Thứ Ba, 26 tháng 1, 2021

Mưa Rơi

 
Bây giờ là mưa. Những tiếng nhỏ, lúc thì thầm, khi tỉ tê . Khiến người nghe muốn vui, cũng khó! Cho dù có thì thầm những lời tình tứ. Bởi mưa, với tôi, thì chẳng bao giờ " tình"! Nó chỉ mang tình đến thôi. Như một lần có người em"đến thăm anh một chiều mưa"
Có lẽ tại số tôi vô duyên, trùm chăn thui thủi, chứ nhiều ông trời mưa nằm nhà mà vẫn có người đến thăm! 

Ông Tô Vũ, ngoài cái"tà áo hương nồng", lại được bonus thêm "mắt huyền trìu mến", khiến lòng ông được sưởi ấm ( ấm hơn sưởi bằng … cái khác ?) . Mấy chục năm sau, ông Trịnh Công Sơn cũng vậy
 " còn mưa xuống/như hôm nào em đến thăm/mây âm thầm mang gió lên"

Gió lên cái gì thì chỉ có Trời với ông Sơn biết mà thôi! Rồi ông Nguyễn Vũ, một chiều mưa lất phất, cũng có em chịu khó " đến thăm anh" để nghe anh kể chuyện ngày xưa (Huyền thoại một chiều mưa) Không biết nhờ nội dung câu chuyện hay nhờ ông kể có duyên mà cô tiên nữ, thay vì trở lên... trời, rong chơi thanh thản, lại chọn ở lại hồng trần với "chiều mưa nhiều thật là nhiều" Như chiều mưa bên cạnh ông Nguyễn Vũ. Giống ông anh bà con (Nguyên Vũ), ông Đức Huy, cũng có cô em đường xa ướt mưa , đến thăm (!). Tuy không nhắc đến "tà áo, mắt huyền ", không "bên em, lặng nhìn màu trời" nhưng " da em lụa là / tóc em xõa mềm" thì bảo đảm ông Đức Huy" ấm" hơn mấy ông kia là cái cẳng! 

Có thật vậy sao? Phụ nữ thời  tiền chiến ( thập niên 40) đã ngon lành vậy sao? Thay vì "trâu đi tìm cột" như các Cụ dạy thì, với mấy ông này, toàn là … ngược lại. Lúc đó đâu có … covid_Tàu đâu mà "cột chạy" …. tìm trâu?! Hay tại mấy em mê "tiếng hát với cung đàn", trời mưa thì mặc trời mưa / cũng xin áo mũ , đội mưa thăm người"? Hay đây chỉ là các chàng tưởng tượng cho đỡ ghiền . Chứ anh nào cũng "nằm trong căn gác đìu hiu" than lên , thở xuống: " ô hay, mình vẫn cô liêu"!

Ông vua đào hoa là ông Phạm Duy thì không như người bạn Văn Cao"em đến tôi một chiều", không có em nào ghé thăm ông cả! Nắng Sài Gòn hay mưa Hà Nội cũng chỉ có ông là tìm đến thăm em. Ngay từ một trong những ca khúc đầu tiên là ông đã thú nhận " hôm xưa tôi đến nhà em" rồi. Ông thi sĩ tài hoa Đinh Hùng thì cũng vậy: "Tôi đến thăm em nắng đã chiều / Hai lòng nghe rõ ý đìu hiu". 

Có thế chứ. Đã mang thân nam tử, đầu đội trời, chân đạp … đất, mà lại để cho người ta chịu khó cất công đến thăm mình thì coi sao được?! Đồng ý là lúc đó, đa số chúng ta còn ở với (Ba) Má, " em" có đến thăm, không bị bà Cụ "quét" nhìn một cái, thì cũng nhột nhạt, không tự nhiên, khoảng - cách - xã -hội, ít nhất cũng là 1m5! Mắt huyền trìu mến đã không (dám) có thì nói gì đến chuyện da dẻ lụa là! Có lẽ tác giả các ca khúc này hoặc vì hoàn cảnh, ra đời sớm (ra đời chứ không phải chào đời thiếu tháng nhá) hùn hạp thuê nhà với bạn. Nếu không, hoặc các bố " nổ", hoặc lúc đó đã là khứa lão ( > 30) , đi làm có tiền ra riêng.

Tiếc là không có dịp hội kiến các ông" em đến thăm anh chiều mưa" này. Nếu có , tôi sẽ hỏi các chàng rằng. Thế, trời nắng thì có em nào chịu khó đến thăm anh không? Tại sao, lại chờ trời mưa thì mới ghé . Tại vì các cô thích tách trà nóng hơn ly chanh đường? Thích ngồi cạnh chàng để cùng nghe tiếng.. ếch bên tai ("giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò")? Thích nghe chàng kể chuyện đời xưa (con mẹ bán dưa…)? Thích cái … mền nhà chàng? Hay tại vì trời mưa thì chàng nguội hơn, bớt nóng.. tánh, bớt chụp giựt (?) .. vv 

Khác với các chàng có diễm phúc kia, nắng mưa gì, cũng chỉ là tôi lội mưa đến thăm em, nhất là canh lúc"tía em hừng đông đi cày bừa". Tới nhà em thì cũng chỉ ba xạo, nói chuyện trên trời, dưới đất, thỉnh thoảng lại ôm đàn, đẩy đưa vài ca khúc trữ tình. Rồi thôi! Không có màn" xin mưa mãi không lắng đọng / để đuổi … trong giấc mộng?" Khát nước cách mấy cũng không dám" đầy ly cạn / cạn ly đầy". Gần nhà em không có gốc cây nào" kín đáo" cả! Mà nếu có thì cũng chả biết phải làm sao? Chả nhẽ nhờ thằng khác đi dùm?!! 
…… 
Bây giờ thì vẫn mưa! 
Mưa mấy hôm nay, triền miên theo những cơn bão rớt. Mưa từ biển Tây dạt về núi Đông, mưa từ Nam mưa dài lên Bắc. Mưa đầu thu, mưa lạnh, mưa buồn." Mưa đổ dài hơn mưa xứ Huế / Tôn Nữ qua cầu tóc hết bay", đó là những câu mưa-tôi-thời-niên-thiếu. 

Chiều mưa tỉnh nhỏ, trong căn phòng nhỏ, nằm đọc sách bên đèn, nghe mưa rớt ngoài balcon, đó là cái khoảnh khắc hạnh phúc nhất của tôi, ngày đó. Ai cũng có một quãng đời để giữ. Tôi không xin giữ quãng đời này. Nhưng quên nó thì không!

Miền Nam chúng ta (VNCH) 2 mùa mưa nắng chia đều. Nhưng trong văn chương, nghệ thuật, mưa xuất hiện nhiều hơn nắng. Nhất là trong thơ và nhạc. Có lần, tôi đã kể tên hàng mấy chục ca khúc về mưa được sáng tác sau 54. Trong vỏn vẹn 21 năm, mưa như thế thì quả có hơi nhiều. Đã thế, mưa vui thì ít, mưa buồn thì đông! Có phải đó là điềm báo trước cái cơn mưa Sài Gòn buổi sáng ngày 30/4 buồn thảm? 

Một trong những ca khúc mưa mà tôi yêu nhất là " Mưa Rơi" của Phạm Duy. Một ca khúc "mưa" buồn đúng nghĩa nhất. Từ nhịp điệu ¾ chậm rãi đến lời ca 3 / 2 buồn bã! 

Mời bạn ta nghe lại Mưa Rơi qua tiếng hát Khánh Ly thu thanh trước 75 
Nghe, để thấy lại mình thủa đó, ngày xưa. 


"… Mưa rơi , và còn rơi 
Không bao giờ mưa ngơi 
Không bao giờ ta nguôi 
yêu Người ơi … ” 

Vâng . Không bao giờ nguôi, 
Sài Gòn yêu dấu! 

02/10/2020 
BP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét