Thứ Ba, 16 tháng 11, 2021

Thính Giang Địch, Tống Lục Thị Ngự 聽江笛送陸侍御 - Vi Ứng Vật


Vi Ứng Vật 韋應物 (737-792) tự Nghĩa Bác 義博, người đời Đường, người Đỗ Lăng, Kinh Triệu, lúc đầu làm Tam vệ lang cho Đường Huyền Tông (712-755), về sau chịu khó đọc sách, đến đời Đức Tông (780-804) làm quan thứ sử Tô Châu có nhiều thiện chính. Ông tính cao khiết, thích đốt hương ngồi một mình. Ông cùng Lưu Trường Khanh được người ta gọi là 2 thi nhân đại tự nhiên. Thi tập của ông gồm 10 quyển.

Bài thơ này rất đặc biệt ở trạng thái nghe tiếng sáo: nghe mà không thưởng thức; nghe mà như không nghe;

Nguyên bản            Dịch âm
聼江笛送陸侍御    Thính Giang Địch Tống Lục Thị Ngự

聽江笛送陸侍御     Thính giang địch, tống Lục thị ngự
遠聽江上笛             Viễn thính giang thượng địch,
臨觴一送君             Lâm trường nhất tống quân.
還愁獨宿夜             Hoàn sầu độc túc dạ,
更向郡齋聞             Cánh hướng quận trai văn.

韋應物                   Vi Ứng Vật

***
Chú giải:

臨 lâm: ở trên cao nhìn xuống, như giám lâm, đăng lâm
觴 trường: cốc rượu, cái chén đã rót đầy rượu. lâm trường: nâng ly
宿 Túc: đỗ lại ban đêm. Túc dạ: ở lại trông (nhìn) đêm. Trong câu này nó có nghĩa là ngắm đêm tối.
更 cánh: hoàn trả, làm lại như trước (trong câu này có nghĩa là: lại nghe như cũ).
向 hướng: hướng vào. (Trong câu này có nghĩa là nằm yên trong thuyền, quay mặt về phía thư phòng tiếp tục nghe sáo.
郡 quận: Một tên riêng để gọi khu đất đã chia giới hạn. quận trai: trai phòng, thư phòng.

Dịch nghĩa:

Nghe sáo sông, tiễn quan thị ngự họ Lục
(Đang uống rượu tiễn bạn trong thuyền bỗng) Nghe tiếng sáo xa xa trên sông,
Nâng chén tiễn bạn đi rồi.
Còn một mình buồn rầu ngắm màn đêm trên thuyền,
Ta hướng về phía thư phòng, lại tiếp tục lắng nghe tiếng sáo!

Dịch thơ:

Nghe sáo sông, tiễn quan thị ngự họ Lục
Xuống thuyền. Xa nghe sáo,
Nâng cốc. Tiễn bạn rồi.
Một mình buồn ngắm tối…,
…Hướng thư phòng. Nghe thôi!

Con Cò
***
- Lâm nhiều nghĩa lắm, như ở trên soi xuống, sát, gần kề, sắp (lâm biệt, lâm chung), xuống tới, đi tới (lâm giang), gặp phải (lâm nguy).
- Trường là chén rượu, mời rượu.
- Túc dạ là qua đêm, tỷ như BS ngồi xoa tới sáng. Câu thứ 3, theo ý BS, là họ Vi buồn vì nhớ bạn mà thao thức suốt cả đêm.
- Quận trai: BS nghĩ rằng, sau khi tiễn bạn, thì Vi vẫn nằm trên thuyền, mà vì thao thức nên hướng tai về phía thư phòng của quận đường mà nghe tiếng sáo ở gần đó vọng ra, có lẽ vẫn là tiếng sáo mà Vi nghe lúc đầu. Nhưng lại thắc mắc, ai là người thổi sáo suốt đêm như vậy ??

Tiễn Quan Thị Ngự Họ Lục, Nghe Tiếng Sáo Trên Sông.

Xa nghe tiếng sáo trên sông,
Nâng ly rượu nhạt tiễn ông lên đường,
Lòng buồn thao thức canh trường,
Lắng nghe tiếng sáo quận đường vẳng đưa.

Bát Sách.
(ngày 04/09/2020 )
***
聼江笛送陸侍御   Thính Giang Địch Tống Lục Thị Ngự

韋應物                   Vi Ứng Vật

同丘員外賦題       Đồng Khâu Viên Ngoại Phú Đề
逺聼江上笛           Viễn thính giang thượng địch
臨觴一送君           Lâm thương nhất tống quân
還愁獨宿夜           Hoàn sầu độc túc dạ
更向郡齋聞           Cánh hướng quận trai văn


Mộc bản trong Tô Châu Tập - Đường - Vi Ứng Vật 韋蘇州集-唐-韋應物Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐詩-清-聖祖玄燁 có ghi chú trong tựa bài thơ. Các sách khác không có ghi chú này: Cổ Kim Thi San - Minh - Lý Phàn Long 古今詩刪-明-李攀龍, Thạch Thương Lịch Đại Thi Tuyển - Minh - Tào Học Thuyên 石倉歷代詩選-明-曹學佺

Ghi chú:

Lục Thị Ngự: nhân vật có tên Lục Sướng 陸暢, nơi khác cho là Lục Thảm 陆惨, bạn của Vi Ứng Vật

Khâu viên ngoại: Khâu Đan 丘丹
Đồng phú đề: cùng chủ đề với bài phú
Viễn thính: lắng nghe âm thanh ở xa
Giang thượng: bên bờ sông, trên sông
Lâm: ở trên cao nhìn xuống

Thương: cái chén uống rượu, cái chén đã rót rượu. Lý Bạch dùng chữ này 觴trong bài: Xuân Dạ Yến Đào Lý Viên Tự 春夜宴桃李園序, Phi vũ thương nhi túy nguyệt 飛羽觴而醉月 Nâng chén vũ (khắc hình chim có lông cánh) say với trăng.
Lâm thương: đối tửu, nâng chén cùng uống rượu
Độc túc: ở một mình, không có vợ chồng
Quận trai: dinh thự, thư phòng của Thứ sử Tô Châu

Chủ tiệc tiễn đưa này có lẽ là Thị Ngự họ Lục về Trường An và trên thuyền đậu ở bến sông. Tiệc tiễn đưa cho thời lúc và tạo bối cảnh cho bài thơ. Tiếng sáo trong tựa đề mới là chủ đề chính trong suốt bài thơ. Ta nghe tiếng sáo trong câu 1 và câu 4. Tiếng sáo còn réo rắt trong câu 2 khi thi nhân nâng cao chén rượu tiễn đưa và tiếng sáo mang đến cảm nghĩ cô đơn khi bạn đã đi xa trong câu 3. Thiviện dịch nghĩa câu 4 Ta lại hướng về phía thư phòng lắng nghe tiếng sáo cho người ta có cảm tưởng là tiếng sáo phát ra từ thư phòng. Điều này mâu thuẩn với câu 1 Nghe tiếng sáo xa xa trên sông và càng mâu thuẫn với câu 3 Còn một mình buồn rầu trông đêm. Nếu có người thổi sáo trong thư phòng, thì thi nhân đâu có cô đơn như than trong câu 3.
 
Dịch nghĩa:

Thính Giang Địch Tống Lục Thị Ngự
Nghe Tiếng Sáo Trên Sông Lúc Tiễn Đưa Thị Ngự Lục Sướng
Viễn thính giang thượng địch Nghe tiếng sáo trên sông vọng lại từ xa,
Lâm thương nhất tống quân Lúc nâng chén để tiễn anh đi.
Hoàn sầu độc túc dạ Rồi trở lại với cái buồn cô đơn đêm dài,
Cánh hướng quận trai văn Đi về hướng thư phòng vẫn nghe tiếng sáo.
Thi nhân Vi ỨngVật, Thứ sử Tô Châu tiễn đưa bạn là Thị ngự Lục Sướng về Trường An trên thuyền đậu ở bến sông. Trong lúc nâng chén thì nghe tiếng sáo từ xa vọng lại. Khi bạn ra đi rồi, thi nhân vẫn còn nghe tiếng sáo trên đường trở lại thư phòng và cảm thấy buồn vì sẽ cô độc trong đêm dài.

Dịch thơ:

Tiếng Sáo Trên Sông
Trầm bổng sáo trên sông,
Tiễn nâng chén rượu nồng.
Cô đơn thuyền khuất dạng,
Còn vẳng đến thư phòng.


Listening to the Flute at a Farewell Party by Wei Ying Wu
The flute melody came from somewhere on the river,
While we were raising wine cups to say good bye.
Returning to loneliness of a long night,
I still heard the flute while walking back to my quarters.

Phí Minh Tâm
***

1- Nguyên Thể

Xa nghe tiếng sáo sông,
Ly rượu tiễn chân ông.
Buồn một mình trong tối,
Lại nghe ở quận phòng.

2-Lục Bát

Sông xa tiếng sáo nghe vang,
Tiễn Ông ly rượu lên đàng bình yên.
Một mình buồn bã trong đêm,
Lại nghe tiếng sáo ru êm quận đường.

Mỹ Ngọc.
Oct. 20/2021.
***
Nghe Sáo Sông, Tiễn Quan Họ Lục

1/

Trên sông nghe sáo vẳng
Nâng chén tiễn bạn hiền
Sầu dâng đêm một bóng
Vẫn vọng lại thư hiên

2/

Trên sông tiếng sáo vọng về
Tiễn anh nâng chén đường quê dăm dài
Một mình đêm vắng sầu ai
Thư phòng về lại, vẫn hoài còn nghe!

Lộc Bắc


***

Trên Sông Tiễn Bạn, Nghe Tiếng Tiêu Sầu


Khuya trên sông tiêu sầu vẳng tiếng
Tiễn người đi nhấp chén ly bôi
Một mình ngắm bóng đêm trôi
Tiếng tiêu đồng vọng bồi hồi lòng ta

On the river to see you off, listening to the sound of flute
Late at night, while we filled our parting glass
The sound of flute wafted from afar on the river
Here I am, alone again in the stillness of the night
Listening to the heartrending sound of flute

Yên Nhiên
***
Trên sông vẳng tiếng tiêu sầu
Tiễn người đi mắc thêm rầu ly bôi
Mình ta đối bóng bồi hồi
Nghe tiêu buồn nản từng hồi xa bay

LạcThủyÐỗQuýBái
***
Cảm Đ:

Trên sông sóng táp mạn thuyền
Xa đâu tiếng sáo như xuyên trăng vàng
Trong khoang thấy rộng thênh thang
Cùng anh uống rượu tào khang đượm phiền
Nâng ly rồi tiễn vượt biên
Để rồi nhung nhớ triền miên lâu dài
Thịt da xa cách trang đài
Xuyên tâm tiếng sáo miệt mài xót xa

Đồ Cóc
***
Góp ý:

Góp ý để rồi chỉ bị người ta tìm cách bác bỏ ý kiến, hay tệ hơn nữa, bị nói xiên xẹo thì góp ý làm gì nhỉ? Trừ trường hợp bài thơ có những điểm đặc sắc về chữ nghĩa, vần điệu, cú pháp, v.v... thì thường ta chỉ có thể cảm thông và thấy cái hay nếu ta biết được ít nhiều về bối cảnh đưa đến bài thơ, nhất là trường hợp những bài ngũ ngôn tứ tuyệt vì nhà thơ phải chọn những chữ thật hợp với tình cảnh. Người ni không thấy bài Thính Giang Địch hay ở đâu cả.
Đã đành rằng chữ trai trong 郡齋 có thể hiểu là thư phòng nhưng hiểu thế là không để ý đến ý hàm trong chữ quận. Tên 郡=quận thời xưa được đổi thành 州=châu thời Đường. Theo trang 聽江笛送陸侍禦 này; quận trai là dinh thự của Tô Châu (蘇州) thứ sử và họ Vi giữ chức đó lúc gần cuối đời (787-792). Lúc này ông đã góa vợ. 陸侍御=Lục thị ngự là lối gọi thị ngự sử Lục Thảm (陸慘); thị ngự sử này được nói đến trong tiểu sử Hàn Dũ khi họ Hàn được Lý Cao tiến dẫn năm 801, nhưng họ Vi thân thiết với ông thị ngự sử này thế nào thì hình như không ai biết. Lục thị ngự đến Tô Châu với trọng trách gì?

Chuyện tan hợp, ly biệt là chuyện bình thường trong đời nên phải có lý do nào đó thi nhân mới làm thơ. Thời xưa không biết người ta nghĩ sao nhưng thời nay nghe như là bài thơ giữa những người đồng tính luyến ái! 江上笛= Giang thượng địch chỉ có thể hiểu là người thổi sáo đang ở trên sông.; tiếng sáo vọng rất xa trên mặt nước và đôi khi được dùng làm biểu tượng cho sự xa cách. Không có câu thơ nào nói chuyện ai ở trên thuyền cả; họ Vi đang làm thứ sử Tô Châu, đi tiễn bạn, thì người ngồi trên thuyền (nếu có) không thể là ông ta. Tiễn bạn xong rồi thì phải đi về, lòng buồn bã (還愁=hoàn sầu); 獨宿夜=độc túc dạ có thể hiểu là họ Vi ở một mình, thế thì nghe (聞=văn) cái gì? Hay ý nhà thơ muốn nói rằng vẫn còn có thể nghe tiếng sáo gợi sầu khi đã về đến nhà?

Huỳnh Kim Giám

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét