"Có ông già lên!"
Tiếng lơ xe buýt vang lên từ cửa sau, tài xế cho xe dừng hẳn lại. Lơ xe
nắm vai tôi kéo lên qua bậc cửa lọt vào trong. Giờ học sinh đi đến
trường, những người đi buôn bán sớm nên đã có nhiều khách đi xe phải
đứng.
"Thanh niên nhường chỗ cho ông già ngồi!"
Vẫn tiếng vang dễ thương quen thuộc, nhắc tôi nhớ mình cũng thuộc loại
ưu tiên đây. Mặc dù đội nón kết như lúc còn đánh tennis ở sân trường
Tống Phước Hiệp, mặt bịt khẩu trang vì hệ miễn nhiễm đã yếu, mà sao
người ngoài vẫn nhìn ra có ông già. Không biết mình đã lên hàng ưu tiên
đó từ hồi nào nữa, chỉ thấy mỗi khi ra đường một mình có những phụ nữ cở
bà ngoại, bà nội đưa mắt nhìn mình, có lúc cũng hỏi thăm :
"Anh bệnh gì mà vào đây? Bị lâu chưa?Bao lâu tái khám một lần? Có ai đi theo chăm sóc? Được bao nhiêu tuổi rồi?"
Hình như mình có lớn tuổi thiệt, có được hai cháu nội hơn hai tuổi thật
là hạnh phúc. Chỉ có bây giờ khi bước một chân lên ghế đẩu làm việc nhà
trên cao hoặc bước lên bậc cửa sau xe buýt, phải vận sức kéo chân kia
mới chịu lên. Hồi mới ra Đại Học Sư Phạm Sàigòn về trường Tống Phước
Hiệp, ở nhờ nhà bác lò bánh mì Phước Thành, phía sau chỗ lò đun bằng
củi, có không gian rộng treo được bao da và trụ quấn dây để tập thái cực
đạo tiếp tục lúc học ở Sàigòn. Mỗi sáng bốn giờ dậy, luyện tập xong
nhảy xuống sông tắm. Lên nấu bếp điện pha một café phin với chút đường,
soạn bài dạy bữa đó.
( Giờ Toán - Tống Phước Hiệp - 1973)
Lúc đó dạy lớp Đệ Nhị, Đệ Nhất trường Nguyễn Trường Tộ thầy Giám học
Phong rất quý mến tôi. Hôm đó đang dạy giờ chót buổi sáng lớp Đệ Nhị,
vừa sửa xong bài tập là còn năm phút hết giờ, tôi cho học sinh xếp tập
nghỉ chuẩn bị chờ tiếng trống tan học. Đang xóa bảng thì mấy đứa bàn chót dùng tay gõ
nhịp lên mặt bàn. Chưa kịp rầy thì thoáng bóng thầy Phong ở cửa sau
lớp, nhìn xem ai đang dạy. Thấy tôi ngưng xóa bảng đi xuống cuối lớp,
thầy không nói gì, quay trở về lớp dạy kế bên. Trường nghèo nên vách
ngăn phòng học bằng phên tre, tôi biết lỗi đã làm ảnh hưởng đến giờ dạy
của thầy dù đã sắp ra về. Tôi đã đấm xuống mặt bàn, rầy mấy em bàn chót
và nói cả lớp nghe: "từ nay, các em sẽ không bao giờ được nghỉ trước tiếng trống như hôm nay nữa".
Vậy mà sáng chủ nhật tuần sau đó, đang lái xe Honda gặp mấy em lớp Đệ
Nhất Nguyễn Trường Tộ đang ngồi uống café ở lề đường ngã tư bệnh viện
lớn Vĩnh Long ra đón mời thầy. Mấy đứa đưa thầy rít thử điếu thuốc thơm,
tôi ho sặc sụa. Bọn nó cười quá :"Thầy không biết hút thuốc!". Tôi cũng cười. Một đứa nói: "thầy thay ghi đông cong đi, xe 72 của thầy để ghi đông có cây ngang, nói thầy đừng giận, tụi nó nói là cây sào quần". Tôi cũng cười, sau đó không thay. Một đứa: "nói
hôm trước thầy rầy mấy đứa lớp Đệ Nhị, tụi nó kêu thằng H. đâm thuê
chém mướn, hôm trước thầy có gặp nó rồi, sẽ đón đường lúc thầy dạy về,
đâm cho một nhát dằn mặt. Tụi em nói tụi bây hết chuyện làm, đòi đâm sư
phụ tụi tao, còn thằng H. đã kêu ổng bằng sư phụ rồi". Mấy đứa học trò đối với tôi thiệt tốt, luôn bênh vực thầy.
( Lớp 12 Nguyễn Trường Tộ - Niên Khoá 73-74)
Bỗng
nhiên tôi nhớ đến mình đã biết uống rượu từ lúc vào Đại Học Sư Phạm,
khỏi đóng học phí còn được học bổng ba tháng lãnh một lần. Bọn tôi thay
phiên nhau từng đứa một dẫn các bạn trong nhóm bảy tám đứa đến quán ăn
nấu món đặc sản của quê hương mình. Mỗi đứa uống hai chai bia để thưởng
thức kèm theo lời giới thiệu của bạn coi như là đã theo bạn về quê. Về
trường Tống Phước Hiệp gặp những đàn anh như thầy Khỏe, thầy Kiệt, hàng
tháng lúc lãnh lương tôi được cho đi theo đến vũ trường. Tôi chưa biết
nhảy đầm nên ngồi uống rượu mạnh pha soda, ngắm các anh đang lả lướt
theo điệu nhạc cùng người đẹp. Tôi tự nhủ chừng nào mấy đứa em tôi đã
học xong, ra đời sống tự lập, lúc đó mình học nhảy mấy hồi. Tôi thích
ngồi lai rai cùng các chú tôi quen trong xóm lao động, các phụ huynh học
sinh rồi còn bạn đồng nghiệp, bạn lao động làm thuê vào ngày nghỉ dạy.
Những lúc như vậy tôi hòa mình vào cuộc sống bình thường, không còn phải
cộng trừ nhân chia rút căn,...,đứa học sinh nào biết lo học, đứa nào
phải kiểm tra nhắc nhở thường xuyên.
(Học sinh Tống Phước Hiệp - Trại Hè Năm 1973)
Tới vụ hút thuốc nữa. Đến lúc về trường Tống Phước Hiệp
dạy, tôi vẫn không hút thuốc và không thấy quê chút nào.Sau 75, dẫn học
trò đi đào kinh dẫn nước ở Trà Ngoa thuộc Trà Vinh cũ, cả tuần lễ. Tôi
còn trẻ khỏe nên có lúc ở chỗ móc cục đất mới đào lên đưa cho em đầu dây
chuyền đến chỗ đấp bờ. Khuya ngồi cùng các thầy hàn huyên, kể chuyện,
tôi cũng bập thử điếu thuốc mấy ổng vấn giùm, sau đó thì hết ho sặc sụa.
Khi bệnh, lúc nằm viện dĩ nhiên là không hút. Mới đây xuất viện về nhà
bỏ luôn gần tám tháng không cầm điếu thuốc cũng không thấy khó khăn gì.
Vợ tôi nói "hồi đang điều trị mới đây, hai lá phổi của tôi bác sĩ
nói trắng hết sợ không hồi phục được kỳ nầy. Lần nầy về nhà mà còn uống
rượu khi gặp bạn thân, dự đám cưới, rồi hút thuốc nữa thì vợ bỏ luôn không còn nuôi bệnh như thời gian qua".
Tuần rồi ngồi uống café cùng bạn học thời trung học ở Long An, một bạn tâm sự "Từng tuổi nầy mà bà biểu tôi không uống rượu, hút thuốc cũng không thì sống không thấy vui. Thôi chết cho rồi". Tôi chưa từng dám nói như vậy với vợ, vẫn luôn biết vợ lo cho mình.
Hình như khi gọi tôi bằng thầy, học trò không có gắn thêm chữ già khi đến thăm. Vẫn là thầy, thầy ơi. Giờ đây tôi mới dám vịn vai, bắt tay học trò nữ cũ sì. Hồi trẻ chưa vợ còn không dám nhìn lâu học trò nữ, nhất là mấy đứa được bạn coi là có duyên, còn tôi không nhìn lâu nên không biết.
"Sắp đến Chợ Rẩy! Ai xuống bước ra cửa sau!".
Xe buýt dừng hẳn lại, một bàn tay cứng cáp nắm giữ vai tôi, chờ tôi đặt chân sau trên mặt lộ, sau tiếng hô quen thuộc:
"Có ông già xuống!".Hình như khi gọi tôi bằng thầy, học trò không có gắn thêm chữ già khi đến thăm. Vẫn là thầy, thầy ơi. Giờ đây tôi mới dám vịn vai, bắt tay học trò nữ cũ sì. Hồi trẻ chưa vợ còn không dám nhìn lâu học trò nữ, nhất là mấy đứa được bạn coi là có duyên, còn tôi không nhìn lâu nên không biết.
"Sắp đến Chợ Rẩy! Ai xuống bước ra cửa sau!".
Xe buýt dừng hẳn lại, một bàn tay cứng cáp nắm giữ vai tôi, chờ tôi đặt chân sau trên mặt lộ, sau tiếng hô quen thuộc:
Long An 01/01//2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét