Thứ Hai, 25 tháng 3, 2019

Đất Phương Nam 1- Từ Kas Krobei-Prei Nokor Đến Bến Nghé-Sài Gòn Và Chợ Lớn (Phần 3)


Từ Kas Krobei-Prei Nokor Đến Phủ Tân Bình: 

Năm 1708, Mạc Cửu dâng đất Hà Tiên, chúa Nguyễn chỉ nhận trên danh nghĩa, nhưng vẫn để cho dòng họ Mạc trấn giữ đất Hà Tiên. Mùa Đông năm 1735, đời Lê Cảnh Hưng thứ 14, triều đình xứ Đàng Trong sai Cai Đội Thiện Chánh Hầu làm Thống Suất, Ký Lục Nghi Biểu Hầu Nguyễn Cư Trinh làm Tham Mưu điều khiển tướng sĩ 5 dinh(43) đi kinh lược đất Cao Miên, quan quân đồn trú ở xứ Bến Nghé, lập nên dinh trại, gọi tên là Đồn Dinh(44), lo luyện tập binh sĩ tính kế mở mang vùng biên địa. 

Năm 1753, nhân cơ hội vua Chân Lạp là Nặc Ong Nguyên lấn hiếp người Côn Man, chúa Nguyễn bèn sai Nguyễn Cư Trinh dẫn binh 5 dinh(43) họp binh tại Bến Nghé(45), để lo dàn xếp và lãnh lệnh chúa Nguyễn ở lại tiếp tục khai khẩn đất hoang và lập khu dinh điền mới. Năm 1754, quân Gia Định chia làm hai đạo, Nghi Biểu Hầu đem kỳ binh từ sông Bát Đông tiến phát, quân Nam đi đến đâu quân Chân Lạp thua đến đó. Sau đó quân của Nghi Biểu Hầu hợp cùng với binh của Thiện Chánh Hầu tại vùng Tiền Giang. 

Năm 1756, vua Chân Lạp là Nặc Ong Nguyên xin nhượng hai phủ Tầm Bôn và Lôi Lạp cho xứ Đàng Trong để tạ tội, đồng thời xin cống nạp lễ vật còn thiếu ba năm trước đó. Từ đó coi như phần lớn đất đai của xứ Thủy Chân Lạp đã nằm dưới sự kiểm soát của Việt Nam. Trong khi đó Mạc Cửu và con là Mạc Thiên Tứ tiếp tục khai khẩn những vùng Hà Tiên, Phú Quốc, Long Xuyên (Cà Mau), Rạch Giá, Trấn Giang (Cần Thơ) và Trấn Di (Sóc Trăng và Bạc Liêu). Năm 1755, tại vùng Gia Định các ông Trịnh Hoài Đức, Ngô nhơn Tịnh và Lê quang Định cũng lập ra thi xã, thắp sáng ngọn đuốc văn hiến nơi góc trời cực Nam của tổ quốc. Năm 1757, Nặc Ong Nguyên băng hà, chú của Nặc Nguyên là Nặc Ong Nhuận dâng thêm các phủ Trà Vang và Ba Thắc để được chúa Nguyễn phê chuẩn cho lên ngôi. 

Đến năm 1776, vùng Cù Lao Phố và toàn vùng Prei Nokor đã phát triển trên một qui mô rộng lớn, sinh hoạt thời nầy được Lê Quí Đôn ghi lại trong Phủ Biên Tạp Lục như sau: “Ở mỗi địa phương, mỗi nơi có từ 40 đến 50 hoặc từ 20 đến 30 nhà giàu. Mỗi nhà có từ 50 đến 60 người giúp việc ruộng rẫy, từ 300 đến 400 trâu bò, cày bừa gặt cấy rất rộn ràng. Gạo được bán ra Phú Xuân để đổi lấy hàng Bắc như tơ lụa, trừu, quần áo, vải bô.” 
Cùng năm 1776, quân Tây Sơn chiếm vùng Cù Lao Phố và truy đuổi Nguyễn Ánh ra khỏi thành Gia Định. Năm 1778, đa số người Hoa ở vùng cù lao Phố đã bị quân Tây Sơn đánh đuổi đều ngược dòng sông Bến Nghé lên khu Chợ Lớn ngày nay. Tại đây họ lại xây dựng phố sá và tiếp tục buôn bán như xưa. Người Hoa gọi vùng nầy là ‘Đê Ngạn’, người Phúc Kiến phát âm là ‘Tầy Ngon’, và người Việt lại đọc trại là ‘Thầy Ngòn’. Có lẽ đọc như vậy riết rồi lại trại ra là ‘Sài Gòn’. Thành phố nầy được người Việt Nam gọi là Chợ Lớn từ khi người Pháp xây dựng hai ngôi chợ: Chợ Lớn(46) và Chợ Nhỏ(47). Kỳ thật, khu được mệnh danh là ‘Sài Gòn’ về sau nầy đích thực là khu ‘Bến Nghé’ ngày trước. 
Đến năm 1779, khi toàn bộ lực lượng Tây Sơn đang chuẩn bị kéo quân ra Bắc phù Lê diệt Trịnh, thì Nguyễn Ánh kéo quân về lấy lại thành Gia Định. Như vậy, kể từ năm 1623, ngày mà đồn binh và trạm thâu thuế đầu tiên của xứ Đàng Trong được dựng lên trên vùng đất nầy đến năm 1779, cùng đất nầy đã trải qua nhiều gia đoạn thăng trầm, phát triển cũng có, mà chiến tranh hủy diệt cũng có. Chính tại đây đã xảy ra những cuộc chiến tranh ác liệt giữa nghĩa quân Tây Sơn và quân đội của Nguyễn Ánh, có lúc quân của Nặc Ong Chân cũng kéo quân qua đánh phá, nhưng vùng Sài Gòn-Gia Định vẫn tiếp tục phát triển, và ngày càng phát triển thật nhanh. Đến cuối thế kỷ thứ XVIII, đầu thế kỷ thứ XIX, vùng Sài Gòn-Gia Định đã nghiễm nhiên trở thành một trung tâm kinh tế và chính trị của xứ Đàng Trong. Lúc Nguyễn Ánh trốn chạy nhà Tây Sơn, ông đã chọn Gia Định làm kinh đô của xứ Đàng Trong (Kinh Gia Định). 
Đến năm 1780 thì Mạc Thiên Tứ chính thức dâng đất Hà Tiên (bấy giờ bao gồm các vùng Hà Tiên, Phú Quốc, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cần Thơ). Đến đây coi như cuộc Nam tiến đến chót mũi Cà Mau và Hà Tiên đã hoàn tất. Trong thời gian nầy, Nguyễn Ánh cho phép dân chúng tự do khai hoang và sở hữu phần đất mình đã khẩn được, rồi sau đó tự ý khai báo để đóng thuế. Chính vì thế mà những dân xiêu tán đã nhanh chóng qui tụ về đây tiếp tục khai hoang lập ấp. Và cũng chính vì thế mà chẳng mấy chốc mà một Prei Nokor, nằm trong một thôn nhỏ trong rừng già, chung quanh toàn là ao chằm trũng nước, đầy muỗi mòng, đỉa vắt, đầy hoang thú... đã biến thành những khu chuyên canh, cũng như những khu vực làm nghề chuyên môn, giống như những làng nghề tại miền Bắc, như các xóm Củi, xóm Dầu, xóm Than, xóm Giá, xóm Vôi, xóm Bún, xóm, Rẫy, xóm Bàu Sen, và xóm Lò, vân vân. (những địa danh nầy đến ngày nay vẫn còn rất phổ biến trong dân gian Sài Gòn). Và cuối cùng, Prei Nokor đã biến thành trung tâm kinh tế và hành chánh cho toàn miền Nam. 

Nói về cuộc Nam tiến thì ngoài quan Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh ra, Nguyễn cư Trinh là người có công rất lớn trong việc đánh dẹp cũng như bình định lãnh thổ. Về phía người Minh Hương ngoài 2 ông Mạc Cửu và Mạc Thiên Tứ ra, còn có các ông Trịnh Hoài Đức, Ngô nhơn Tịnh và Lê quang Định cũng có công rất lớn. Về cương vực của toàn thành theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, phía đông nam Gia Định giáp với biển, có tất cả 17 cửa biển lớn: Xích Ram, Tắc Ký, Cần Giờ, Đồng Tranh, Lôi Lạp (Soai Rạp), cửa Đại, cửa Tiểu, cửa Ba Lai, Băng Côn, Ngao Châu, Cổ Chiên, Ba Thắc, Mỹ Thanh, Hào Bàn (Gành Hào), Long Xuyên, Kiên Giang và Hà Tiên. Các cửa nhỏ thì nhiều gấp đôi. Tuy vậy, các cửa nầy do bùn cát nên khi mở khi lấp, khi cạn khi sâu, dời đổi bất thường. Ở đây sông ngòi chằng chịt như mắc cửi, nếu không phải là dân địa phương quen thuộc ắt không biết đường đi. Phía tây bắc giáp với Cao Miên. Đông bắc giáp với phủ Bình Thuận. Thành Gia Định có nhiệm vụ trông coi các việc binh dân, thuế dịch và hình án của 5 trấn Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định Tường và Hà Tiên, đồng thời cũng trông coi luôn trấn Bình Thuận ở phía Bắc. Phàm việc binh thì do thành Gia Định chỉ huy, còn các việc khác thì các trấn tự sắp đặt lấy. 
Prei Nokor vào những năm cuối cùng của cuộc chiến giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn, không bị ảnh hưởng nhiều của chiến tranh, vì kể từ năm 1788 quân Tây Sơn phải dồn hết nỗ lực để chiến đấu chống ngoại xâm từ phương Bắc, nên không còn để ý đến việc đánh Nguyễn Ánh ở phương Nam nữa. Sau năm 1789, người anh hùng áo vải đất Qui Nhơn không muốn tiêu hao tiềm lực nhân dân sau bao nhiêu năm chinh chiến triền miên, nên sau chiến thắng Đống Đa, Nguyễn Huệ đã không kéo quân vào Gia Định tiêu diệt Nguyễn Ánh. Nếu ngày đó Đại Đế Quang Trung không vì hạnh phúc và sự an vui của nhân dân, mà kéo quân vào thẳng Gia Định, thì thử hỏi Nguyễn Ánh có cách gì chống đỡ được sức mạnh vũ bão bách chiến bách thắng của đại quân Tây Sơn hay không? Chắc chắn là không rồi. Thế rồi cơ trời vận nước phải ngã nghiêng nên xuôi khiến vua Quang Trung phải yểu mệnh. Ngài băng hà vào năm 1792, lúc vừa tròn 40 tuổi, ngài băng hà vào lúc nhân dân và đất nước đang rất cần ngài. Sau khi vua Quang Trung băng hà, cục diện hoàn toàn đổi thay. Ở miền Nam, Nguyễn Ánh ra sức củng cố thành Gia Định, xây dựng kho lẫm, xưởng đóng thuyền chiến, xưởng chế tạo vũ khí, vân vân. Hồi nầy thương cảng Bến Nghé thu hút tàu bè của thương nhân ngoại quốc lui tới buôn bán đông đảo. Phố xá sầm uất, chợ búa tấp nập đã khiến cho vùng Prei Nokor-Bến Nghé trở thành trung tâm chính trị và kinh tế cho toàn vùng. Trịnh Hoài Đức đã ghi về Bến Nghé trong Gia Định Thành Thông Chí như sau: “Nơi đây dân cư đông đúc; phố chợ san sát; nhà tường nhà ngói liên tiếp cùng nhau... Tàu ghe hải dương đến buôn bán qua lại, cột buồm liền lạc, xưng là xứ đô hội, cả nước không đâu sánh bằng.” Vào năm 1821, Finlayson đã ghi lại trong “Journal de voyage”, được đăng trong “Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises” vào năm 1939 như sau: “Không ngờ ở miền xa xôi nầy lại có một thành thị to và rộng như vậy... Cách xếp đặt phố xá ở đây còn phong quang thứ tự hơn niều kinh đô Âu châu.”


Người Long Hồ
Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2011
Copyright © 2012 by Ngoc Tran. All rights reserved.
Links xem tiếp:

C- 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét