Thứ Hai, 6 tháng 3, 2017

Lời Nói Với Việc Làm

« Gừng càng già càng cay », còn người già thì sao nhỉ, tôi tự hỏi? Nghe nhiều, thấy nhiều, kinh nghiệm nhiều hay là lặp đi lặp một kinh nghiệm chăng?

Tôi đã trải nghiệm qua nhiều cuộc bể dâu, di tản nhiều lần, từ thành thị về thôn quê, từ Bắc vào Nam, từ trong nước ra ngoài nước, nay đã vượt quá cái tuổi « thất thập cổ lai hy », với nhiều năm bonus nữa, kể ra đã có nhiều may mắn lắm rồi!­­­

Tôi nhận thấy trong nhiều lãnh vực, chính trị, kinh tế, xã hội, trong đạo cũng như ngoài đời, lời nói với việc làm, thường không đi đôi với nhau mà còn có khoảng cách khá dài.

Định cư tại Pháp gần 40 năm, tôi đã chứng kiến bốn kỳ tranh cử tổng thống, Mitterand, Chirac, Sarkozy, Hollande và tháng 04/2017 là lần thứ năm. Tôi thường nghe radio, đọc báo, theo dõi tin tức hàng ngày, thấy rõ những lời hứa trong khi tranh cử và sau khi đắc cử , luôn luôn có một sự khác biệt khá lớn ! Hứa nhiều nhưng thực hiện ít vì thế lòng tin của người dân cũng giảm dần theo thời gian. Đó là hậu quả của lời nói với việc làm không đi đôi với nhau !

Nếu để tâm tìm hiểu các cuộc chiến đang xảy ra và đã xảy ra trên thế giới, chúng ta sẽ nhận thấy rất nhiều lý do đã được ngụy tạo nào là vì dân chủ tự do, nào là để chống chế độ độc tài áp bức, nào là vì nhân loại ngăn chặn việc sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt…nhưng khi nhìn sâu, chúng ta sẽ khám phá ra những mưu đồ thầm kín khéo léo che đậy!

Cựu tổng thống Pháp Sarkozy, đã giúp phe cách mạng năm 2011 lật đổ Kadhafi, chẳng phải vì dân chúng Lybie, mà trước hết là vì quyền lợi chính trị của mình. Ông ta đã mất tín nhiệm của dân chúng trong nước, muốn lấy lại uy tín bằng phương diện đối ngoại nhưng quá muộn nên bị thất cử sau đó.

Năm sau 2012, tổng thống Hollande can thiệp vào Mali, nào chỉ theo lời yêu cầu của vị nguyên thủ nước này mà còn vì quyền lợi của 6000 kiều bào Pháp ở đây và cũng muốn xoa dịu lòng dân chúng Pháp bất bình vì chính phủ không vực dậy nổi nền kinh tế trong nước đang bị trì trệ.

Mỹ đem quân sang đánh Irak, năm 2003, phải chăng vì muốn giúp nhân loại tránh khỏi nạn vũ khí hủy diệt hàng loạt mà Mỹ đã nắm được bằng cớ là nước Irak có sản xuất loại này? Thời gian đã chứng minh đó là tài liệu ngụy tạo nêu ra để có lý do gây chiến tranh, muốn giết chó thì đổi thừa là nó bị bịnh dại (Qui veut tuer son chien, l’accuse de rage)!

Hơn nữa đồng tiền là huyết mạch của chiến tranh (L’argent est le nerf de la guerre), đồng tiền ấy từ đâu mà ra? Phần lớn, ở các nước tự do như Anh, Mỹ, Pháp …là do tiền thuế do người dân đóng góp. Nếu một chính phủ xài tiền không chính đáng, làm thâm thủng ngân sách quốc gia như ở nước Hy Lạp, mặc dầu sử dụng vào công cuộc có lợi ích chung là xây cất cơ sở dùng cho việc tổ chức thế vận hội, người dân vẫn tỏ thái độ phản đối qua các cuộc biểu tình rầm rộ.

Nói chung là khi can thiệp hoặc giúp đất nước khác, chính phủ nước đó không hề có sự hy sinh, giúp đỡ hoàn toàn bất vụ lợi mà luôn luôn ẩn tàng âm mưu nào đó; ngay cả anh em ruột thịt cũng vì quyền lợi gây ra cảnh tranh dành gia tài khi cha mẹ qua đời.

Nhiều kỹ nghệ ngày nay, vì khủng hoảng kinh tế, xuống dốc trầm trọng, như kỹ nghệ làm xe hơi đã khiến tiểu bang Detroit ở Mỹ phải phá sản… nhưng kỹ nghệ sản xuất vũ khí vẫn tăng gia hoạt động đều đều, vậy vũ khí được sản xuất tiêu thụ ở đâu nhỉ ? Chủ yếu ở các nước có chiến tranh hoặc bị đe dọa sẽ có chiến tranh, dưới dạng viện trợ hoặc bán buôn. Chúng ta có thể kết luận là lời nói đúng, hành động không hẳn đã đúng, so với thực tại còn cách biệt rất xa !

Xưa kia, khi còn ở trong nước, mỗi lần, đi ngang qua Hố Nai-Gia Kiệm, tôi tự hỏi tại sao có quá nhiều nhà thờ thế, cứ cách vài cây số lại có một nhà thờ, trong khi đó dân chúng nghèo khổ ? Bây giờ thì chùa chiền cũng mọc lên rất nhiều, không kém gì các nhà thờ xưa kia, mà có vẻ đồ sộ hơn nữa, còn dân chúng nghèo thì vẫn nghèo, cớ sao các vị tu sĩ không nhớ lại là mình chỉ xin Đức Chúa cho được hằng ngày dùng đủ, mình cũng từng nghe Đức Phật dạy phải biết tri túc. Khi đủ sống rồi thì mình phải làm gì giúp đỡ người nghèo khổ, thế mới thể hiện được lời dạy của các Đấng Tối Cao về lòng bác ái, từ bi!

Nếu một tu sĩ không đặt trọng tâm vào việc tu tập, trao dồi phẩm hạnh để có thể coi như một «ngôi thánh đường hay ngôi chùa di động » làm chỗ dựa tâm linh cho con chiên, Phật tử, ngược lại nếu ham muốn tạo dựng một cơ sở tôn giáo to tát, chỉ có bề ngoài lộng lẫy, bên trong nền tảng đạo đức không vững chắc, thì cơ sở này sẽ mau chóng biến thành một địa điểm du lịch, không còn là chốn linh thiêng, tôn kính, gây thất vọng, hoang mang cho những người có niềm tin nơi các Đấng Toàn Giác! 

Đa số người tỵ nạn như chúng ta, bỏ nước, bỏ quê hương tổ quốc, ra đi để mong tìm tự do, lo tương lai cho con cái, thế mà khi đã được định cư rồi, một số ít đồng bào mình đã quên mất cái mục tiêu ban đầu, đã biến tỵ nạn chính trị thành tỵ nạn kinh tế. Một người làm hai ba jobs, cố gắng làm nhiều tiền, để mua nhà tốt, xe đẹp, không còn thì giờ để sống cho mình, cho gia đình vợ con. Kết quả của tri giác sai lầm này là vợ bị bỏ bê nên đi theo người khác, con không được chăm sóc sa ngã vào nạn xì ke, ma túy ...Đi lạc đường, lạc hướng, việc làm xa với mục tiêu chính là tìm tự do, hạnh phúc cho bản thân, cho gia đình nên hậu quả rất tai hại!

Sau 30 tháng 4 năm 1975, tôi đã từng nghe một cán bộ cao cấp tuyên bố tại giảng đường trường Sư Phạm Sài Gòn, là dù phải chịu đựng bao nhiêu năm chiến tranh nhưng giá gạo tại miền Bắc vẫn không tăng và cho biết là Đảng có lý tưởng cao đẹp là “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Trên thực tế là giá gạo không tăng thật nhưng người dân sắp hàng dài dài, không có gạo mà mua, khác hẳn với tình trạng bây giờ, theo đường lối kinh tế tư bản, gạo muốn mua bao nhiêu cũng có, lại còn thặng dư để xuất cảng ra nước ngoài! 


Hồi đó, dân chúng quá đói khổ, nghèo nàn, sinh ra ganh ghét, đố kỵ, kẻ thiếu thốn không ưa người dư dả, lại còn được các phường khóm ngầm khuyến khích tố cáo lẫn nhau. Lý tưởng cao đẹp nói trên bị biến dạng thành “Mình rình mọi người, mọi rình mình !” 

Có một lần, tôi được một anh bạn mời tham dự một buổi họp, tại Paris, của nhóm người thân với anh này để nghe bàn bạc, thảo luận về những dự tính lớn lao cho tương lai đất nước, dân tộc. Trong khi tranh luận, bàn cãi, có vài người than là mải mê đeo đuổi lý tưởng chính trị, không có thì giờ lo cho con cái nên chúng không biết tiếng mẹ đẻ, không hiểu văn hóaViệt Nam, đã trở thành trẻ ngoại quốc da vàng, mũi tẹt ! Tự nhiên tôi thất vọng vì việc nhỏ trong gia đình mà lo không tròn thì khó mà đảm nhận được việc lớn! Tôi cảm thấy lời nói hay chưa thể bảo đảm là việc làm sẽ hay!

Tôi cũng có dịp đàm đạo, qua điện thoại viễn thông, với một Cựu Học Sinh trong BBT Đặc San ở Úc. CHS này đã tâm sự với tôi là nhiều lần nản chí, không còn tha thiết tổ chức Đại Hội nữa vì mình đã bỏ công sức, thì giờ, tiền bạc nhưng người khen, khuyến khích thì ít, người chỉ trích, chê bai thì nhiều!

Tôi đã an ủi CHS này, cho đó là cái nhìn cục bộ của một thầy bói mù, chỉ rờ được cái đuôi, cái tai hay cái vòi của voi mà đã cho là mình thấy con voi toàn diện. Đúng là có khoảng cách giữa công sức và việc làm vì nhiều người, nhưng người hiểu mình chẳng có bao nhiêu !p

Tuy nhiên, đường mình đi mà thấy đúng, việc mình làm mà mình cảm thấy mang lại niềm vui, hạnh phúc cho mình và cho nhiều người thì được khen cũng tốt, bị chê không nên phiền, « chó sủa mặc chó, đoàn lữ hành cứ đi ». (Le chien aboie, la caravane passe).

Tôi rất mến thương và thông cảm CHS này cũng như các bạn khác trong BBT Đặc San và trong ban tổ chức Đại Hội nên tôi xin ghi tặng hai câu thơ của Trụ Vũ:

« Bởi vì mắt thấy trời xanh, cho nên mắt cũng long lanh màu trời.
Bởi vì mắt thấy biển khơi, cho nên mắt cũng xa vời đại dương »

Hai câu thơ trên đây cho thấy có mối tương quan giữa mình với vũ trụ cũng như có mối tương quan giữa mình với người kia. Cũng bởi vì việc mình làm có kết quả, thành tựu nào đó, nên người kia mới ganh tỵ, chê bai, nói xấu: hiểu rõ như thế mình dễ đi đến tha thứ, hỷ xả!

Tôi xin chia sẻ với các thân hữu, đặc biệt là với thế hệ trẻ tiếp nối chúng ta, một số điều tôi mắt thấy tai nghe, có thể giúp họ tránh được những cạm bẫy mà một số ít người trong thế hệ chúng tôi đã mắc phải!

Rất trân quý
Hoài Việt (DHĐ)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét