Thứ Sáu, 16 tháng 7, 2021

Những Mẫu Chuyện Khó Tin Nhưng Có Thật: Trái Chanh Chín

 

(Ảnh: Kim Phượng)
Lời Giới Thiệu

    Lời đầu tiên là tôi xin chân thành cám ơn anh Nguyễn Đức Hạnh đã cho tôi xem hơn 35 câu chuyện của đời anh. Đây là những cảm nghiệm riêng tư mà anh đã giữ kỹ trong lòng suốt cả một đời! Tôi còn hân hạnh và vui hơn khi anh cho tôi được viết những cảm nhận của mình vào đây sau khi đã thưởng thức chúng qua lời văn nhẹ nhàng, hóm hỉnh của anh.

          Văn anh viết thật nhẹ nhàng, hóm hỉnh
          Chuyện anh ghi quá hoàn chỉnh đi thôi!
          Ngẫm càng hay, khi đã đọc qua rồi
          Vừa thấy thích,vừa bồi hồi, cảm kích!...

    Điều tôi muốn nói đầu tiên là khả năng ứng phó "tài tình", và lời văn khá hóm hỉnh của anh thể hiện trong lần đề nghị đột xuất anh lên góp vui của học sinh nhân dịp xuân về.
Trong lúc khẩn cấp ấy, anh"phịa" ngay một câu chuyện như sau: " Em đi về đâu mà nhọ nồi in trên khoé mắt? Em đi về đâu mà cơm nguội còn dính bên môi?...Tôi viết tên em vào nồi để nhớ em hoài!..." ( Trích trong Câu Chuyện Tình Phịa.)
Những câu chuyện của anh thật đa dạng, nhưng tôi chỉ xin sơ lược nhấn mạnh ở các điểm trọng yếu sau đây:

CHÍ - Từ ngày còn khá trẻ, anh đã tỏ ra một người có nhiều ý chí, không ngại gì lên đường xa Cha Mẹ để cầu học, cầu tu, mong tạo cho mình trở thành con người tốt, có khả năng,có phẩm hạnh sau này. Vốn là một người miền quê lên tỉnh, anh đã phải trải qua nhiều vất vả, hãy nghe anh kể: "Sáng nào tôi cũng dậy sớm để tới nhà thầy học thêm, rồi đi thẳng đến trường…”
Những môn học còn yếu anh đã mua sách rồi tự học lấy! (Trích trong câu chuyện Lấy Lại Căn Bản.)

TÌNH - Quan niệm về "duyên vợ chồng" của anh khá trong sáng, anh rất chú trọng về mặt tâm linh. Trong câu chuyện "Mừng Kim Hôn" anh viết:"Tôi vào nhà nguyện của chủng viện… Cầu nguyện xong, tôi thấy mình tự tin và bình thản…Chính nhờ những ngày tĩnh tâm này, mà trong suốt 50 năm, trải qua biết bao gian nan, thử thách…”
Niềm tin ấy đã góp phần làm nên sự hạnh phúc của anh bên vợ hiền, con ngoan trong suốt cuộc đời.

          " Niềm tin" kia như nắng trời êm ả
          Ấm tình anh ròng rã mấy mươi năm!

ĐẠO - Anh có cái " tâm đạo" của mình ngay từ còn rất bé. Điều này thể hiện qua nhiều câu chuyện của anh.Tôi chỉ nêu ra mấy dòng này:
" Mắt ngài rớm lệ !Tôi quá xúc động, nước mắt trào ra, chỉ nói được mấy lời:vâng, con xin làm theo ý Cha !" (Trích trong Tình Dưỡng Phụ )
Anh may mắn ngay từ nhỏ được ươm mầm trong một môi trường tu đầy nghiêm ngặt, đạo lý.

HẠNH - Sự đàng hoàng, đức hạnh thể hiện trong nhiều câu chuyện, từ việc đối xử với các Cha, cách quan hệ đứng đắn với học trò. Đặc biệt là trước sự cám dỗ của người “chị” lớn hơn 20 tuổi mà anh không hề gục ngã(nhận thấy từ các câu chuyện; Tình dưỡng phụ, Trường hợp khó xử, Cạm bẫy, Tất cả vì học sinh thân yêu)
Để kết thúc cảm nhận của mình, tôi xin được ghi:

          Ít dòng cảm nhận chỉ đơn sơ!
          Kỷ niệm bao năm, giữ đến giờ
          Chuyện của đời anh, đa dạng quá!
          CHÍ,TÌNH, ĐẠO, HẠNH đẹp như mơ!...

Nguyễn Thanh Tâm
***

Trái Chanh Chín

    Tôi sinh ra tại Ngọc Cục, một làng nhỏ cách xa thị xã Bắc ninh khoảng bốn mươi cây số. Vì nhà nghèo, mãi đến bảy tuổi tôi mới được đi học.
Hai tuần trước khi đến lớp, mẹ tôi ra chợ mua vải, rồi dẫn tôi đến nhà cậu tôi, làm thợ may, nhờ đo, và cắt cho tôi một quần đùi, một áo cộc mới để đi học; bà đem về nhà khâu tay lấy, không dám nhờ cậu tôi máy, ví sợ tốn tiền. Tôi đã có sẵn áo dài và quần dài, nhưng tôi chỉ mặc khi đi nhà thờ hay vào những ngày lễ, tết, còn ngày thường tôi mặc áo cộc, quần đùi cho gọn.

    Hồi đó, ở làng, chú Điểm (cha mẹ tôi thường gọi là chú giáo), mở lớp dạy học tại nhà, từ vỡ lòng tới lớp ba. Tôi còn nhớ, vào một buổi sáng thứ Hai, giữa tháng Chín, mẹ tôi dẫn tôi đến nhà chú giáo; sau khi nói truyện riêng với chú,về tiền học thì phải, mẹ tôi trao tôi cho chú rồi ra về.
    Đây là lần đầu tiên tôi tới nhà chú giáo; nhìn thoáng qua, tôi thấy nhà chú không khác nhà cha mẹ tôi lắm: cũng nhà tranh vách đất, ba gian hai chái; nhưng cách trang hoàng, bày biện thì đẹp hơn nhiều! Ở gian giữa, sát vách, có một tủ kính, trong để bộ đồ trà, và ít bát đĩa cổ; kế đến là một sập gỗ mun nhỏ, rồi một chiếc bàn dài, hai bên là hai trường kỷ, dành riêng cho mấy trò lớp ba ngồi học. Phía trong của mỗi gian bên, kê một giường vuông lớn, rồi đến một phản gỗ, giành riêng cho các trò lớp một và hai. Khi học hay trả bài, thì chúng ngồi xếp bằng, nhưng khi viết thì phải nằm bò xuống phản, hai mông ở vị trí sẵn sàng lãnh đòn, vì tội nói chuyện hay làm ồn!

    Chỉ bài cho các lớp xong, chú giáo thường về ngồi tại sập giữa, coi chừng các lớp; bên cạnh chú, luôn luôn có mấy roi tre, đủ dài để có thể quất tới mông bất cứ trò nào phạm lỗi! Trên các phản hai bên, không còn chỗ, nên tôi phải ngồi học ngoài hè, trên nền nhà bằng đất nện, mịn láng như xi măng.
    Tuần lễ đầu, tôi chỉ tập đọc và nhận mặt mấy chữ cái, khi sang đến phần đánh vần, chú giáo bảo tôi về nói với mẹ mua giấy, bút và mực để tập viết. Mẹ tôi đã cố gắng kiếm cho tôi một bình mực có ngấn ở cổ, lấy sợi dây đay buộc vào cổ lọ, thắt nút hai đầu dây lại, làm thành một vòng tròn nhỏ, để khi đi học tôi có thể xỏ vòng dây vào một ngón tay, khỏi sợ rớt bình mực; có lần, tay mang nhiều thứ quá, đeo bình mực vào ngón tay thấy vướng, tôi đành phải buộc luôn bình mực vào dải rút quần!

    Bắt đầu tập viết, chú giáo viết mấy hàng chữ “A” hoa bằng mực đỏ, để tôi tô lên bằng mực tím, cho quen tay; sau đó, chú chỉ viết một chữ ở đầu hàng, bắt tôi phải theo mà viết cho hết hàng. Ngay bây giờ tôi vẫn không biết tại sao hồi đó không có viết chì để tập viết cho dễ, mà phải dùng ngay viết mực, điều này rất khó khăn đối với một đứa trẻ mới tập viết như tôi.
    Tôi học được khoảng một tháng thì Cầm đến; sau này, Tý, bạn thân với Trong, em gái tôi, là em họ của Cầm, cho biềt: cha mẹ Cầm buôn bán ở thị trấn Đáp Cầu, vì bận công việc gì đó nên gửi Cầm xuống ở tạm nhà gia đình Tý một thời gian. Cầm cũng mới học vỡ lòng, vì thế chú giáo để ngồi dưới đất chung với tôi; Cầm là học trò nữ độc nhất của chú giáo; vì hồi đó, gái làng hầu hết là mù chữ; chỉ có gái tỉnh, con nhà giầu, mới được cắp sách đến trường; thường cũng chỉ được học hết tiểu học, ít có đứa nào học tới trung học. Thoạt đầu chúng tôi thấy ngại ngùng: ngồi cách nhau cả thước, không đứa nào dám nói với nhau một tiếng!

    Khi tập viết xong một hàng, chúng tôi phải thấm cho khô mực, nếu không, lỡ đụng tay vào, chữ bị nhòe, chú giáo sẽ lấy thước khẻ vào tay. Vì Cầm hay quên mang giấy thấm, nên tôi thường cho mượn, có lần tôi thấm luôn cho Cầm nữa. Viết xong độ một trang, tôi thấy mỏi rời tay; ngồi bóp tay hay xòe ra, áp lòng bàn tay xuống đất cho mát và đỡ mỏi; thấy vậy, Cầm cũng làm theo; lúc đó tôi mới thấy được cả bàn tay của Cầm: ngón tay dài thon, nước da trắng ngần. Dần dà chúng tôi trở nên quen thân, và vào các giờ chơi giữa buổi, chúng tôi bắt đầu trò truyện với nhau tự nhiên hơn.
    Một hôm tôi thấy Cầm không mang bình mực, chân đầy vết mực; hỏi ra mới biết Cầm đã đánh rớt bình mực, vỡ tan tành, mực văng tung tóe ngay trước cổng nhà chú giáo; thấy Cầm có vẻ lo lắng và buồn, tôi liền yên ủi và nói,” Không sao, từ nay Cầm dùng chung mực với Thạch cũng được; bình mực của Thạch lúc nào cũng đầy, không sợ thiếu.” Từ đó chúng tôi dùng chung mực với nhau cho tới hết năm học.

    Bên phải sân nhà chú giáo là một ao thả cá lớn, sát mặt nước có một chiếc cầu gỗ, dài khoảng ba thước, dùng cho người nhà tắm, rửa, giặt giũ; vào những ngày mưa, đường xá sình lầy, các học trò lớn phải ra cầu ao rửa chân, rồi đi theo hàng gạch đỏ, lót từ đầu cầu ao tới hè nhà, để vào lớp; còn những đứa nhỏ như tôi và Cầm thì không được bước xuống cầu ao, sợ té; hai chúng tôi phải tới một lu nước kê sát hàng gạch, để rửa chân; trên miệng lu đặt sẵn một cái gáo làm bằng sọ dừa, có cán dài khoảng hai gang người lớn; khi rửa chân, một tay nắm chặt miệng lu, tay kia múc nước, vừa kỳ hai chân lên nhau vừa đổ nước cho tới khi sạch thì thôi. Có lần tôi thấy Cầm lóng ngóng, không biết làm thế nào rửa được chân, tôi liền bảo Cầm, hai tay nắm chặt miệng lu, hai chân kỳ lên nhau, để tôi đổ nước cho; Cầm mỉm cười gật đầu và nói nhỏ,"Cám ơn Thạch nhiều." ( Hồi đó dân quê thường đi đất, tối trước khi đi ngủ, ra ao rửa chân, vào nhà, chùi chân vào miếng vải rách, hay chổi rơm cho khô rồi lên giường; có lúc làm biếng, ngồi trên giường, xoa hai lòng bàn chân vào nhau cho hết bụi cát, sau đó lăn ra ngủ.)

    Ở góc sân nhà cha mẹ tôi có một cây chanh lớn; khi xanh trái nó rất chua, nhưng lúc chín, ăn cũng giôn giốt, khá ngon; thấy chị và em gái tôi thích ăn chanh, khế, tầm giuộc, me, tôi nghĩ Cầm cũng thích những thứ đó, nên một hôm tôi hái một trái thật chín, lén đút túi đem đến cho Cầm. Tôi vừa đưa trái chanh ra chưa kịp có cử chỉ gì, Cầm đã chộp lấy và nói, “Thạch cho Cầm hả! Cám ơn Thạch! Cầm thích ăn chanh chín lắm!” Nói xong Cầm vội vã giấu trái chanh vào túi áo, sợ chú giáo trông thấy; tôi rất ngỡ ngàng trước cử chỉ của Cầm, không ngờ Cầm lại thích món quà “cây nhà lá vườn” của tôi dến thế! Biết vậy, mỗi khi có chanh chín tôi lại hái cho Cầm, và lần nào Cầm cũng tỏ vẻ thích thú như vậy.
    Mùa đông tới, ngồi dưới đất cảm thấy lạnh, tôi về nhà nói với mẹ, lấy chiếc chiếu cũ, cắt cho tôi một miếng, dài cỡ hai thước, rộng khoảng ba gang người lớn. Khi đi học, tôi cuốn tròn lại, kẹp vào nách, đem tới lớp, trải ra ngồi cho ấm. Vì chiếu còn rộng, tôi bảo Cầm ngồi vào chiếu cho đỡ lạnh. Thoạt đầu Cầm tỏ vẻ ngại ngùng, không dám; nhưng thấy tôi nói nhiều lần, nhất là phải với tay ra, chấm chung một bình mực, rất bất tiện, nên Cầm đành phải ngồi chung chiếu với tôi.

Thấm thoát đã hết năm học! Các trò lớn xin phép chú giáo tổ chức tiệc trà tại lớp; ăn uống xong, thầy trò chia tay ra về; hẹn gặp lại vào năm học tới.
    Trên đường về nhà, tôi và Cầm vưa đi vừa nói chuyện. Khi gần tới cổng nhà Tý, Cầm lén nắm lấy tay tôi và nói, “Hôm qua mẹ Cầm xuống đây thăm dì Bỉnh (mẹ của Tý), nhân tiện đến đón Cầm về Đáp Cầu luôn, sang năm chắc Cầm không còn được đi học chung với Thạch nữa đâu!” Nghe Cầm nói, tôi run lên vì quá xúc động, hai tay tôi vội nắm chặt lấy tay Cầm, ấp úng nói,”Thạch rất mong, năm học mới, Cầm lại về đây, cùng nhau đi học cho vui.”.“Trưa nay,” Cầm nói tiếp,”cơm nước xong, Cầm phải theo mẹ sang Nê để thăm người bà con, ngủ lại đêm ở đó, sáng mai đi bộ về Đáp Cầu sớm. Cầm nhớ Thạch lắm! Tạm biệt Thạch nhé!” Nói xong Cầm vội rút tay khỏi tay tôi, cúi mặt, chạy thẳng vào nhà, như muốn che giấu cảm xúc của mình. Tôi đứng ngẩn người ra, nhìn theo Cầm, mãi mới nói được, “Thạch cũng rất nhớ Cầm!”

    Đêm đó tôi trằn trọc mãi không ngủ được, luôn nghĩ đến Cầm, không ngờ tình cảm của tôi với Cầm lại sâu đậm đến thế! Trước đây lúc nào tôi cũng quý mến, săn sóc và coi Cầm như Trong, em gái của tôi. Lúc này Cầm ra đi không hẹn ngày trở lại, tôi mới thấy mình trống vắng! Mới nhận ra rằng tình cảm của tôi đối với Cầm tha thiết hơn đối với bất cứ ai tôi đã quen biết! Tôi tự trách mình , trong thời gian qua, đã không dám nói một lời nào, hay làm một cử chỉ gì để bộc lộ lòng quý mến đặc biệt của tôi với Cầm. Đêm nay, hình ảnh Cầm lại hiện ra trong tâm trí tôi: gương mặt xinh xắn, nước da trắng hồng mà tôi từng lén nhìn khi ngồi sát bên nhau trên một manh chiếu; đôi chân trắng nõn, tôi được trông thấy, những lúc giội nước cho Cầm rửa chân… Các hình ảnh đó cứ lởn vởn mãi trong đầu óc, cho tới lúc tôi thiếp ngủ đi.

    Rồi niên học mới mở ra, tôi lủi thủi tới lớp, một mình đi trên con đường đất! Mỗi bụi tre, mỗi khóm cỏ, mọc hai bên đường,chiếc cổng tre của nhà Tý, lu nước bên bờ ao, nền nhà chú giáo, tất cả đều làm tôi nhớ tới Cầm. Lần nào gặp Tý tôi cúng hỏi thăm Cầm; nhưng Tý cũng chẳng biết gì về Cầm hơn tôi! Năm nay tôi được lên lớp một; học trò lớp ba, phần đông bỏ học, ở nhà làm ruộng phụ cha mẹ, một vài trò con nhà khá giả, được chuyển sang trường Nhà xứ, tiếp tục học để thi Bằng Sơ Học Yếu Lược (Bằng Tiểu Học). Các lớp khác vắng hẳn đi; tôi được ngồi một mình một phản, rộng mênh mông; chẳng bù cho năm trước, phải ngồi đất! Tôi nghĩ thầm,”Chớ gì được ngồi chung một phản với Cầm thì vui biết mấy!”

Thạch Trong


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét