Thứ Ba, 24 tháng 11, 2020

Tản Mạn Về Phong Kiều Dạ Bạc Và Hàn San Tự


Một hôm, vì nhậu say, Bát Sách bị một giấc ngủ chập chờn và đầy mộng mị... Mới đầu, thấy một thư sinh, trạc 20 tuổi, rất bảnh bao nho nhã, nét mặt hơi buồn, đến chào, tự giới thiệu là Trương Kế, tác giả của bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc.Ông nói: Năm đó, tại hạ thi rớt, trên đường về, đậu thuyền ở bến Phong Kiều , gần chùa Hàn San, vì cảnh buồn, người buồn mà làm bài thất ngôn tứ tuyệt , không ngờ hậu thế thêu dệt nhiều chuyện làm mình cũng hoang mang.Bát sách mừng quá, đang định vồ lấy để tâm sự, thì ông ấy đã biến mất.Còn đang ngơ ngác, thì thấy một ông già, cỡ ngoại bát tuần, râu tóc bạc phơ , nhưng rất tinh anh và quắc thước, đến chào rồi nói: Lão phu là Trương Kế, tuy không là tác giả bài thơ, nhưng cũng góp chút ít công sức trong việc tạo nên danh tiếng cho Hàn San Tự và Phong Kiều Dạ Bạc.Tới đây, Bát sách giật mình tỉnh dậy, và viết bài sau đây.Hàn San Tự

Hàn San Tự Và Phong Kiều Dạ Bạc

Người Hoa và người Việt Nam nếu có một chút kiến thức về văn chương ai cũng biết bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế đời Đường.Trương Kế, người Tương Châu, tự Ý Tôn , sinh năm nào không biết, đỗ Tiến sĩ năm 754, làm quan tới chức Kiểm Hiệu Viên Ngoại Lang; mất năm 779. Thơ của ông được chép thành một quyển trong Toàn Đường Thi, nhưng chỉ có 5, 6 bài được trích dẫn, nhiều nhất là bài Phong Kiều Dạ Bạc. Chỉ một bài này cũng đủ làm nên tên tuổi của Trương, cùng với nhiều giai thoại, bàn tán, nghi vấn... ngay cả đến tác giả bản dịch cũng bị đặt câu hỏi! Bài thơ như sau:

楓橋夜泊月落烏啼霜滿天,
江楓漁火對愁眠。
姑蘇城外寒山寺,
夜半鐘聲到客船。

Phong Kiều Dạ Bạc

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên, 
Giang phong ngư hoả đối sầu miên, 
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự, 
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

Trương Kế 

Chú thích:-Phong Kiều: Địa danh, cỡ 6, 7 cây số phía tây thành Cô Tô.
- Cô Tô: một thành phố của Tô Châu là nơi ngày xưa có Cô Tô Đài, cung điện do vua Ngô Phù Sai xây cho Tây Thi, người đẹp của nước Việt.
- Hàn San Tự: Chùa gần bến Phong Kiều. 

Xin coi phần dưới.
Giải nghĩa:

Trăng lặn, quạ kêu, sương đầy trời, 
Cây phong bên sông, lửa đánh cá, đối lại với giấc ngủ buồn, Từ chùa Hàn San, bên ngoài thành Cô Tô, Tiếng chuông nửa đêm, bay tới thuyền khách. 

Tôi không dịch, vì đã có quá nhiều người làm việc đó, xin chép 2 bản:

Của Trần Trọng Kim:

Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi, 
Lửa chài cây bãi, đối người nằm co, 
Chùa đâu đậu bến Cô Tô, 
Tiếng chuông đưa đến bến đò canh khuya.

Của Tản Đà:

Trăng tà, tiếng quạ kêu sương, 
Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ, 
Thuy ền ai đậu bến Cô Tô, 
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.

Tới đây là đã có vài lời bàn tán:

-Chung thanh đáo khách thuyềnlà thể động, Tản Đà dịch thành thể bị động, không đúng. Theo ý tôi, chỉ trích thì dễ, làm mới khó, và chỉ cần 4 chữ "sầu vương giấc hồ" là đủ đem lại giá trị cho bản dịch, nghe nó thật Việt Nam và phảng phất liêu trai.

- Gần đây mấy người ở quốc nội, trong đó có Nguyễn Quảng Tuân, thì nhất đinh rằn g bản dịch mà nhi ều người cho là của Tản Đà thật ra là của cụ Nguyễn Hàm Ninh. Tôi thấy ông ta cũng có lý vì trong cuốn Tản Đà Vận Văn có rất nhiều thơ Đường do Tản Đà dịch mà không thấy có bài này. Và Đinh Nhật Thận, tác giả Thu Dạ Lữ Hoài Ngâm, đã tìm thấy bài dịch này trong di cảo của Nguyễn Hàm Ninh, bạn mình và cũng là bạn của Cao Bá Quát. Theo giai thoại thì Trương Kế đêm đó đậu thuyền ở bến Phong Kiều, cảnh đẹp và buồn, rất nên thơ, nhưng chàng mới làm được 2 câu đầu thì bí. Lúc đó tại chùa Hàn San sư cụ với chú tiểu cũng làm thơ.

- Sư cụ nhìn trời thấy trăng lưỡi liềm đầu tháng giố ng như móc bạc, hoặc cây cung , làm ra 2 câu:Sơ tam, sơ tứ nguyệt mông lung.Bán tựa ngân câu, bán tự cung, 
- Chú tiểu thì nhìn trăng trên trời và bóng in dưới ao cũng sáng tác 2 câu:Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn, Bán trầm thuỷ để, bán phù không.Và cả hai đều bí, đi qua đi lại, rất đau khổ; khi hai người nói chuyện thì mới hiểu là đồng bệnh; bèn đem thơ ra so, thì lạ thay nếu ghép lại thì thành một bài tứ tu yệt hoàn hảo. Bốn câu thơ trên, 

Trần Trọng San dịch như sau: Mồng ba, mồng bốn trăng mờ, Nửa như mócbạc, nửa như cung trời, Một bình ngọc trắng chia hai, Nửa chìm đáy nước nửa cài từng không. Sư cụ mừng quá sai chú tiểu lên thắp hương, thỉnh chuông cám ơn Phật tổ đã giúp đỡ, và tiếng chuông ngân nga bay đến thuyền khiến thi sĩ Trương Kế tìm ra ý thơ làm tiếp hai câu kết.Giai thoại thì vui nhưng hơi vô lý:
- Lúc đầu tháng, trăng mọc và lặn sớm, mà lúc đánh chuông đã nửa đêm, chẳng lẽ 2 người bí thơ lâu dữ vậy? 
- Chữ cuối của câu đầu trong bài thất ngôn tuyệt cú, thường là vần bằng (Dương tử giang đầu dương liễu xuân, Thuỳ gia ngọc địch ám phi thanh...)Câu thơ của chú tiểu lại là vần trắc .... Mà thôi giai thoại thấy vui là được, cần chi bắt bẻ, chẻ sợi tóc làm tư! Chỗ này lai có nhiều người lắm chuyện, nói rằng Giang, Phong là tên 2 cây cầu: Giang Thôn kiều và Phong kiều. Giang không phải là sông, Phong không phải là cây phong. Ngư Hoả, Sầu Miên là tên núi không phải lửa thuy ền cá và giấc ngủ buồn. Ở gần chùa chỉ có một cây cầu, và địa dư không có tên núi như trên vậy thuyết này không vững.

Còn về Hàn San Tự thì sao? Chùa này được xây từ đời Lương Vũ Đế, thời Nam Bắc Triều, cỡ năm 505, về sau có tên là Diệu Lợi Phổ Minh Tháp Viện. Hơn 100 năm sau, đời nhà Đường, từ năm 618 trở đi chùa được trùng tu, được tặng chuông mới và có hai cao tăng là Hàn San Tử và Thập Đắc trụ trì. Thập Đắc là con nuôi của Hàn San, đã thân thiết nhau từ 7 kiếp, lúc nào cũng cười nói vui vẻ... Cả hai được điểm hoá bởi Phong Can. Khi hai vị cao tăng này viên tịch thì chùa mới đổi tên là Hàn San Tự để kỷ niệm. Thời gian qua chùa bị hư hại, quả chuông đời Đường bị mất; đến đời vua Minh Thế Tông, niên hiệu Gia Tĩnh, lại trùng tu chùa và đúc một quả chuông mới gọi là Minh chung (chuông nhà Minh) đó là cỡ năm 1522 về sau, bài thơ của Trương Kế được khắc trên đá, để trong chùa từ thời này vẫn còn, nhưng chuông thì bị người Nhật lấy đem về nước. 

Đến đời vua Thanh Tuyên Tông, niên hiệu Đạo Quang (1821-1850), có ông Du Việt đậu Tiến Sĩ, cũng viết bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc , khắc trên đá, nay hãy còn trong chùa.Năm 1906, chùa được trùng tu một lần nữa và một chuông mới rất lớn được đúc gắn trên tháp của chùa.

Ông Khang Hữu Vi, thời Thanh mạt, khi thăm chùa biết tin Minh chung bị Nhật lấy mất đã cảm khái làm bài thơ viết theo lối chữ thảo khắc trên đá, cũng để trong chùa. Một đàn anh của tôi là cố Bác Sĩ Lê Dư Khương khi thăm Hàn San Tự đã chụp hình bia đá này: Chung thanh dĩ độ hải vân đông, Lãnh tận Hàn San cổ tự phong, Vật sử Phong Can hựu nhiêu thiệt, Hoá nhân tái đáo bất....


Hai chữ cuối tôi không đọc được. Bài thơ nhắc tới việc mất chuông(dĩ độ hải vân đông) và Phong Can là thầy của Hàn San Tử, Thập Đắc.Vào thời Minh Trị Thiên Hoàng có một hoà thượng người Nhật qua thăm chùa, biết chuyện chuông bị mất cắp, khi về nước tìm không thấy bèn đúc hai quả chuông kiểu đời Đường, một để ở chùa Hàn San của Nhật, một tặng cho chùa Hàn San Trung quốc. 
Năm 1947 khi Cộng Sản chưa làm chủ lục địa, ông Ngô Hồ Phàm là một hoạ sĩ nổi danh, có nhờ Giám Đốc Quốc Sử Quán Trung Hoa, cũng tên là Trương Kế, viết bài thơ của ông Trương Kế trước, khắc đá để trong chùa cho đặc biệt. Những chuyện tôi vừa kể là do một đồng nghiệp đàn em, Bác Sĩ Hoàng Ngọc Quỳnh Giao, thủa sinh thời đã cùng một người quen gốc Hoa là Đông Bích lượm lặt trên báo Hương Cảng, Đài Loan... Tôi giữ những chi tiết hay, sắp xếp theo thứ tự thời gian cho dễ hiểu.
Cách đây 4, 5 năm tôi có một chuyến du thuyền đi Nhật, Đại Hàn, Trung Quốc có ghé Tô Châu thăm Hàn Sơn Tự. Tôi có cảm tưởng như về một nơi quen thuộc, những hình Thập Đắc, Hàn San, những bia đá khắc thơ, những quả chuông lịch sử.... Tất cả đều làm tôi say mê, nhưng cũng hơi thất vọng vì tất cả đã “thương mại hoá”, hoa chăm, cỏ xén, lối thẳng cây trồng không còn vẻ đẹp thơ mộng cổ kính như tôi tưởng tượng.... 

Mấy chục năm sau, Trương Kế trở lại chốn xưa với một trời kỷ niệm và làm bài thơ: 



Tái Bạc Phong Kiều 

Bạch phát trùng lại nhất mộng trung.
Thanh sơn bất cải cựu thời dung, 
Ô đề,nguyệt lạc kiều biên tự
Ỷ chẩm đương thinh bán dạ chung.

Bát Sách dịch:

Tóc bạc ta về lại bến mơ, 
Non xanh chẳng đổi dáng ngày xưa, 
Quạ kêu trăng lặn, 
Hàn San Tự, Tựa gối, đêm tàn chuông vẳng đưa

Bát Sách tự bàn: Viết bài này xong, BS không dám gửi anh Cò, sợ bị mắng,và không qua nổi kiểm duyệt, vì không có gì liêu trai, bèn phải bịa ra đoạn đầu mộng mị cho hợp cách. Bát Sách vốn thích văn thơ,nhưng rất vất vả ,cứ phải gọt câu, tìm chữ như Giả Đảo:

Nhị cú tam niên đắc, 
Nhất ngâm song lệ lưu, 
Tri âm như bất thưởng, 
Quy ngoạ cố sơn thu.

Và dịch như sau:

Ba năm làm được hai câu, 
Một lần ngâm,ứa dòng châu đôi hàng, 
Tri âm nếu chẳng ngó ngàng, 
Thì ta về khểnh thu vàng núi xưa. 

Bát Sách
Montréal, Xuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét