): Anh to lớn thế kia lại chịu để cho người đàn bà nhỏ yếu rứt mất chòm râu quý mà chịu đứng im à?

Câu hỏi ấy làm Singh phải chịu đứng im lần thứ hai... ông tượng đồng đen nước Tây Trúc chắc lúc bị Thị Nam đánh đã nghĩ rằng ở Ấn Độ có câu tục ngữ: “Không nên đánh một người đàn bà, dầu bằng cánh hoa cũng vậy’’.
Nhưng ông chánh tòa không phải là người Ấn Độ, nên đánh khẽ Thị Nam bằng một cánh hoa: cánh hoa ấy là mười sáu quan tiền phạt”.

(Ghi chú thêm: 1 quan = 1 mạch (hay 10 tiền) = 600 đồng tiền kẽm. Trong ca khúc Trăng Sáng Vườn Chè của Văn Phụng phổ thơ Nguyễn Bính có câu: “Một quan là sáu trăm đồng. Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi” như vậy 16 quan tiền phạt vì nhổ mấy sợi râu thật quá nặng)

Trích dẫn ba mẩu chuyện nơi tòa án thời đó qua phóng sự của nhà văn Hoàng Đạo là cả hình ảnh “Bức tranh vân cẩu, vẽ người tang thương” (Nguyễn Gia Thiều)!
Trong lần tái bản Trước Vành Móng Ngựa, in thêm ý kiến nhận xét của nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan ở phần cuối:

“Trong số những sách đầu tay của ông, quyển đáng chú ý hơn cả lập phóng sự về tòa án Trước Vành Móng Ngựa (Đời Nay - Hà Nội 1938), quyển sách làm cho người đọc vừa phì cười vừa thương tâm. Tập văn này cho người ta những cảm tưởng thật phải trái. Ta phải phì cười về cái óc quá giản dị của nhiều người mà Hoàng Đạo đã vẽ dưới mắt ta bằng những nét chấm phá khi họ tiến ra trước vành móng ngựa và ta phải thương họ về những cử chỉ đơn giản cùng những việc không suy nghĩ mà họ đã làm…

… Những bài trong Trước Vành Móng Ngựa rất có liên lạc với nhau, liên lạc về ý, không phải liên lạc về việc. Những cử chỉ và ngôn ngữ mà tác giả được nhìn thấy, nghe thấy và thắt lại trong mỗi bài, đều là những kết quả tai hại của cái nghèo và cái dốt, hai nạn lớn ở xã hội ta. Sau nữa, ta thấy rằng ‘tòa án có con cưng, con ghét’. Con cưng là những bị cáo được tất cả mọi người chú ý đến, vì bọn ấy có nhiều tiền thuê hai ba ông thầy kiện dong tay lên để khen ngợi họ…

… Người ta nhận thấy Hoàng Đạo rất thiết tha với những sự công bình trong xã hội, nên tiểu thuyết của ông ngả hẳn về mặt bình dân. Nhưng cái khuynh hướng thương xót người nghèo của Hoàng Đạo vẫn còn là cái khuynh hướng của người phú hào nghiêng mình xuống hạng thấp kém mình.

Cái khuynh hướng ấy của ông phô diễn rất rõ trong tiểu thuyết của ông”.
(Nhà Văn Hiện Đại - NXB Đời Nay, 1942)

* Bùn Lầy Nước Đọng

Nhật báo Tự Do ấn hành năm 1959 ghi: “Bùn Lầy Nước Đọng là một trong những tác phẩm của Hoàng Đạo trong Tự Lực Văn Đoàn. Tháng 9 năm 1938, Hoàng Đạo cho xuất bản cuốn Bùn Lầy Nước Đọng, vừa bày bán thì bị chính quyền thuộc địa Pháp ra lệnh tịch thu và cấm lưu hành. Đây là một tiểu luận chính trị nhằm mổ xẻ phân tích thảm trạng của nông thôn Việt Nam”. Tác phẩm nầy chỉ dày 120 trang. Gồm 3 phần:

- Phương Diện Hành Chính & Chính Trị gồm 5 bài: Quan Trường, Tiếng Trống Ngũ Liên, Miếng Thịt Giữa Làng, Tự Do Với Dân Quê (trang 22 đến trang 47)

- Phương Diện Kinh Tế gồm 10 bài: Sinh Kế ở Thôn Quê, Nỗi Lo Hàng Năm, Thuế Dinh Điền, Tự Do Uống Rượu, Đội Không Quân Nam Việt, Công Nghệ, Công Điền, Đồn Điền, Di Dân, Nạn Cho Vay Nặng Lãi ở Thôn Quê (trang 48 đến trang 95)

- Phương Diện Tinh Thần gồm 5 bài: Vấn Đề Giáo Dục Dân Quê, Vùng Nước Tù, Tinh Thần Thể Thao, Ánh Sáng Ở Thôn Quê, Hạng Trí Thức Sau Lũy Tre (trang 96 đến trang 118).

Tác giả là người Tây học, am tường nhiều lãnh vực trong chế độ thời Pháp thuộc với người dân An-Nam vì vậy nhưng điều ghi nhận được đã dẫn chứng cặn kẽ, phân tích và nhận định về hậu quả của từng vấn đề. (Có vài bài viết gọi đây là tập truyện?). Đây là 20 bài nhận định của Hoàng Đạo về hiện tình đất nước, thực trạng xã hội. Vì vậy “chính quyền thuộc địa Pháp ra lệnh tịch thu và cấm lưu hành” nên không được phổ biến rộng rãi.


Loạt bài trong Bùn Lầy Nước Đọng không thể tóm lược ngắn gọn trong bài viết nầy, có lẽ viết riêng cho tác phẩm nầy.

Trong phần dẫn nhập (trang 17 đến 20), tác giả viết: “Từ ngày Justin Godart từ biết đất nước vô duyên nầy, ai ai cũng sẵn lòng nói đến nỗi khổ của dân quê, ai ai cũng muốn cúi mình xuống nơi bùn lầy nước đọng là nơi ăn ở của hầu hết dân Việt Nam…
Làng nào cũng như làng nào, cũng đầy những túp nhà tranh lụp xụp, trơ vơ mấy cái cột tre và cái bàn thờ xiêu vẹo…
… Cứ như thế, cho đến chết. Chết, tức là thoát khỏi một đời khốn nạn, một đời trâu ngựa…
… Đó, tình cảnh dân quê. Một cảnh huống khốn khổ có một, khốn khổ về vật chất, về tinh thần, không có bút nào tả hết…
… Muốn cho công việc kết quả đẹp đẽ, cần phải nghiên cứu vấn đề ấy về mọi phương diện, rồi khi đã định phương châm, đem hết cà sinh lực trong nước làm một đạo quân mạnh mẽ để đi phá bỏ thành quách của sự nghèo khổ không cùng của dân bùn lầy nước đọng”.

Với những lời tâm huyết đó, nhà văn Hoàng Đạo đã theo sát từng vấn đề, sự kiện hầu minh chứng trước công luận.

* Con Đường Sáng

Truyện dài duy nhất của Hoàng Đạo với Con Đường Sáng được đăng từng kỳ trên báo Ngày Nay trong năm 1938 và Đời Nay xuất bản vào năm 1940, gồm 20 chương, dày 192 trang.

Nếu cho rằng Mười Điều Tâm Niệm là “thông điệp cho tuổi trẻ” thì Con Đường Sáng là tác phẩm có tác dụng nói lên “thông điệp” đó về nhận thức và thay đổi cuộc đời từ thanh niên trí thức sống trong yếm thế, buông trôi vào trụy lạc… và, thoát khỏi bóng tối đó với hình ảnh: “… Duy thấy lòng vui sướng như trong hẳn lại bao nhiêu những vẩn đục đều gạn sạch, chỉ còn cái bản tính tốt của tuổi xuân. Lòng nhiệt thành vị tha của chàng hồi còn đi học bỗng dưng sống bồng bột trong người và ý muốn thay đổi xã hội của tuổi thơ, Duy cảm thấy tha thiết như lời khuyên nhủ của thâm tâm.

… Ở trong vòng tài trí của chàng, chàng thấy cần phải làm hết sức để cải cách cuộc đời bên ngoài. Cùng với giàn đậu kia, còn biết bao nhiêu là giàn đậu khác, đương mạnh mẽ đâm hoa, ra quả, cùng với chàng; biết bao nhiêu người đương băn khoăn lo tính để đem đến cho người khác một đời êm đẹp hơn. Duy muốn giơ tay lên, như để chào những người ấy mà chàng chưa hề quen biết nhưng thấy gần gũi  hơn là bạn thân.


Bên kia bàn, Thơ ngồi lặng yên nhìn Duy, vẻ mặt êm ả như mặt hồ khi lặng sóng. Nàng mơ màng nghĩ đến tương lai, tươi sáng như buổi sớm mát, trong tiếng chim” (trang cuối).

Thuở nhỏ, Duy sống nơi thôn quê, bản chất trong sạch và mộc mạc, nhưng lớn lên ở chốn thị thành, có tiền bạc trong tay, có học thức lại ảnh hưởng nếp sống số thanh niên cùng thế hệ, chán nản và buông trôi vào trụy lạc…

Trong lần trở về quê, Duy gặp Thơ, cô bạn gái từ thuở nhỏ, đang gặt lúa cùng những người tá điền, Thơ đã là thiếu nữ xinh đẹp, trong trắng. Nơi đó, cuộc tình gắn bó và Duy cảm nhận được hạnh phúc lứa đôi. Khi tiếp xúc với những người tá điền, chàng quý mến bản tính thật thà, chân chất và đầy tình người.

Duy dần dà tìm ra ý nghĩa môi trường sống mới, sinh hoạt mới, cuộc sống nơi dân dã với những người lao động cần cù xây dựng cuộc đời mà trước kia chàng cho là thấp hèn nhưng đích thực cuộc đời có ích, hữu dụng. Với hình ảnh đó, chàng nhận thức không thể quanh quẩn trong lòng đô thị sa hoa đầy cám dỗ, không lối thoát.

“Chàng cảm thấy cái vui trong công việc nặng nhọc ngày mùa, cái vui trong sạch nó đợi chàng từ lâu, như cánh hoa lan ép trong sách chàng đã quên đi, nay ngẫu nhiên giở ra, vẫn thấy y nguyên, còn thoang thoảng hương thơm của một quãng đời chàng tưởng không bao giờ trở lại”.

Ngày tháng nơi chốn thôn quê với tình người và tình yêu, Duy nhận ra rằng trước kia với đầu óc vị kỷ, chàng chỉ nghĩ đến chính thân mình trong chốn phồn hoa. Duy nhận chân hai hình ảnh “Trong các gian hàng sáng sủa hai bên phố, những người ngồi có vẻ phì nộn hả hê. Duy tò mò ngắm những cô gái ngồi bán hàng, nét mặt tươi tỉnh dưới son phấn, những bà chủ béo tốt ngồi nhai trầu nhìn vơ vẩn. Chàng cảm thấy họ sống một đời chắc chắn, no nê khác hẳn với đời dân quê”…

… “Chàng nghĩ đến dân quê, đến sự ngu dốt, lòng mê tín của họ, nhưng chàng không thấy tức bực, hay khinh khi nữa. Duy cảm thấy một cách sâu xa rằng họ với chàng hơn kém không phải là vì thiên tính khác nhau; họ và chàng điều có thể có một tấm lòng hồn hậu, dễ rung động, dễ cảm hóa và cái thiên tính tốt ấy mới là điều cần. Chàng thấy bổn phận của chàng trở nên dễ dàng: nhiều người khác sẽ cùng chàng nhẫn nại mưu cho họ một đời êm đẹp, không bao giờ bận trí đến sự thất bại”.

Nhà văn Thụy Khuê trong bài viết về Hoàng Đạo năm 2005, sau khi phân tích cuộc đời Khương Duy (nhân vật trong truyện) qua nhiều khúc quanh, qua nhiều cột mốc, cho rằng: “Truyện Con Đường Sáng có cấu trúc gần như tầm thường của một truyện kể cổ điển, nhưng tác phẩm bật ra hai góc cạnh bất ngờ: Yếu tố đầu tiên ‘cứu’ Khương Duy là thiên nhiên, là những bông lúa dưới nắng. Những bông lúa cong và những lá lúa trong như màu hổ phách đã cứu chàng trong chặng đầu của nhận thức. Yếu tố sau cùng giúp chàng thoát ly khỏi tình trạng tha hoá (không phải là dân quê như nhiều người lầm tưởng) mà là chữ nghĩa, sách vở, là nghệ thuật. Vì vậy Con Đường Sáng thoát ra khỏi sự xoàng xĩnh chân chất của một cuốn tiểu thuyết lý tưởng, nhờ những yếu tố bất ngờ này: Duy không hề hy sinh cho một lý tưởng đã sắp đặt sẵn, Duy chỉ là người đi tìm lẽ sống. Và Con Đường Sáng phản ánh hệ tư tưởng của Khương Duy - Hoàng Đạo: Đường đi của nhà văn tất yếu phải qua hai điểm mấu chốt: thiên nhiên mở cửa cho anh vào đời và nghệ thuật là cứu cánh”.

* Tiếng Đàn

Tập truyện Tiếng Đàn, Đời Nay, 1941, dày 141 trang. Đây là tập truyện gồm 14 truyện ngắn: Tiếng Đàn, Ánh Sáng, Chung Tình, Tiếng Sáo Thiên Thai, Sắc Không, Chán Nản, Phiêu Lưu, Không Lấy Vợ, Con Đường Râm Mát, Thong Thả, Hoa Thủy Tiên, Một Gia Đình, Dưới Làn Sóng, Tiếng Pháo Xuân.


Truyện ngắn Tiếng Đàn làm tựa đề cho tập truyện. Trong dịp đầu Xuân, nhà thơ và người bạn du thuyền trên sông Hương, Huế, cô lái đò cũng là ca kỹ “Chàng cảm như nghe thấy cung đàn đã từ đời thuở nào, ở một tiền kiếp xa xăm. Chàng vẫn không biết có cảm giác nào in sâu vào trí nhớ hơn là thính giác. Một giọng hát, một điệu đàn đã làm rung động lòng ta trong một giây, một khắc, có thể làm sống lại cả một quãng đời tình cảm và phủ lên trên một màn sương buồn nhẹ nhàng như nhớ tiếc những sự mong manh đã mất”… Và chàng “cảm thấy bao nhiêu nghị lực rớt lại trong người chàng đều tiêu tan trong tiếng sóng vỗ, ảnh hưởng của điệu ca vong quốc hun đúc lên bởi cái hoàn cảnh ủy mị, hay là trong người chàng đã mang sẵn dây đàn buồn sẽ gẩy đã rung thành tiếng?”, “đây là nỗi buồn của sự diệt vong”.

Một Gia Đình với người trong cuộc (tôi) nói về hỉnh ảnh cô đào thanh sắc nức tiếng trong gánh hát chèo, khi lập gia đình thì gánh hát tan rã, vợ chồng tìm kế sinh nhai hát xẩm trên đường phố, vợ hát, chồng đàn… “Tiếng hát của chị Tạc, trong vắt như nước suối, ngân nga, gợi lên một cảm giác mát và nhẹ nhàng. Tiếng đàn bầu họa theo, vang lên những tiếng khóc trong”.

Thế rồi: “Ba, bốn người phu đương khiêng một cái quan tài mộc, theo sau một người lớn và một đứa trẻ. Một nỗi buồn thấm thía đến cắn lấy lòng tôi khi tôi nhận ra cha con anh Tạc…

… Từ hôm ấy, tôi không gặp cha con anh Tạc lần nào nữa. Có lẽ anh lang thang với chiếc đàn lẻ loi, với những nỗi đau khổ ngấm ngầm, cha con không chết đói là anh không còn mong mỏi gì nữa”.

Dưới Làn Sóng mô tả hình ảnh quá bi thương khi một dân phu đi hộ đê gặp tai họa đê vỡ, anh bỏ công việc chạy về nhà để cứu lấy vợ con nhưng chẳng may, anh và vợ con bị dòng nước nhấn chìm. “Anh đăm đăm nhìn về phía nhà và chỉ trông thấy vũng nước đỏ ngầu lấp lánh dưới ánh đuốc. Mắt mở to, anh trừng trừng nhìn lên mặt sóng bấp bênh chiếc mái nhà lật ngược. Tuyệt vọng, Mịch sực nhớ đến tiếng kêu ban nãy, tiếng kêu cuối cùng của vợ anh có lẽ đang ẵm con thơ. Mịch run bắn cả người, hai tay rời cành tre. Một làn gió mạnh, một đợt sóng qua. Chiếc thuyền nghiêng ngửa, Mịch không vững chân, ngã ngửa người vật xuống...”.

Dẫn chứng vài mẩu truyện trên, Hoàng Đạo viết văn, nói lên thảm cảnh của lớp người “giật gấu vá vai” trong cuộc sống lầm than với bao bất hạnh từ đời sống vật chất đến tinh thần. Vì vậy văn chương của Hoàng Đạo là “sứ mệnh người cầm bút” dân thân cho lẽ sống con người với xã hội.

Ngoài những tác phẩm đã đề cập, nhà văn Hoàng Đạo quan tâm đến giáo dục và giải trí cho trẻ thơ nên thực hiện Sách Hồng Đặc Biệt với truyện thiếu nhi như:

Con Cá Thần (1939), Lên Cung Trăng (1940), Lan Và Huệ (1941), Con Chim Gi Sừng (1941), Sơn Tinh (1941), Con Hươu Sao (1944), Cô Bé Đuôi Cá (truyện dịch của Andersen, 1944), Con Chim Họa Mi (truyện dịch của Andersen, 1944). Nhà văn Đan Mạch Andersen (1805-1875) nổi tiếng với truyện cổ tích, truyện thần kỳ, tác phẩm của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng.

* Thay Lời Kết

Bài viết Hoàng Đạo & Một Vận Động Lịch Sử của nhà văn Dương Nghiễm Mậu (Tạp chí Văn, số 107+108, Sài Gòn 1968, trang 103-123). Trích:

“… Với năm tác phẩm của Hoàng Đạo được in thành sách: Mười Điều Tâm Niệm, Bùn Lầy Nước Đọng, Trước Vành Móng Ngựa, Tiếng Đàn, Con Đường Sáng. Nghĩa là từ những bài báo ngắn được in thành sách tới tiểu thuyết của Hoàng Đạo, điều trước nhất đưa đến cho tôi là trong đó, một phần nào tôi nhìn thấy khung cảnh xã hội Việt Nam trong thời nô lệ thực dân Pháp, nhất là xã hội Việt Nam miền Bắc. Thực trạng xã hội Việt Nam trong thời nô lệ đã được ghi lại trong hầu hết những tác phẩm thời trước 1945, dưới khía cạnh này hay khía cạnh khác do nhiều tác giả của những khuynh hướng khác nhau để lại…

… Ngay từ khởi đầu, qua những tác phẩm đã được đọc, tôi nghĩ Hoàng Đạo trong thực tế là lý thuyết gia của Tự Lực Văn Đoàn, một người lãnh đạo về mặt tư tưởng của nhóm. Trách nhiệm của ông ở trong nhóm như vậy hết sức lớn lao, và chủ quan tôi nghĩ chính cái chết của ông sau này đã khiến cho những người như Thế Lữ, Tú Mỡ, Nhất Linh mỗi người phải đi một đường, và từ đó đánh dấu một giai đoạn mới trong đời sống và sự nghiệp của họ…

… Bằng phương tiện báo chí, sách vở, Hoàng Đạo và các bạn ông đã mang cả nhiệt tâm của mình ra tranh đấu, không phải chỉ trích nền cai trị, họ còn chỉ trích chính đời sống của dân chúng, vạch ra những tệ trạng, những gì họ cho là hư nát phải cải cách, phải phá bỏ, trong đó bao hàm cả sự giáo dục dân chúng. Như vậy, tất nhiên họ phải dựa trên một cơ sở lý luận, trình bày cho dân chúng thấy con đường phải đi, nhất là đối với thanh niên, hay nói khác đi vai trò của người trí thức mới trong việc hướng dẫn một xã hội…

… Qua những tác phẩm của Hoàng Đạo cũng như của các bạn ông, rõ ràng họ đã dùng văn chương cho một mục đích, tiểu thuyết nhằm trình bày, nói lên một cái gì, tác phẩm của họ gắn liền với xã hội với đời sống. Văn chương trở thành một khí giới và tất nhiên Hoàng Đạo chống lại cái tinh thần ủ ê sầu muộn trong văn chương. Nhưng ông đã không chỉ bằng những lên tiếng đả kích, điều ấy quá dễ, mà ông và các bạn vừa lên tiếng vừa làm việc. Chống không không bao giờ đủ mà phải đưa ra những tác phẩm mà chính mình cho là lành mạnh, cần thiết với quan niệm mà chính mình cho là tiến bộ…

… Hoàng Đạo đã làm báo, viết văn, hoạt động xã hội, hoạt động cách mạng và ông đã chết trên một chuyến xe lửa tại Quảng Châu bên Trung Hoa giữa lúc còn hăng say với lý tưởng, ông chết với một mộng tưởng chưa thành cũng như bao nhiêu người khác cùng một thế hệ trên con đường bôn ba. Và cũng có thể nói rằng đến cái chết của ông là kết thúc một giai đoạn lịch sử, kết thúc vai trò của một lớp người...”.

Trong ba anh em trong gia đình, Nhất Linh là nhà văn với tiểu thuyết luận đề sâu sắc nhất, Thạch Lam tuy sống ngắn ngủi nhưng với những tác phẩm của ông với những tập truyện là những áng văn hay và Hà Nội Ba Sáu Phố Phường, (Đời Nay, 1943), được đánh giá là người viết tùy bút hay nhất. Trong sự nghiệp văn chương, Hoàng Đạo không nổi danh như người anh và người em nhưng ông là nhà báo, nhà tư tưởng, nhà lý luận… đáng ngưỡng mộ.

Nhất Linh mất đi hai bộ óc tâm huyết, hai cánh tay đắc lực là người em Hoàng Đạo và người bạn thân là Khái Hưng (1896-1947), đó là nỗi bất hạnh của ông trong hoài bão đang theo đuổi cho lý tưởng cao cả. Hoàng Đạo rất kiên cường, bất khuất, theo lời bà Nguyễn Thị Thế: “Anh Tư tôi bị bắt, bị tra tấn bằng điện dữ dội, anh gan lỳ không chịu tiết lộ gì nên họ cho đi an trí ở huyện Vũ Bản, Vĩnh Bình cùng với ông Khái Hưng”.

Lúc sinh thời, nhà văn Nguyễn Thạch Kiên (1926-2009), tuy đã cao tuổi nhưng năm 1997, ông thực hiện được tuyển tập về Khái Hưng (tập I & II) dày 1.100 trang. (Trong tuyển tập nầy, tôi viết bài Khái Hưng, Hành Trình Nhân Bản, trang 421-433, sau đó in trong quyển Văn Nhân & Tình Sử). Về cái chết của nhà văn Khái Hưng, tôi dựa vào tài liệu đáng tin cậy trên vài tạp chí trước năm 1975 ở Sài Gòn và trao đổi với người trong tổ chức VNQDĐ là nhà văn Nguyễn Thạch Kiên để xác minh, sau nầy đọc vài bài viết trong nước đã chép lại nhiều trang (không ghi trích dẫn), phớt lờ về cái chết, cũng may được in trong tuyển tập năm 1997 nên không bị mang tiếng đạo văn trong nước.

Với nhà Văn Hoàng Đạo, thế hệ hậu duệ của ông rất đông nên việc thực hiện tuyển tập về ông cả nghìn trang không có gì khó khăn.

Nếu triết gia J.J Rousseau (1712-1778) cho rằng “Cái ác ghê gớm nhất bắt nguồn từ chính chúng ta” thì qua những tác phẩm của Hoàng Đạo đề cập đến cái ác để xóa bỏ, loại trừ dần nhằm hướng thiện, xây dựng con người và xã hội với con đường sáng.

Nhà văn Duy Lam viết: “Gia đình tôi cũng giống như gia đình Kennedy ở bên Mỹ này, những thành viên trong gia đình đều làm chuyện công ích và chính trị. Họ Nguyễn Tường ở trong nước Việt Nam nhỏ bé cũng liên hệ đến chính trị cùng với các đồng chí. Ông Tường Cẩm thì bị cộng sản giết, ông Nhất Linh sau chết cũng vì chính trị. Ông Hoàng Đạo bị lưu vong mà phải chết sớm, cũng là vì chính trị. Cho nên có thể nói cái ảnh hưởng sâu rộng đến gia đình Nguyễn Tường và ảnh hưởng luôn đến Tự Lực Văn Đoàn”.

Little Saigon, 22/6/2022
Vương Trùng Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét