Đông Dạ Văn Trùng - Bạch Cư Dị
Trùng thanh đông tứ khổ ư thu
Bất giải sầu nhân văn diệc sầu
Ngã thị lão nhân thính bất úy
Thiếu niên mạc thính bạc đầu quân
Dịch nghĩa:
Đêm đông nghe tiếng côn trùng
Tiếng dế đêm đông ý tứ não nùng hơn mùa thu
Kẻ không biết buồn nghe cũng phải buồn
Ta già rồi nên nghe chẳng sợ gì
Tuổi trẻ đừng nghe ( vì nghe thì sẽ ) bạc đầu
Dịch Thơ:
( 1 )
Buồn hơn thu tiếng dế mùa đông
Se thắt dù ai sắt đá lòng
Ta lão có nghe đâu ngán sợ
Trẻ nghe đầu bạc dễ như không
Mailoc
( 2 )
Buồn hơn thu dế đông tê tái
Người không buồn nghe mãi cũng sầu
Ta già nghe chẳng sợ đâu
Tuổi xanh chớ lắng, bạc đầu như chơi
Mailoc
***
Đỗ Chiêu Đức tham gia với các phần sau đây :
1. Nguyên bản chữ Hán cuả bài thơ Đông Dạ Văn Trùng:
冬夜聞蟲 Đông Dạ Văn Trùng
蟲聲冬思苦於秋, Trùng thanh đông tứ khổ ư thu,
不解愁人聞亦愁。 Bất giải sầu nhân văn diệc sầu.
我是老翁聽不畏 Ngã thị lão ông thính bất úy,
少年莫聽白君頭。 Thiếu niên mạc thính bạch quân đầu!
白居易 Bạch Cư Dị
CHÚ THÍCH:
TỨ 思: là Danh từ, có nghĩa là : Sự Suy Nghĩ, Nỗi Nhớ Nhung, như: Lao Tâm khổ TỨ . Khi là TƯ, Động từ, thì có nghiã là NHỚ, như : Tương Tư là Nhớ Nhau .
BẤT GIẢI: Không Cởi ra được, có nghĩa là Không Hiểu .
DIỆC: là Càng, cũng như chữ Ư ở trên có nghĩa là NHƯ.
ÚY: là Kỵ, là Sợ. Bất Úy là Không Sợ, Không nhằm nhò gì! Không sao!
MẠC: là Đừng, là Chớ.
2. DỊCH NGHĨA:
Đêm Đông Nghe Tiếng Côn Trùng
Lòng ưu tư mà nghe tiếng côn trùng ri rỉ trong đêm đông thì cũng buồn khổ như là đêm thu vậy. Đâu có biết rằng người càng sầu thì nghe lại càng sầu thêm! Ta là một lão gìa nên nghe không sao, còn anh bạn trẻ thì đừng nghe, vì nghe sẽ làm cho đầu của bạn dễ bạc lắm đấy!
Đông Dạ Văn Trùng
Côn trùng đông cũng tựa đêm thu,
Đâu biết càng nghe những gợi sầu.
Ta lão nên chi nghe chẳng ngại,
Trẻ đừng lắng tiếng dễ bạc đầu!
Lục bát:
Côn trùng ri rỉ thu đông,
Càng sầu càng thấy cỏi lòng xót xa.
Già đầu chẳng ngại thân ta,
Trẻ thôi nghe mãi dễ ra bạc đầu!
Đỗ Chiêu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét