Thứ Tư, 14 tháng 11, 2018

Đất Phương Nam 1 - Từ Đất Phiên Trấn Đến Tỉnh Gia Định (Phần6)


Gia Định Dưới Thời Vua Gia Long:

Vào đầu thế kỷ thứ XIX, dưới thời Gia Long, vùng đất Gia Định đã trở thành thủ phủ của Gia Định Thành, bao gồm tất cả những đất đai chạy dài từ Bình Thuận đến mũi Cà Mau. Năm 1802, sau khi lên ngôi, ban đầu vua Gia Long vẫn giữ nguyên sự phân bố hành chánh có sẵn từ trước với 3 dinh và 1 trấn là Biên Trấn dinh (Biên Hòa), Phiên Trấn dinh(32), Vĩnh Định, và Hà Tiên trấn. Ít lâu sau đó, ông cho đổi phủ Gia Định ra làm Trấn Gia Định và các dinh đổi ra làm trấn. Nghĩa là lúc đó miền Nam được đổi thành 5 trấn: Phiên An trấn, Biên Hòa trấn, Định Tường trấn, Vĩnh Thanh trấn, và Hà Tiên trấn.

Năm 1808, vua Gia Long (năm thứ 7), nhà vua định lại bờ cõi, phân lại địa giới từ Bắc chí Nam. Nhà vua chia đất nước ra làm 4 dinh, gồm 25 trấn. Từ Thuận Hóa trở ra Bắc là Bắc Thành, từ Bình Thuận trở vào Nam trực thuộc Gia Định Thành. Lúc đó Gia Định Thành gồm có 5 trấn: Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh(33), và Hà Tiên. Về mặt hành chánh, Gia Định thành được đặt dưới quyền cai quản của một vị tổng trấn và hiệp tổng trấn(34). Các trấn thì đặt quan trấn thủ, cai bộ và ký lục cai trị. Vị tổng trấn đầu tiên của Gia Định thành là quan Kinh Môn Quận Công Nguyễn văn Nhân

Cùng năm 1808, trấn Gia Định được đổi làm thành Gia Định, gồm 5 trấn là Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh, và Hà Tiên. Riêng trong trấn Phiên An, lấy huyện làm phủ, lấy tổng làm huyện. Theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, trấn Phiên An đất rộng, đường thủy bộ thông thương. Phía bắc giáp với trấn Biên Hòa, phía trên từ sông Đức Giang, tục gọi là sông Thủ Đức, đến Bình Giang thuộc huyện Bình Dương, tục gọi là sông Bến Nghé, chuyển rẽ xuống ngã ba Phù Gia, tục gọi là ngã ba sông Nhà Bè, rồi đổ thẳng ra cửa biển Cần Giờ, bờ nam của sông là địa giới của trấn Phiên An; phía nam giáp trấn Định Tường, phía trên từ Quang Hóa, Quang Phong, về phía tây đến Vàm Dừa, Rạch Cỏ, đến sông Bát Chiên, chuyển xuống phía đông đến sông Vũng Gù, qua Tra Giang rồi ra cửa biển Soài Rạp, dùng bờ bắc của sông nầy làm địa giới của trấn Phiên An. Về phía đông trấn Phiên An là biển, về phía tây là đất Cao Miên. Đông tây cách nhau 352 dặm, nam bắc cách nhau 107 dặm. 

Lúc mới thành lập là dinh Phiên Trấn, lãnh 1 huyện, 4 tổng, lỵ sở đặt tại thôn Tân Lân, tổng Bình Trị, huyện Bình Dương (tỉnh Bình Dương ngày nay). Năm 1811, lỵ sở trấn Phiên An được dời về chợ Điều Khiển thuộc xã Tân Mỹ. Đến năm 1812 (Gia Long thứ 11), Tả Quân Quận Công Lê Văn Duyệt được bổ nhậm chức Tổng trấn thành Gia Định. Đến năm 1816, lỵ sở lại được dời qua thôn Hòa Mỹ, phía bắc Thành Gia Định. Hồi nầy trấn Phiên An có 1 phủ Tân Bình, gồm 4 huyện: Bình Dương(35), huyện Tân Long(36), huyện Phước Lộc, và huyện Thuận An(37).

Huyện Bình Dương, trước kia là tổng, được nâng lên làm huyện, lãnh 2 tổng, 150 thôn xã, phường, lân, ấp. Phía đông giáp với biển Cần Giờ; phía tây tiếp giáp với vùng rừng núi Cao Miên; phía nam giáp với ngã ba Thị Phổ, thuộc tổng Tân Phong, huyện Tân Long, ngược dòng rạch Ong Nhỏ đến Cống Môn, chợ Tân Kiểng, tục gọi là Chợ Quán, cho đến ao Gò Vấp (Lão Đống Trì); phía đông giáp với tổng Lộc Thành, thuộc huyện Phước Lộc (Cần Giuộc); phía tây nam giáp với tổng Bình Cách, huyện Thuận An. Tổng Bình Trị gồm 76 thôn xã(38). Phía đông giáp với Bình Giang, đoạn từ sông trước thành Gia Định đến Cầu Kho; phía tây giáp đầu suối Bến Lầy đến Hóc Môn, giáp với phía đông của tổng Dương Hòa; phía nam giáp Cầu Kho qua Miếu Hội Đồng đến cầu Tham Lương; phía bắc giáp trấn Biên Hòa, từ sông Thủ Đức dưới bờ nam sông Sài Gòn (Bình Giang). 

Tổng Dương Hòa gồm 74 thôn xã(39). Phía đông giáp Biển Đông; phía tây giáp miền núi Cao Miên; phía nam giáp tổng Tân Phong, huyện Tân Long, từ ngã ba Thị Phổ, dọc theo sông rạch Ong Nhỏ, qua Cống Môn, chợ Tân Kiểng đến ao Gò Vấp (Lão Đống Trì); phía bắc giáp với sông lớn Bình Phước, từ cảng Cần Giờ ngược dòng đi qua ngã ba Nhà Bè đến sông trước thành; phía đông giáp tổng Lộc Thành, huyện Phước Lộc; tây nam giáp bờ đông hồ Gò Vấp, tổng Tân Phong, huyện Tân Long, rồi chạy vòng theo núi Bà Đen trên miền núi. Huyện Tân Long, xưa kia là tổng được nâng lên làm huyện, lãnh 2 tổng, 150 thôn. Phía đông giáp tổng Dương Hòa, huyện Bình Dương; phía tây giáp ao Gò Vấp; phía nam giáp sông cái Thuận An (Vàm Cỏ Đông); phía bắc giáp ngã ba Thị Phổ, huyện Bình Dương, đến sông rạch Ong Nhỏ, đi qua cửa Cống Môn, chợ Tân Kiểng cho đến Hóc Môn. Tổng Tân Phong, gồm 76 thôn xã(40). 

Phía đông giáp ngã ba Khúc Lăng, rồi dọc theo ngã ba sông Bến Lức đến hạ lưu sông Rạch Cát (Sa Hà); phía đông giáp ao Gò Vấp; phía nam giáp ngòi Khiêu ở cửa trên sông Rạch Cát, tổng Long Hưng, cho đến thượng nguồn sông Rạch Cát; phía bắc giáp Cống Môn, chợ Tân Kiểng cho đến sông Rạch Ong Nhỏ, xuống tận ngã ba Thị Phổ. Tổng Long Hưng(41), gồm 74 thôn xã. Phía đông giáp phía dưới cửa sông Rạch Cát, dọc theo ngã ba sông Cần Giuộc, chuyển qua chợ Thị Đắc ra đến Rạch Chanh; phía tây giáp ao Gò Vấp, dọc theo ngòi Miễn Mộ, thuộc tổng Bình cách, huyện Thuận An; phía nam giáp sông lớn Thuận An (Vàm Cỏ Đông); phía bắc giáp với ngòi Khiêu ở tổng Tân Phong, cho đến cửa sông Rạch Cát. 

Huyện Phước Lộc, nguyên trước đây là tổng, nay được nâng lên làm huyện, lãnh 2 tổng, 95 thôn, xã, phường, lân, ấp. Phía đông giáp cửa biển Soài Rạp; phía tây giáp Rạch Chanh, thuộc tổng Tân Phong, huyện Tân Long; phía nam giáp cửa sông Chanh, xã Xá Hương (Vàm Cỏ Đông); phía bắc giáp cửa Loát Giang, thuộc tổng Dương Hòa, huyện Bình Dương, vòng qua Ô Giang, chạy đến sông Bến Lức. Tổng Phước Điền(42), gồm 48 thôn, xã, phường, lân, ấp. Phía đông giáp bến ngã ba sông Xá Hương, tiếp đến là cửa biển Soài Rạp; phía tây giáp chợ Thị Đắc và Rạch Chanh; phía nam giáp tổng Thuận Đạo, huyện Thuận An; phía bắc giáp tổng Lộc Thành. Tổng Lộc Thành(43) gồm 47 thôn, xã, phường, lân, ấp. Phía đông giáp cửa biển Soài Rạp; tây giáp Gò Đen thuộc tổng Long Hưng, huyện Tân Long; phía nam giáp sông Xá Hương thuộc tổng Thuận Đạo, huyện Thuận An và dọc theo cửa Rạch Chanh; phía bắc giáp cửa sông Cần Giuộc, ngược dòng sông Lam (Nha Ram) qua sông Mồng Gà (Kê Quan) cho đến bờ nam cầu ngang ở chợ Thị Đắc. 

Huyện Thuận An, trước đây là tổng Bình Thuận, sau năm 1808 được nâng lên thành huyện. Phía đông giáp sông Xá Hương (Vàm Cỏ Đông); tây giáp Trảng Bàng, thuộc phủ Tầm Đuông của Cao Miên; phía nam giáp sông cái Hưng Hòa thuộc trấn Định Tường, ngược theo dòng Bát Chiên là đến thủ sở đạo Tuyên Oai; phía bắc giáp cửa sông Xá Hương, đi lên là sông Thuận An, ngòi Miễn Mộ rồi giáp núi Bà Đen. Tổng Bình Cách(44) gồm 33 thôn xã. Phía đông giáp ngã ba Nước Mặn, cửa sông Rạch Chanh của tổng Thuận Đạo; phía tây giáp Quang Hóa (Trảng Bàng) và núi Bà Đen, thuộc phủ Tầm Đuông của Cao Miên; phía nam giáp Thuộc Lãng, sông Tra của Trấn Định Tường; phía bắc giáp sông Đôi Ma, dọc theo sông Thuận An đến ngòi Miễn Mộ. 

Tổng Thuận Đạo(45) gồm 32 thôn, phường, xã...Phía đông giáp sông Xá Hương và biển; phía tây giáp phủ Tầm Đuông của Cao Miên; phía nam giáp Thuộc Lãng sông Tra Giang của trấn Định Tường, đi lên qua Hưng Hòa đến sông Bát Chiên của đạo Tuyên Oai, giáp với Cao Miên; phía bắc giáp tổng Bình Cách, qua ngã ba Nước Mặn sông Rạch Chanh, đến biên giới Cao Miên.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét