Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2020

Y Học Thường Thức: Đi Tiểu Ra Máu- Bác Sĩ Hoàng Cầm

 


Y HỌC THƯỜNG THỨC

Đi Tiểu Ra Máu - Bác Sĩ Hoàng Cầm


Đại cương 

Đi tiểu ra máu, tên khoa học là huyết niệu, là dấu hiệu của nhiều loại bệnh lý thuộc về hệ thống tiết niệu. Nước tiểu sẽ đổi sang màu đỏ khi máu ra nhiều, màu hồng khi lượng máu ít hơn. Nếu máu ít quá, màu nước tiểu không thay đổi nhưng xét nghiệm sẽ phát hiện có hồng huyết cầu trong nước tiểu. Có trường hợp nước tiểu đổi sang màu nâu, khi máu chảy ra từ thận, lưu lại trong bàng quang nhiều giờ khiến màu đỏ chuyển qua nâu. 

Nhiệm vụ chính của thận là lọc máu:
- Giữ quân bình trong máu các muối khoáng nat-ri, ka-li. Nếu ăn mặn, hay ăn thức ăn có nhiều kali như chuối, cam, thận sẽ thải nat-ri và ka-li ra nhiều hơn trong nước tiểu. 
- Giữ lại trong máu các chất bổ dưỡng như chất prô-tê-in, các thành phần của máu như hồng huyết cầu, bạch huyết cầu. 
- Thải ra nước tiểu các chất độc hại, phần chính là u-rê. U-rê là chất cặn bã do biến dưỡng chất đạm trong thức ăn tạo ra. Vì vậy trong nước tiểu bình thường không có các thành phần của máu và prô-tê-in, nhưng có nhiều urê (làm cho nước tiểu có mùi khai sau này). Hồng huyết cầu hiện diện trong nước tiểu là dấu hiệu có một nơi nào của hệ thống tiết niệu bị bệnh, khiến máu lọt vào nước tiểu. 

Đi tiểu ra máu chỉ là dấu hiệu báo những bệnh của cơ quan bài tiết nước tiểu, còn nguyên nhân sẽ được trình bày sau. Trong vài trường hợp, nước tiểu có máu là chuyện bình thường, thí dụ như sau khi lao động nặng, sau khi giao hợp, hay lúc đàn bà hành kinh (máu ở âm đạo theo nước tiểu thoát ra ngoài). Lấy mẫu nước tiểu để xét nghiệm, nên tránh những dịp này. 

Nguyên nhân 

Một số thuốc làm hại thận, như dùng thường xuyên thuốc chống đau: Ibuprofen, Acetaminophen. 
Một số bệnh mạn tính làm hại thận như bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh thấp khớp. 
Sạn thận, xảy ra sau lứa tuổi 30, thường liên quan tới tiền sử gia đình, cách ăn uống, sinh hoạt ở vùng nhiệt đới (nam bị nhiều hơn nữ). Sạn thận thường do nhiều loại muối khoáng kết tinh, phần nhiều là muối vôi. 
Viêm thận cấp tính hay mạn tính, làm thương tổn bộ phận lọc máu trong thận. 
Nhiễm trùng đường tiểu: đường tiểu rất dễ bị vi trùng trong phân xâm nhập, đưa tới viêm niệu đạo, bàng quang, niệu quản. Đàn ông có thêm viêm tuyến tiền liệt. Ung thư bàng quang, thận, niệu quản. 

Lâm sàng 

Phần nhiều lượng máu trong nước tiểu rất ít, phát hiện khi thử nghiệm nước tiểu, trong những lần khám sức khỏe tổng quát. 
Sạn thận:Sạn ở thận có thể bể thành những mảnh nhỏ, sắc, di chuyển xuống niệu quản, làm nghẹt đường dẫn tiểu, đưa tới những cơn đau lưng ở phía dưới thắt lưng, lan tới hông và vùng xương mu, đi tiểu ra nhiều máu. Cơn đau thường xảy ra thình lình, kèm theo sốt, ớn lạnh, toát mồ hôi, buồn nôn, ói mửa. 
Sạn thận, sau khi chữa có thể tái phát. Nhiễm trùng đường tiểu. Tiểu nhiều lần, rát, tiểu khó, tiểu gấp, đau lưng, đau bụng dưới, ớn lạnh. Nước tiểu có lẫn máu, nhiều hay ít tùy trường hợp. 
Viêm tuyến tiền liệt có thể làm tái phát viêm đường tiểu. Ung thư thận và bàng quang, thường tiến triển thầm lặng. Chẩn đoán được khi đi tiểu ra máu. Bệnh được xác định qua nội soi, sinh thiết, siêu âm. 

Phòng ngừa và trị liệu 

Uống nhiều nước, 2-3 lít nước mỗi ngày, giúp thận lọc máu dễ dàng, trong trường hợp tiền sử cá nhân hoặc tiền sử gia đình có bệnh sạn thận. 
Uống nhiều nước làm giảm độ đậm đặc các muối khoáng trong máu, như muối can-xi, muối u-ric. Tránh lạm dụng thuốc chống đau như Tylenol, Ibuprofen. Chỉ dùng khi thật cần thiết, theo liều lượng quy định và trong thời gian ít ngày. Có những loại thuốc dùng chữa bệnh, trong đó có thuốc trụ sinh, có thể làm hại thận, vì vậy nên theo đúng lời chỉ dẫn của bác sĩ, không nên giảm hay tăng liều lượng thuốc và thời gian dùng thuốc. Khi có bệnh mạn tính, cần tái khám đúng thời hạn với bác sĩ. Ngoài việc khám lâm sàng, bác sĩ sẽ cho xét nghiệm máu, nước tiểu, do đó xác định được tình trạng của thận và đường tiểu, tìm ra bệnh tiết niệu sớm hơn để trị liệu kịp thời. 

Khi có triệu chứng nhiễm trùng đường tiểu, cần gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Thiếu trị liệu đúng cách, vi khuẩn có thể xâm nhập thận làm viêm thận. Đàn ông cần chú ý nhiều hơn, khi bị viêm tuyến tiền liệt cần trị liệu nhiều tuần lễ, vì vi trùng tồn tại lâu dài ở trong tuyến này dễ làm tái phát viêm đường tiểu và viêm thận. 

Bảng đối chiếu danh từ y học Việt-Anh 

Đi tiểu ra máu Hematuria 
Niệu đạo Urethra 
Niệu quản Ureter 
Sạn thận Nephrolithiasis 
Viêm bàng quang Cystitis 
Viêm đường tiểu Urinary tract infection 
Viêm tuyến tiền liệt Protastitis

Bác Sĩ Hoàng Cầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét