Hồi xưa tới giờ những câu chuyện nói về thế giới huyền bí nhiều vô số kể, không phải chỉ ở nước ta mới có, mà hầu như trên toàn thế giới chỗ nào cũng có. Sách vở, truyện, phim tiểu thuyết hay ngay trong trường Đại Học người ta cũng lập ra môn Thần Học để nghiên cứu tìm hiểu về những vấn đề kỳ bí. Nhưng kết quả chỉ là một dấu hỏi khổng lồ. Chưa ai có thể khẳng định có hay là không, cái "thằng ma hoặc con ma".
Trong đời chúng ta chắc ai cũng có nghe kể chuyện ma, xem phim ma, hay là đọc sách nói về ma hết rồi, không ít thì cũng nhiều, tôi không sưu tầm hay viết lại mấy vụ đó. Chỉ xin hỏi các bạn có ai tận mắt mình nhìn thấy ma chưa? Hay chỉ nghe thiên hạ kể lại như tôi sắp làm đây...
Ở thành phố hình như là không có ma, chắc là do máy móc, điện từ, xe cộ dập dìu làm bọn chúng teo hết, không dám sống nên bồng bế nhau về thôn quê lập căn cứ mà ở, vì vậy dân quê thường hay bị ma nhát...
Ba tôi không tin chuyện ma quỷ nên không có những câu chuyện ly kỳ nào kể lại cho chúng tôi nghe; nhưng chú Út, ba thằng Tài thì biết nhiều lắm. Anh em tụi tôi lâu lâu cũng qua nhà nó nghe ổng kể. Lần nào nghe xong cũng sợ phát run, nhưng mấy đứa em gái tôi càng sợ chúng càng muốn nghe kể, mới chết một cửa tứ.
Hồi nhỏ tôi đâu có dám hỏi:
- Chú có thấy tận mặt con ma lần nào hông? Hay là chỉ nghe người ta kể lại như chú đang kể chuyện bây giờ?
Nhưng mà chú Út kể chuyện y như là chú chứng kiến, hoặc là người trong cuộc vậy.
Hồi ba tôi mới lên bờ cất nhà ở, chú thường dắt ba tôi đi soi ếch. Mưa đầu mùa lủ ếch hay bắt cặp với nhau, từ nửa khuya cho tới sáng, người nông dân nghe tiếng ếch kêu thì mò mẫm trong bóng tối đến gần nó rồi đốt đèn khí đá lên, con ếch bị ánh sáng làm chóa mắt nằm yên một chổ, chỉ cần thộp cổ chúng, bỏ vô giỏ có nắp đậy là xong.
Người nghèo không sắm nổi đèn khí đá thì dùng đèn bánh ú. Đèn bánh ú khó soi ếch hơn, phần vì ánh sáng yếu ớt nên con ếch không bị chóa mắt nghe tiếng động ếch có thể nhảy đi. Phần vùng ánh sáng của đèn bánh ú quá nhỏ không thấy được xa, ếch nhảy đi dễ bị mất dấu không chụp bắt được. Thế cho nên nghèo cái gì cũng dở hơn người ta.
Hôm đó mưa suốt cả buổi chiều, trời vừa sụp tối ba tôi sang rủ chú Út đi soi ếch, vì ngoài đồng ếch cái, ếch đực đã bắt đầu kêu "quệt, quệt" gọi nhau liên tục rồi.
Chú trả lời:
- Chưa đi được đâu anh Hai. Giờ nầy còn sớm lắm. Tụi ếch chỉ mới gọi tìm nhau mà thôi, khuya khuya một chút tụi nó mới mùi mẫn, mê mồi với nhau, mình ra chỉ việc lượm bỏ vô giỏ đem về thôi hè.
Nhà thằng Tài với nhà tôi cùng nghèo giống nhau nên hai ông già tụi tôi soi ếch bằng đèn cóc, vì vậy cho nên đêm nào cũng ít hơn người ta. Chỉ bắt được mấy cặp ếch mê mồi, quên trời, quên đất mà thôi. Đi được ít lần ba tôi quyết định mượn tiền mua cây đèn khí đá mà soi ếch. Chú Út lại phải lẻ loi, đi một mình bằng đèn dầu.
Khi nào có mưa nhiều, ba tôi cũng đều soi được nhiều ếch hơn chú Út. Có lẻ thấy đệ tử mình bắt được nhiều ếch quá, chú Út quyết định đêm nay sẽ vô vuông Tư Xệ mà soi ếch. Cái vuông nầy nghe nói có ma...
Chú Út có lần kể rằng:
Ông Hai Cà Ròn lúc trước vô vuông Tư Xệ soi cá, vì tiếng đồn có ma nên ít ai dám vô, cá nhiều vô số, ông ta vừa chụp dính con cá lóc bằng cổ chân trong cái nôm, chưa kịp thò tay vô bắt thì nghe sau lưng có tiếng chân lội nước lỏm bỏm, ông quay lại nhìn thì ra là một cô gái.
Đầu trên xóm dưới, kinh ba, kinh tư, thông thường người ta ở quê đều biết mặt nhau hết, không sót một ai. Thấy cô gái lạ mặt ông Hai thắc mắc hỏi:
- Cô ở khúc nào mà tui hỏng biết mặt vậy?
Cô gái cười duyên:
- Dạ em ở dưới Thứ, sống trong vùng nước mặn cực khổ quá chời, nên mới dời nhà lên vùng nước ngọt ở thử, coi có sướng hơn chút nào hông. Em đang ở chên bờ kinh tư ngang đây nè.
Ông Hai Cà Ròn có máu 35 thấy con gái là híp mắt đâu còn nhớ gì nữa.
Bờ kinh tư ngang vuông Tư Xệ là khu mã lạn, không có ai dám cất trại ruộng ở đó để nghỉ mát, nói chi là cất nhà để ở.
Trước đây mấy năm Tư Xệ đào cái vuông rồi cất nhà ở ngang đó, nuôi trâu, nuôi gà, nuôi vịt ỳ xèo, nhưng nghe đâu thằng con trai lớn có lần bị ma dấu trong bụi tre gai, nhét đất sét đầy miệng, sáng hôm sau tìm được thằng nhỏ, nó cứ lơ tơ mơ như là bị tửng tửng cho tới bây giờ. Bởi vậy Tư Xệ phải dời nhà xuống bờ sáng ở luôn, bỏ cái vuông hoang tàn cho tới nay.
Cô gái lại nói:
- Em không có nôm để soi cá, hay là anh đưa giỏ cá đây em quảy dùm cho. Soi xong, thí cho em ít con là được gồi.
Hai Cà Ròn hớn hở, mở cở trong bụng chịu liền. Ông ta lột giỏ cá xuống đưa qua cho người đẹp:
- Cô quảy đi, tui soi một hồi rồi theo vô nhà cô, tui chia cho cô một nửa. Tự nãy giờ vướng cái giỏ cá nầy nên nôm cá hụt hoài.
Hai Cà Ròn cặp mắt thì nhìn xuống nước, bước từng bước nhẹ nhàng tìm cá mà nôm. Nhưng trong lòng thì đang nghĩ cách làm sao chôm cho được người đẹp...
Đi một hồi ông nghe sau lưng mình có tiếng "rạo, rạo" như ai đang nhai vật gì. Ông ta cũng thuộc loại gan lì nên mới dám vô vuông Tư Xệ mà soi cá, vì vậy ông ta cười hỏi cô gái:
- Cô ăn thứ gì mà nhai gạo, gạo, nghe ớn lạnh cái xương sống vậy?
- Ăn cá, chứ còn có giống gì khác nữa đâu mà hỏi?
Hai Cà Ròn rùn mình nhưng cũng bạo gan hỏi lại:
- Cô là người chứ có phải ma đâu mà nhai cá sống?
- Sao biết tui là người hả?
Hai Cà Ròn hồn vía lên mây, quay người lại thì thấy cô gái với khuôn mặt đẹp khi nảy, giờ đây tóc dài xỏa xuống lòng thòng, hai cái răng nanh nhọn hoắt máu me đầy miệng, hai tay còn cầm hai con cá lóc mất đầu...
Ông ta la lớn :
- Ma! Trời ơi! Ma.
Rồi quăng luôn cái nôm chạy bán sống bán chết ra khỏi vuông Tư Xệ... Thiệt đúng là chạy mất nôm mà.
Mười giờ tối ếch bắt cặp kêu inh ỏi, những ánh đèn cóc, đèn khí đá bắt đầu chớp, nhá khắp nơi. Chú Út quyết định đêm nay sẽ vô vuông Tư Xệ bắt ếch, phải soi nhiều hơn người đệ tử của mình với cây đèn "hiện đại" mới được.
Chú vừa đi phụp vô trong vuông là đã nghe tiếng ếch kêu vang dội tứ phía, những con ếch đang bắt bồ với nhau từng cặp, từng cặp lềnh khênh nhiều vô số kể. Chú mừng rân trong bụng, chụp lia, chụp lịa, hết con nầy tới con kia liên tục mà vẫn không kịp.
Chú vui quá cở nhủ thầm "đêm nay trúng mánh lớn rồi. Vậy là mua luôn một lượt hai cây đèn khí đá cũng còn được". Chú chụp hoài cho tới khi quảy hết nổi mới thôi.
Trên đường về chú vô cùng vui vẻ, lâu lâu quay người lại nhì thành quả gan dạ của mình, mấy con ếch bự tổ chảng đang chen lấn trong cái giỏ tre của chú.
Chú Út nghĩ thầm trong bụng "chắc là người ta đồn có ma để không ai dám vô vuông, rồi họ vô một mình hốt trọn ổ chứ gì"
Về tới nhà chú cẩn thận lấy đồ nặng dằn lên miệng giỏ ếch để cho nó khỏi nhảy ra ngoài...
Gần sáng thím Út thức sớm định mang giỏ ếch đi bán. Nhưng mà... Ếch đâu không thấy thím chỉ thấy trong giỏ toàn là đất cục không thôi...
Sáng hôm sau nghe chú kể lại câu chuyện đó, bà con lối xóm người nào cũng nói:
- Thấy hông? Đã nói rồi mà. Vuông Tư Xệ có ma mà hỏng chịu tin. Bây giờ còn dám vô nữa thôi?
Ba tôi thì cười cười nói với tôi:
- Chắc chú Út con đêm rồi soi ếch thất nữa nên làm bộ lượm đất cục bỏ vô giỏ cho đầy để đở mắc cở, rồi đổ thừa là ma nhát. Chứ thời buổi nầy làm gì có ma. Ba không tin đâu.
Chuyện thật hư chỉ có một mình chú Út biết mà thôi. Nhưng mà chú đâu có chịu nói ra. Vậy cho nên câu hỏi vẫn còn nguyên đó: "Có hay không có ma". Ai mà biết được...
Lanh Nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét