Thứ Hai, 5 tháng 8, 2024

Hạnh Đầu Đà


- Ông Xã ơi, cho em hỏi chuyện này coi
- Nhờ người ta thì nói nghe ngọt xớt, còn đụng chuyện thì giũa te tua. Chuyện gì? Em làm như tui Bát Đại Tinh Thâm vậy.
- Thôi mà, em hỏi nè, mấy tháng nay, vụ sư Minh Tuệ đăng đầy trên youtube, có nhiều cái không hiểu anh giải thích dùm nghen.
- Không hiểu gì hỏi đi, không biết anh giải đáp được hông đây
- Có một số vị thượng toạ, chủ trì các chùa nói sư Minh Tuệ không phải là tu sĩ, đọc được bao nhiêu Kinh kệ, hiểu bao nhiêu Phật Pháp, đúng là Ba trợn ôm nồi cơm điện đi xin ăn khắp nơi... rồi nào là 13 Hạnh Đầu Đà, nào là Y phấn tảo...
- À hên quá, cái này thì anh biết chút chút, nhưng cũng phải coi lại vì có nhiều chi tiết không nhớ, hẹn tối nghen.
Sau đó tôi vào mạng, dựa vào một ít hiểu biết cộng với một số thông tin trên mạng để thoả mãn những thắc mắc của Bà Xã.

1- Y Phấn Tảo (衣 粉 掃)

- Chiếc áo của tu sĩ tu theo Hạnh Đầu Đà, gồm những mảnh vải vụn bị bỏ đi, được các vị thu lượm trên đường đi khất thực, kết nối lại thành tấm áo để mặc..
- Có phải là áo ngũ sắc không?
- Không phải. Do áo được may bằng những mảnh vải lượm bất kỳ, nên Y Phấn Tảo sẽ có nhiều màu sắc có thể chỉ 2-3 hoặc nhiều hơn, chứ không chỉ 5 màu.

2- Hạnh Đầu Đà

Có nhiều người cho rằng tu theo Hạnh Đầu Đà là tu khổ hạnh hành thể xác. Điều này không đúng lắm, mặc dù hai từ Đầu Đà có nghĩa khổ cực khó khăn. Muốn tìm hiểu phép tu này khá dài dòng. Trước hết phải tìm ra nguồn cội.
Trước khi Phật Giáo xuất hiện, tiểu lục địa Ấn Độ có giáo phái Bà La Môn thống trị. Do đó, Giáo lý của Phật Giáo và Bà La Môn có một số quan điểm tương đồng. Trong đó điều quan trọng nhất chính là Giải Thoát
Theo Bà La Môn có 3 con đường chính để đạt đến giải thoát, trong đó có con đường tu khổ hạnh cực đoan giống như hành xác vậy.

Còn theo Đức Thế Tôn (Thích Ca Mâu Ni) Tôn chỉ của Phật Giáo là theo Trung Đạo. Trung Đạo mà Thế Tôn truyền dạy là ở giữa 2 cực: tu theo Khổ nhục và tu dựa theo Lạc thú (thụ hưởng vật chất khi tu niệm). Điều này thấy hơi giống đạo Trung Dung trong Nho Giáo
Đức Thế Tôn từng bảo:

“Này Ca Diếp, ‘ tất cả có’ là một cực đoan. ‘tất cả không có’ là một cực đoan khác. Này Ca Diếp, ở giữa hai cực đoan này là trung đạo, bởi vì đây là một sự nhận thức đúng đắn về sự vật…”
"Này Ca Diếp, ‘ngã (bản thể luôn tồn tại vĩnh viễn trong mỗi người)’ là một cực đoan. ‘Không có ngã' là một cực đoan khác. Ở giữa hai cực đoan này là quan điểm Trung đạo mà nó không hình tướng, không biểu lộ, không chống đỡ, không thực thể, không ký hiệu và không khái niệm. Này Ca Diếp, đây được gọi là trung đạo, sự nhận thức đúng đắn về các sự vật.
Theo quan niệm thời bấy giờ, tu là phải thật khổ thì mới đắc đạo. Vì vậy, ngài đã bỏ ra năm năm tầm sư học đạo, sáu năm khổ hạnh rừng già, thực tập tất cả các phương pháp tu khổ hạnh: Hành thân hoại thể, phơi nắng, phơi sương, Có ngày ăn chỉ một hạt đậu hoặc một hạt mè, có khi nhịn đói,... đến mức thân thể tiều tụy, thậm chí suýt chết.

Lúc ấy, Ngài giác ngộ ra rằng, tu khổ hạnh cực đoan không đem lại lợi ích, và từ bỏ lối tu khổ hạnh cực đoan, quay trở về tu tập theo con đường trung đạo, tức là nuôi dưỡng thân này có đủ sức khỏe để hành các Pháp.
Cuối cùng, Ngài thành tựu đạo quả nhờ Pháp tu Trung đạo này. Từ đó, Đức Phật đã hướng dẫn Tăng đoàn thực hành pháp tu Trung Đạo, trong đó có pháp tu Hạnh Đầu Đà.

Trong hàng đệ tử Phật, tuy có nhiều tăng tu theo Hạnh Đầu Đà, nhưng chỉ có Đại Tôn Giả Ca Diếp là người đầu tiên thực hiện đầy đủ pháp tu Hạnh Đầu Đà. Tôn giả Đại Ca-Diếp đã trọn đời giữ hạnh đầu-đà. Dù rằng, lúc tuổi cao sức yếu, đạo giải thoát đã viên mãn, và chính Như Lai có lời khuyên “nên bỏ hạnh khất thực, cho đến các hạnh đầu-đà khác, mà nên nhận lời mời của các trưởng giả và nhận y áo” nhưng Tôn giả vẫn giữ vững công hạnh. Một phần vì Tôn giả vốn đã quen với hạnh đầu-đà, nhưng quan trọng hơn, có lẽ Tôn giả ngầm gửi một lời nhắn nhủ sâu xa đến hàng hậu thế chúng ta hiện nay.

Từ đó, Thế Tôn đã xác định một cách chắc chắn với chúng đệ tử:
Nếu Hạnh Đầu Đà này được ở đời thì pháp của Ta cũng sẽ được lâu dài ở đời. Nếu có pháp ở đời, thì thiên đạo tăng thêm, ba đường ác liền giảm (Lời nói này rất đúng với hiện tại. Khi sư Minh Tuệ xuất hiện thì những Giả Tăng, Ma Tăng dần lộ diện và bị chúng Phật Tử rời xa). Này các Tỳ-kheo, hãy học như Ca-diếp tu tập.

Như vậy, các Tỳ-kheo, nên học điều này.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Theo các Tài liệu ghi chép Hạnh Đầu-đà (Dhuta), là hạnh tu khắc khổ để dứt bỏ các tham dục. Có 12 Hạnh Đầu Đà (có nơi ghi 13 do tách Khất Thực thành 2 Hạnh) :

12 Hạnh Đầu Đà:

1- Y phục làm bằng những mảnh vải rách. 
2-Chỉ dùng ba y. 
3-Khất thực mà ăn. 
4-Chỉ ăn một bữa vào giờ trưa. 
5-Không ăn quá no. 
6-Không giữ tiền bạc. 
7-Sống độc cư. 
8-Sống trong nghĩa địa.
 9-Sống dưới gốc cây. 
10-Sống ngoài trời. 
11-Không ở cố định, thường du hành. 
12-Ngồi ngủ, không nằm ngủ.

13 Hạnh Đầu Đà:

Mặc y phấn tảo: Đây là loại y được làm từ những miếng vải vụn, rách, không dùng đến được lấy từ nghĩa địa, bệnh viện, ở ngoài đường hay ở rừng,…Sau đó được giặt sạch và vá lại thành y để mặc. Vị hành giả tu tập không nhận sự cúng dường y áo của thí chủ mà đi nhặt những vải này. Cho nên không bị lệ thuộc vào thí chủ.

Chỉ mặc ba y: Vị tu sĩ tu hạnh đầu đà chỉ có ba y, bao gồm: thượng y, trung y và hạ y. Chư Tăng dùng y đó đến khi rách, thậm chí là không còn chỗ vá mới được may mới.

Phải khất thực để sống: Ở hạnh này, chư Tăng tu hành hạnh đầu đà mang bình bát đi khất thực để nuôi sống bản thân mình. Chư Tăng không đợi tín chủ mời đến nhà để cúng mà phải mang bình bát khất thực.

Khất thực theo thứ lớp: Đây là việc đi khất thực theo từng nhà, không vì chọn gia chủ giàu sang mà bỏ những gia đình nghèo khổ, không tới nơi có nhiều đồ ăn ngon mà phải khất thực tuần tự. Đó là một hạnh của người tu hành Pháp đầu đà.

Ngồi ăn một lần: Đó là khi ăn, nếu đã đứng dậy thì vị tu sĩ đó không ăn nữa, có người đến cúng thêm cũng sẽ không ăn.
Ăn bằng bình bát

Không để dành đồ ăn: Vị hành giả khi thọ thực không để dành đồ ăn còn dư (hoặc đồ tín chủ cúng dường) cho ngày hôm sau.
Sống ở trong rừng
Ở dưới gốc cây
Ở ngoài trời
Ở nghĩa địa

Nghỉ ở đâu cũng được: Tu sĩ tu hành hạnh đầu đà không chọn chỗ nghỉ, mà tùy thuận nghỉ ở đống rơm, gốc cây,...
Ngồi ngủ, không được nằm ngũ.
Còn việc một số tu sĩ Phật Giáo thuộc giáo hội Phật Giáo Việt Nam nói Sư Minh Tuệ không biết bao nhiêu pháp môn Phật pháp ..thì chính các vị ấy mới không rành các tu tập trong đạo Phật, vì Hạnh Đầu Đà là một phép tu tập của Phật Giáo.

3- Kết Luận

Từ sau Tôn Giả Ca Diếp hơn 2500 năm, không ai có thể tu tập trọn vẹn Hạnh Đầu Đà, mãi đến nay có lẽ chỉ mình Sư Minh Tuệ mà thôi. Không biết thời gian sau này, có được vị sư nào tu tập được 13 Hạnh Đầu Đà nữa hay không?
Cũng vì sự khó khăn trong tu tập Hạnh Đầu Đà, nên Sư Minh Tuệ đều được Chúng Tăng, cũng như Phật tử trong nước sùng bái. Chẳng những thế, các tổ chức tôn giáo trên khắp thế giới, không riêng gì Phật giáo, các tôn giáo khác đều rất kính trọng và ngưỡng mộ sư Minh Tuệ.
Có người còn coi Sư là vị Phật sống của thời hiện đại. Đúng là chuyện ngàn năm mới có một!

Huỳnh Hữu Đức
(Tài liệu tham khảo: Thư Viện Hoa Sen, Giác Ngộ online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét