Ra sông
Biết mặt trùng dương, biết trời mênh mông
Biết đời viễn vông, biết ta hãi hùng
Ra khơi
Thấy lòng phơi phới, thấy tình thế giới
Thấy mộng ngày mai, thấy niềm tin mới...*
Tiếng nhạc lời ca đang dìu dặt, tiếng sóng biển xào xạc vỗ bờ, con tàu nhẹ lướt. Bài hát được lặp đi lặp lại, hình ảnh quê hương gợi lên càng rõ nét và đậm sâu trong lòng người ra khơi.
Vâng! Nhóm sinh viên Khoa Học chúng tôi đang ra khơi, hướng đến hòn Lại Sơn. Một đảo nhỏ nằm ngoài khơi, thuộc tỉnh Kiên Giang và cách xa khoảng 60 km.
Đứng trên chiếc Duyên Tốc Đĩnh PCF trong một ngày đẹp trời, chẳng sóng to gió lớn. Lòng tôi không khỏi rung cảm trước cảnh hùng vĩ. Đất trời bao la, biển cả mênh mông và tình quân dân sâu đậm. Tình cá nước của các chàng lính biển hào hoa, hết lòng đưa đón và tận tình giúp đỡ chúng tôi hoàn thành chuyến du khảo trên hòn đảo Lại Sơn. Các sinh viên tuổi "lưng lửng cắp sách" này, thích làm chuyện ngược đời để được xem là người lớn, dù chưa đủ chín chắn bước ra trường đời. Sắp đến ngày thi, biết không đủ thời gian ôn bài, nên câu giờ bằng cách "đi du khảo".
Sân trường Đại học Cần Thơ là địa điểm tập trung. Hành lý gồm một ít vật dụng cá nhân, lương thực đủ dùng và cây đàn guitar là nhu cầu thiết yếu. Phương tiện di chuyển từ Cần Thơ đến Rạch Sỏi bằng xe đò. Từ Rạch Sỏi đến hòn Lại Sơn..."khỏi có lo", đã có các chàng hào hoa sẵn sàng rẽ sóng. "Thủy thủ đoàn" đưa chúng tôi ra khơi chỉ có 3 người. Nhìn cấp bậc trên cầu vai, một chàng Trung úy đứng sau tay lái, anh Hạ sĩ quan và vị Cố vấn Mỹ.
Chàng Trung úy tên...thôi không nói ra đâu. Anh kể cho chúng tôi nghe kiếp sống hải hồ, đời trải dài theo sóng nước. Những chiều vàng sắp tắt, những ban mai mờ sương, lúc cỡi sóng to gió lớn và mộng mơ thả hồn khi biển êm ả hiền hòa. Vừa lúc ấy, tiếng đàn guitar réo rắc. Người bắt nhịp trổi giọng và cả đoàn cất tiếng hát.
(Ánh Mai - Kim Phượng)
“Trăng lên cao muôn hoa sóng giăng đầy
Tàu lắc lư làm sao viết thư tàu,Trăng đại dương không đủ viết thư đêm
Nên thư muộn đừng trách lính mà em ...”**
Chúng tôi hóm hỉnh đố anh chàng Trung úy về tên bản nhạc vừa hát. Anh lém lắm qua ánh mắt:
- Làm gì có, nếu có thì...tàu lắc lư làm sao viết thư tình...
- Không, thư tàu. Chúng tôi cãi bướng.
Có lẽ anh giả vờ thua và chấp nhận bằng cái lắc đầu. Bọn con gái hả hê ra mặt và giải thích...
- Vì anh chàng có người yêu là người Hoa, không biết đọc tiếng Viêt, nên anh ta viết thư bằng chữ Tàu đó mà.
Vị cố vấn Mỹ mỉm cười theo, để lộ hàm răng trắng ngần, khi thấy chúng tôi cười ngoặt ngoẹo.
Cô bạn tôi thích đùa dai, nhờ anh Cố vấn đứng giữ chỗ, một chút cô sẽ trở lại. Anh nhướng mày thoáng ngạc nhiên.
- Anh đứng im đây, tôi sẽ trở lại.
Nhìn dáng người kềnh càng, đứng im như pho tượng, bọn con gái nháy mắt thích thú... Tôi im lặng thu mình, nhìn chân trời xa tắp.
- Ôi quê tôi đẹp quá!
Khoảng trời xanh xanh lơ, mây trắng lững lờ trôi, biển rộng mênh mông nước. Từng đợt sóng nhỏ nhấp nhô, tàu lướt tới, cảnh vật lùi dần...lùi dần. Con tàu rẽ nước để lại đường tàu đi, cuồn cuộn trắng xóa. Một thoáng suy tư, con tàu đang đi sao bình yên thế, nhưng liệu sóng to gió lớn, biết sẽ ra sao. Những chàng lính thủy, những người con yêu của đất nước tôi, đã, đang hy sinh thời tuổi trẻ và vị Cố vấn kia, người không cùng màu da, khác tiếng nói, cớ gì “trôi giạt” đến chốn này. Quên bẵng sự lịch sự và giữ kẽ của người con gái, tôi nhìn anh đăm đăm. Anh bắt gặp cái nhìn ấy, có lẽ sợ tôi ngượng, nên chỉ mím môi nhưng ánh mắt của anh "cười" rạng rỡ.
Tàu đã đến nơi, bữa ăn trưa dã chiến với mớ cá tươi, do anh chàng Trung úy chịu bù thua từ cuộc đố tên bài hát. Nồi canh chua thơm lừng mùi ngò om. Nước mắm nhỉ sản xuất tại hòn, màu vàng ánh, sóng sánh trong lòng đĩa, điểm thêm những lát ớt xắt mỏng, đỏ tuơi. Và có lẽ nồi canh chua hôm ấy đậm đà hơn bởi Người cùng ăn. Sau bữa cơm, chúng tôi tiễn các chàng lính thủy trở lại Rạch Sỏi. Vừa quen biết lại vội chia tay, lòng không khỏi bâng khuâng. Bóng dáng những chàng trai hùng trong thời loạn, xa lạ nhưng dường thân quen...mờ dần cho đến khi chiếc PCF khuất dạng.
Hoàng Anh, Kim Phượng
Đưa người đi, chúng tôi ở lại, bày trò cho cuộc vui buổi tối. Hoàng hôn dần xuống, những tia nắng cuối ngày sắp tắt sau những tàng cây. Lửa trại bập bùng trong bóng đêm. Trò chơi bịt mắt bắt dê và chơi bỏ khăn, bắt đầu. Trời tối hẳn, màn đêm trùm phủ, nhưng trên mặt biển bao la kia, gợn ánh bạc, màu ngân nhũ lấp lánh, trải rộng khắp cùng. Cái tĩnh mịch về đêm, tiếng sóng vỗ nhẹ trên ghềnh đá, tạo nên bản nhạc đồng điệu của thiên nhiên. Cả nhóm quây quần, bóng đêm đồng lõa, mọi người được tự do theo đuổi ý riêng giữa sự ồn ào, rộn ràng tiếng cười nói. Kẻ mơ mộng thả hồn, người ôm đàn dạo khúc. Giọng đơn với tình ca buồn man mác, ướt át, lâm ly, lẫn khúc hùng ca bi tráng của cả nhóm. Đêm chìm dần kéo theo giấc ngủ của các kẻ xa nhà. Bình minh lên, đánh thức người thèm ngủ nướng.
(Khoa Học Cần Thơ)
Sau bữa điểm tâm, cả đoàn kéo nhau “đi du khảo”. Trong phòng thí nghiệm, các mẫu vật nằm chết cứng trong lọ thủy tinh, dùng cho các sinh viên nhận diện khi thực tập. Nhưng qua làn nước mằn mặn, âm ấm, đám rong đủ màu sắc, đang lơ lững. Những nhánh san hô mùi tanh tanh, khó ngửi. Một chú cá ngựa lạ mắt đang lắc lư bơi đến. Cả bọn nhao nhao lên. Thình lình, ai đó ném tới một con đĩa biển đen ngòm, có tiếng la hoảng. Trong thực đơn cao lương mỹ vị, đĩa biển mang mỹ từ hải sâm. Mọi người cho rằng đó là món ăn rất bổ dưỡng, nhưng tôi chưa một lần nếm thử, vì sự ám ảnh của mấy mươi năm trước.
Ngày vui qua mau, chiếc PCF đến đón chúng tôi trở lại Rạch Sỏi.
Năm 1975, dấu mốc thời gian kinh hoàng. Lệnh bức tử ban ra, bao nhiêu chiếc tàu may mắn rời xa hải phận quốc tế, bao nhiêu chàng lính hào hoa một thời còn kẹt lại quê nhà. Chạnh lòng, tôi nhớ thời vàng son mấy mươi năm trước, lúc chờ tàu đưa ra hòn Lại Sơn. Nhìn những con hào xếp đứng, chồng chất nhau bên bờ nước, cả bọn cười đùa và ví những con hào là "Từ Hải chết đứng", một nhân vật trong Kim Vân Kiều. Tất cả, người may mắn ra đi, kẻ bất hạnh còn ở lại, đều mang thân phận chết đứng như những con hào bên bờ Rạch Sỏi năm nào.
Bến Ninh Kiều - Cần Thơ
Bến Ninh Kiều, nơi ngày nào các chàng trai áo xanh từ Bình Thủy đỗ xuống, dập dìu qua lại làm đẹp thành phố trong những ngày cuối tuần. Và chính nơi này, năm 1978, tôi cùng 52 phận người, ra đi vào nơi vô định. Tàu chúng tôi ra khơi, 9 ngày đêm lênh đênh trên biển cả. Bầu trời trong xanh, không một cánh chim, là dấu hiệu cho biết quá xa bờ. Nhìn chàng Đại Úy đang cầm cự tay lái, giữa trời nước mênh mông, giữa cái nắng chang chang, sóng gió nổi lên, từng phút giây thêm lớn mạnh. Anh chàng Trung Úy, lem luốc dầu mỡ, bên chiếc máy mã lực thấp, nhưng phải mang một sức nặng của số người đang hiện diện trên tàu, cao hơn dự định. Lần ra khơi này, không như lúc đến Hòn Lại Sơn trong chuyến du khảo, bởi đây là lần chấp nhận sự rủi ro, chọn cái chết để tìm sự sống. Trong cơn nguy, lúc tàu đang chòng chành, hồn tôi đắm chìm theo màu áo xanh lính biển ngày nào. Như trong mơ, nhớ đến anh, người thủy thủ trong đêm...
Nên đêm vượt trùng
Anh mong tìm gặp hoa trắng về tặng emCho anh thì thầm
Em ơi tình mình trắng như hoa đại dương ***
Gần đây, đọc tác phẩm tự truyện Gió Mùa Đông Bắc của Bác Sĩ Y Khoa Hải Quân Trần Nguơn Phiêu, tôi có dịp hiểu biết thêm, đồng cảm với Người mang màu áo xanh, điêu đứng trước sư cuồng nộ của thiên nhiên khi gặp gió mùa Đông Bắc, trong mỗi lần ra khơi lúc biển động. Quyển sách còn đây, chữ ký thân tặng còn đó, nhưng Thầy Nguơn Phiêu đã miên viễn.
Bao nhiêu năm qua rồi, chàng Trung Úy, anh Hạ Sĩ và viên Cố vấn Mỹ, trên chiếc Duyên Tốc Đĩnh đến hòn Lại Sơn, lưu lạc phương nào.
Và một Ngụy Văn Thà, Thiếu tá Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa, hạm trưởng hộ tống hạm Nhựt Tảo HQ-10, đã nằm xuống trong trận hải chiến Hoàng Sa, chắc chắn rằng hàng hàng Ngụy Văn Thà sẽ đứng lên.
Mấy mươi năm thăng trầm của đất nước là mấy mươi năm dân Việt lưu lạc xứ người. Tôi hiểu thêm ít nhiều về Người Lính Biển hào hoa và tại Victoria, Úc Châu, Gia đình Hải Quân Hàng Hải tiếp tục vững mạnh qua những Đặc San Ra Khơi. Tin tưởng rằng sẽ một ngày, chắc chắn sẽ có một ngày, một Hạm trưởng Việt Nam nào đó, thuộc thế hệ cháu con sẽ kiên cường, oai dũng và vinh quang trở lại quê nhà. Đó là nơi Cha Ông đã Can Trường Trong Chiến Bại như lời của cựu Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại.
* Lời nhạc phẩm Viễn Du của Nhạc sĩ Phạm Duy
** Lời nhạc phẩm Lính Mà Em của Nhạc sĩ Anh Thy
*** Lời nhạc phẩm Hoa Biển của Nhạc sĩ Anh Thy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét