Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

May Mà Có Em

      Sau năm 1954 gia đình tôi từ vùng quê dọn về Qui Nhơn sinh sống. Ba tôi làm việc ở Khu Tạo Tác, má tôi nội trợ,nấu cơm tháng cho các học sinh cùng quê trọ học ở Qui Nhơn.Anh hai tôi lúc đó đã học lớp Đệ Lục trường Cường Để, chị ba tôi học lớp ba trường nữ Ấu Triệu, còn tôi chưa được đến trường, việc học hành có anh hai tôi kèm dạy. Sau giờ học qua loa, tôi rong chơi với đám trẻ con hàng xóm suốt ngày.

      Nhà tôi ở thuộc khu tư Qui Nhơn, giáp đầu núi, chỗ có đường xe lửa chạy băng ngang xuôi về bến tàu(gọi là dưới Tấn) để lấy hàng hóa. Đó là một dãy nhà tranh dài chia làm ba căn, căn đầu là mặt tiền đường gia đình bác cảnh sát Thành ở, căn kế thuộc cặp vợ chồng mới cưới, gia đình tôi thuê căn cuối. Niềm vui của tôi là hằng ngày chờ đón đoàn tàu đi qua, tiếng kêu ầm ĩ, để lại khói bay mù mịt.
Vợ chồng bác cảnh sát ở căn đầu người Huế, rất tốt bụng và hiếu khách, thỉnh thoảng ghé qua trò chuyện cùng ba má tôi rất thân mật, đôi khi còn tặng gia đình tôi món bún bò Huế thơm lừng. Đó là lần đầu tiên tôi được ăn bún bò Huế, thơm ngon nhưng cay quá, phải ráng ăn, nhiều lần rồi đâm ra ghiền. Ông bà cảnh sát hiếm muộn chỉ có mỗi một cô con gái nhỏ, kém tôi độ vài ba tuổi tên là Thu Thủy. Chúng tôi chơi thân hồi nào không hay. Chính Thủy là người đầu tiên khơi dậy máu âm nhạc của tôi. Lúc ở quê, tôi chỉ thuộc những bài hát ru em Bình Định,Thủy kiên nhẫn dạy tôi những bài hát tân nhạc thịnh hành thời đó, nào là:
"Người ơi,nước Nam của người Việt Nam..."
"Ngày ngày lo vun tưới cho đồng xanh và chiều chiều ra đứng ngắm bên giòng sông..."
"Ai đi về phía quê tôi làm ơn cho nhắn vài lời nhớ thương..." v..v . 
      Tôi vốn yêu ca hát nên chẳng bao lâu thuộc làu các bài hát Thủy dạy. Bà thầy nhỏ bé khen tôi sáng dạ, có giọng hát tốt nên chúng tôi thường song ca đối đáp lẫn nhau rất ăn ý. Chiều chiều hai anh em rủ nhau lên triền núi hái sim, hái bông trang...Từ sườn núi nhìn xuống, Qui Nhơn thật là nhỏ bé nhưng thơ mộng. Giữa cảnh trời biển núi non bao la, anh em tôi hát say sưa quên ngày giờ.
      Những ngày chơi đùa hồn nhiên rồi cũng đến lúc phải chấm dứt.Tôi và Thủy phải vào trường học. May thay anh em tôi cùng học một trường, trường tiểu học Nguyễn Huệ, tôi vào lớp tư, Thủy vào lớp năm(lớp 2 và lớp 1 bây giờ). 

      Ngày tựu trường chúng tôi không có người thân đưa rước như các trẻ khác. Thủy là dân ở tỉnh rành rọt đường sá, bạo dạn nơi đông người, còn tôi lúc ở quê quen thói tự lập nên hai anh em dắt nhau đến trường học không có gì phải khó khăn. Vừa đi Thủy vừa bắt giọng một bài ca học lóm ở đâu đó:
"Tan học rồi,là tan học rồi!Nghiêm trang đứng lên tưng bừng hát ca.Xếp hàng đều và ca lừng trời,hân hoan đứng lên chia tay ra về..."
Đang hát chợt tôi thấy có cái gì đó không ổn,ngừng lại bảo cô bạn nhỏ:
- Này, sao chưa vào học mà mình lại hát bài tan học rồi?
Thủy ngẩn người ra:
- Em đâu biết bài hát nào khác về trường học ngoài bài này. Ờ, mà em thích tan học hơn là vào học. Hì hì...
      Buổi học đầu tiên bắt đầu chưa được 15 phút thì tôi đã lãnh hai roi vào mông và đích thân thầy giáo điệu tôi xuống lớp năm, lý do là tôi không biết đề thứ ngày tháng năm trước khi viết bài học (?!) Cái này hoàn toàn do lỗi của ông anh tôi, khi dạy kèm thằng em, chưa bao giờ anh tôi chỉ dẫn đề thứ ngày tháng năm! Còn thầy giáo đầu đời của tôi, thay vì chỉ cần vài phút hướng dẫn cho học trò mới, lại thẳng tay cho nó tụt lớp một cách không thương tiếc. Tôi vừa buồn rầu vừa xấu hổ, ngồi vào ghế của lớp năm, liếc mắt sang dãy bàn nữ bắt gặp ánh mắt mở to thoáng chút ngạc nhiên của Thủy, tôi bối rối...Sau giờ học Thủy đón tôi ngay cửa
lớp:
-Anh,sao vậy?
Tôi cố làm ra như không có chuyện gì:
-Anh làm vậy để được học chung lớp với em đấy thôi!
Thủy lắc đầu tỏ vẻ không tin nhưng lại cười ngay;
-Ờ,mà anh em học chung lớp càng vui chứ sao!

      Tuổi nhỏ buồn mau mà cũng vui mau. Chúng tôi tiếp tục nhảy nhót và ca hát trên đường về.
Thấm thoát tựu trường đã hơn một tháng...Sáng hôm đó chúng tôi đang lắng nghe cô giáo dạy tập làm văn thì cửa lớp sịch mở, thầy hiệu trưởng dẫn vào một học trò mới. Đó là một cô bé trạc bằng tuổi Thủy,mặc áo đầm trắng muốt, chân cũng mang giày trắng làm đám học trò nữ rì rầm xít xoa. Đặc biệt là đầu tóc uốn quăn tít (hồi đó gọi là phi-dê, chỉ có nhà giàu mới theo mốt này), trên tóc cài một cái nơ hình con bướm cũng màu trắng. Đôi mắt cô bé to, trong sáng tự tin, miệng có vẻ cười, môi hơi trễ xuống thoạt trông có vẻ kiêu ngạo nhưng nhìn kỹ thì thấy dễ có cảm tình. Cô giáo giới thiệu bạn học mới với cả lớp, chúng tôi chào mừng bằng một tràng pháo tay dài. Cô bạn học mới cười rất tươi và nhún mình chào lại cả lớp một cách điệu nghệ như trong xi nê. Cô giáo xếp bạn mới ngồi bên cạnh Thủy. Sau này mới biết cô bạn mới tên Phương, con một cấp chỉ huy lớn trong quân đội, nhà ở là một dinh thự nguy nga có lính gác, đi về có tài xế đưa rước, tóm lại là con nhà thượng lưu khác xa với chúng tôi. Thủy và Phương làm thân với nhau rất nhanh vì hai cô đều mau mắn và hoạt bát.Từ Thủy tôi quen với Phương cũng mau lẹ tuy nhiên không bao giờ Phương xưng anh em với tôi như Thủy mà chỉ gọi nhau trống không.Tôi nghĩ đó là do thói quen kênh kiệu của con nhà giàu nên cũng chẳng quan tâm.Thời gian sau này, Phương xin phép gia đình được đi học về cùng với anh em tôi không cần xe đưa rước.

      Chẳng bao lâu, hình ảnh chiếc áo đầm trắng và cái đầu tóc quăn của Phương trở nên quen thuộc ở sân trường. Cô bé lúc nào cũng nổi bật giữa đám đông, đám con gái e dè bao nhiêu thì đám con trai lại muốn làm thân bấy nhiêu. Phương đối xử với ai cũng như nhau, cũng tươi cười thân thiện, hoà nhã tốt bụng khiến mọi người đều cảm mến. Tôi cũng không ngoại lệ, thoạt đầu để ý vì tò mò, sau lại thấy mến dần cô bé rồi một ngày câu nói nửa đùa nửa thật của Thủy làm tôi giật mình; " Hình như anh để ý con Phương hơn em đó nghe!" Tôi chối bai bải và cố gắng phân bua với cô em là không đời nào như vậy.
      Hôm đó, Thủy bị bệnh không đi học được, tôi đành đi đến trường một mình. Con đường đến trường cũng như mọi ngày mà sao tôi thấy dài lê thê vì vắng tiếng cười nói chuyện trò của Thủy, điều này sao hôm nay tôi mới nhận ra. Ôi , Thủy cần thiết với tôi đến vậy sao? Tôi bước lên bực thềm trường lòng nặng trĩu, vào lớp ngồi buồn hiu mặc cho mọi người đang chơi đùa vui vẻ vì hãy còn sớm quá chưa tới giờ học. Bỗng một ý nghĩ thoáng qua...A, còn Phương nhà giàu nữa, cô ta đâu rồi, không có Thủy thì có Phương cũng đỡ buồn chứ, có khi còn vui hơn là khác! Nói là làm, tôi quanh một vòng sân trường không có..., vòng lại lần thứ hai cũng không. Sao giờ này cô ta chưa tới, chẳng lẽ lại bệnh như Thủy, làm gì có chuyện xui tận mạng như vậy?! Tìm mãi không thấy Phương, tôi buồn rầu mò ra ngay chỗ đám đông học sinh đang vây quanh người thợ làm kẹo đường đang "bắt" kẹo. Bắt kẹo là công việc thường ngày của người thợ làm kẹo trước cổng trường. Sáng nào cũng vậy, cứ đợi đến lúc học trò tề tựu đông đảo là người thợ bắt đầu công việc của mình. Trước tiên ông ta vắt bột có trộn đường thành một cây dài ấm ấm, mùi thơm phức, kế tiếp là treo một đầu cây đường vào một cái đinh 12 đã đóng sẵn trên cây me tây. Ông ta kéo dài sợi đường ra khoảng một thước rồi lại vắt sợi đường vào đầu cây đinh. Cứ thế, cứ thế, vắt kéo, vắt kéo...sợi đường dẻo dần, từ màu vàng sậm ra màu vàng nhạt rôì trở nên trắng óng như tơ, mùi thơm tỏa ra làm tuị học trò nuốt nước miếng, thò tay vào túi tìm đồng bạc để sẵn, đợi người thợ làm xong là tranh nhau mua trước. Người thợ có thói quen là sau cái vắt cuối cùng thế nào cũng ngắt một thỏi kẹo và thuận tay đưa cho người học trò đứng gần bên. Đây là hành động quảng cáo hiệu quả nhất cho nên lúc nào học trò cũng bu quanh ông ta. Nhiều lần xem người thợ bắt kẹo, tôi đã có kinh nghiệm nên đoán được cái vắt cuối cùng của ông ta là tôi len ngay vào đứng gần cái tay thuận cho kẹo và lúc nào tôi cũng thành công. Riết rồi tụi học trò tưởng tôi và ông thợ kẹo quen nhau nên không muốn tranh giành với tôi nữa. Hôm nay cũng vậy, đến thời điểm quyết định là tôi đã có mặt nhưng hôm nay tổ trác hay sao mà ông ta lại đổi tay nên thỏi kẹo từ thiện thay vì đến tay tôi lại rơi vào tay thằng học trò đứng đối diện.


      Hôm nay xui quá, hết chuyện này đến chuyện khác! Tôi chán nản leo lên thềm trở về lớp học...Bỗng kìa! Cái áo đầm trắng và cái đầu phi dê xuất hiện từ xa. Tự nhiên tôi thấy hồi hộp, cố làm vẻ thản nhiên bước tới...Gần chạm mặt là tôi đã thấy đôi mắt to sáng hơi nhướng lên tỏ ý chào, tay cô bé cầm một thanh kẹo tây đang ăn dở dang. Kẹo tây có khác, trắng tinh khiết, thơm dìu dịu thoang thoảng chớ không thơm gắt như kẹo đường của người thợ trước cổng trường. Tôi hỏi bâng quơ:
-Phương đó hả? Thủy đâu?
Phương nheo mắt:
- Ủa,ở gần nhà Thủy mà sao hỏi vậy?
Tôi càng bối rối:
-Ờ quên...Mà ăn gì vậy?
- Không thấy sao hỏi. Kẹo đó!
Tôi nói như cái máy:
-A,kẹo tây! Cho cắn một miếng được không?
- Không được! Nhưng...mút một cái thì được!
      Cô bé nói xong thì nheo mắt. Tôi thầm nghĩ là cô ta nói chơi chứ đã cho mút rồi thì làm sao mà đòi lại. Tôi đánh bài liều:
- Được rồi,mút...thì mút.
      Cô bé, vẫn đôi mắt tươi sáng, giơ thanh kẹo trước mũi tôi ngỏ ý bằng lòng.Tôi chộp lấy thanh kẹo, rà một đường lưỡi từ trên xuống dưới, lại một đường nữa từ trái sang phải. Thấy cô ta không nói gì, chỉ hơi cười mỉm, tôi yên chí là thanh kẹo đã thuộc về mình, buông hai tiếng cảm ơn và quay gót,bỗng nghe tiếng gọi giật lại:
-Này,trả lại đi !
-Cái gi?
- Kẹo đó! Bảo mút một cái sao lấy luôn?
Tôi giả mù giả mưa:
-Tưởng cho luôn...Thôi trả lại đây nè!
      Tôi giơ thanh kẹo qua phía cô bé, vẫn không nghĩ là bị lấy lại. Cô bé nhanh nhẹn rút lấy thanh kẹo trong tay tôi, thuận tay cho vào miệng mút một cái thật sâu, xong nhoẻn miệng cười:
-Con trai nói phải giữ lời,nghe không?
Lại nheo con mắt trước khi quay gót.Tôi ngẩn ngơ nhìn theo tiếc rẻ, không biết vì kẹo hay thứ gì khác...

      Niên học qua nhanh hơn là tôi tưởng. Hè đến đáng lẽ vui mừng như bao trẻ khác tôi lại buồn buồn. Tôi và Thủy lại có dịp leo núi hái sim, hái bông trang nhưng những lúc ca hát với Thủy tiếng hát tôi không còn thanh thoát hồn nhiên mà lại thoáng vẻ nghẹn ngào. Ba tháng hè bỗng dưng dài lê thê! Nhiều lần tôi rủ Thủy cùng đến nhà Phương chơi nhưng cứ mỗi lần đến nơi thấy vẻ nguy nga tráng lệ của ngôi biệt thự với lính gác túc trực ngày đêm chúng tôi ngại ngùng lảng xa.
      Rồi cuối cùng những ngày đợi chờ cũng qua, niên học mới đến cho tôi niềm hứng khởi nôn nao. Tôi và Thủy diện bộ bồ mới tinh, đến trường sớm hơn mọi khi, lần này bước chân chúng tôi tự tin hơn, tâm hồn nao nức hơn, tiếng hát bay bổng hơn. Học sinh đã vào ngồi gần kín lớp học mà sao chẳng thấy cái áo đầm trắng tinh và mái tóc quăn tít mù của Phương đâu. Cô giáo mới đã kiểm danh học sinh, cho chép thời khóa biểu rồi mà vẫn chưa thấy bạn chúng tôi tới.Tôi nhìn Thủy, Thủy lại nhìn tôi...sự chờ đợi đã biến thành lo âu. Một người nào đó bỗng vào lớp thì thầm cùng cô giáo hồi lâu, đưa cho cô vật gì đó rồi đi ra. Mắt tôi chỉ nhìn một hướng là cổng trường, chắc nhìn lâu cay mắt đó thôi chớ tôi đâu có muốn khóc!


      Trống trường báo tan học, tôi đứng dậy như cái máy, không hát theo lớp học, thơ thẩn đi ra cửa...Một bàn tay đặt sau vai,tôi quay ngoắt lại,ồ không chỉ có Thủy mà thôi!Đôi mắt Thủy rươm rướm;
-Anh ơi,Phương không còn học với chúng ta nữa! Ba của Phương được lệnh đổi đi chỗ khác.
Tôi hốt hoảng:
-Sao em biết?
- Cô giáo vừa nói với em.Phương có gởi quà cho anh và em, cô giáo chuyển lại đây nè!
Nói xong Thủy chìa ra hai gói bọc giấy hoa, một cho Thủy, một cho tôi. Tôi ngây người ra mặc Thủy làm gì thì làm. Quà của Thủy là cái nơ màu trắng hình con bướm mà Phương vẫn thường cài lên tóc.Tôi thấy nghẹn ở họng. Thủy thì reo lên:
-A, con nhỏ Phương điệu thật, biết em ao ước cái kẹp này từ lâu nên...
Đang hào hứng nói, thấy mặt mũi của tôi chắc khó coi nên Thủy ngừng lại...
-Nào,để em xem quà của anh.
Thủy nhanh nhẹn mở gói quà của tôi. Sau lớp giấy hoa, một hộp kẹo tây sáng bóng, thứ kẹo mà cô bạn tôi thường ăn và tôi cũng có lần được thưởng thức dẫu không trọn vẹn.
Tôi trao hộp kẹo cho Thủy giữ và bước đi không nói một lời nào...Hồi lâu Thủy len lén nhìn tôi:
-Bộ Phương đi anh buồn hả?
-Đâu có,chỉ thấy thiếu thiếu...,chắc là...tại cái đầu phi-dê...
Thủy cười:
-Bộ anh thích tóc phi-dê lắm hả?
-.................
Thủy nghiêng đầu về phía tôi;
-Tóc em không đẹp à?
Tôi nhìn Thủy. Cô bé vừa cài ngay trên tóc cái nơ của bạn mình cho; cái nơ trắng tinh nổi bật trên mái tóc đen dài của cô bé chưa bao giờ biết làm dáng trông ngộ nghĩnh dễ thương.
Tôi cười xòa vỗ đầu cô bé:
-Đẹp lắm! Không tóc ai đẹp bằng tóc em đâu.
Cô bé tin ngay lời tôi nói,cười hồn nhiên và cất tiếng hát vang:
"Tan học về là tan học về...
................................
Đi đi đi trên đường ta đi ta hát,
Ta hân hoan không còn phí phạm thời giờ..
Ta hiên ngang không còn phải lo dốt nát,
Đẹp thay những ngày còn ấu thơ..."

      Tự dưng bao buồn phiền trong tôi tan biến nhanh chóng. Tôi bước theo cô bé, cố tình dẫm bước chân của mình lên chỗ bước chân của Thủy đi qua. Tôi lẩm bẩm : " May mà còn có em..."
" May mà có em,đời còn dễ thương..."
      Gần hai mươi năm sau, câu hát trong một bài nhạc quen thuộc đã diễn tả đúng tâm trạng của tôi lúc đó; cái thuở mà tôi chưa có đủ trí tuệ và ngôn từ để nói lên lòng mình.

Nguyễn Ngọc Tân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét