Gia đình gồm năm thành viên, mỗi người cư trú một nước, chúng tôi ở Pháp, con gái lớn Quỳnh Hương ở Việt Nam, con trai út Hồng Huy ở Mỹ, con gái nhỏ Quỳnh Lan ở Bỉ nay cả nhà mới có cơ hội đoàn tụ với nhau bên cạnh đứa cháu đầu tiên Thomas Liêm Fox chào đời ngày 14.08.2016 tức ngày 12 tháng 7 năm Bính Thân. Đó là một « chú khỉ nhỏ » dễ thương lắm!
Huy, bay từ "thung lũng điện tử " (Silicon Valley ) về, sáng sớm hôm nay 02.09.2916, đã hăm hở lái xe đưa ba mẹ và chị đi thăm cháu. Khi tới Bruxelles nơi vợ chồng Quỳnh Lan mới mua một appartement gồm ba phòng ở lầu 5, một phòng khách và hai phòng ngủ dành cho ba mẹ và em bé, mặc dầu vừa đặt chân vào nhà, mọi người đã tranh nhau bế cháu. Ai nấy đều ngợi khen thằng bé đẹp trai !
« Đẹp trai thật mà, không phải vì nó là cháu mình ! » nhiều người lên tiếng khen. Ông bà nội cũng cùng quan điểm khi chúng tôi gặp nhau cách nay 10 ngày.
Tôi không nói gì, ngầm công nhận. Không phải là « mèo khen mèo dài đuôi ! » nhưng đây là lời khen chân thật phát xuất phát từ con tim của những người mới có đứa cháu đầu tiên!
Tôi bình thản ngồi chờ cho đến chiều khi một số người đi mua sắm cadeau, còn tôi ở nhà với hai mẹ con cháu nhỏ để được ẵm « cục cưng bé xíu » này.
Tôi bế cháu mà lòng lịm đi vì sung sướng, cháu ngủ say sưa trong cánh tay tôi. Khi nó nhúc nhít cục cựa, tôi nhè nhẹ đong đưa, sợ nó khóc mẹ nó sẽ không cho bế nữa. Khi nó mếu miệng muốn khóc, tôi nói nho nhỏ bên tai nó « Ông đây này con, đừng khóc, ông cưng mà! ». Mãi đến khi khi bàn dọn xong, tôi bắt buộc phải trả lại cho mẹ nó để ăn cơm tối mà lòng vẫn còn luống tiểc rẻ!
Hình ảnh mấy chục năm về trước chợt hiện ra trong trí tôi khi Quỳnh Lan, mẹ của Thomas sinh, vào ngày 14 tháng 6 năm 1987. Chị Quỳnh Hương, hơn em tám tuổi, ý thức trách nhiệm người chị, đã nói với cô bạn hàng xóm Nathalie người Pháp: « Bắt từ ngày mai tao không chơi với mày nữa vì tao phải phụ mẹ bế em ». Khi nghe kể lại, tôi thấy thương cháu Quỳnh Hương, tuy còn nhỏ nhưng đã muốn chia sẻ gánh nặng với cha mẹ vì biết chúng tôi làm việc cực khổ!.
Ngày qua ngày, Quỳnh Lan lớn rất mau trong tình thương của bố, mẹ và chị. Quỳnh Lan biết nói, biết đi rất sớm nên mỗi sáng tôi ẵm con đi giao báo, dạy cháu ít tiếng Việt như khi nghe chim hót thì tôi dạy « chim hót trên cành líu lo », khi đi qua các nhà ở hai bên đường thì dạy đếm số chẵn, lẻ. Khi về nhà, lúc rảnh rỗi, mẹ lại dạy những câu ca dao, những bài hát đơn giản và có ý nghĩa như Em là bông hông nhỏ;quê hương là chùm khế ngọt ...
Khi lên bốn tuổi, Quỳnh Lan lấy những cuộn băng ca nhạc nên tự học hát được các bài « Tát nước đầu đình, đi chùa Hương, đọc thơ Ông Đồ … nên khi xuống Làng Mai, Quỳnh Lan làm nhiều người ngạc nhiên. (Những bài cháu hát hoặc đọc thơ hay ca dao chúng tôi còn ghi trong băng để lâu lâu nghe lại cho đỡ nhớ con cái)
Có lẽ vì được dạy thơ, nhạc ngay từ nhỏ nên Quỳnh Lan ưa thích văn chương, nghệ thuật đã thi đậu vào trường kinh điển Ecole Normale Supérieure, nay phụ trách môn musicologie ở Đại học Sorbonne. Quỳnh Lan được giáo sư trưởng khoa khuyến khích, đề nghị nghiên cứu và làm luận án về « Hát bộ Việt Nam » để bảo tồn bộ môn nghệ thuật này, nếu không nó sẽ từ từ tàn lụi theo thời gian! Khi Quỳnh Lan tiếp xúc với cố giáo sư Trần văn Khê, thầy cũng có ý kiến như thế!
Sau Quỳnh Lan bốn năm, Huy ra đời như vậy là nhà tôi trở nên gia đình đông con theo tiêu chuẩn xã hội ở Pháp (vì có đứa thứ ba), có trai, có gái, nói theo ông cha chúng ta là « có tẻ, có nếp ». Chúng tôi lớn tuổi mới có con nên các cháu được thương yêu chăm sóc đúng mức, lo từng ly từng tý, đầy đủ tinh thần lẫn vật chất, tạo cho các cháu niềm tin nơi chính mình vì chúng thấy sau lưng luôn luôn có sự nâng đỡ, trợ giúp của bố mẹ. Do đó khi các cháu lên tiểu học và trung học, chúng đều chiếm hạng cao trong lớp, ngoại trừ Huy chỉ thích các môn khoa học thôi! Mỗi ngày các cháu đều được đưa đón về nhà ăn cơm ba bữa với bố mẹ, đó là việc hiếm có nơi xã hội Tây phương rất bận rộn, vì cả hai chúng tôi đều làm việc tại nhà, cha có tiệm bán sách báo, mẹ làm cravate! Tối đến vợ chồng, con cái quây quần bên nhau, trên chiếc giường nhỏ, kể chuyện hoặc cha mẹ giúp các con học bài, làm bài. Huy chưa đầy ba tuổi, cũng cảm nhận được hạnh phúc, đã trọ trẹ phát biểu: «Lớn lên, con sẽ mua cho bố mẹ một cái giường thật to để cả nhà nằm cho sướng !»
Hạnh phúc không phải tìm đâu xa mà tiềm ẩn trong những công việc nhỏ nhặt xảy ra hằng ngày, như bạn bè cùng ăn cơm với nhau hoặc uống trà đàm luận chung quanh bàn tròn, cha mẹ con cái quây quần trên giường nhỏ, ông bà còn đôi tay cứng cáp ẵm cháu, đôi chân khỏe mạnh dẫn cháu đi chơi hoặc đưa đến trường..!
Bây giờ chúng tôi đã hưu trí, các con mỗi đứa mỗi nước, cơ hội đoàn tụ gia đình trở nên rất hiếm!
Sự ra đời của đứa cháu đầu tiên mang lại cho chúng tôi, bên nội cũng như bên ngoại, rất nhiều hạnh phúc, niềm vui. Chúng tôi thấm thía, hiểu rõ thêm về câu hói của người xưa:
« Sinh con rồi mới sinh cha,
Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông »
Có con thì mới làm cha, có cháu thì mới lên bà, lên ông! Con cháu là sự tiếp nối của cha mẹ, ông bà, là dòng chảy liên tục của cuộc đời, thế hệ này thừa kế thế hệ kia!
Tuy nhiên tôi thấy câu nói trên còn có chỗ khiếm khuyết vì chỉ đề cập đến gia đình huyết thống, cần phải bổ xung thêm «sinh trò rồi mới sinh thầy vì không thầy đố mày làm nên», như thế mới nói lên được sự liên hệ tâm linh giữa thầy với trò. Thầy là « tiên sinh » người đi trước mở đường, trò là « đệ tử » vừa là em, vừa là con, (con những vị tiền nhân như cụ Nguyễn Du, cụ Phan Thanh Giản, bà Đoàn Thị Điểm…). Gia đình người Việt ở nước ngoài bây giờ có dâu, có rể ngoại quốc; con cháu chúng ta cũng hấp thụ kiến thức khoa học, văn chương, nghệ thuật của nhiều nước khắp năm châu, kho tàng văn hóa chúng ta trở nên càng ngày càng dồi dào, phong phú.
Nếu thế hệ tương lai có điều kiện thuận lợi quay về xây dựng quê hương, xứ sở thì nước Việt Nam sẽ có ngày trở nên một cường quốc, đóng một vai trò quan trọng trên bình diện thế giới!
Hoài Việt (DHĐ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét