Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Thầy Và Cái Cân

      Hai tuần nay tôi chưa rứt bỏ được hình ảnh cái cân với một đĩa là cái “Tâm”của thầy, còn đĩa bên kia là”$“ giữa là một cái hình người không biết gọi bằng gì. Nhớ hồi điền vào mẫu đơn chọn thi vào Đại Học Sư Phạm Sàigòn ngành Huấn luyện Giáo sư Trung học Đệ nhị cấp môn toán, tôi không hề lo lắng về đồng lương sau nầy mình sẽ lãnh. Thêm vào chuyện không đóng học phí là học bỗng hàng tháng, ba tháng nhận một lần. Không phải dễ thi đậu vào trường đâu. Năm của tôi trường tuyển mỗi bộ môn bốn chục sinh viên đã có chứng chỉ dự bị của bộ môn tương ứng, phải thi bài viết, xong qua vấn đáp rồi được kiểm tra thể lực xem đứng lên, ngồi xuống, đi tới, đi lui có bình thường không. Riêng môn toán thì khỏi phải thi viết vì chỉ ghi danh dưới hai mươi, do số đậu chứng chỉ Toán Lý (MGP) của Đại Học Khoa Học Sàigòn dưới một trăm, quá ít so với các môn khác như thường lệ nỗi năm. Không hề có cách kiểm tra đạo đức sinh viên tuyển vào ngành Sư phạm. Đầu năm học lớp toán chúng tôi cũng được mười lăm người, kể cả ba người học lại.
        Tôi thấy không hề có chuyện “Chuột chạy cùng sào mới vào Sư phạm” mà tôi có nghe sau này.


        Suốt ba năm ở Đại Học Sư Phạm(năm đầu đã học chứng chỉ dự bị ở Đại Học Khoa Học như mọi sinh viên khác) tôi nhớ chỉ học không hết một buổi môn tâm lý Sư phạm do thầy Gs Tiến sĩ Toán Trần Văn Tấn, khoa trưởng ĐHSP dạy lớp tôi. Chưa hết buổi học đầu tiên thầy đã đi công tác, và sau đó văn phòng trường cứ thông báo là thầy dự hội nghị, đi nước ngoài báo cáo chuyên đề. . .Thế là chúng tôi chỉ còn lo học mỗi năm hai chứng chỉ bắt buộc mà trường đã ghi danh bên Đại Học Khoa Học. Là sinh viên của Đại Học Sư Phạm thì được chiếu cố là rủi mà cuối năm thi còn thiếu ít điểm thì ông Giám đốc học vụ sẽ xin cho được lên lớp bên ĐHSP. Chuyện này cứ nghe nhắc đến đầu năm học với lời phê bình ”Học vậy mà cũng ra trường làm giáo sư dạy Trung học”.
        Tôi thấy muốn tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sàigòn lúc đó không phải là chuyện dễ.

        Về trường lớn ở tỉnh Vĩnh Long, Trung học Tống Phước Hiệp, được phân công dạy khoảng hai tháng các lp không thi cuối năm thì tôi cùng hai đồng nghiệp mới tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm chuẩn bị trình diện học khóa SQ Trừ bị tại Trường Bộ binh Thủ đức. Do lệnh Tổng động viên, tất cả sinh viên tốt nghiệp năm 70,71,72 đều phải qua đào tạo sĩ quan trừ bị rồi mới được “biệt phái” về theo ngành đã tốt nghiệp (nếu tình hình chiến sự không căng thẳng hơn). Ở quân trường tới tháng lãnh lương thiệt là sướng, là giáo sư chúng tôi được nhận tiền như đang dạy, còn đồng đội khác thì chỉ nhận theo cấp bậc hạ sĩ quan vì chưa ra trường. Số tiền cách biệt nhiều lắm, tôi không còn nhớ là bao nhiêu lúc đó.

        Không biết số của tôi thế nào mà thường cực hơn người khác. Ở Đại Học Sư Phạm thì bị làm lớp trưởng, mắc công vào sớm lấy sổ, thông báo (nếu có) từ văn phòng, điểm danh, cuối buổi học nộp trở lại, lớp bị phê bình thì phải nghe đầu tiên. Vào quân trường mới hai tuần, thằng cùng trung đội nằm giường kế tôi, to con gấp rưỡi tôi đang là tuần sự Đại đội trưởng (sinh viên làm luân phiên mỗi tuần) nói với tôi ”Mầy sẽ là Đại đội trưởng kế tiếp”. Nó và tôi rất thân nhau, hôm tôi bị cảm nó đè ra cạo gió đau quá hết lạnh luôn, cả tuần sau giơ tay không nổi. Tôi đã năn nỉ nó hết hơi, trả tiền nước uống cho nó lúc xuống căn tin, vậy mà nó cũng vẫn hô đích danh tôi thay thế lúc bàn giao cuối tuần. Thế là phải nhận lệnh từ Trung úy đại đội trưởng huấn luyện, ra lệnh cho đại đội hoàn thành nhiệm vụ trong đó có mình, cho đến lúc nghỉ mỗi ngày. Sáng dậy trước đồng đội, khi bị phạt hít đất phải làm gương mẫu còn thêm đếm to cho cả  đại đội nghe rõ, di chuyển phải kiểm tra ngang dọc đúng hàng, hát to. Chủ nhật gia đình lên thăm tôi không được gặp, đến chiều nghỉ mới nhận được quà gửi vì đại đội tôi ứng chiến ở vòng đai. 

        Đúng là cái số cực, có lệnh giới nghiêm nên không tập hợp đại đội để bàn giao tuần sự đại đội mới. Sáng thứ hai tôi phải làm tiếp tục nhiệm vụ cho đến cuối tuần mới thoát. Cả tuần sau đó tôi mới tự mặc áo được, đến lúc được gắn Alfa, về phép tôi mới hay mẹ tôi đã bị bệnh mấy tháng khi lên thăm tôi mà không gặp do lúc về người nhìn thấy tượng đồng người lính ngồi đồi ôm súng trên đồi. Chúng tôi tốt nghiệp khóa 5/71 SQTB Thủ Đức nhưng không được biệt phái về dạy vì tình hình chiến sự ác liệt mùa hè đỏ lửa 72. Ra đơn vị quân đội khoảng ba tháng sau mới nhận lệnh biệt phái về dạy trường cũ.
        Vậy là phải gắn lon Chuẩn úy xong mới được làm thầy giáo.
 

        Học trò của tôi hầu hết ngoan, lễ phép, học giỏi ngay cả ở trường tư thục, trường bán công nơi tôi dạy thêm. Những đứa học cua luyện thi cũng chăm chỉ, không làm phiền bè bạn, thầy cô. Cho điểm không khi kiểm tra miệng hầu như không có trong sổ điểm chính thức, vì các em được phép tình nguyện kiểm tra bù lần tới. Hồi đi học có khi tôi cũng chưa học bài mà sao vô lớp bị thầy điểm mặt ngay chóc. Kiểm tra viết mười lăm phút, một tiết bốn mươi lăm phút thì phải chịu nếu bị điểm xấu vì đã được báo trước, rồi còn thang điểm chấm nữa. Chẳng lẻ không làm được chút nào? Kiểm tra viết mười lăm phút không buộc thầy giáo báo trước, nhưng lúc đó chỉ hỏi những câu bình thường thay cho kiểm tra miệng.

        Khi đã về hưu, tôi có dạy một trường tư lớp mười một và đã có cho một học sinh nhiều điểm không lúc kiểm tra miệng. Em không lúc nào chuẩn bị bài và không tập trung học tại lớp. Làm bài kiểm tra viết thì ngồi chờ lúc tôi không nhìn để quay qua, lại, lên, xuống hòng copy của bạn. Em thường nhìn tôi hằn học như kẻ thù mặc dù tôi luôn tạo điều kiện cho em kiếm điểm bù bằng chính kiến thức của em. Còn ở trường trung cấp k thuật lại có học viên dám làm bài kiểm tra một tiết xong, làm thêm một bài nữa ghi tên của bạn vắng mặt. Dĩ nhiên lúc thu bài tôi đã phát hiện và yêu cầu em xác nhận đã làm sai, gởi Hiệu trưởng xét xử.

        Mỗi sáng sớm sau khi tập phất tay theo Dịch Cân Kinh trong nhà, tôi thả bộ đến chợ Tân An cách nhà khoảng hai cây số. Đến nơi bán sữa đậu nành để nhớ những ngày tôi từng đi bộ xách giỏ theo mẹ tôi uống ở đây, giờ người đã mất. Sao chị bán sữa, mấy anh em chạy Honda ôm, cô bán vé số, em bán bánh cam cũng gọi tôi ”Mấy ngày nay không thấy thầy ra?”,”Sao hôm nay thầy đến trễ?” Mặc dù đã về hưu, người ta cũng gọi tôi bằng “Thầy” nên tôi không bao giờ bỏ được nghề mình đã chọn, nó độc lập với đồng tiền.

        Bây giờ tôi chỉ thấy có cái cân và đã quên đi những gì gắn trên đó.

Huỳnh Hữu Trí

Long An, những ngày cuối năm ta.2013  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét