Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

Thư Mời Ra Mắt Tập Thơ Hoài Hương Của Đỗ Hữu Tài


Kính mời quí vị 
đến dự buổi sinh hoạt ra mắt tập thơ 

HOÀI HƯƠNG 
của Đỗ Hữu Tài 

Vào lúc 3 giờ 30 chiều Chủ Nhật 
Ngày 12 tháng 10 năm 2014 
Tại phòng hội của:
 Mount Vernon Knights of Columbus 
8952 Richmond Highway 
Alexandria, VA 22309 

      Ngoài phần giới thiệu tập thơ còn có phần văn nghệ đặc biệt do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa từ Canada và 
nhạc sĩ Trần Đắt Mỹ từ California điều khiển cộng với với sự giúp sức của các văn nghệ sĩ trong vùng thủ đô Hoa-thịnh-đốn. Sự hiện diện của quí vị sẽ giúp cho buổi sinh hoạt thêm hào hứng và ý nghĩa. 

      Đỗ Hữu Tài sinh ngày 17.12.1957 tại Sài Gòn, vượt biên sang Pulau Bidong (Mã-lai) năm 1980, tái định cư tại Mỹ năm 1982, và lâm trọng bệnh khiến toàn thân bị tê liệt dần trong vài năm sau đó. Dưới ánh sáng của đức tin, ông đã phấn đấu cùng nghịch cảnh thử thách, dùng lời thơ để dàn trải tâm tư trong những năm an dưỡng tại Alexandria, tiểu bang Virginia. Ông đã viết hơn 1 ngàn bài thơ. 
Ấn phẩm đầu tay của ông, thi tập “Có những đêm” đã được phát hành năm 2008, và lần này là “Hoài Hương”, ấn phẩm thứ hai. 

      Buổi sinh hoạt vào cửa tự do, tuy nhiên vì số ghế có giới hạn, ước mong quí thân hữu và đồng hương yêu chuộng văn chương, 
quý mến ủng hộ tình thần cho nhà thơ ĐỖ HỮU TÀI vui lòng gửi email để giữ chỗ càng sớm càng tốt (đề nghị: trước ngày 1 tháng 10, 2014). 

Xin liên lạc: 

TM các thân hữu của tác giả 
Nhóm cựu học sinh Lê Văn Duyệt 
Gia đình Phan Chương 
và Gia đình Miên Kim
* * *

Lời Tâm Sự Của Đỗ Hữu Tài

Tôi ở trong nursing home đã hơn 30 năm. Hôm nay, tôi không biết nói gì hơn là hy vọng mọi người nghe được tiếng nói của tôi. Tôi đã cố gắng, nhưng còn khó khăn, tiếng nói lúc được lúc không. Tôi hy vọng mọi người hiểu được tâm trạng của một người ở trong nursing home sau 30 năm. Dĩ nhiên có những vui buồn trong đó… Tôi nói, không phải vì một cá nhân bị bịnh. Tôi hy vọng những lời của tôi là chia sẻ với các bạn, những cảm nghĩ, trong tự mọi hành động mỗi ngày. Có lẽ nhiều người thắc mắc tại sao 30 năm tôi ở nơi này mà vẫn còn yêu đời và yêu người. Thưa, đó là nhờ châm ngôn mà tôi thường nhắc nhở cho mình là: “Chờ!”

Thân thưa các bạn, nếu trong cuộc sống mà không biết chờ đợi, có lẽ tôi đã không có đủ năng lực để sống. Cái chờ của tôi rất đơn giản: Sáng chờ… trưa ăn gì – Trưa chờ… coi phim (dù hay dù dở) - Tối ngồi chơi chờ… coi thể thao. Không phải chờ được trúng số hay được hưởng một điều gì to lớn, nhưng cái chờ của tôi đã ảnh hưởng tới 30 năm sống, và nhờ “biết chờ” mà tôi vẫn còn đủ nghị lực, sáng suốt và minh mẫn tự thấy đời vẫn còn rộng mở trong tầm tay của mình, dù rằng bầu trời của tôi rất hẹp, chỉ quẩn quanh trong cái gian phòng bé nhỏ này…

Thưa các bạn, chắc chẳng mấy ai thiết sống cuộc sống của tôi, với chứng bệnh phải nói là thiên tai. Nhưng thiển nghĩ, một khi Thượng Đế giao cho ta một điều gì, dù rủi cách mấy, chúng ta cũng đừng ân hận, đừng uất hận, đừng oán trách. Hãy cứ vui vẻ mà tiếp nhận rồi sẽ tìm thấy lẽ sống của mình. Bởi đó, tôi vẫn còn rất nhiều bạn xa gần, rất nhiều người thân thương, rất nhiều ân nhân giúp đỡ. Nhưng ở đây tôi không nói nhiều về lãnh vực đó mà chỉ nói đến điều mà tôi hằng khao khát là được sống: mỗi ngày tôi chọn một niềm vui. Đó cũng là châm ngôn thứ hai để tôi được sống và tôi luôn cảm thấy không thiếu thốn, không lẻ loi trong căn phòng. Nếu rảnh, tôi ra ngoài ngồi ngắm nắng. Chủ Nhật được đi xem lễ. Tôi là người công giáo, tin có Chúa, có Mẹ. Đức tin đã làm cho tôi được sáng suốt, minh mẫn. Nếu con người không có đức tin thì dù có đủ mọi thứ nhưng dường như sống trong khoảng trống cuộc đời.

Thưa các bạn, tôi rất sung sướng được nói, và không hiểu vì sao hôm nay bỗng dưng tôi nói chuyện được rõ ràng. Lâu lắm rồi, thưa các bạn, căn bệnh làm cho tôi không nói được nhiều. Thanh quản của tôi không hiểu vì sao hôm nay nó lại khá lên để những lời chia sẻ của tôi được tới các bạn, những người bệnh tật, những người nghèo khó, những đời sống cô đơn nhờ vào tình thương của đồng loại mà có lẽ sống mà không thiếu thốn, không chật vật, còn tin tưởng vào Thượng Đế, còn tin tưởng vào Đấng Toàn Năng Vĩnh Cửu bên mình. Trên đời, có những người dù chưa bao giờ gặp mặt, dù chưa một lần đối diện, nhưng khi bạn chán nản thì họ luôn sẵn sàng giúp đỡ, nghĩ đến, khuyến khích để bạn đừng bi quan, đừng chán nản… và từ đó những ngày còn lại của bạn là những ngày đáng sống. Nếu tâm trí của chúng ta lẩn quẩn trong vấn đề sự sống hơi nhiều thì chúng ta sẽ bỏ cuộc, sẽ không vươn lên, không tự thấy mình đáng sống trong cuộc sống đang bị bỏ rơi.

Tôi hy vọng các bạn đọc thơ tôi. Những bài thơ có vẻ trừu tượng, mơ hồ, nhưng tôi viết rất thật từ tâm trạng của mình. Những bài thơ ấy có khi rất buồn, nhưng có khi lại rất vui, đôi khi gần gủi và cũng thật xa xôi. Nói chung, tất cả tôi viết là cho tôi, cho những người bạn, cho những người thân, cho những người đọc qua thơ tôi để tìm được sự chân thật của chính mình. Tôi không bi quan mà sống lạc quan. Xin các bạn đừng buông xuôi, đừng lẩn quẩn với tâm trạng trách móc, oán than. Chớ trách vì mình bệnh hoạn mà không tự tìm thấy niềm vui. Niềm vui không bao giờ xa tầm tay với. Chúc các bạn tìm thấy những ngày thanh thản…

Miền Tao Ngộ thâu âm


Đỗ Hữu Tài và “Hoài Hương”


. Nguyễn Hữu Nghĩa


“Hoài Hương” là nhan đề thi tập thứ hai của Đỗ Hữu Tài, sau cuốn “Có Những Đêm”, xuất bản vào 2008, sáu năm trước đây.

“Hoài Hương”, trước hết là tên người. Một người con gái. Đẹp, từ nhan diện tới phẩm cách. Tôi không dám chắc đó là mối tình đầu của tác giả, vì trong thơ của ông thấp thoáng khá nhiều những bóng hồng, từ khi ông còn trẻ, gấm ghé vài cô học trò, rồi “xếp bút nghiên theo việc đao binh”. Có thể Hoài Hương không phải là mối tình thứ nhất, nhưng là một mối tình lớn, nói là lớn nhất, chắc cũng không ngoa.

“Hoài Hương” có nụ cười rất xinh và rất tươi. Hoạ sĩ đã nhìn ra cô Hoài Hương qua sự rung động của tác giả Đỗ Hữu Tài, và sự cảm xúc ấy đã truyền đạt tới người xem tranh…

Hoài Hương như là một thiên thần đáp xuống cuộc đời tác giả, lúc đó còn là một chàng trai khỏe mạnh và bình thường, sống trên hoang đảo Mã-lai, đẹp trai nhưng chưa biết làm thơ.

Hai người yêu nhau, nhưng rồi vì hoàn cảnh tị nạn, họ đã phải xa nhau. Nàng tái định cư ở Đại Dương Châu, mà chúng ta quen nói gọn là nước Úc; còn chàng trôi giạt tới xứ của tình nhân, tức tiểu bang Virginia, nước Mỹ.

Sống ở xứ của tình nhân, mà tình nhân của chàng thì lại xa cách tới nửa vòng trái đất. Chắc vì vậy mà hồn thơ của tác giả bắt đầu chớm nở, vì yêu nhau mà xa nhau, người ta dễ trở thành thi sĩ. Trong thi ca của nhân loại có cả hàng triệu bằng chứng về điều này.

Trong những ngày xa cách, chàng đã nhận được một thử thách khác từ trời. Bệnh tật đã biến ông thành toàn thân bất toại. Nói là toàn thân thì cũng không đúng hẳn, vì ông còn cái đầu cử động được và bộ óc cực kỳ minh mẫn. Do đó mà có hai tập thơ, trong khoảng 1000 bài đã ra đời.

Đức tin đã nâng đỡ ông trong những ngày an dưỡng ở Alexandria. Thi ca và tình yêu đã truyền cho ông sức sống đã 30 năm. Xin cảm tạ Ơn Trên.
Thiên thần của ông đã nương đôi cánh sắt – có thể là của hãng hàng không Qantas – bay qua thăm ông vài lần, có khi ở lại Virginia với ông trong suốt 49 ngày. Bốn mươi chín ngày, không có đêm, vì nhà an dưỡng không có nơi cư trú cho thân nhân thăm nuôi ở lại qua đêm.

Để có phương tiện trang trải chi phí, cô đã phải ngồi đạp máy may tới khuya lơ khuya lắc (trang 175). Sang được tới xứ người, dù có thân nhân giúp đỡ một phần, cô vẫn phải chịu khí hậu rét buốt chưa quen, mỗi lần đi thăm nuôi về, phải đi bộ hàng 20 phút ở những khu vực không có đèn đường, hay phải đi xe điện hầm ở Washington DC trong những ngày chưa có an ninh như hiện nay. Đêm về nhà trọ, cô lại cặm cuội và sẽ sàng nấu nướng để sáng hôm sau có món ăn Việt Nam đem đi “thăm nuôi” người yêu lâm nạn. Rồi cô còn bay về Việt Nam thăm mẹ của người yêu, ngoan như một đứa con dâu tinh thần.

Sau 28 năm dài, bây giờ thì Hoài Hương cũng đã có gia đình, có con, như phần lớn phụ nữ trên cõi đời này, nhưng thi tập “Hoài Hương” sẽ mãi mãi hiện diện bên tác giả, hằn sâu trong tâm khảm ông, như ông viết trong hai đoạn mở và kết, bài “Hai mươi tám năm”:


Trời tháng năm viết vào trang tình sử
Đoạn tình buồn đời cô lữ xứ xa
Ôi nhớ quá thiết tha người thiếu nữ
Đã một thời ấp ủ trái tim ta
Hăm tám năm viết vào trang tình sử
Mà nhớ người thiếu nữ thêm vấn vương
Thơ tôi viết ôi thương từng con chữ
Thơ ngậm ngùi để giữ mộng Hoài Hương.

(Hai mươi tám năm, trang 13)

Như Xuân Diệu nhớ người yêu, nhớ tiếng, nhớ hình, nhớ ảnh, Đỗ Hữu Tài cũng nhớ và nhớ cả nụ cười, nhớ bàn tay, dáng điệu:


Nhớ em nhìn áng mây trời
Tôi mơ là gió ru đời mây bay
Nhớ em thon thả đôi tay
Tôi như chếnh choáng mê say ngọt ngào.

(Nhớ em, trang 23)


Xuân hạ thu đông, mùa nào ông cũng nhớ:
Đông nay ta vẫn một mình
Ngồi nghe ngọn gió lùa hình bóng đi
Ôm riêng khúc nhạc tình si
Nghêu ngao ta hát biệt ly một thời.

(Mùa đông, trang 32)

“Hoài Hương”, tên người yêu, mà đồng thời cũng là nỗi nhớ nhà, nên ông có đoạn thơ:


Ánh trăng lẻ bóng nằm cô quạnh
Sương phủ cô phòng nghe vấn vương
Chưa thỏa chí trai cùng vận nước
Nỗi thương nhớ mẹ, kẻ tha phương.

(Nhớ nhà, trang 19)

Rồi ông cũng lần về thăm nhà, tất nhiên là trong mơ. Như Từ Thức về trần, ông lang thang chưa tìm ra ngõ cũ thì chợt nghe tiếng gà gáy sáng làm giật mình tỉnh giấc:


Tiếng gà gáy sáng chợt giựt mình
Chưa thấy gia đình thức dậy ngay
Thì thôi hẹn lại tối nay
Má ơi! Chờ nắm bàn tay con khờ.

(Tiếng gà gáy, trang 43)

Không tự thân về được thì anh nhờ người yêu:


Nếu có dịp, em về chơi quê mẹ
Nhớ ghé nhà thăm hỏi má của anh
Vui vẻ kể loanh quanh vài câu chuyện
Nhưng đừng buồn khi má nhắc đến anh.

(Về thăm, trang 46)

Và ông ước ao cùng người yêu về lại trong chiêm bao:


Đành thôi chỉ biết ước ao
Về chung một chuyến chiêm bao đêm này
Dặn em cười lúc má rầy
“Thằng Năm quên rủ bạn mầy về chơi”

(Em có về không, trang 49)

Trong cơn thử thách, ông vững tin, tạ ơn Thiên Chúa đã giúp ông cất bớt gánh gian nan:


Tạ ơn Chúa ở trên trời
Cho con hạnh phúc cuộc đời bình an
Vượt qua khốn khó gian nan
Nhận từ bằng hữu chứa chan thân tình
Đời con không sống một mình
Quẩn quanh bên cạnh bóng hình bạn xa
Luôn luôn an ủi thiết tha
Giúp con thêm sức đi qua ngỡ ngàng.

(Tình Chúa, trang 57)


Và ông không quên tạ ơn đời:
Tạ ơn đời chẳng quên tôi
Bến Sông Mây vẫn lặng trôi con đò
Tạ ơn đời vẫn nhớ tôi
Hoa Sơn Trang có trăng soi khu vườn
Tôi đi tìm lại con đường
Nơi Lê Văn Duyệt phố phường thênh thang.

(Tạ ơn đời, trang 102)

***

Trên đây là Đỗ Hữu Tài, là Hoài Hương, là tình yêu, thi ca và bằng hữu, một sự kết nối tuyệt vời. Tập thơ đầu tay “Có những đêm” ra đời trước đây là một bông hoa, và “Hoài Hương” cũng đã in xong, là đóa thứ hai.

Ở đây chúng ta không mải chú tâm về sự thành công ở mức phổ biến, mà nói về tình bạn.

Kinh Thi nói “thi khả dĩ quan, khả dĩ quần, khả dĩ hưng, khả dĩ oán”; thơ có khả năng giúp con người nhận xét, tụ hội, hưng phấn, oán giận. Hiển nhiên là thi ca đã mở một lối thoát cho Đỗ Hữu Tài, giúp ông trầm tĩnh nhìn vào cuộc đời, hứng khởi để miên man viết. Thơ đã là phương tiện giúp ông tụ hội, keo kết bạn bè ở gần khắp mặt địa cầu, với sự chung tay, góp mặt của văn thi hữu trên các trang báo mạng và trong các buổi sinh hoạt giới thiệu sách. Tất cả đã gặp nhau ở một điểm chung, thanh lịch và trong sáng: thi ca.

(NHN, Virginia 8/14)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét