Thứ Ba, 30 tháng 8, 2016

Nhất Tự Vi Sư Bán Tự Vi Sư


Trường Tiểu học Giồng ké nằm trên trục giao thông đường liên tỉnh Vĩnh Long - Vĩnh Bình. Trường chỉ có một lớp Nhất, nam và nữ đều học chung.

Số tuổi của học sinh trong lớp rất chênh lệch. Đây là điều dễ hiểu, con nít sống trong thị xã hay còn gọi là “học sinh ở chợ”, đến trường theo đúng số tuổi qui định. Các học sinh ở thôn ấp, vì phương tiện khó khăn, xa xôi, cầu tre lắc lẻo, hoặc gia đình đơn chiếc, thiếu người phụ giúp việc đồng áng, nên đa số đến trường khá muộn, khi hoàn cảnh cho phép. Số tuổi của các “học sinh dưới vườn” này, tương ứng với vóc dáng, nên dân trên chợ chúng tôi thường bị xem “ nhí ” nhất là trong các trò chơi, cần đến thể lực và chúng tôi cũng thua luôn về mặt tâm lý tình cảm, ngoại trừ trình độ học vấn. Đây là vấn đề các anh chị lớn trong lớp thường hay thắc mắc đặt ra, là tại sao chúng tôi nhỏ con mà lại học giỏi.

Nhắc đến tâm lý tình cảm, là nhắc đến chuyện “con nít quỉ”, cắp đôi, xảy ra vào giờ học Địa lý. Thầy đang vẽ các dòng sông của miền Nam nước Việt trên bảng để chúng tôi xem đó, vẽ theo. Tội nghiệp cho học sinh, chỉ nhìn thấy bờ lưng của thầy mà thầm nghĩ : “Thầy dễ gì nghe”! Các chị lớn bắt đầu bày trò, bất luận tuổi tác, cũng chẳng biết yêu thương hay ghét bỏ thế nào, chọn lựa tên của bất cứ hai người nam nữ, ghép lại với nhau mà đầy ý nghĩa, ngồ ngộ là được.

Trong cuộc gán ghép này, xem ra ai cũng “ xứng đôi vừa lứa” cả, chỉ có tôi, được ghép chung với anh chàng tên Hoa (con trai mà tên Hoa!). Hoa- Phượng, đẹp quá chứ còn gì nữa. Nhưng hỡi ơi! Tôi nhỏ con đã đành, còn “nó”, “thằng Hoa”, đèo đẹt hơn tôi nữa. Nó quay qua, nhìn tôi mỉm cười…Lớp học cứ thế, tha hồ ồn ào. Một lúc sau thầy quay lại:
- Các em xong chưa ?
- Dạ chưa thầy.
- Các em vẽ nhanh lên.
- Dạ thầy.

Cuối cùng cả lớp hoàn thành tác phẩm của mình. Sang giờ Đức dục, trước khi vào bài mới, thầy gọi học sinh lên kiểm bài như thông lệ. Nhưng thật ra, lần này thầy phá lệ, gọi từng người, theo cặp một, “y chang” như những tên mà chúng tôi đã cắp đôi
-Trời ơi! Cứ ngỡ hôm nay thầy hiền, dễ dãi, ai dè… 
Sau này, tôi cũng phá lệ như thầy. Ngồi bàn đầu, lúc nào tôi cũng tìm mọi cách để nhắc bài cho các bạn, mỗi khi bị kiểm tra. Nhưng, ngoại trừ “thằng Hoa”, tuyệt nhiên tôi không nhắc bài cho “ nó” nữa.

Từ sau buổi học ấy, sinh hoạt của lớp không còn như trước. Các anh chị lớn, dường như phải lòng nhau, nên đã phạm nội qui, “đi học quá sớm”. Dù rằng, chúng tôi là học sinh lớp nhất, đàn anh, đàn chị của trường, lại chẳng làm gương. Còn tôi, các anh chị trong gia đình đều đi học xa, tôi phải phụ giúp việc nhà, nên lúc nào cũng đi học đúng giờ. Bởi thế, hai bạn cùng lớp là Hồng và Cúc, thường đến giúp tôi rửa chén bát, giặt giũ đồ hay nhóm bếp, lấy cớ ngoan, để được phép đi học sớm. Những hôm như thế, học sinh “trên chợ” và “dưới vườn”, tề tựu, bày đủ trò vui. Một trong những trò vui, tự hậu, tôi “ tởn đến già” là ăn cắp ấu.

 Đập ấu nằm dọc con lộ ấp Phú Tiên, liên tỉnh Vĩnh Long - Vĩnh Bình. Đập mênh mông nước, lá ấu xanh, trải đầy, che kín cả mặt đập. Các chị lớn xắn quần đến gối, lội xuống, lật ngược các tay ấu lên, mọc đầy những trái to, căng tròn, trông thật hấp dẫn. Nhìn các chị nhanh tay hái ấu, bỏ đầy cả cặp đi học, dân trên chợ bị cám dỗ mạnh, quên đi sự nhút nhát bắt đầu ùa xuống. Tôi đang đưa tay định hái trái non, thì trời ơi, một con đỉa đen ngòm đang phăng tới. Tôi, hồn phi phách tán, la ré lên và tôi chẳng hiểu nhờ đâu, cái bờ lộ cao thế kia, tôi có thể “phi thân” lên dễ dàng. Một chị bạn khác vẫn thản nhiên tiếp tục hái, vừa cười, đưa tay nhón con đỉa đang bám trên chân chị và vừa mắng yêu :
- Tưởng gì, con đỉa mà mầy cũng sợ. Đúng là dân chợ nhát hít! Tao chỉ cho cách này nè. . . tụi nó xuống trước, quần nước đục ngầu hết, thấy nước đục thì đừng xuống, vì đục là có đỉa hà.
Kể từ lúc ấy, bọn trên chợ, có thèm ăn ấu non quá, thì “nhón” một ít ấu đựng trong cặp của các chị mà thôi.


Hết đi ăn cắp ấu lại bày trò chơi, “trốn kiếm”. Con trai, đóng dinh ở vườn trâm bầu, con gái ngự trị bên vườn chuối, kẻ trốn, người tìm. Nói vườn cho oai, chứ thực ra, trường Giồng Ké nằm sát nhà dân cư địa phương. Khu đất nhà bác Hai khá rộng, nên một bên bác trồng trâm bầu để lấy củi, bên kia trồng chuối, thu quê lợi. Có lẽ học sinh chúng tôi mãi mê chơi mà quên mất câu: “ Đi đêm có ngày gặp ma”. Hôm ấy không biết, bằng cách nào mà tập vở của chúng tôi đặt bên hông trường, đợi giờ vào lớp, đã bị thầy Hiệu trưởng gom tất cả cất vào một nơi. Giờ học đến, chúng tôi nhớn nháo…Than ôi! Tập vở không cánh mà bay, cả lớp đành đứng sắp hàng, chịu lỗi, nhận hình phạt ăn đòn, trước khi thu lại cặp sách.

Giận thầy thì học sinh có giận…, nhưng khoảng sau một tháng, thầy Hiệu trưởng và Thầy dạy lớp tôi cùng với chiếc xe Lamretta, là phương tiện di chuyển hàng ngày của hai thầy từ Vĩnh Bình đến Giồng Ké, bị bên kia chận lại, dẫn đi mất biệt. Bọn học sinh lớp Nhất buồn thiu, vẫn đi học sớm, tụ năm, tụm ba, thường khóc và tìm cách “cứu thầy”. Cuối cùng, một chị cho biết nơi hai Thầy bị giam giữ. Lúc ấy, dù chẳng rủng rỉnh tiền, nhưng cả bọn tự đóng góp để mua thức ăn cho Thầy và cả thuốc lá, thứ mà thầy Hiệu trưởng ưa thích. Từ hôm đó, các Thầy Cô còn lại trong trường luân phiên giảng dạy. Hồng và tôi đảm trách điểm danh, ghi sổ, cộng điểm sắp hạng học sinh trong lớp. Đây chính là lúc tôi thật sự cảm nhận được câu: “Nhất tự vi sư, Bán tự vi sư” và vì thế tôi thật đắc lực, rất cẩn thận trong vai trò này, mặc dù tôi vẫn là học sinh thích phá phách thầy cô.
Đời học sinh, càng lên lớp cao, mỗi năm, thêm thầy cô mới, càng có nhiều vị sư đảm trách cho từng môn học. Tuy nhiên, vị thầy đã từng cho tôi ăn đòn, là người tôi vẫn kính mến cho mãi đến hôm nay.

Mười tám năm sau, trong làn sóng tị nạn ồ ạt, Úc là quê hương thứ hai, nơi tôi đang định cư. Một dấu ấn sâu đậm pha lẫn hài về câu nói “Nhất tự vi sư, Bán tự vi sư” này. Chuyện tôi sắp kể là… Ngày đầu đến Úc, người tỵ nạn chúng tôi được đưa về Migrant Hostel, để hoàn tất thủ tục nhập cư và dự khoá học Anh văn căn bản trong 6 tuần. Sau đó, mọi người đều lo tìm công ăn việc làm, đồng thời chúng tôi ghi tên học khóa Anh văn hàm thụ English for Newcomers. Chúng tôi đọc sách, nghe băng cassette, làm bài tập gửi đi và nhận trở lại sau khi cô giáo đã sửa lỗi. Tôi còn nhớ mãi bài văn, viết về sinh hoạt trong đời sống hàng ngày. Với vốn liếng Anh văn khiêm nhường, tôi kể về gia cảnh, công việc làm và đi đến kết luận là: “Tôi rất vui được sống trong một xứ tự do, nên không quản ngại mệt nhọc, dù là sau giờ làm việc tôi còn phải tự nấu ăn…(I cook myself)”. Một tuần sau, tôi nhận lại bài tập của mình. Bằng bút mực màu đỏ, cô giáo khoanh tròn “ I cook myself”, thêm vào đó chữ “by” đỏ chói, to tướng. Đồng thời bên dưới có hàng chữ “You’re jumping in the oven”.
Vâng, mỗi lần nhìn nhất từ “BY” là tôi nhớ đến từ “ vi sư ”. Sau đó tôi đến tận trung tâm hàm thụ Anh văn để tìm vị sư ấy, đồng thời cho bà biết lý do nào tôi tìm đến đây và tôi kể cho bà nghe về câu nói “ Nhất tự vi sư, Bán tự vi sư” của dân tộc mình.

Tôi rời Việt Nam khá sớm năm 1978, khi mùa phượng nở, ve râm ran. Bao năm xa xứ, chưa một lần trở lại quê nhà. Những được mất trong cuộc đời tưởng chừng đã lắng. Bỗng dưng, sự xuất hiện cuốn Đặc San, cùng đĩa DVD, do cựu giáo sư, cựu học sinh Tống Phước Hiệp, cùng một nhóm thân hữu thực hiện. Tất cả những sinh hoạt của một số “người xưa” tôi đã biết qua, cùng một số "người mới" tôi chưa quen bao giờ. Tất cả hiện ra trên màn ảnh. Những dòng chữ nhắc nhớ về Vĩnh Long trong Đặc san khơi lại trong tôi, trở ngược về thời áo trắng. Một thời để nhớ để thương.Thời lo âu, buồn vui, hờn dỗi. Thời hồn vía lên mây khi chẳng học kịp bài…và nhất là thời…mùa thu tóc ngắn không còn nữa. Tiếc thời con gái bận đón đưa...đang ào ạt trở về. Nhìn số người tham dự tôi tìm thấy lại một số thầy cô. Giờ đây ít nhiều thay đổi, nhưng hình ảnh trên bục giảng năm nào trong trí tôi vẫn như in. Rất tiếc, tôi không tìm được bóng dáng bạn bè cùng lớp.


Tuy nhiên, một sự may mắn tình cờ, tôi hân hạnh “biết” thầy Nguyễn Thanh Liêm, hiện diện trong DVD ấy. Tôi thích gọi tiếng Thầy hơn là ông Thứ trưởng. Tiếng Thứ trưởng nghe xa cách làm sao!
Qua đó Thầy cho biết cơ duyên nào, đã đưa thầy đến tỉnh Vĩnh Long và cảm phục người Vĩnh Long. Theo lời thầy: “Tuy nhiên, cái người mà tôi phục nhứt, tôi kể như là ông thầy của tôi đó, mặc dù là tôi không có đến học với ổng, là cái người sinh ra ở Vĩnh Long, đó là ông Trương Vĩnh Ký”.
Thầy cho biết, và phân tích 2 câu viết đặt trước cửa trường Pétrus Ký:

Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt
Tây Âu khoa học yếu minh tâm

Thầy giải thích: “Một mặt phải thu nhận những kiến thức khoa học, mặt khác phải ghi trong xương tủy của mình nền đạo đức luân lý của Á Đông”.
Ngày xưa, trong chế độ quân chủ, vị thế người thầy vô cùng quan trọng, là người nhận chịu mọi trách nhiệm về kiến thức và lẫn hành vi đạo đức của học sinh mình. Ngày nay với lối sống dân chủ và nhất là ở xã hội này, vai trò người thầy không còn quá nặng nề. Riêng tôi, tiếng Thầy, không chỉ đóng khung trong phạm vi học đường, những điều tôi có thể học hỏi từ một người, người ấy tôi xem là Thầy rồi.

Những vị đã rèn luyện cho tôi được kiến thức hôm nay. Đó là, một số thầy cô, hiện diện trong DVD đây, một vài vị khác, đã miên viễn. Tuy nhiên, trong thăng trầm trên những con đường đã đi qua, tôi có được những vị Thầy từ trường đời mà tôi đã học hỏi. Và một vị Thầy, Thầy và tôi có cùng sự đồng cảm. Người tôi muốn nhắc đến là thầy Liêm. Thầy Liêm, xem ông Trương Vĩnh Ký, người Vĩnh Long, là một bậc thầy, dù chưa một lần thọ giáo.Tôi, người đồng quê với cụ Trương Vĩnh Ký, lại xem thầy Liêm là thầy, dù chỉ biết Thầy qua DVD. Thầy Liêm, người đã giúp cho tôi học được điều mà tôi chưa hề biết. Khi thầy khuyến khích nhóm hậu sinh, về sự sống còn của quyển Đặc San, dù phát hành trễ. Đó là:

Mi sanh tiền, tu sanh hậu
Tiền sanh bất nhược, hậu sanh trường

(Tân niên hội ngộ của CHS Tống Phước Hiệp, Cali)

Thật ra, nếu Thầy không giải thích, chắc tôi cũng chẳng hiểu được. Chính hình ảnh và lời phát biểu của Thầy đã “kéo” tôi về thời ăn cắp ấu. Thời tôi vừa biết cảm nhận được câu “ Nhất tự vi sư,  Bán tự vi sư”, và nhớ về người Thầy Hiệu trưởng năm xưa, là người cho cả lớp ăn đòn.

Lời nói của thầy Liêm, là động lực thôi thúc tôi hoàn thành ước nguyện và tự trả lời cho chính câu hỏi mà tôi đặt ra, từ bấy lâu nay: “ Ai là người xứng đáng được gọi là thầy?”.
Thật ra, trong bước đường đời, mỗi lần tôi tiếp xúc với người nào, y như rằng tôi được học hỏi ít nhiều từ người ấy.
Như một lời tri ân, kính gửi đến Thầy Nguyễn Thanh Liêm, xin mượn lời thơ trao tặng Thầy, thay đoạn kết qua 2 câu thơ trên, Thầy đã khuyến khích nhóm hậu sinh chúng tôi:

Mày đây vênh váo tự hào
Tao sinh ra trước ai cao hơn bằng
Râu cười khiêm tốn thưa rằng
Cao thì cao thiệt! Dài bằng tôi không?
Nghêng ngang mày lại cãi ngông
Dẫu dài cho lắm cũng không tài bằng
Thế thì trổ hết tài năng
Cho thiên hạ khiếp hầu răn dạy đời
Ậm ừ mày chẳng thức thời
Nói nhăng nói cuội lỡ lời như chơi
Ủi an râu nói “ Mày ơi!”
Làm đẹp thiên hạ là trời ban cho
Ganh đua chỉ tổ làm trò
Nó giận…
tỉa hết
cạo sạch
còn gì mày râu !!!

Bài thơ thay lời tri ân này, vẫn còn đây. Nhưng Thầy đã miên viễn. Thầy đã mãn phần hôm 17 tháng 8 năm 2016 này.
Thành kính chia buồn cùng Cô và Thân quyến. Em Nguyện cầu Hương linh Thầy sớm an nghĩ nơi cõi Vĩnh Hằng.

Kim Phượng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét