Xấu cả vành môi cả nụ cười
Tình cờ đọc lại những vần thơ này của nữ thi sĩ Lệ Khánh, lòng tôi không khỏi bồi hồi. Ngày xưa, tôi và Lệ Khánh có chung một hoàn cảnh và vì vậy mà tập thơ của nàng là quyển sách gối đầu giường của tôi...
Dĩ nhiên là tôi không xấu đến nỗi ma chê quỷ hờn, nhưng khổ nỗi trên gương mặt tròn xoe như cái bánh bao của tôi không có điểm nào xem cho ra hồn cả! Da tôi ngăm đen, cặp mắt mí lót hơi nhỏ, hàm răng hơi vô trật tự, chiếc mũi tuy không thuộc loại cà chua nhưng hơi gẫy và cuối cùng là tôi còn hơi thiếu thước tấc... Dù chỉ là hơi thôi, nhưng tất cả những cái “hơi” này hợp lại thì thật là tai hại vô cùng! Tôi luôn luôn là một cái bóng mờ, một người vô hình bên cạnh những đứa bạn xinh đẹp, từ thuở thơ dại cho đến ngày khôn lớn. Mặc cảm tự ti khiến tôi trở nên nhút nhát kinh khủng. Tôi lại không có tài ăn nói. Nghĩ sao là nói ra tuồn tuột như vậy, nên hay làm mất lòng người chung quanh. Nỗi buồn trong tôi càng ngày càng lớn theo thời gian. Tôi oán ông Trời, oán ba mẹ tôi...
Ngay từ lúc chỉ là một con bé vô tư lự, tôi chỉ thích chạy theo chơi với lũ con trai con của cậu tôi. Tụi tôi bày trò đánh giặc, trèo cây. Chán lại nhảy xuống sông lội đùng đùng cả buổi. Da tôi đen như cục than Cần Đước. Mái tóc cắt bum bê phơi nắng cả ngày nên vàng hoe như râu bắp. Riêng mấy chiếc răng cửa được các anh chị ưu ái kêu là mấy tấm thớt!
Chẳng bù với con Thúy, con Mai con cô Năm tôi. Đứa nào cũng da trắng tóc dài, quần áo sạch sẽ thơm tho. Tụi nó chỉ thích chơi cất nhà chòi, nấu nướng với lũ con gái hàng xóm. Tôi có muốn nhập bọn cũng bị mấy con nhỏ đỏng đảnh này chun chun chiếc mũi xinh xắn, chê tôi khét nắng không cho chơi chung! Thỉnh thoảng mấy bác tôi ở Sài Gòn về chơi, con Thúy là đứa được nhiều quà nhất. Ai cũng nựng nịu, hôn hít và khen nó xinh. Tôi chỉ dám đứng đàng xa, nhìn cảnh đó với tất cả sự thèm muốn. Ngay cả trong trường, tuy rằng tôi học không thua con Thúy, nhưng đứa được cô giáo cưng nhất vẫn là nó. Ngày nào con Mai và nó cũng được cô giáo giao nhiệm vụ ôm chồng vở cho cô về nhà. Tôi nhớ có lần cô cho nó tấm cạt có in hình con mèo lông xù trắng như bông đang giỡn với một cuộn len màu hồng. Con Thúy đem khoe ầm cả lớp và mặt thì cứ vác hất lên trời. Lòng ghen tức bị đè nén từ lâu được dịp bùng nổ. Giờ ra chơi, nhân lúc con nhỏ mê mãi ngắm tấm hình, tôi cầm chiếc kéo nhỏ cắt thủ công, len lén đến sau lưng, lẹ tay cắt phăng một mảng tóc. Sửng sốt vài giây, cô nàng mới ré lên khóc bù lu bù loa. Trả được mối hận lòng, nhưng hậu quả cũng thê thảm. Chẳng những bị cô giáo phạt quỳ ở trường, mà về nhà còn bị mẹ tôi tặng thêm mấy cú roi mây đau thấu trời xanh!
Mẹ bận buôn bán suốt ngày nên ít có thì giờ dòm ngó đến tôi. May mà nhà bà ngoại ở ngay bên cạnh (mẹ ngày xưa là “cô láng giềng” của ba tôi). Lúc tôi được đầy năm thì mẹ đã gửi cho bà để trở ra chợ buôn bán. Chắc vì vậy mà trong đám cháu, bà thương tôi nhất. Có món gì ngon bà cũng để dành cho tôi. Đi học hay đi chơi về là tôi qua thẳng nhà bà. Những hôm thấy tôi mồ hôi mồ kê nhễ nhại, bà vừa lau mặt mũi cho tôi vừa mắng mỏ:
- Con gái gì mà y như thằng con trai. Tối ngày chạy nhong nhong ngoài đường. Coi nè, đầu cổ tóc tai khét nghẹt mùi nắng! Cái ngữ này mai mốt lớn lên ai mà dám rước! Rồi lại ở giá như con Tâm con chú ba Lầu...
Tôi ôm bà, cười toe toét:
- Lớn lên cháu ở với bà. Cháu không thèm lấy chồng đâu.
Bà cười, mắt hấp háy:
- Cám ơn cô. Tôi lột da sống đời với cô chắc!
Tôi thường xách nước phụ bà tôi tưới vườn rau. Ngoại tôi trồng đử thứ. Quanh năm nhà tôi không mấy khi phải mua rau ngoài chợ, vì vườn ngoại tôi có đủ cả. Nấu nồi canh chua thì đã có sẵn bạc hà, ngò gai, cà chua. Bún bi‘, bún nem đã có tía tô, dấp cá, húng lủi, rau chua... Còn rau muống thì ôi thôi là khủng khiếp! Bà tôi siêng tưới, chăm bón đến nỗi đám rau muống cứ lớn lên phơi phới. Rồi thì rau muống có mặt đều đều trong mỗi bữa cơm: Rau muống luộc chấm tương, rau muống xào, rau muống nấu canh thịt, rau muống chẻ trộn dầu giấm... tóm lại là rau muống bảy món. Có nhiều bữa thấy tụi tôi có vẻ né dĩa rau muống, ngoại tôi phải cổ võ:
- Ăn đi các cháu. Rau muống bổ lắm.
Tụi tôi nhìn nhau cười cười, nhưng thằng Cường nhăn nhó:
- Bà ơi, tụi cháu biết là bổ, nhưng ngày nào cũng rau muống ngán quá hà!
Ngoại tôi lên lớp:
- Tụi bây cứ được voi đòi tiên. Nhà nghèo cầu có rau muống mà ăn!
Sau cùng tụi tôi phải ráng thanh toán dĩa rau muống cho ngoại tôi vui lòng. Nhưng món tụi tôi thích nhất vẫn là bánh xèo. Trong bột bà trộn nước cốt dừa, ngoài thịt ba chỉ xắt mỏng, vài con tép cắt đầu cắt đuôi, bà còn rải thêm một lớp đậu xanh hấp chín nên cái bánh vừa giòn rụm vừa bùi, vừa béo và thơm phưng phức. Cải xanh non mơn mởn nhổ từ vườn vào cùng với đủ thứ rau thơm. Cuốn bánh xèo chấm vào chén nước mắm tỏi ớt, trộn cà rốt xắt chỉ ngâm giấm và củ kiệu thì ngon không thể tả được!
Ngoại tôi sung sướng khi nhìn thấy đám con cháu thưởng thức tận tình những món ăn do bà nấu nướng. Món bánh canh giò heo của ngoại tôi cũng ngon bất hủ. Bánh bà tự làm lấy vừa dẻo vừa trong vắt. Những khoanh giò heo hầm thật khéo, vừa vặn mềm và giòn. Ngoại không thích đi ăn tiệm. Bà nói tiệm ăn họ làm nhiều dầu mỡ lại kém vệ sinh dễ sanh bịnh. Mà thật, mỗi lần đi ăn phố Tàu là mẹ lại kêu đau bụng! Bà được dịp tố khổ mấy nhà hàng tàu là tổ sư xài bột ngọt!
... Đến năm tôi được mười hai tuổi thì ba tôi bị thuyên chuyển lên một tỉnh lỵ miền cao nguyên Trung phần. Năm này tôi vào lớp Đệ Thất. Có lẽ muốn cho tôi “hiền như ma sơ” nên mẹ xin cho tôi vào trường mấy bà sờ, rặt nữ sinh. Phải tròng lên mình chiếc áo dái trắng lượt thượt là một cực hình cho con nhỏ quen leo trèo, nhảy nhót như tôi. Mỗi lần chơi nhảy dây, nhảy lò cò là tôi cột phăng hai vạt áo dài vào nhau cho khỏi vướng, nên áo tôi không rách cùi cũng tét hông, sứt gấu! Mẹ thường nhìn tôi với cặp mắt ngao ngán. Rầy hoài cũng mỏi miệng, bà đành phó mặc, hy vọng thời gian sẽ đem lại cho tôi ít nhiều thay đổi tươi sáng hơn chăng?
Những năm Đệ Thất, Đệ Lục tôi học rất thường, vì nghĩ tới nhảy lò cò, nhảy dây, đánh chuyền hơn là bài vỡ. Giáo sư, bạn bè cũng chẳng ai để ý gì đến tôi, bởi lẽ tôi chẳng có gì để lôi kéo sự chú ý của họ. Tôi cứ tà tà lên xuống chút đỉnh khoảng từ hạng mười lăm tới hai mươi trên bốn mươi nữ sinh. Nhưng đến năm Đệ Ngũ thì đúng là kỳ tích xuất hiện! Sơ Francois từ nhà giòng chính đổi lên dạy học. Sơ dạy sử địa, công dân và vẽ. Bà độ hăm hai, hăm ba gì đó, người dong dỏng cao, nước da bánh mật mịn màng như nhung, cặp mắt bồ câu, sống mũi dọc dừa, cặp môi đỏ tươi như thoa son lúc nào cũng cười để lộ hàm răng ngà thẳng tắp. Chẳng những lớp Đệ Ngũ của tôi mà cả lũ nhóc các lớp Đệ Lục, Đệ Thất cũng bị Sơ hớp hồn! Ngay cả khi biết mình vô lầm lớp Đệ Tứ, bà đỏ mặt, lật đật đứng lên đi ra, nhiều tiếng gọi với theo đầy tiếc rẻ: Ma sơ...ma sơ đừng đi...Có lẽ trong lịch sử của tuổi học trò, chưa từng có giáo sư nào bị học trò thương “hội đồng” như sơ Francois! Vì bà mà tôi tụng sử địa, công dân như cháo chảy. Trả bài lúc nào cũng được 18/20. Tôi thấy học cũng không có gì là khó nếu biết cố gắng. Tôi từ từ tiến lên danh sách năm đứa đứng đầu lớp. Mẹ tôi hài lòng ra mặt khi thấy cô con gái chẳng những học khá lên mà quần áo, tóc tai bây giờ cũng sạch sẽ gọn ghẽ hẳn ra. Tuy vậy tôi vẫn là con bé lọ lem khi đứng cạnh những người đẹp trong lớp. Con Mỹ Linh xí xọn trước khi đi học đã biết lén mẹ xoa một lượt phấn nụ lên mặt. Diện áo dài nhấn eo và đánh tóc rối, xịt keo cứng ngắt. Con Bích Ngọc đâu chịu kém với mái tóc uốn dợn sóng xõa ngang lưng. Má lúm đồng tiền và cặp mắt lá răm có đuôi. Ông trời còn phú cho nó một giọng ca ngọt ngào truyền cảm. Năm nào cô nàng cũng lượm giải nhứt đơn ca nữ do Ty Thông Tin tổ chức. Con bé Cẩm Yến còn lộng lẫy hơn, tiệm hình nào cũng chưng ảnh của nó. Con bé này có lối nói chuyện duyên dáng đặc biệt. Mỗi lần nghe nó kể chuyện là mặt tôi cứ nghệt ra! Trong lớp, tôi có cảm tình nhất với con Ái Châu. Con nhỏ này vừa xinh lại học giỏi. Thường thường là đứng đầu lớp. Nó còn là cục cưng của hầu hết các Sơ, từ bà Nhất cho đến sơ hiệu trưởng. Tuy vậy Ái Châu đối với bạn bè thật dễ thương, nhã nhặn, không vênh váo như con Thúy con cô năm tôi ngày xưa. Ngay bây giờ, nhớ lại nét mặt hãi hùng và giọng la thất thanh của nó khi bị tôi cắt mất một mảng tóc, là tôi không nín cười được. Thiệt là uống thuốc liều!
Có đà rồi, qua năm Đệ Tứ tôi vẫn học rất khá. Tất nhiên là cũng được vài đứa bạn tìm cách làm thân. Như con Thu, có biệt danh là người đẹp Phù Tang, bàn tay tháp bút của nó đẹp trứ danh. Nhà còn có vườn rộng trồng đủ thứ trái cây bên Phương Hòa. Thỉnh thoảng nhỏ đem cho tôi khi thì chùm nhãn ngọt ngào, khi thì một miếng mít nghệ thơm như... mít, lúc lại một trái mãng cầu chín mọng. Không phải nó thương yêu đặc biệt gì tôi, nhưng có qua thì phải có lại, khi con bé bí toán, lý hóa thì tôi có bổn phận phải cho nó sao y bổn chánh, nếu không nhỏ sẽ lãnh một cái trứng vịt tròn vo của sơ Madeleine thân tặng. Bà này nghiêm số một, đừng có mà giỡn mặt.
Năm này lớp tôi có thêm chị học trò mới. Bố chị là sĩ quan, gia đình trước đó ở Ban Mê Thuột. Bị bịnh một thời gian nên tuy học cùng lớp mà Lệ Phương lớn hơn tôi hai tuổi. Chị học rất giỏi và đẹp não nùng. Dáng người gầy gầy thật hợp với mái tóc mây đen huyền xõa ngang vai. Đôi mắt nâu to lúc nào cũng mơ màng. Nụ cười của chị thật quyến rũ với chiếc răng khểnh duyên dáng. Đã vậy chị còn làm thơ hay tuyệt cú mèo. Tôi âm thầm ngưỡng mộ chị, chỉ âm thầm thôi vì chung quanh chị còn có cả đám “em tinh thần” bao vây! Nhưng chị thân nhất với Ái Châu. Những tâm hồn đồng điệu dễ cảm thông, con nhỏ Ái Châu cũng làm thơ, viết văn lai rai. Tuy không hay như Lệ Phương, nhưng nhiều bài cũng khiến tụi nhóc chúng tôi phục sát đất. Cỡ tuổi này đang mộng mơ, than mây khóc gió, tuổi của những cuốn lưu bút ngày xanh và sưu tầm thơ Xuân Diệu, Huy Cận v...v... chép đầy vào những trang vỡ bìa màu xanh, màu tím! Thơ chị Lệ Phương phảng phất thơ Hàn Mặc Tử. Nhà thơ bạc mệnh này là thần tượng của chị. Biết Lệ Phương thích hồng bạch, mỗi lần cây hồng bạch, rất cưng của mẹ tôi, trổ nụ hàm tiếu là tôi lén cắt rồi gói trong giấy cẩn thận, sáng đến trường thật sớm, mắt trước mắt sau len lén để đóa hồng vào hộc bàn của Lệ Phương. Chỉ cần thấy nét ngạc nhiên đầy thích thú của chị khi khám phá ra đóa hồng, cái cung cách đưa lên mũi hít một hơi dài, cặp mắt lim dim như đang tận hưởng cái mùi thơm tinh khiết của đóa hoa quý kia, cũng đủ cho tôi vui vẻ cả ngày. Nhưng khi chị hỏi của ai thì tôi cũng làm ra vẻ ngơ ngác như những đứa khác. Cho đến một hôm tôi bị con Thanh Trúc bắt gặp. Bị cả lớp chọc ghẹo, tôi mắc cỡ thiếu điều độn thổ, nhưng chị Lệ Phương nắm tay tôi, nói, giọng đầy cảm động:
- Trời ơi, vậy mà cứ giữ bí mật mãi! Cám ơn Ngân thật nhiều. Lần sau cứ đưa thẳng cho Phương nha. Hồng nhà Ngân đẹp quá.
Tôi ngượng ngịu gật đầu. Và từ đó Lệ Phương đối với tôi thân mật hơn trước. Thỉnh thoảng ngày nghỉ chị rủ Ái Châu và tôi lại nhà chị chơi. Tụi tôi được chị cho ăn những trái hồng quân ngọt lịm, những trái mít non chấm muối ớt, cả bọn vừa ăn vừa hít hà. Ôi, những ngày xưa thân ái!
Cuối năm đó tụi tôi đều thi đậu trung học đệ nhứt cấp. Trường Sơ hết lớp nên tụi tôi phải chuyển ra trường Công. Thanh, Mỹ Linh, Ái Châu Ngọc và tôi. Tụi tôi nhát lắm vì chưa từng học chung với con trai. Nói gì cũng chỉ dám thì thầm với nhau. Nhưng khổ nỗi càng nhát tụi tôi càng bị chọc dữ. Như cái hôm nhỏ Mỹ Linh đi học trễ (con bé này đáng được đời tôn vinh là Nữ Hoàng Trễ Hẹn. Lúc nào tụi tôi cũng phải nói với cô ả sớm hơn độ một tiếng đồng hồ khi cả đám có cuộc hẹn hò ở đâu đó!), xui xẻo là phải đi ngang qua hai dãy bàn nam sinh mới đến chỗ ngồi. Mọi người đang im lặng nghe thầy giảng bài, bỗng mọi ánh mắt đồng loạt hướng ra cửa khi nghe tiếng guốc lóc cóc của con nhỏ này và một giọng nói ồm ồm từ cuối lớp vang lên:
- Quân ơi, má mầy tới! (anh chàng tên Quân này đang tán nhỏ Mỹ Linh sát sàn sạt).
Đám con trai cười ầm lên, thầy Trung phải suỵt suỵt mấy tiếng mới chịu im. Nhỏ Mỹ Linh mắc cỡ đến phát khóc!
Cái trường công lập kỳ cục này chỉ rặt có nam giáo sư. Riêng lớp tôi có năm thầy. Đặc biệt nhất là thầy Trung. Thầy không đẹp trai. Dáng người trung bình, gương mặt xương xương đầy góc cạnh. Nhưng trên khuôn mặt đó lóng lánh một cặp mắt đen huyền thật linh động. Nó khiến cho gương mặt thầy trở nên quyến rũ lạ lùng. Tụi con gái tặng thầy danh hiệu “Trung mắt nhung”. Với giọng trầm ấm, thầy giảng bài ngắn, gọn và dễ hiểu. Và than ôi, một lần nữa con tim non nớt của tôi lại bắt đầu thổn thức! Như nhà thơ Xuân Diệu đã từng viết:
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu...!
Tôi không biết đó có phải là tình yêu hay không, nhưng đến giờ của thầy là tôi thấy hồi hộp. Tôi say mê nghe thầy giảng. Mắt không rời khuôn mặt thầy để đôi khi tim đau nhói vì thấy ánh mắt thầy thường hay đậu lại trên khuôn mặt khả ái của con nhỏ Ái Châu. Có lần làm như vô tình nói với nó:
- Nè Châu, tao nhận thấy thầy Trung có cảm tình đặc biệt với mi.
Con nhỏ trả lời tỉnh queo:
- Vớ vẩn! Tao có thấy gì lạ đâu?
Trời! Một là con nhỏ này lúc nào cũng ở trên mây, hai là trái tim nó bằng thép! Sau này tôi mới biết nó có mộng đi du học, nên bao nhiêu sức lực nó chỉ dành để gạo bài hầu giựt cho được mảnh bằng tú tài. Yêu đương đối với nó chỉ là chuyện vớ vẩn! Tôi không nén được tiếng thở dài. Ông trời hà tiện gì mà không ban cho tôi được một phần sức quyến rũ của con nhỏ Ái Châu? Trong lớp này thôi, chắc cũng có tới cả chục trái tim thổn thức vì nó. Không kể cái đám mày râu lượn qua lượn lại trước nhà hàng ngày, Ái Châu còn nhận được thơ tình hàng tá. Xanh, hồng, vàng, tím đủ cả. Tất nhiên là chẳng có chàng nào may mắn nhận được hồi âm, dù là một hai dòng ngắn ngủi! Tụi tôi cùng nhau thưởng thức những áng văn chương tuyệt tác này, rồi cùng nhau “bình loạn” với những tràng cười nghiêng ngửa. Riêng tôi tuy cũng cười đùa với tụi nó, nhưng trong lòng buồn lắm! Ai đó nói thật là hay: Cười là tiếng khóc khô không lệ! Biết bao lần tôi đã âm thầm nuốt vào lòng những dòng lệ khô cực kỳ cay đắng này! Mối tình câm với thầy Trung vẫn da diết trong tôi, nhưng thay vì ghen tức với Ái Châu, tôi lại thật tình khâm phục nó và để quên đi mối “hận tình”, tôi cắm cuối học như điên. Kết quả là cả Ái Châu và tôi đều thi đậu. Nhỏ xin đi du học Canada theo chương trình Colombo và tôi được ba mẹ cho về Sài Gòn học tiếp.
Không có bà con ngay trong thành phố, nên tôi ở ký túc xá Regina Pacis đường Tú Xương và ghi tên học Văn Khoa. Tôi muốn trở thành giáo sư Việt văn. Vào đây, giữa một rừng mỹ nhân từ khắp các miền đổ về, tôi có cảm tưởng mình là một cô mán rừng! Chị Mai Thu gái Cần Thơ, có bộ ngực chỉ kém Brigitte Bardo chút đỉnh. Cô đầm lai Alice, với bộ giò trường túc và dáng đi nhún nhẩy khiến phái nam nhìn rớt con mắt. Hai nhân vật này khoái lén đi bùm. Có lần vừa rón rén trở vào là đụng ngay soeur Aimée đang đứng chờ sẵn để chào mừng (chắc ai cũng đoán được đoạn kết!...) Có một gia đình gồm bốn chị em cũng từ một tỉnh miền cao nguyên về trọ học. Tôi không thể nào hiểu tại sao bà cụ lại có thể sanh một lèo bốn cô con gái dung mạo khác hẳn nhau, nhưng có thể nói họ đúng là bốn cô tố nữ, mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười. Chị lớn Mai Loan có làn da trắng như tuyết, cặp mắt bồ câu đen láy, bàn tay búp măng tuyệt đẹp. Cô em kế Thanh Loan, mình hạc xương mai, cao hơn chị cả một cái đầu. Cặp mắt cũng đẹp, nhưng không tròn và đen như bà chị. Tôi chưa từng gặp một cô gái nào nói năng dịu dàng, nhỏ nhẹ hơn Thanh Loan. Tới cô em kế nữa là Tuyết Loan, cũng trắng trẻo như hai chị, nhưng cặp mắt mí lót đầy vẻ huyền bí. Cuối cùng cô em út Vân Loan thì cặp mắt chỉ có một mí, nhưng nụ cười tươi tắn và tính tình liến thoắng khiến ai cũng yêu mến. Có lẽ vì cùng có họ xa gần với sơn nữ Phà Ca nên tôi cũng được bốn chị em nhà này dành cho rất nhiều ưu ái... Ngang phòng tôi là phòng chị Kim. Kim có cặp mắt nâu to tròn và cái miệng móm duyên rất dễ thương. Gia đình chị ở Mỹ Tho rất giàu. Giá tiền một cái áo chị mặc cũng ngang với tiền mẹ cho tôi tiêu hàng tháng. Chị Kim có lần tâm sự:
- Kim mà đậu tú tài như Ngân là Kim lấy chồng liền. Học hoài mau già lắm!
Sự thật thì Kim khoái bát phố lựa vải vóc, son phấn hơn là chúi đầu vô sách vở, nên chị giậm chân ở lớp Đệ Nhị ba năm liền. Thỉnh thoảng tôi được chị rủ về nhà chơi cuối tuần. Má chị nấu ăn tuyệt cú mèo! Thấy tôi mặc cảm xấu xí, chị Kim nói;
- Tại Ngân cứ nghĩ vậy, chớ trời sanh ra đàn bà, không người nào xấu cả. Tại mình không biết cách làm tăng cái ưu điểm của mình mà thôi. Ngân thấy không, con nhỏ Mai Thu cả gương mặt có gì đặc sắc đâu, nhưng nó biết cách khai thác thân hình bốc lửa của mình, vậy là a lê hấp, các ông nhìn nó cứ là... nhỏ dãi!
Tôi nghe lời chị bỏ mái tóc dài, cắt ngắn đến vai, phía trước thả vài lọn lòa xòa. Đôi mắt kẻ một lằn chì đen cho có vẻ to ra và mơ màng hơn. Quần áo cũng chọn những màu hợp với nước da bánh mật của tôi. Đi chơi tôi còn biết xoa một chút phấn hồng lên má, một chút son màu nhạt lên môi. Mỗi lần gội đầu tôi không quên tráng một lần nước chanh tươi cho tóc óng mềm. Nhìn vào gương, tôi thấy mình khác xa con bé lo lem của những năm về trước.
... Mưa Sài Gòn chợt đến chợt đi... Buổi sáng vội vàng tôi quên không mang dù theo. Trưa ở lại thư viện học bài nên tôi không biết trời đẹp hay xấu. Buổi chiều, ra khỏi thư viện, vừa đi được một quãng ngắn là cơn mưa ập tới. Lính quýnh, tôi đưa cặp lên che đầu, băng qua bên kia đường núp vào hiên của một cửa tiệm. Vậy mà cũng bị ướt nhẹp! Cơn mưa càng lúc càng lớn nên có thêm vài người chạy vào núp chung. Sát bên tôi là một anh chàng trên đầu trùm chiếc áo mưa. Tôi ôm cặp sát vào ngực, mắt nhìn trời lo lắng. Áo ướt khiến tôi lạnh run mỗi khi có cơn gió tạt nước mưa vào chỗ chúng tôi núp. Chợt anh chàng bên cạnh cúi xuống nói khẽ vào tai tôi:
- Chết chưa, áo cô ướt hết rồi. Lấy áo mưa của tôi trùm lên người cho đỡ lạnh. Không khéo bị cảm đó.
Rồi không đợi tôi có đồng ý không, anh ta tự động khoác chiếc áo mưa lên người tôi. Có lẽ do hơi ấm của anh chàng mà tôi thấy mình hết run. Nhưng tôi ngại ngùng cách gì. Phần thì anh ta hoàn toàn xa lạ, sau nữa khi nghe giọng BắcKỳ là tôi «rét». Tụi bạn vẫn kháo nhau con trai Bắc là vua tán gái đó mà! Nhưng cuối cùng tôi cũng lí nhí cám ơn. Có tiếng cười khẽ đáp lại...rồi cả hai im lặng ngó ra đường. Những sợi mưa vẫn mịt mùng đan vào nhau không ngớt. Độ mười lăm phút sau cơn mưa mới chịu dứt hột. Tôi định trả áo thì bị anh chàng ngăn lại:
- Cô cứ mặc về nhà ngày mai trả cho tôi cũng được. Áo cô ướt đi ngoài đường không tiện. Vả lại nhà tôi không còn xa lắm đâu.
Nhìn bộ quần áo toàn tơ màu vàng nhạt của mình đang dán sát vào người, tôi không khỏi đỏ mặt và thầm cám ơn sự tế nhị của anh chàng Bắc Kỳ xa lạ. Tôi hẹn ngày mai gặp chàng ở trường. Anh tên Nhân, năm thứ ba ban Anh Văn.
Trên đường về tôi chợt nhớ đến bài dân ca:
Yêu nhau cởi áo cho nhau,
Về nhà mẹ hỏi...
Ừ, nếu mẹ hỏi thì anh chàng sẽ trả lời ra làm sao há? Không lẽ nói con cho một người con gái lạ hoắc lạ huơ mượn rồi? Mẹ có sẽ tin hay không? Những câu hỏi lẩm cẩm này theo tôi suốt quãng đường về ký túc xá. Tôi không ngăn được nụ cười cứ chực nở trên môi. Lần đầu tiên trong đời mới có người “săn sóc” như vậy, bảo sao tôi không vui?
Rồi từ đó, không hiểu vô tình hay hữu ý mà tôi gặp anh chàng Bắc Kỳ này rất thường trong thư viện. Chúng tôi cũng chỉ thăm hỏi nhau năm ba câu. Có lần tôi đang hí hoáy biên biên chép chép, không để ý đến người vừa kéo ghế ngồi bên cạnh. Đợi lâu không thấy tôi nhìn sang, anh chàng lên tiếng:
- Gớm, Ngân chăm học quá nhỉ. Anh ngồi đây cả buổi mà cũng chả thèm để ý!
Tôi giật mình. Trời đất! Dám tự động cho mình lên chức, xưng anh với người ta. Tuy vậy tôi chỉ cười:
- A! Xin lỗi, tại Ngân bận viết. Với lại đâu biết là anh Nhân.
Nói chuyện năm ba câu rồi Nhân bỗng hỏi thường thường thứ Bảy, Chúa Nhật Ngân có hay đi chơi đâu không. Tôi trả lời thỉnh thoảng theo chị Kim về Mỹ Tho ăn...hủ tiếu. Khi nhiều bài vở thì ở lại ký túc xá gạo, kẻo cuối năm đạp vỏ chuối mắc công khóc. Đi bát phố một mình thì chán thấy mồ. Nhân cười hỏi tôi có dám đi bát phố với chàng hay không. Bảo đảm hai mình sẽ vui lắm. Nghĩ là anh nói giỡn, tôi đùa lại, bảo rằng phải nghĩ kỹ mới dám trả lời. Hơn nữa có gì bảo đảm đi chơi với anh sẽ vui? Nhân nói muốn biết thì phải thử chứ. Tôi hứ một tiếng rồi vội vàng ra hiệu cho anh chàng im. Có những đôi mắt cú vọ đang chiếu về phía hai đứa. Nhân đứng lên. Trước khi đi ra, anh chàng nói Ngân hứa với anh rồi nhé, xong đi thẳng ra cửa không đợi tôi trả lời.
Tôi chống tay vào cằm tư lự. Cảm tình của Nhân dành cho tôi có thật hay không? Tại sao trong trường Văn Khoa có đầy dẫy người đẹp mà chàng lại chọn tôi? Tuy thay đổi nhiều, nhưng mặc cảm xấu xí vẫn không thể hoàn toàn biến mất trong tôi. Những lần về nghỉ hè với gia đình, gặp lại vài đứa bạn cũ, tụi nó khen tôi dạo này xinh ra, khác hẳn lúc xưa. Tôi tự hỏi tụi nó khen thật hay muốn cho tôi vui? Vì vậy thấy Nhân săn đón tôi lại băn khoăn, không hiểu chàng có thật lòng hay không?
... Sáng Chúa Nhật trời thật đẹp. Bầu trời trong xanh, vài cụm mây trắng bay hờ hững. Hàng sứ Thái lan nở rộ khoe sắc thắm trước nhà nguyện. Dãy trúc đào đơm bông trắng, hồng lộng lẫy dưới nắng vàng. Tan lễ sáng cũng đã mười một giờ. Theo giòng người bước ra khỏi thánh đường, đứng ngắm hoa một lúc tôi lại lững thững trở lên dortoir- Nhà nguyện nằm trong khuôn viên trường Regina Pacis. Nhìn cái dortoir trống trơn tôi không nén được tiếng thở dài. Sắp chịu một ngày chúa nhật buồn như chấu cắn nữa đây. Vừa định thay chiếc áo dài thì con bé Thúy Linh, trực phòng khách, chạy đùng đùng lên cầu thang, đến trước phòng tôi kêu chị Ngân xuống phòng khách mau lên. Có người kiếm.
Tôi trợn tròn mắt ngạc nhiên :
- Có người kiếm chị? Đàn ông hay đàn bà?
Con bé cười chúm chiếm :
- Đàn ông. Vừa trẻ vừa đẹp trai nữa nè. Chị xuống mau lên.
Tôi vừa đi vừa nhíu mày. Ai vậy kìa? Hay người nào từ Kontum xuống, mẹ tôi nhắn gởi gì chăng?... Nhưng khi bước vô phòng khách, tôi không khỏi sửng sốt khi thấy anh chàng Nhân đang lù lù đứng đó! Nhìn vẻ ngạc nhiên của tôi Nhân cười:
- Bất ngờ quá hả. Anh đến mời Ngân đi ăn trưa. Chàng nhìn đồng hồ rồi tiếp, bây giờ mười một giờ rưỡi, tụi mình ra Thanh Thế ăn. Sau đó nếu không có gì trở ngại anh mời Ngân đi ciné luôn. Rex đang chiếu phim của Catherine Deneuve hay lắm.
Tôi ngẩn người! Trời đất, cái gì mà đánh mau đánh mạnh quá vầy nè? Chưa biết người ta có chịu đi ăn hay không mà còn thòng thêm cái màn xi la ma. Chưa thấy ai tự tin bằng! Tôi mở miệng định từ chối thì bị chặn ngang:
- Hôm trước trong thư viện Ngân hứa với anh rồi đó.
Tôi lắc đầu chào thua. Vừa tự tin lại vừa bẻm mép. Tuy vậy cũng phải từ chối cho có lệ:
- Ngân không sửa soạn coi luộm thuộm quá...
Mắt anh chàng sáng lên :
- Tưởng gì! Anh thấy như vậy là đẹp rồi. Ngân không cần sửa soạn rườm rà gì cả. Anh chờ Ngân lấy ví rồi tụi mình đi nhé.
Nhìn nét mặt khẩn khoản của Nhân tôi làm sao từ chối được, đành bảo chàng chờ một tí tôi xuống liền. Nói vậy chớ tôi cũng vội vàng thay cái áo dài santung màu ngà điểm những chùm lilas tím nhạt vừa may tuần trước. Xoa tí phấn hồng lên má và một lượt son màu cam lên môi, tôi cầm chiếc ví tay nhỏ trở xuống phòng khách. Nhìn vào mắt Nhân, tôi sung sướng nhận ra mình không đến nỗi tệ!
Nhân đến đón tôi bằng Vespa. Tôi ngượng ngùng ngồi lên phía sau lưng chàng. Trước khi cho xe chạy, Nhân ngoái cổ lại nhìn tôi, cười:
- Cẩn thận nhé. Tốt nhất nên ôm eo ếch anh là an toàn trên xa lộ.
Tôi đỏ mặt nguýt anh chàng một phát và nghĩ thầm “nghèo mà ham”! Nhân cười dòn rồi phóng xe đi.
Món gà quay của nhà hàng Thanh Thế ngon có tiếng, nhưng tôi đâu dám “chiếu cố tận tình” như lúc ăn với mấy nhỏ bạn. Cũng phải ra vẻ nữ thực như miêu chớ bộ. Trong suốt bữa ăn, Nhân kể chuyện làm tôi cười chảy cả nước mắt. Anh chàng có lối kể chuyện thật có duyên. Tôi được biết Nhân có một bà chị đã lập gia đình và hai cô em gái. Tôi hỏi:
- Nhà chỉ có anh là trai, chắc được cưng lắm phải không?
Anh chàng nhăn nhó, ra vẻ đau khổ vô cùng:
- Chết thật, ai cũng tưởng vậy! Có biết đâu những việc được liệt vào loại nặng nhọc trong gia đình là anh lãnh đủ. Nhân liếc tôi một cái thật tình tứ rồi nói bâng quơ, thế có đáng thương không chứ lị!
Có gì mà đáng thương? Đàn ông con trai thì gánh vác việc nặng nhọc là đúng rồi. Nghĩ thì nghĩ vậy thôi chớ tôi chỉ cười không phát biểu gì cả.
Lần đầu đi xi nê với một kẻ không phải phe tóc dài nên tôi ngượng lắm. Tôi ngồi cứng đơ, không dám cục cựa vì sợ chạm vào người Nhân. Mắt nhìn trân trối lên màn ảnh, nhưng thật tình hôm đó tôi không biết Catherine Deneuve diễn cái gì nữa! Trong lòng cứ lo lắng, lỡ mà Nhân cầm tay hoặc nổi hứng hôn tôi thì tôi phải đối phó ra sao? Không lẽ tặng hắn một cái tát tai nẩy lửa, hoặc đứng lên bỏ về? … May quá, lần đó không có gì xảy ra và tôi trở về ký túc xá an toàn! Đêm nằm nghĩ lại tôi thấy đi chơi với Nhân thật vui, vì vậy những lần kế tiếp sau đó tôi không còn phải viện cớ để từ chối. Lại còn oái oăm hơn nữa là một vài tuần không gặp Nhân tôi đâm ra… nhớ! Tuy vậy tôi vẫn giữ một khoảng cách với anh chàng, không bao giờ tỏ ra quá thân mật. Cho đến một hôm Nhân rủ tôi đi ciné. Vừa đến ngã bảy Saigòn, để tránh một người băng qua đường, Nhân thắng gấp. Tôi mất thăng bằng ngã chúi vào lưng chàng và suýt nữa té xuống đường. Bị một phen hú vía! Nhân quay lại nói:
- Thấy nguy hiểm chưa. Anh đã bảo Ngân chịu khó ôm ngang lưng anh. Không nghe lời, bị té anh không chịu trách nhiệm à nghen!
Thôi thì đành chịu khó vậy. Rủi té mang thương tích càng nguy hơn. Nghĩ vậy tôi rụt rè vòng tay ôm ngang bụng Nhân. Chàng cười khẽ, đặt một tay lên tay tôi bóp nhẹ. Kỳ ghê, tự nhiên như có một giòng điện thật ấm áp chạy khắp châu thân. Tôi mắc cỡ nhưng không giựt tay lại, mà giả lơ như…không có gì cả!
Lần này trong rạp hát “hắn” tiến thêm một bước. Choàng tay qua vai tôi, anh chàng cúi xuống thủ thỉ:
- Ngân ơi tự nhiên bữa nay anh thấy vui ghê! (vô duyên chưa. Có gì vui đâu? Trên màn ảnh, Roméo và Juliette đang khóc lóc thảm thiết. Vậy mà Nhân tuyên bố là vui quá. Anh chàng này cái đầu chắc là có vấn đề!)
Tôi liếc anh ta một phát bén ngót ngụ ý trách móc, rồi quay trở lại màn ảnh. Cuốn phim đang hồi gay cấn. Roméo vào nhà mồ, tưởng Juliette chết thiệt chàng ta khóc quá trời. Không cầm được nước mắt, tôi sụt sùi khóc theo. Nhân ôm vai tôi bóp nhè nhẹ tỏ dấu an ủi. Đang xúc động mạnh, tôi ngả đầu vào vai chàng lúc nào không hay. Một lúc sau Nhân cúi xuống thì thầm:
- Tội nghiệp quá. Anh mong là chúng mình không bao giờ gặp hoàn cảnh này!
Như choàng tỉnh một cơn mơ, tôi xấu hổ ngồi thẳng lên và bỗng dưng thắc mắc tại sao Nhân lại nói “chúng mình”? Không lẽ …? Tôi len lén đưa mắt nhìn sang Nhân. Ánh mắt và nụ cười của chàng khiến tôi đỏ mặt, nhưng đồng thời một cảm giác êm dịu, ngọt ngào lâng lâng như sương khói choáng ngợp tâm hồn tôi. Trời đất, không lẽ tôi bị sa chân vào lưới tình? Không đâu, không đâu. Chúng tôi chỉ là bạn thôi mờ!
Xem phim xong, Nhân rủ vào quán kem Mai Hương. Anh chàng đoan chắc kem lạnh sẽ khiến tinh thần tôi dịu xuống, bớt xúc động vì cuốn phim. Ngồi đối diện với Nhân, lần đầu tiên từ hồi quen biết, tôi ngắm kỹ chàng. Nhân không có dáng bạch diện thư sinh. Làn da ngăm khỏe mạnh. Cặp mắt sâu dưới hàng lông mày rậm. Chiếc mũi thẳng, cái miệng tươi, lúc nào cũng sẵn sàng khoe cái núm đồng tiền “ hơi” lõm ở má phải. Tiếng Nhân làm tôi giật mình:
- Quan sát kỹ chưa cô bé? Thấy anh thế nào. Đáng bao nhiêu điểm?
Tôi làm bộ suy nghĩ. Nhân nhìn tôi chăm chăm. Tôi gật gù:
- 18/20 chịu chưa?
Cả hai cùng cười. Nhân hài lòng ra mặt. Bỗng dưng tôi có cảm tưởng nếu không còn được gặp chàng nữa chắc tôi sẽ buồn ghê gớm. Tôi sẽ chết héo chết mòn. Rồi thay vì chất kem lạnh làm tim tôi bớt đập, đàng này nó còn đập mạnh hơn. Tôi e dè đưa mắt ngó quanh, chỉ sợ người ta “nghe thấy!”. Từ giây phút này tôi biết không thể nào thiếu Nhân trong cuộc đời. Tất cả những mối tình câm, những mối tình con, những thầy Trung… phút chốc đã tan thành mây khói. Trong tim tôi bây giờ chỉ có Nhân. Tôi đưa mắt nhìn chàng âu yếm. Nhân hiểu nên đưa tay qua nắm tay tôi để trên bàn siết chặt. Tôi để yên và mĩm cười.
Hè năm đó Nhân theo tôi lên Kontum chơi hai tuần, tiện thể ra mắt gia đình tôi. Anh yêu cái tỉnh lỵ nhỏ bé, hiền hòa này ngay từ phút đầu đặt chân xuống phi trường. Những ngọn núi xanh lam bao quanh thành phố thật hùng vỹ. Dòng sông Dakbla trôi êm đềm giữa hai bờ cát trắng phau. Đứng bên này ngó về hướng thành phố, hàng phượng vỹ dọc bờ sông trổ bông rực rỡ, đỏ như xác pháo ngày cưới (đó là lời ví von của Nhân!).
Ban đầu thấy chàng là dân Bắc Kỳ chính cống, mẹ tôi hơi ngại. Một con bé thiếu nữ tính trầm trọng như tôi mà dám lăm le “nhào dô” trong một gia đình người Bắc, thì chao ôi… bà không dám nghĩ tiếp! Bà nói người Bắc vốn rất tế nhị, ăn nói rào trước đón sau, cái kiểu ăn nói thẳng thừng, huỵch toẹt như tôi thì ba bảy hăm mốt ngày, thế nào cũng có đụng chạm… nháng lửa chớ hổng chơi! Tôi vội vàng kể cho mẹ nghe những lần Nhân đưa tôi đến chơi nhà chàng. Cả nhà, có nghĩa là từ bố mẹ đến chị em Nhân đều đối với tôi thật tốt. Tôi còn được thưởng thức những món bắc ngon tuyệt cú mèo như bún chả, bún thang, chả cá… do mẹ chàng đích thân nấu nướng. Bà thương tôi xa gia đình, mà ăn uống trong ký túc xá thì xin miễn bàn! Vì vậy bà hay làm những món ngon mỗi khi có tôi đến chơi. Coi vậy chớ những câu nói đặc sệt Nam Kỳ, đôi lúc ngớ ngẩn nhưng thật thà của tôi đã từng cống hiến cho họ nhiều trận cười đầy thú vị. Nói cho cùng, tôi cũng “khôn” ra nhiều từ khi sống chung với hơn bốn chục nàng trong ký túc xá Régina Pacis. Tôi học được một chiêu thật lợi hại là ai nói gì mình cũng nhe răng ra cười là xong chuyện, không cần tranh hơn thiệt, vừa tốn sức lao động vừa mua thêm oán thù! Tôi biết chắc Nhân yêu tôi vì tôi. Chàng đã từng nói không thích cái nhan sắc thật hoàn hảo nhưng trơ, lạnh. Cô nhỏ Ngân tuy không phải chim sa cá… rụng (rời), nhưng có duyên ngầm! Nhan sắc có thể phai tàn, nhưng cái duyên thì muôn thuở. Mẹ nhìn tôi ngạc nhiên nhưng có vẻ yên lòng. Chỉ hai tuần thôi mà khi Nhân rời Kontum, ba mẹ tôi tỏ ra rất bịn rịn. Ôi cái anh chàng Bắc Kỳ lém lỉnh của tôi!
Số tôi tiền hung hậu kiết. Sau khi xong cái cử nhân văn chương, tôi và Nhân đồng ca bài Qua Cầu Gió Bay: Yêu nhau cởi áo cho nhau….
Tôi chỉ ước mơ có một mái gia đình, một hạnh phúc thật giản dị, như chuyện cổ tích mà có lẽ ai cũng từng nghe qua:… và họ lấy nhau, sau đó sanh thật nhiều con…!!!
Tiểu Thu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét