Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2024

Thương Thương


Truyện ngắn tình dài
Tình trong chiến tranh
Tình vượt đại dương
Là tình Thương Thương
Chu Lynh

Cao nguyên. Giáng Sinh năm 1971.

Xóm đạo Thái Linh cách thị xã khoảng mười lăm phút lái xe, là mảnh đất của những người di cư quây quần dưới chân những ngọn đồi nhỏ.

Tôi lái xe đến nhà thờ vừa lúc thánh lễ bắt đầu. Nhà thờ rất đông người. Không thấy ai mặc đồ lính. Tôi đứng ngoài sân xem lễ.
Tôi đến dự lễ nửa đêm theo lời mời của gia đình ông bà Thiện, đúng hơn của hai cô con gái. Cô chị tên Phượng là vợ sắp cưới của Hạ sĩ Ngọc đơn vị tôi. Cô em tên Thương và Hải là em trai út, cả hai đang còn đi học. Ngọc mồ côi nên nhờ tôi đại diện nhà trai trong lễ hỏi hai tháng trước. Tôi trở thành người thân của ông bà Thiện, thỉnh thoảng cuối tuần vào Thái Linh dùng cơm với gia đình.
Đang chăm chú xem lễ, bỗng có bàn tay chạm vào người tôi. Tôi quay lại, nhận ra Thương.
- Tưởng anh không đến.
- Anh có việc phải làm nên đến trễ. Rất tiếc, anh không đến đón gia đình em đi lễ như đã hứa. Sao không ở trong nhà thờ mà ra đây?
- Em tìm anh nãy giờ. Em đứng với anh ngoài này được không?
- Không sợ bố mẹ la?
- Đứng đâu cũng xem lễ được mà. Sao hôm nay không có tài xế?
- Anh đi lễ chứ đâu phải đi công tác. Này Thương, chúng ta xem lễ hay nói chuyện đây?
Thương ngước mắt nhìn tôi một lúc rồi nhỏ nhẹ:
- Em không nói nữa.

Suốt buổi lễ, Thương nghiêm trang nhìn vào nhà thờ. Khi vị linh mục chúc bình an cho giáo dân, Thương ngước nhìn tôi: “Chúc anh bình an”, rồi nhẹ nhàng nắm lấy bàn tay tôi. Tôi nhìn xuống khuôn mặt ngây thơ, mái tóc mềm mại, mong manh như sắp bay theo gió. Bên trong ánh mắt ngây thơ như đang có một tiếng nói thầm kín vừa mới bắt đầu. Buông tay Thương, tôi nói:
- Anh vào rước lễ đây.
- Dạ. Anh vào trước đi, em coi xe cho.
Tôi nhập vào dòng người tiến về cung thánh. Gần năm phút sau, trở ra sân vẫn thấy Thương đứng cạnh xe.
- Chờ anh lâu không? Đông người quá.
- Dạ không. Đến phiên em.
Thương bước đi, chiếc áo dài trắng như nhuộm trắng cả thân hình.
Thương trở lại bên tôi cúi đầu sốt sắng cầu nguyện, không biết đến những người chung quanh. Tôi thoáng ngửi mùi tóc của Thương. Một lúc sau, nàng ngẩng đầu lên bước lại gần tôi:
- Em vừa cầu nguyện cho anh.
- Thiên thần cầu nguyện thì Chúa sẽ nhậm lời. Mà em cầu điều gì?
- Em không nói đâu. Anh cũng đừng có đoán.
- Anh cứ đoán, nhưng cũng không nói ra.
- Một ngày nào đó anh sẽ biết.
Tính hỏi “khi nào thì đến ngày đó?” nhưng lại thôi. Cuối lễ, Thương vào nhà thờ một lát rồi trở lại cho hay:
- Bố mẹ và chị Phượng ở lại ăn tiệc với giáo xứ như mọi năm. Chờ gia đình lâu lắm. Anh đưa em về nhà trước được không?

Thương nhìn tôi chờ đợi, tôi không nói gì mà chỉ chiếc ghế bên phải. Vài người gần đó nhìn Thương bước lên xe. Chiếc xe nhà binh duy nhất giữa sân nhà thờ. Thương ngồi trên xe, tà áo trắng đã làm chiếc jeep mất hết vẽ nhà binh.
- Anh vẫn chưa biết tên đầy đủ của em.
- Tên em có bốn chữ T. Trương Thị Thương Thương.
- Thương Thương. Là thương nhẹ, như xanh xanh, buồn buồn. Em giải thích anh nghe đi.
- Tên bố mẹ đặt cho em mà. Nhưng em thích hiểu Thương Thương là thương người mình thương.
- Cũng có thể là thương người thương mình. Cái tên nhẹ nhàng như con người của em. Hồi nãy xem lễ, em không được nói chuyện. Bây giờ, anh muốn nghe em nói suốt chặng đường về nhà. Chịu không?
- Hồi nãy khác, bây giờ khác. Em không nói một mình đâu. Mà em sẽ nói gì đây?
- Em sẽ không nói gì được nếu không có câu hỏi của anh. Anh muốn biết cuộc sống hằng ngày của em. Trước hết là việc học hành. Em có dự tính sẽ học đến nơi đến chốn hay học để chọn một công việc thích hợp?
- Nghe như phỏng vấn?
- Anh không phải nhà báo.
- Như anh biết, gia đình em quanh năm sống với ruộng rẫy, sáng chiều đến nhà thờ đọc kinh xem lễ. Nhưng bố mẹ em lại muốn con cái học hành để mong thoát khỏi kiếp nhà nông. Em sẽ học cho đến khi không thể học được nữa.
- Anh tin em làm được. Hỏi câu khác nghe. Một ngày nào đó em sẽ lập gia đình. Theo em thì gia đình cần xây dựng trên những điều căn bản nào để được hạnh phúc lâu dài?
- Đang nói chuyện học hành lại lấn qua tình cảm. Bố mẹ em, rồi trường học chưa ai nói gì về chuyện này cho em. Cho qua được không?
- Em cứ trả lời theo suy nghĩ của mình.
- Câu hỏi thú vị của anh mà gay go cho em.
- Sau khi em trả lời, anh sẽ có ý kiến.
- Anh làm khó em. Chưa bao giờ một cô học trò non nớt như em phải trả lời một câu hỏi khó khăn như thế.

Tôi thấy vui vui. Thương ăn nói dí dỏm, nhưng không quên nhắc nhở:
- Đừng đánh trống lảng nghe?
- Em đang suy nghĩ để … trả nợ anh. Để được hạnh phúc trọn đời, hai người phải cùng tôn giáo, chia sẻ, hy sinh cho nhau trong mọi hoàn cảnh. Chấm hết.
- Câu này nghe quen quen trong lễ cưới. Nhưng dù sao anh cũng cảm ơn bà cụ … mười bảy tuổi.
Thương không cười mà nghiêm mặt lại:
- Đó là suy nghĩ của em, không bắt chước linh mục hỏi cô dâu chú rể trong ngày cưới đâu. Em đã trả nợ xong, chấm dứt phỏng vấn nghe. Tới phiên anh.
- Anh nghĩ đây không phải duyên, chẳng phải nợ, chỉ là trao đổi với nhau. Em còn trẻ mà có được ý tưởng như vậy là cách dọn đường cho tình cảm tương lai của em. Rồi đây, bước vào đời, nhiều thứ, nhiều người vây quanh, sẽ có nhiều thử thách. Anh tin em sẽ vượt qua được.
- Chỉ là suy nghĩ bất chợt trong đầu mà thôi.
- Ráng giữ trong đầu cho đến răng long đầu bạc.
Chúng tôi cùng cười lớn. Tôi mở đèn trong xe để thấy khuôn mặt nàng rõ hơn khi cười.
- Ngộ thiệt, không ngờ Giáng Sinh năm nay, một người đâu đâu lại làm cho em phải suy nghĩ.
- Anh là người thân của gia đình em chứ đâu phải xa lạ.
Thương nhìn tôi thật lâu rồi nói chậm rãi:
- Em cũng mong như vậy. Anh đang dạy em thành … người lớn, phải không?
- Anh chỉ muốn em suốt đời là … một cô gái.
Xe về đến nhà nàng. Cả hai cùng bước xuống xe.
- Anh phải về đơn vị.
Thương không vào nhà, đứng sát bên tôi, qua ánh sáng đèn xe, khuôn mặt nàng chợt sáng chợt mờ.
- Anh vào một lát với em được không?
- Khuya lắm rồi. Bố mẹ em chắc cũng sắp về.

Đôi mắt Thương muốn khóc. Môi mím lại, Thương đưa tay đập nhẹ vào ngực tôi như trách móc. Bất ngờ nàng ôm lấy tôi, mái tóc phủ lên vai, lên cổ, lên mặt tôi. Hơi ấm của thân thể, vòng tay siết chặt của Thương làm tôi bối rối. Tôi đã linh cảm điều này khi cả hai bước xuống xe. Tôi nghe bên tai tiếng nói rất nhỏ:
- Anh không hiểu em gì cả.
Cả hai cùng im lặng nghe hơi thở của nhau. Tôi nâng cằm nàng lên, lùa tay vào mái tóc êm ái, nhìn môi run run, đôi mắt khép lại chờ đợi, nhưng tôi lại hôn nhẹ lên trán.
Có tiếng nói chuyện của vài người đến gần. Tôi vuốt tóc Thương, nói từng tiếng:
- Anh hiểu em. Có người thấy chúng ta rồi. Vào nhà đi.
Thương cứ giữ chặt người tôi, rồi bất ngờ giận dỗi quay vào nhà. Rồi cũng bất ngờ, nàng quay lại, tiếng nói vẫn êm ái:
- Anh lái xe cẩn thận.

Con đường từ xứ đạo ra phố tối om, không một bóng người, không một chiếc xe hơi hay xe đạp. Có thể một tên du kích nào đó đã theo dõi chuyến mạo hiểm của tôi, rồi tổ chức một cuộc phục kích? Tôi phóng xe nhanh hơn. Đến gần thị xã, mới biết mình an toàn.

Về đơn vị, tôi vào phòng ngủ nằm dài trên giường, tâm trí không rời khỏi hình ảnh của Thương. Tôi đã tránh né vào nhà nàng. Nhớ lại ngày bố mẹ nàng mời tôi vào dùng cơm, Thương cứ lẩn quẩn bên tôi, ánh mắt như không rời khỏi tôi, hỏi tôi muốn ăn gì uống gì. Tôi vẫn chưa thấy gì khác thường. Nhưng hôm nay tôi thấy Thương đã có sự khác thường.
***

Hai tuần lễ sau. Điện thoại từ cổng gọi vào văn phòng tôi.
- Em Ngọc đây Trung uý. Phượng và Thương đang chờ Trung uý ngoài cổng.
Tôi bước nhanh ra cổng. Hai chị em ngồi ở phòng trực, dưới chân là một túi xách. Phượng lên tiếng:
- Bố mẹ gởi anh ít trái cây. Bé Thương hái sau vườn đó.
- Em cảm ơn bố mẹ giùm anh.
- Anh ra phố với tụi em được không?
- Hôm nay thứ Hai, đơn vị nhiều việc lắm.
Nói xong, tôi nhìn Thương buồn buồn, ánh mắt lạc đi.
- Cho anh một giờ để sắp xếp công việc.
- Tụi em chờ anh ở quán cà phê Tuấn, đường Nơ Trang Long.
Tôi vội vã về văn phòng. Phải hơn một giờ sau tôi mới đến quán cà phê. Thương ngồi một mình.
- Phượng đâu rồi?
- Chị Phượng vừa đi chợ.
- Sao Phượng để em ngồi một mình?
- Thì bây giờ có anh rồi.
Tôi không còn tránh né đôi mắt của Thương nữa, lúc này không còn hồn nhiên như ngày thường.
- Nói cho anh nghe, lễ Giáng Sinh năm nay vui không?
- Vui một nửa.
- Tại sao?
- Tại anh về sớm, bỏ em một mình.
- Khuya quá, anh ngại dọc đường nguy hiểm.
- Nếu đã nguy hiểm thì về trước về sau cũng nguy hiểm. Đường ra thị xã vẫn yên mà.
- Anh xin lỗi. Nói chuyện khác đi. Em có nhớ cô nào nói câu này không? “Em sẽ học cho đến khi không thể học được nữa”
- Anh nhớ dai thiệt. Anh không tin em phải không?
- Chỉ nhắc thôi.
Ly cà phê mang đến. Thương cầm ly khuấy đều, nếm thử rồi cho thêm ít đường. Tôi xúc động. Thương đã một lần pha cà phê cho tôi ở nhà nàng. Thương yêu tôi rồi sao? Ở mức độ nào thì chưa biết, nhưng lúc này tôi nghĩ nàng vừa chạm đến cánh cửa tình yêu?
- Anh muốn trong đầu óc em, chỉ có một chuyện là học hành mà thôi.
- Cảm ơn anh đã nhắc. Nhưng anh phải hiểu em cũng có một trái tim như mọi người. Từ đêm Giáng Sinh đến giờ, em luôn luôn nghĩ đến anh. Nhưng có điều gì đó khiến anh cứ lẩn tránh em. Đó là điều gì, nói cho em biết được không?

Tôi thực sự lúng túng. Hai tuần nay đầu óc tôi xáo trộn vì hình ảnh của Thương. Không có gì cản trở nếu tôi yêu nàng. Mọi người trong gia đình đã xem tôi như người thân. Với tôi, Thương là một viên ngọc quý nhưng không hiểu sao tôi chưa dám nghĩ đến chiếm giữ viên ngọc. Tôi biết mình chưa đến lúc mở rộng cánh cửa con tim đón nhận nàng vào đời mình.

Có thể vì Thương còn bé bỏng quá, cần ngồi trong lớp một thời gian dài nữa. Tôi không muốn xáo trộn việc học hành của Thương. Có một điều lấn cấn, chị nàng là hôn thê của Ngọc lại nhỏ tuổi hơn tôi. Nếu yêu nàng, chẳng lẽ tôi gọi người lính trẻ của mình bằng anh trong đơn vị hay trong gia đình nàng?

Nhưng quan trọng hơn hết, tôi đã không cho nàng biết đơn xin thuyên chuyển về miền Tây của tôi, sau gần sáu tháng chờ đợi, vừa được Trung ương chấp thuận. Chỉ vài tuần nữa, thủ tục bàn giao xong là tôi sẽ rời cái xứ sở “buồn muôn thuở” này. Có phải là một sai lầm lớn với tôi, nếu không nói ra với Thương?

Bây giờ đối diện người con gái đang yêu, làm sao giải thích về tâm trạng của tôi.
- Anh không lẩn tránh em, ngược lại mỗi ngày đều nghĩ đến em. Chỉ trong một thời gian ngắn em đã thương anh, anh nghĩ như là món quà Chúa ban cho anh, bù lại phần nào quãng đời cô quạnh của anh từ thời ấu thơ, đến những năm trong trường nội trú. Với gia đình, anh cũng hiếm khi hưởng được không khí ấm cúng như các anh em khác. Hết trường học rồi đến quân ngũ, anh luôn cảm thấy có một khoảng trống trong cuộc sống.
Thương chăm chú nghe tôi nói. Tôi giật mình thấy hôm nay Thương đẹp hơn, trưởng thành hơn.
- Những người lính như anh, ở hậu cứ hay ngoài mặt trận, mạng sống đều bấp bênh. Nghĩ về một mái nhà hạnh phúc, sống với nhau đến mãn đời chỉ là giấc mơ của người lính thời chiến. Chúng ta trôi dạt từ miền Bắc vào Nam, cơ nghiệp vừa gầy dựng lên là bị chiến tranh phá huỷ. Như số phận gia đình anh, từ tản cư, di cư, đến di tản.

Anh biết ơn em đã đến với anh. Anh không biết duyên số sẽ như thế nào, nhưng nếu cả hai cùng đi tới, chúng ta sẽ chung một định mệnh. Định mệnh nào đây? Là điều ngoài tầm tay của anh.
- Anh nói xa xôi quá. Anh biết em đang nghĩ gì không?
- Làm sao hiểu được con gái nghĩ gì?
Thương nửa cười nửa như thách thức:
- Đi với em một đoạn đường, anh sẽ hiểu.
Phượng đã xuất hiện trước cửa quán với giỏ thức ăn:
- Hai anh em nói hết chuyện chưa? Có cần em đi chợ tiếp không?
- Anh về đơn vị được chưa?
- Anh hỏi bé Thương đi.
Phượng cũng biết đùa có hậu ý. Nói chuyện hơn một tiếng đồng hồ có thể bù lại chuyện giận hờn đêm Giáng Sinh? Thương không giữ tôi lại. Tôi đưa hai chị em ra bến xe Lam. Đến nơi, tôi bỗng đổi ý, bảo tài xế lái xe bỏ tôi gần đơn vị rồi chở hai chị em về Thái Linh. Phượng từ chối, nhưng tôi cương quyết. Thương nhìn tôi như muốn nói nàng hiểu tôi. Có thể đơn vị trưởng sẽ khiển trách tôi dùng quân xa chở dân sự, nhưng đó là điều tôi có thể làm cho hai chị em lúc này.
Không muốn thấy Thương bịn rịn, tôi xuống xe đi bộ về đơn vị.

***

Ba tuần lễ sau.
Tan sở, tôi gọi Ngọc lên phòng ngủ của tôi. Ngọc ngạc nhiên nhưng không hỏi. Mất cha từ ngoài Bắc, di cư vào Nam với mẹ. Bà cũng ra đi sau đó vì lâm trọng bịnh, Ngọc nghỉ học đăng vào lính khi sắp lên lớp Đệ Tam. Lễ hỏi của Ngọc thật cảm động. Gia đình Phượng cảm thương tình cảnh đứa con rể mồ côi, lại có tôi giúp đỡ nên cậu ta rất hạnh phúc. Ngọc ngoan ngoãn trở lại đạo khiến ông bà Thiện coi như một ân huệ của Chúa. Ngọc xem tôi như người anh. Hôm nay tôi có chuyện cần đứa em nuôi này.
- Chuyện anh thuyên chuyển về Cần Thơ, em biết không?
- Em có nghe phong phanh.
- Em có nói cho Phượng và Thương biết không?
- Dạ không.
- Vậy thì được. Tuần tới anh sẽ đi. Đồ đạc trong phòng, em mang về hết. Anh không muốn Thương biết chuyện này. Sau khi anh đi được vài ngày, em cầm cái hộp và lá thư này đưa cho Thương. Nhớ nói với gia đình em không biết trước chuyện anh ra đi.
- Em biết Thương yêu Trung uý lâu rồi. Trong nhà ai cũng biết.
- Anh khổ tâm lắm. Bao lâu nay, anh chỉ nói một nửa sự thật cho Thương. Trong lá thơ anh nói nửa phần còn lại. Anh yêu Thương, nhưng có lẽ một thời gian nữa khi Thương ra trường, anh mới quyết định. Em và Phượng săn sóc Thương giùm anh.
- Chắc Thương sẽ đau khổ lắm.
- Anh hy vọng đọc lá thư, cô ấy sẽ hiểu được.
- Chính em đây cũng rất buồn, nói gì Thương. Trung uý chưa đi, em đã thấy hụt hẫng.
- Nghe anh nói đây. Ở hoàn cảnh một đứa mồ côi như em, người ta sẽ bất mãn cuộc đời, rồi ăn chơi hư hỏng, nhưng em đã chọn cho mình cuộc sống đàng hoàng. Bây giờ em là con của Chúa, gia đình và Phượng thương yêu. Còn chuyện anh em mình, hợp tan là chuyện thường tình. Anh cũng buồn khi xa vợ chồng em, xa Thương, nhưng rồi cái buồn cũng sẽ tan dần theo thời gian.
Tôi nhìn Ngọc sụt sùi.
- Em có còn là lính nữa không? Tối nay xuống câu lạc bộ với anh. Uống để hiểu được cái thú của đau thương. Có thấy cái gì trên bàn ngủ không?
- Dạ. Chai Cordon Bleu.
- Cầm đi, tối mang đến câu lạc bộ, coi như em đãi anh.
- Dạ.
- Về đi, đứng đó rồi khóc như con gái.

***
California. Tháng 2, năm 2022.

Tôi có hẹn với một luật sư trên đường Huntington Beach. Xuống xe đi về building trước mặt, thì điện thoại reo. Luật sư Hoàng chỉ dẫn lên lầu ba. Vừa tắt điện thoại, tôi thấy hai người từ trong building bước ra. Tôi bỗng thấy khuôn mặt người đàn ông và người đàn bà quen quen, nhưng không nhớ đã gặp ở đâu. Nghe họ nói tiếng Việt, không hiểu sao tôi bước lại gần. Cả hai vợ chồng cùng chăm chú nhìn tôi.
- Xin lỗi. Tôi thấy ông bà quen lắm.
Người phụ nữ mở to đôi mắt, rồi hoảng hốt la lên:
- Anh Thi? Trung uý Thi ở Ban Mê Thuột phải không?
- Vâng, tôi là Thi. Chị là ...
- Phượng đây. Còn đây là anh Ngọc, chồng em. Anh nhớ ra không?
Tôi sửng sốt kêu lên:
- Trời đất, Ngọc, Phượng. Anh không thể tin có ngày gặp lại tụi em.
Tôi ôm lấy hai đứa. Phượng khóc, Ngọc khóc. Tôi cũng muốn khóc.
- Tụi em như trên trời rơi xuống.
Hai đứa lau nước mắt. Tôi chưa hết sững sờ, nhìn hai đứa mà tưởng trong mơ.
Quá khứ vụt bùng lên trong đầu. Tương quan ngày xưa tưởng đã ngủ yên, bây giờ đang thức dậy. Chuyện tình của tôi với Thương Thương. Tôi chưa thể hỏi câu nào về Thương. Phải có một khung cảnh, một tâm trạng thích hợp. Thương Thương, anh cảm ơn định mệnh, nhờ cuộc gặp hôm nay, anh sẽ biết được những gì đã xảy với em.
- Anh có hẹn một người ở lầu 3. Chừng một tiếng thì xong. Gặp tụi em ở đâu?
- Em làm việc ở văn phòng địa ốc lầu 2. Xong việc anh gọi cho tụi em liền nghe. Số phone của em đây.
Hai đứa ôm tôi lần nữa. Tôi phải kết thúc sớm cuộc phỏng vấn luật sư Hoàng.

***
- Tụi em chọn quán cà phê vắng người này để nói chuyện, rồi sẽ đi ăn trưa ở quán khác. Biết anh đang nôn nóng về Thương. Câu chuyện dài lắm. Phượng sẽ kể cho anh nghe.
Phượng xoay xoay ly nước, đôi mắt chùng xuống. Tôi đoán sắp nghe những chuyện buồn. Phượng ngước mắt nhìn tôi, nước mắt lưng tròng.
- Nếu có Thương ở đây, thì tuổi của bé bây giờ là sáu mươi tám. Nhưng bé sống trên đời chỉ được hai mươi mốt năm. Bé không có tuổi già như anh em mình. Bé chỉ có một người đàn ông trong đời, một mối tình duy nhất. Là anh. Em muốn lặp lại lời anh nói riêng với em năm nào trong quán cà phê ở Ban Mê Thuột: “Thương Thương là một thiên thần”. Thiên thần đã về trời sớm, nhưng để lại nhiều đau đớn cho người còn sống.
Chỉ một lời khuyên của anh về việc học hành mà bé miệt mài quanh năm với sách vở. Bé mang hình ảnh anh như lẽ sống cho từng ngày của bé, nơi trường học hay trong gia đình. Bé sống để chờ đợi anh. Em đã đọc lá thư đầu tiên và những lá thư sau đó của anh viết cho bé. Không có gì mà bé không cho em biết. Bé Thương là đứa em, cũng là người bạn, đôi khi ăn nói khôn ngoan như một người chị.
Trong bao nhiêu hình ảnh của gia đình, em chỉ mang theo trong hồi tưởng và trong bóp tấm hình bé chụp sau vườn. Áo sơ mi sọc, quần Tây, trẻ trung như nụ hoa xuân, mái tóc xõa nghiêng xuống chậu hoa. Đôi mắt, ôi đôi mắt trong sáng đáng yêu, dáng ngây thơ của cô gái mới lớn, xinh đẹp mà quyến rủ lạ lùng. Bé đưa tấm hình cho em cất giữ, hôm nay em sẽ đưa cho anh.
- Tháng 3 năm 75, đơn vị tan rã, bé Thương mất. Tháng Tư thì cả nước mất, tụi em không còn cách nào để liên lạc anh. Hai vợ chồng cứ lo không chừng anh có thể nghĩ bé muốn cắt đứt liên lạc với anh.
- Anh không nghĩ như thế. Anh còn nhớ lá thơ cuối cùng, Thương muốn anh về Ban Mê Thuột dự lễ ra trường Sư phạm, luôn thể bàn chuyện với gia đình về tương lai của anh và Thương. Anh nghĩ đây không phải ngẫu nhiên mà như Ơn Trên đã sắp xếp cho chúng ta gặp lại nhau sau hơn năm mươi năm. Bây giờ anh sẵn sàng lắng nghe và đón nhận bất cứ điều gì vui buồn. Phượng cứ bình tĩnh nói cho anh nghe Thương đã ra đi như thế nào?
- Bao nhiêu năm qua, em không kể cho ai nghe, cũng không muốn nhắc đến, hôm nay chỉ có anh là người duy nhất em kể lại, chỉ một lần này thôi. Cả gia đình đã khóc hết nước mắt. Ai cũng tin bé là thiên thần đã về trời, nhưng không ai muốn nhắc đến cái chết quá bi thảm của thiên thần. Mỗi lần nhắc lại, em cứ nghĩ bé đang ở bên cạnh em.

Em không nhớ rõ ngày nào của tháng 3 năm 1975. Nghe tin tình hình thị xã bất ổn, em và bé ra thăm anh Ngọc, đơn vị anh nằm sau Tiểu khu. Lúc đó Việt Cộng đã bao vây thị xã, nhưng chưa tràn vào Tiểu khu. Nghe nói sẽ có quân tiếp viện đến giải vây. Nhưng khi thị xã tràn ngập xe tăng của Việt Cộng, thì dân chúng chạy tán loạn. Anh Ngọc biến khỏi đơn vị, đoán chừng anh chạy theo các đơn vị Tiểu khu về hướng Buôn Hô. Em và bé chạy theo một toán người hướng về Phước An. Đạn pháo khắp nơi, không biết bên nào bắn, dân chúng, và cả lính chết dọc đường. Toán người cứ chạy, tụi em chỉ biết đọc kinh phó thác tính mạng cho Chúa.

Đêm đó, tụi em ngủ giữa rừng. Khi trời sáng, đứng lên đi tiếp một đoạn thì thấy đường lộ. Lính của mình từ trong Phước An chạy ra có cả xe nhà binh chạy theo. Lập tức những tiếng ầm ầm nổ không ngừng trên đường lộ. Xe cộ ngã nghiêng, xác chết văng tung toé. Một quả pháo nổ gần hai chị em, đất trên không chụp lên người em. Em ngất đi. Tỉnh lại thấy mình toàn bùn đất, nhưng không thấy thương tích gì. Giật mình không thấy bé bên cạnh, em khóc, em la, em kêu tên bé rát cổ vẫn không nghe bé trả lời. Em quyết định nằm yên một chỗ, hy vọng bé bị thương gần đây.

Chờ cho tiếng súng giảm dần, em bò đi kiếm bé. Tứ bề im lặng đáng sợ, không biết dân chúng đã chạy xa hay đã chết hết. Em bươi từng đống đất, bỗng thấy vạt áo của bé kế bên một gốc cây. Cào đất ra, mới thấy người bé đầy máu. Người bé bất động, nhưng vẫn còn ấm. Em ôm bé ra đường. Em không còn khóc được nữa, cứ cầu xin Chúa cứu em con.. Chợt thấy có hai cậu bé gồng gánh trên đường, em kêu cứu. May mắn họ chạy đến giúp. Lúc này em gần như kiệt sức. Họ cho biết gần đến ngã ba, có nhà dân và xưởng cưa của một dòng tu.
Phượng bỗng ngừng lại, rồi bật khóc nức nở. Tôi lặng người đi, nghĩ đến thân thể máu me của Thương.
- Đau đớn quá anh ơi. Em không kể tiếp được nữa.
Ngọc ôm vai vợ. Tôi đưa napkin cho Phượng. Phượng nắm chặt bàn tay tôi. Một lúc lâu sau, giọng Phượng như lạc đi:
- Hai thanh niên đưa bé vào xưởng cưa, nơi đó có hai thầy dòng đang băng bó mấy người bị thương. Em xé áo lau máu cho bé, trong khi một thầy dòng bắt mạch, cho hay người bé mất máu nhiều quá, người còn ấm nhưng phải đem đến bệnh viện gấp may ra cứu được. Nhưng ông cho biết nhà dòng không còn một phương tiện nào để chở bé đi. Bên ngoài thì tiếng đạn vẫn còn âm ĩ.
Em kêu gào với Chúa. Trong cơn tuyệt vọng, em gục trên người bé cho đến khi tay chân bé lạnh dần. Đứng lên nhìn khuôn mặt bé, em hiểu đứa em thân yêu đã về với Chúa.

Phượng thả bàn tay tôi ra, bình tỉnh lau nước mắt. Tôi như sắp sửa nấc lên, cố gắng lái qua chuyện khác:
- Anh sẽ hỏi em về Thương lúc khác. Bây giờ, nói cho anh nghe về gia đình em.
- Bố mẹ em và Hải vẫn ở Thái Linh ngày Việt Cộng tấn công thị xã.
- Sau đó em đưa Thuơng đi đâu, chôn cất như thế nào?
- Nhờ đón được một chiếc xe chở cây, em đem bé về thị xã. Không có phương tiện đưa bé về Thái Linh, em tìm đến địa phận xin được chôn bé tại nghĩa trang công giáo ở thị xã. Sau đó em mới đi bộ về Thái Linh. Về đến nhà bố mẹ thấy em thẫn thờ như một người điên.
May mắn gia đình em không hề hấn gì. Bố mẹ nói từ từ sẽ đưa bé về nghĩa trang giáo xứ. Mẹ em đau đớn về cái chết của bé, suy sụp tinh thần, lâm bệnh rồi ra đi một năm sau đó. Mấy tháng sau anh Ngọc từ Nha Trang tìm đường về nhà. Vì không phải là sĩ quan, nên anh Ngọc không bị đi tù. Nhưng họ coi những người di cư như kẻ thù, cuộc sống của tụi em cơ cực lắm.
Sau khi mẹ mất, vợ chồng em nghĩ tìm cách vượt biên, nhưng không tìm được manh mối nào cả.
Một bà xơ quen khuyên vợ chồng em mang ít cà phê hột đem về Nha Trang bán kiếm lời. Đi với xơ đến Cam Đức, em gặp lại một số bạn. Họ đang tìm bãi để vượt biên. Họ rủ tụi em đi, bảo đừng lo tiền bạc, qua Mỹ sẽ gởi tiền về trả. Nhóm người họ đã tổ chức được mấy chuyến đi trót lọt.
Đúng là cơ hội bằng vàng cho vợ chồng nghèo như tụi em. Tàu lênh đênh trên biển bảy ngày rồi đến được đảo Bidong. Em không nhớ mấy tháng sau đó, trong lần thanh lọc, anh Ngọc dù khai tất cả sự thật về đơn vị, nhưng không chút hy vọng được cứu xét, vì anh chỉ là Hạ sĩ quan. Vậy mà tụi em có tên đi Mỹ. Cho đến bây giờ, em không thể hiểu nổi, những gì xảy ra sau cái chết của bé, mọi sự trôi chảy một cách kỳ lạ.

Qua đây, sau khi học ESL xong, anh Ngọc đi clean lại gặp được người quen ở Ban Mê Thuột đang làm manager cho building. Anh ta kéo anh Ngọc về làm tạp dịch cho văn phòng địa ốc. Sau một thời gian học hỏi, anh Ngọc trở thành nhân viên chính thức của văn phòng.
Chưa hết, bên nhà, thằng Hải cũng may mắn mở được một quán cà phê ở thị xã. Ngạc nhiên hơn nữa, đó là quán kế bên quán cà phê Tuấn mà lần cuối cùng anh với bé Thương đến uống. Anh làm sao quên được phải không? Thật khó tin về những chuyện may mắn liên tiếp đến với gia đình em. Có phải bé đã phù hộ cho gia đình?

Tụi em muốn bảo lãnh bố qua đây, nhưng bố không muốn đi. Bố muốn ở gần mẹ, gần bé Thương để chăm sóc nhang khói. Hơn nữa em Hải cũng không muốn bố đi. Anh sẽ không gặp được bố nữa. Bố đã theo mẹ rồi. Tụi em cũng về lo được đám tang cho bố yên nghỉ bên cạnh mẹ và bé Thương.
Trước khi rời quán đi ăn cơm, tôi muốn mình thực sự là người anh trong gia đình.
- Anh thấy cuộc đời của Thương tuy ngắn ngủi nhưng lại ẩn chứa nhiều ý nghĩa. Anh biết Thương yêu anh từ đêm Giáng Sinh anh vào xem lễ ở Thái Linh. Thương tìm gặp anh ngoài sân, rồi đứng bên anh suốt buổi lễ, sau đó muốn anh chở Thương về nhà.
- Anh có biết bé ở trong ca đoàn, đã bỏ ra ngoài với anh. Sau này biết được, bố la rầy bé liều lĩnh, riêng mẹ thì không một lời trách móc. Chắc anh không biết việc này?
- Quả thực, Thương không nói cho anh biết, nhưng anh thấy Thương không đi quá giới hạn, ngược lại như một cô em bé bỏng, không khác gì đứa em út của anh. Càng về sau khi thấy Thương thực sự yêu anh, anh lại càng giữ gìn cho Thương. Nếu như có kiếp sau gặp lại Thương, anh cũng sẽ giữ tình yêu trong giới hạn đó. Anh không có gì phải ân hận khi đã yêu Thương. Nhớ lại đêm Giáng Sinh năm xưa ấy, anh đã nói với Thương: “Anh chỉ muốn em suốt đời là … một cô gái”. Một lời nói vô tình ứng nghiệm với định mệnh của Thương.
Cảm ơn Phượng đã kể cho anh. Thoạt đầu khi nghe em nói Thương đã mất, anh nghĩ ngay đến một chuyến về thăm mộ Thương. Bây giờ anh muốn cả ba chúng ta cùng sắp xếp một chuyến về thắp nhang cho Thương, thăm lại ngôi nhà bố mẹ em, thăm Hải, tìm lại Thái Linh dưới ngọn đồi, nơi anh dừng xe gặp tụi em đang làm việc trên đồng lúa. Thăm lại quán cà phê Tuấn, thăm lại cái cổng đơn vị cũ, ngày đó hai chị em đem trái cây cho anh.
Hai đứa vui ra mặt:
- Tụi em mừng lắm. Nhưng phải cuối tháng 3, em mới có vacation. Phượng làm bên tiệm tóc chắc không trở ngại.
Tôi buột miệng:
- Tháng 3, tháng Thương về với Chúa.
Phượng mở mắt lớn nhìn tôi:
- Lại thêm một sự trùng hợp kỳ lạ nữa.
Ba anh em lại đứng lên ôm nhau. Ngọc nói như quyết định:
- Tụi em sẽ lo chuyến đi cho anh. Anh là người thân yêu nhất của em, đã giúp một đứa mồ côi có được một gia đình hạnh phúc. Bốn mươi bảy năm sau ngày mất nước, tưởng đã mất anh, hôm nay là ngày ý nghĩa nhất của vợ chồng em, vì người anh thất lạc nay đã tìm thấy.
- Anh cũng hạnh phúc như tụi em. Duyên nợ của anh với Thương chỉ chừng ấy năm tháng. Một tình yêu thuần khiết, không vẩn đục. Dưới mắt mọi người, sự ra đi của Thương là kết thúc số phận một con người không may trong chiến tranh. Nhưng với anh, có được ngày đoàn tụ hôm nay, vì anh em mình đã gắn bó với Thương lúc còn sống, và bây giờ vẫn gắn bó với nhau dù Thương đã về bên kia thế giới.

Anh nhớ đến câu này trong thánh vịnh: “Người đi trong nước mắt, đem hạt giống gieo trên cánh đồng”. Anh tin Thương Thương vẫn còn sống với chúng ta.


Chu Lynh
Mùa Giáng Sinh 2023
Sống lại với Thương Thương
bên cánh rừng Newington
5:15am, January 3, 2024

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét