Ngày Nhớ Ơn Cha 4.9.2016
Đa số những người con đều như vậy, thường nhắc nhớ về má hơn là nói đến ba. Tôi cũng thế.
Trong lúc trà dư tửu hậu với bạn bè. Có trăm điều để bàn luận, nhưng xôm hơn là hư tật của phái nam và chủ đích là... ông chồng. Những lúc ấy, tôi chỉ ngắn gọn một câu góp ý:
- Không có Ba tôi ở trong số đó à nghe!
Có sao được. Ba, người đàn ông tuyệt vời trong gia đình chúng tôi, giàu lòng nhân ái đối với mọi người. Đời Ba cực khổ nhiều hơn sung sướng, dù là con út của Ông Bang. Một gia đình giàu có, ruộng cò bay thẳng cánh. Ba không rượu chè, chỉ cần cù lo cho vợ con. Có nghiện chăng, là cà phê. Nhưng, phải là cà phê của tiệm Hiệp Phong ở Vĩnh Bình.
Ba qua đời đã hơn 19 năm, nhưng một hình ảnh mãi mãi sâu đậm, là đôi mắt. Đôi mắt trìu mến ấy, đã nhìn tôi qua song rào trước cổng trường Trung học Công Lập Vĩnh Bình, của mấy mươi năm về trước. Ba không vào Văn phòng giám thị, tìm con như những phụ huynh khác. Người chỉ đứng ngoài khuôn viên trường, im lặng, dõi mắt nhìn con cho đến hết giờ thể dục.
Khoảng đường, từ bến xe đò đến trường, thật không gần. Tôi biết, ba đã đi bộ đến đây. Bởi, tính chắt chiu. Thời gian, đợi chờ con học xong giờ thể dục, khá lâu. Nhưng có lẽ, tình yêu thương con, sự đợi chờ của Ba là niềm hạnh phúc của chính mình. Mối linh cảm nào đó, chợt thấy bóng dáng quen, không cầm lòng, tôi gọi lớn tiếng ba và chạy ngay đến cổng rào.
- Ba! Ba!
Ba tiến lại gần, lòn tay qua song, trao gói thức ăn, vừa xoa đầu:
- Ráng học nghe con!
Ba chờ con trước cổng trường
Đôi câu nhắn vội yêu thương vỗ về
Giây phút thiêng liêng, bất ngờ nhất, một lần trong đời.
Tôi một đứa bé, học lớp Đệ Thất, xa gia đình. Đêm ấy tôi trở về căn nhà trọ...chập chờn, trằn trọc không ngủ được.
Bởi, đôi mắt.
Kim Phượng
Melbourne 4.9.2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét