Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

Cần Thơ Một Thời Để Nhớ

(Chợ Cần Thơ 1962)

Như đã lâu lắm rồi, từ cái ngày còn trai trẻ với biết bao mộng mơ, với không ít hoài bảo chưa hay không bao giờ thực hiện được vì quá xa vời để rồi không còn dịp quay trở về chốn cũ sau biết bao năm tháng thăng trầm của cuộc đời. Cho mãi đến hôm nay, cái hôm nay của đầu thế kỷ 21, khi đang sống trong cảnh xa quê hương hơn cách nửa vòng trái đất, tôi mới có dịp "tung cánh chim tìm về tổ ấm" để mong tìm lại cái không khí thân quen ngày nào, từ làn gió thoảng qua cánh đồng bao la bát ngát thơm ngát mùi mạ non của miệt vườn và đồng ruộng đồng bằng sông Tiền, sông Hậu rất quen thuộc của những ngày xưa thân ái ấy. Tuy nhiên, mọi thứ trước mắt tôi đều đã quay ngược lại 360 độ so với trước đây khi cảnh vật quanh tôi đều trở nên hoang vắng xa lạ mà tôi có vẻ như đi lạc vào một vùng đất hay một thế giới hoàn toàn mới, mới từ những con đường rộng rãi thênh thang với những tòa nhà cao vút khác hẳn những con đường tràn ngập bóng mát ở Hàng Bả Đậu đi vào nhà lồng chợ đến đường Hàng Xoài dài hun hút, từ bờ sông Cầu Cái Khế, Cầu Đôi, xóm Hai Địa, xóm Cả Đài đến cầu Lộ Mới mà bây giờ đã trở nên quá cũ hay không còn hiện diện nữa với thời gian.

Lòng nặng trĩu ưu khi tư hồi tưởng một thời đã qua, ít nhứt cũng đã hơn cả nửa đời người chớ có ít ỏi gì đâu, tôi miên man đi bách bộ trên con đường Nguyễn Trãi thân quen ngày nào, rất may là vẫn còn giữ được tên cũ, với biết bao kỷ niệm ngọt ngào của tuổi thanh xuân. Tôi chạnh lòng khi chợt nhớ đến cây Cầu Đôi lát gỗ mà cạnh bên dốc cầu là nơi trú ngụ của một chú trăn to và dài quá khổ nằm trong một cái lồng thép kiên cố to tổ nái, mà chú không bao giờ chịu thua tôi khi chú le lưỡi nhát lại tôi mỗi khi bị bị tôi trêu chọc.
(Cần Thơ 1965)

Dọc bên trái về phía nhà đèn là tiệm bán dụng cụ máy thu thanh với tên là Sca-Radio, nơi anh Hứa Xướng Văn, bạn học cùng lớp Tân Đệ Nhị Lycée Phan Thanh Giản Cần Thơ với tôi ở trọ. Tôi còn nhớ mãi vào một ngày cuối tuần, vài anh bạn học cùng tôi mướn một chiếc ghe khá lớn chở thức ăn gọn nhẹ chèo qua sông cái ở ngang nhà, nơi đó là một cồn cát hơi cạn có rất nhiều cây bần. Có thể nói hầu hết những học sinh chúng tôi đều rất thích ăn trái bần chấm muối hoặc muối ớt mà hương vị chua chua, chát chát của trái bần cộng với hương vị mặn mà cay cay của muối ớt khiến chúng ăn mải mê đến phát ghiền. Hôm ấy trời rất đẹp và trong sáng không một gợn mây. Không ai bảo ai, chúng tôi đồng loạt leo lên các cây bần để tha hồ "rứt' mấy trái bần xuống để vào chiếc ghe bên dưới gốc cây bần. Riêng cá nhân tôi cũng rất ham ăn nên đã "nhón" rất nhiều trái khá to để đớp cho thỏa thích với cảm giác được vị chua, chat quyện vào vị mặn khi chảy vào cổ họng để nhận biết được việc ăn trái bần nó thú vị đến mức độ nào. Chúng tôi đang mải mê thưởng thức thì bất thình lình có một anh bạn đang trèo lên một cây bần ở cách xa chúng tôi khoảng 2 thước hét to lên rồi rơi bịch xuống mặt nước. 
Té ra anh bạn chúng tôi không may mắn vớ phải một ổ ong vò vẽ, nhưng may mắn là chỉ có hai ba con ong mà thôi, nếu không chắc có chuyện lớn xảy ra, nên khi anh vô tình chạm vào ổ ong thì bị chích một phát khiến anh ta nhảy dựng lên và rơi tõm ngay xuống nước. Như đã nói ở phần trước là nước ở đây hơi cạn mà lại rất trong nữa mới tai hại chớ bộ? Vì vậy khi anh ngoi đầu lên để thở thì chú ong này, có lẽ đã có bằng Tú Tài nên thông minh hơn chúng tôi, nên cứ lởn vởn bay theo cái đầu của anh bạn để khi thấy vừa ngoi lên khỏi mặt nước tí ti là chích tiếp khiến anh ta phải lặn ra xa hơn 2 thước mới tránh được trận oanh kích của chú ong ranh mãnh kia. Thật là hú vía nhưng cũng hơi buồn cho anh ta khi phải ôm cái đầu sưng vù về nhà, dĩ nhiên là đau ghê lắm, mất cả bửa tiệc thịnh soạn chưa tới màn kết thúc, tuy nhiên đối với riêng tôi thì kể từ giây phút ấy, màn gặm nhắm trái bần chua chát mặn mà ngày nào cũng bắt đầu kết thúc vì bổng dưng tôi cảm thấy ngán khi nhìn thấy trái bần phơi mình trong các rổ bán trái cây ở ngoài chợ.


Cũng ngang chỗ anh Văn ở trọ, nếu tôi nhớ không lầm, thì có hai chị em, chắc cũng là nữ sinh trường Phan Thanh Giản Cần Thơ, có sắc đẹp "nghiêng thùng đổ nước", thật ra có vẻ là sắc nước hương trời xếp ngang hàng với nàng Tây Thi ngày xưa chớ hổng phải nói chơi đâu. Thuở ấy tôi còn là nhóc con chuyên tâm lo ăn học nên chỉ biết xuýt xoa chiêm ngưỡng mà thôi chớ tuyệt nhiên không dám léng phéng tới gần làm quen, nhưng do bản tính tò mò, có lẽ còn hơn cả mấy "cú nường" nữ sinh nữa đó (xin lỗi nghe mấy cô nương nhí nhảnh của chúng tôi nghen), nên mới biết dường như hai giai nhân nổi tiếng nhất Cần Thơ này đang cư ngụ tại số nhà "11 bis" mà các bạn tôi và thiên hạ nói trại ra là "hai cô ở số <ông già bích> theo kiểu đánh bài cơ, rô chuồng, bích không bằng?

Kể ra thì ngoài việc học hành,Trường Phan Thanh Giản Cần Thơ chúng tôi có nhiều điểm nổi bật lắm quý vị à, như tôi đã từng kể lể dài dòng trước đây.

Trước tiên, môn thể dục thể thao và võ thuật được nhà trường đặc biệt chú trọng vừa để rèn luyện thân thể vừa để tạo niềm tự tin cho học sinh khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài mà, không phải "mèo khen mèo dài đuôi dễ chạy", nhưng phải công nhận trường chúng tôi được đánh giá là một trong rất ít trường ở toàn vùng miền nam Việt-Nam đã đạt được thành tích xuất sắc nhứt. 

Không ngon lành nhứt sao được khi vào những năm đầu thập niên 1950, đội bóng chuyền học sinh Phan Thanh Giản Cần Thơ đã từng giữ chức quán quân nhiều năm liền khi giao đấu với các trường học khác, đặc biệt là kể cả các đội bóng hàng đầu của những tỉnh miền Tây lúc bấy giờ nữa.

Về môn nhu đạo, phái đoàn nhu đạo của trường Phan Thanh Giản Cần Thơ cũng từng làm rạng danh trường khi giao đấu với phái đoàn của lò nhu đạo Hàn Bái Đường là ngôi sao bắc đẩu của thủ đô Saigon vào thuở ấy với sự góp mặt của những võ sư Quan, Kiệt, Chơi lừng danh một thời mà vị võ sư Chơi đã từng đạt được đai đỏ thập đẳng.

Về xà đơn (barre fixe), xà đôi (parallèle), học sinh Phan Thanh Giản cũng ghi được dấu son cho Trường Mẹ khi có một anh quay được vòng lớn của xà đơn là grand soleil nhờ phong trào thể dục thể thao của trường luôn được các thầy hướng dẫn và khuyến khích tập dượt không ngừng. Hồi tưởng lại lúc mới đến trường, tôi chỉ đạt được từ 10 đến 12 điểm về xà đơn, nhưng sau khi tập luyện trong một thời gian rất ngắn, tôi đã đạt điểm tối đa khi thực hiện thành công 7 động tác liên tục ở trên xà, sau đó tôi còn quay được petit soleil, nhưng đến grand soleil thì đành xếp giáp quy hàng!

(Nét vẽ của Tác giã Trần Bá Xử)

Tôi cũng chưa quên ngày ấy tôi biết một anh học trên tôi một lớp có quốc tịch Pháp, lúc nào đi học cũng có một cô bạn gái cùng lớp cặp tay đi sát bên nhau, sau này họ là vợ chồng, mà lúc bấy giờ báo chí ở Saigon xuống Cần Thơ làm bài phỏng vấn, có viết một đoạn cho biết tại Tây Đô có một cặp học sinh lúc nào cũng như cập đủa khi cặp kè tay trong tay bên nhau mỗi lần đến trường học. Nếu có dịp đọc được bài này, tác giả rất mong anh Đại tá Henri Kinh, nguyên Chỉ Huy Trưởng Quân Cảnh của QLVNCH và phu nhân vui lòng tha lỗi cho người đồng môn niên đệ này, thuở ấy cùng ở ngành quân huấn với anh khi niên trưởng là Chỉ Huy Trưởng Trường Quân Cảnh tại Vũng Táu.

Về hội họa, không ít họa sĩ đã được thành danh nhờ sự tận tâm chỉ dạy của thầy Cường qua bao năm tháng ở trường Mẹ, riêng tác giả thì chỉ được cái "quơ quào" lúc ở Trường Cao Tiểu Vĩnh Long khi mày mò theo học lớp hàm thụ "cours ABC de Dessin" ở Pháp nhưng rốt cuộc chỉ là "nửa thầy nửa thợ" không đâu vào đâu cả, chỉ còn vớt vát được chút xíu là có nét chữ cũng hơi dễ coi để may ra viết thư tình mà thôi nhưng rốt cuộc rồi cũng bị từ chối (như trong Mối Tình Học Trò) nên về sau cũng dẹp tiệm luôn.

Nhưng tui hổng hiểu tại sao trong xóm tui ở, xóm Võ Tánh nhỏ tí tẹo ấy mà chỉ có tui là lẹt đẹt theo sau cầm đèn lái, còn các bạn tui anh nào cũng ăn nên làm ra như các bạn Võ Sáng Nghiệp, Nguyễn Hữu Phước, Lâm Văn Mẫn, còn các cô nữ sinh Hoàng, Xuân, Huệ cũng đâu kém chi ai. 

(Cần Thơ 1969)

Để tạm đánh dấu chấm hết về một thời để nhớ với biết bao kỷ niệm êm đềm ở miền Tây Đô thân thương năm nào, tui không thể không nhắc đến mật tài năng trẻ lúc bấy giờ đã làm cho Cần Thơ được thêm thăng hoa trên lĩnh vực âm nhạc. Nhắc đến âm nhạc ở Cần Thơ thì không thể nào quên được tiếng đàn Hạ Uy Di với những tiếng vuốt có nét đặc trưng của thổ dân Hawaii để ta có cảm tưởng như đang ở bãi biển Waikiki, Oahu, Maui hay ở phi trường Honolulu của tiểu bang Hawaii, Hoa Kỳ. Đặc biệt tiếng đàn lục huyền cầm Hạ Uy Di ở hẽm Võ Tánh do anh Dương Hoàng Trung độc tấu cũng làm say mê lòng người không kém mà cá nhân tui, tuy cũng cố gắng tập dượt nhưng chỉ làm bà con lối xóm mất ngủ do tiếng vuốt nghe trẹo bản họng của tui thì làm sao mà ngủ ngon cho đặng? Ngoài tiếng đàn rất êm dịu này, anh Trung còn là một tay đàn vĩ cầm có hạng ở Cần Thơ chỉ sau hai năm luyện tập mà thôi nhờ anh có sẵn năng khiếu về âm nhạc. Nhờ sự giúp đỡ của đồng môn hiền đệ Nguyễn Công Danh trong ban biên tập trang nhà của Trường Mẹ, tôi đã may mắn và rất vui mừng khi tìm được lại anh bạn tài hoa rất thân thiết là anh Dương Hoàng Trung sau gần 50 năm xa cách.

Trần Bá Xử
Viết xong tại thành phố Springfield, MA vào tiết Đông Chí 2014.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét