Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2020

Ngư Ông 漁翁 - Liễu Tông Nguyên

Liễu Tông Nguyên 柳宗元 (773-819) tự Tử Hậu 子厚, người Hà Đông, lúc đầu làm Lam Điền uý, sau tham gia vào phe của Vương Thúc Văn. Văn bị gièm, ông bị đổi làm Vĩnh Châu tư mã, rồi Thứ sử Liễu Châu. Quan điểm chính trị của Liễu Tông Nguyên tiến bộ, chủ trương văn chương phải có tính hiện thực. Tác phẩm có Liễu Châu thi tập.

Họ Liễu có một lối tả cảnh khác biệt với nhiều thi hào đương thời. Con Cò đọc bài 漁翁 Ngư Ông năm lần bảy lượt mới cảm nhận được cái sắc thái đặc biệt của nó. Thể thơ thất ngôn cổ phong. Ngôn từ táo bạo. Biến chuyển đột ngột. Hoạt cảnh sống động.


Nguyên tác            Dịch âm

漁翁                      Ngư Ông 

漁翁夜傍西巖宿 Ngư ông dạ bạng tây nham túc 
曉汲清湘燃楚竹 Hiểu cấp thanh Tương nhiên Sở trúc. 
煙銷日出不見人 Yên tiêu nhật xuất bất kiến nhân, 
欸乃一聲山水綠 Ái nãi nhất thanh sơn thuỷ lục.
迴看天際下中流 Hồi khan thiên tế hạ trung lưu, 
巖上無心雲相逐 Nham thượng vô tâm vân tương trục. 
                             Liễu Tông Nguyên

***
Chú giải cho nguyên bản: 

Túc: ngủ đêm. 
Thanh Tương: nước sông Tương trong mát. 
Nhiên: đốt. 楚 Sở: đây là sông Sở (Sở giang); nhiên Sở trúc: đốt tre của bờ sông Sở. Trước kia Con Cò viết là 楚燭= Sở chúc (đuốc Sở); nay sửa thành 楚竹 sở trúc (tre Sở) theo đề nghị của Huỳnh Kim Giám.
Yên tiêu: khói sương tan đi. 
Ái nãi: Tản Đà dịch là tiếng mái chèo đánh vào mạn thuyền nhưng theo cụ Trần Trọng Kim thì ái nãi là tiếng hò khoan của người lái đò ở địa phương. Con Cò đồng ý với cụ Trần Trọng Kim, căn cứ theo cụm từ nhất thanh (một tiếng) đi kèm. Một tiếng hò khoan làm xanh non nước có ý nghĩa hơn một tiếng mái chèo đụng vào mạn thuyền làm xanh non nước.
Hồi khán: quay đầu nhìn lại. 
Thiên tế: nẻo trời, vòm trời. 
Hạ trung lưu: xuống tới gần cuối dòng (thượng lưu: khúc trên; trung lưu: khúc giữa; hạ lưu: khúc cuối của một con sông). Nham: tảng đá, hòn núi. Trục: trục xuất, đuổi đi. Tương trục: đuổi nhau. 

Dịch nghĩa

Ngư ông, tối hôm trước, ngủ ở sườn núi phía tây (cạnh bờ sông Tương).
Buổi sáng múc nước trong của sông Tương nấu ăn bằng tre Sở.
Khói đã tan, mặt trời đã lên, mà không thấy có ai.
(Ông) hét lên một tiếng hò làm cho non nước ửng màu xanh.
Trèo tới giữa dòng thì ngoảnh mặt ngó chân trời,
Thấy mấy đám mây đuổi nhau chơi trên đầu núi.

Dịch thơ

Ngư Ông

Ngư ông đêm trước ngủ non đoài
Nấu nước sông Tương bằng tre Sở*
Rạng đông sương tan chẳng thấy ai
Cất một tiếng hò non nước biếc!**
Chèo tới giữa dòng ngó chân trời:
Mây trên đầu núi rượt nhau chơi***

Chú giải cho bài dịch:

* Tre Sở: Có lẽ muốn nói tới một loại nứa (là loại tre có thân rất to, thịt rất mỏng, phơi khô thì cháy rất đượm.
** Chữ lục (xanh) ở đây rất tượng hình. Tác giả dùng nó như một động từ đứng cuối câu cho một mục tiêu đặc biệt (sẽ nói rõ trong lời bàn). Bài dịch dùng chữ biếc (vần trắc) để dịch chữ lục. 
*** Chữ chơi dịch cụm từ vô tâm (lúc rỡn chơi là lúc không cỏ chủ tâm). Chữ rượt dịch chữ trục. Tương trục: đuổi nhau. Tác giả dùng cụm từ tương trục đặt ở cuối câu để nhấn mạnh rằng những đám mây đuổi nhau mà không bao giờ gặp nhau. 

Con Cò 
***
Ngư Ông

Ngư ông dạ bạng tây nham túc,
Hiểu cấp thanh Tương, nhiên Sở trúc.
Yên tiêu nhật xuất bất kiến nhân,
Ái nãi nhất thanh sơn thuỷ lục.
Hồi khan thiên tế hạ trung lưu.
Nham thượng vô tâm vân tương trục.

Giải nghĩa chữ:

- Bạng: Chữ này, Hán tự là chữ BÀNG là gần, bên cạnh... đọc bạng vì luật bằng trắc.
- Nham: là núi, đồi, gò cao..
- Túc: Ngủ, như tá túc, ký túc xá...
- Hiểu: buổi sáng.
- Thanh Tương: nước trong của sông Tương.
- Nhiên: đốt.
- Cấp, với bộ thủy, là múc nước.
- Trúc: một loại tre. 
- Yên: khói, sương mù.
- Ái nãi: nghĩa của hai chữ này gây tranh cãi.
- Khan: nhìn, đáng lẽ là khán, phải đọc vậy vì luật bằng trắc, như chữ bạng ở câu trên.
- Thiên tế: chân trời.
- Trục là đuổi, như trục xuất. Tương trục là đuổi nhau.

Giải nghĩa bài thơ:

Ban đêm, ông thuyền chài ngủ gần phía tây ngọn núi,
Sáng sớm, múc nước trong của sông Tương, đốt trúc nước Sở để nấu,
Sương mù tan, mặt trời ló dạng, không thấy người,
Một tiếng mái chèo khua làm non nước biến mầu xanh,
Quay đầu, thấy ven trời rơi xuống giữa giòng nước (soi bóng, in hình trong nước)
Trên núi, mây vẫn vô tình đuổi nhau.

Ông Chài

Ông chài đêm ngủ cạnh non tây,
Tre Sở, nguồn Tương nấu sáng nay,
Trời nắng, sương tan, người chẳng thấy,
Chèo khua xanh ngắt bến sông này,
Nhìn lại ven trời soi đáy nước,
Vô tình mây núi lại đuổi mây.

Bát Sách.
***
Bài Ngư Ông của Liễu Tông Nguyên là một bài thơ Đường, loại cổ phong, bảy chữ, sáu câu, vần trắc: túc, trúc, lục, trục, rất ít khi thấy. Vì là thơ cổ phong nên không bắt buộc theo niêm luật, tiết tấu, đối chiếu và số câu. Được chọn là bài thơ hay (bài số 70) trong Đường Thi Tam Bách Thủ của Hành Đường Thoái Sĩ.

Mộc bản NĐTĐT, hầu hết các văn bản Việt Nam và phần lớn các bản điện tử trên Internet hiện nay đều xài chữ trúc竹 ở cuối câu 2. Văn bản của ThiVien.net phiên âm Hán-Việt là trúc nhưng lại xài chữ Hán chúc燭. Đường Thi Tam Bách Thú chữ Hán và nhiều trang web Đài Loan cũng xài chữ chúc燭.

Đường Thi Tam Bách Thú (Ấn bản Đài Loan - bài 70)


Vài bài thơ viết tay dưới đây xài chữ chúc燭.


Chữ trúc竹 có vẻ hợp lý hơn, nhưng vì sao vài bản Đường Thi Tam Bách Thú và ThiVien.net xài chữ chúc燭 mà không phải do sáng tạo của Việt Nam. Cả hai chữ 竹 và 燭 đều bính âm lá ZHÚ, đồng âm, nhưng có đồng nghĩa không? Sở trúc là tre trồng ở đất Sở, nhưng Sở chúc không biết có nghĩa gì.

Trong thời Đường Thuận Tông, Liễu Tông Nguyên từng là quan bộ nghi lễ và tham gia tích cực vào chính trị cải cách của Tập đoàn Vương Thúc Văn. Sau khi cuộc cải cách thất bại, ông bị giáng xuống làm Tư mã Vĩnh Châu và làm bài thơ phong cảnh nhỏ đầy thú vị này tại Tây Sơn (nay là Lĩnh Lăng Tương Giang ở Hồ Nam).

Với bút pháp nhẹ nhàng vẽ nên một khung cảnh buổi sáng và từ đó bộc lộ thế giới nội tâm sâu lắng và ấm áp của mình. Ngư ông là hình ảnh cốt lõi của đầu bài thơ. Câu 2 cho biết sinh hoạt bình thường của ngư ông vào buổi sáng sớm. Bốn câu cuối miêu tả cảnh vật, âm thanh, màu sắc trên dưới xa gần… Nhà thơ không biệt lập với ngư ông, đồng thời quyện cả hai vào cảnh thiên nhiên tạo thành một thể không thể tách rời, thể hiện nhịp sống và nội tâm. Ngư ông cất tiếng hát ở nơi non xanh nước biếc, để bộc lộ suy nghĩ của tác giả về cảnh vật và nỗi uất ức cô đơn trong sự căm phẫn chính trị.

Dịch Nghĩa: 

Ngư Ông Ngư Ông

Ngư ông dạ bạng tây nham túc Ngư ông đậu thuyền ngủ qua đêm dựa
bờ núi phía Tây
Hiểu cấp thanh Tương nhiên Sở trúc Sáng múc nước sông Tương và lấy củi 
tre nước Sở nấu trà
Yên tiêu nhật xuất bất kiến nhân Sương tan, mặt trời lên cao nhưng 
không thấy bóng người
Ai nãi nhất thanh sơn thủy lục Chỉ nghe tiếng hát chèo đò và thấy màu
xanh non nước
Hồi khán thiên tế hạ trung lưu Ðến trung lưu nhìn lại chân trời xa
Nham thượng vô tâm vân tướng trục Thấy các cụm mây vô tình đuổi nhau
trong bầu trời trên vách đá 

Dịch Thơ: 

Ngư Ông

1/Thơ thất ngôn:

Vách Tây đậu ngủ tối đêm qua,
Tre Sở nước sông sáng nấu trà.
Nắng chói sương tan người vắng bóng,
Non xanh nước biếc tiếng trạo ca.
Giữa dòng ngảnh lại trời xa thẳm,
Đuổi nhau trên núi mây la đà.


2/Thơ lục bát:

Ngư ông đêm ngủ bờ Tây
Sông Tương trúc Sở sáng mai đun trà
Sương tan chẳng bóng người qua
Tiếng chèo xào xạc gần xa xanh vời
Ngược dòng nhìn lại chân trời
Mây xanh từng cụm chậm trôi vô tình.

The Old FisherMan by Liu Zongyuan

The old fisherman spent the night under the western cliff,
At down, he took water from the clear Hsiang river and built a fire with bamboo from the Chu lands;
The fog dissolved, the sun came out, but no one was in sight,
Only the creak of his paddle was heard among the green of mountain and river.
Arriving at mid-stream, he looked back at the distant horizon.
And saw clusters of clouds idly chasing one another in the sky above the cliff.

Phí Minh Tâm
***
Ngư Ông

Lão chài non Tây đêm tá túc
Sáng nước sông Tương, đun củi trúc
Trời nắng, sương tan chẳng thấy ai
Non nước xanh tươi ca một khúc
Giữa dòng phản chiếu bóng trời cao
Đầu núi vô tâm mây đuổi thúc!

Lộc Bắc
***
Theo ÔC, bài thơ tả cảnh thứ hai của Liễu Tông Nguyên là Ngư Ông.
Bài thơ như sau này:

Ngư ông dạ bạng tây nham túc,
Hiểu cấp thanh Tương, nhiên Sở trúc.
Yên tiêu nhật xuất bất kiến nhân,
Ái nãi nhất thanh sơn thuỷ lục.
Hồi khan thiên tế hạ trung lưu.
Nham thượng vô tâm vân tương trục.

Giải nghĩa chữ:
- Bạng: Chữ này, Hán tự là chữ BÀNG là gần, bên cạnh... đọc bạng vì luật bằng trắc.
- Nham: là núi, đồi, gò cao..
- Túc: Ngủ, như tá túc, ký túc xá...
- Hiểu: buổi sáng.
- Thanh Tương: nước trong của sông Tương.
- Nhiên: đốt.
- Cấp, với bộ thủy, là múc nước.
- Trúc: một loại tre.
- Yên: khói, sương mù.
- Ái nãi: nghĩa của hai chữ này gây tranh cãi.

* ÔC theo cụ Trần Trọng Kim, cho ái nãi là tiếng hò khoan của thuyền chài.
* Tản Đà và nhiều người khác thì nói ái nãi là tiếng chèo khua nước. Tự điển Nguyễn Tôn Nhan cũng giảng như vậy, thậm chí còn dùng chính câu thơ của Liễu Tông Nguyên làm thí dụ, và dịch là “ tiếng chèo khua làm xanh non nước.”
Giải thích này có lý, vì chèo khua, thì ngư ông mới nhìn và thấy nước xanh, chứ khi không, sáng thức dậy, vừa ăn xong thì cất tiếng hò... cho ai nghe, vì bất kiến nhân.

- Khan: nhìn, đáng lẽ là khán, phải đọc vậy vì luật bằng trắc, như chữ bạng ở câu trên.
- Thiên tế: chân trời.
- Trục là đuổi, như trục xuất. Tương trục là đuổi nhau.

Giải nghĩa bài thơ:

Ban đêm, ông thuyền chài ngủ gần phía tây ngọn núi,
Sáng sớm, múc nước trong của sông Tương, đốt trúc nước Sở để nấu,
Sương mù tan, mặt trời ló dạng, không thấy người,
Một tiếng mái chèo khua làm non nước biến mầu xanh,
Quay đầu, thấy ven trời rơi xuống giữa giòng nước (soi bóng, in hình trong nước)
Trên núi, mây vẫn vô tình đuổi nhau.
Mấy chữ hay của bài này là:
* Sơn thuỷ lục: làm xanh non nước.

Chữ LỤC này làm Bát Sách nhớ tới Âu Dương Tu đời Tống, khi thăm Giang Nam, đậu thuyền nghỉ ngơi, làm bài Bạc Thuyền Qua Châu, thất ngôn tuyệt cú, câu thứ 3 là:
Xuân phong hựu...... Giang Nam ngạn.

Sau chữ hựu, tác giả phân vân, đắn đo như Giả Đảo, không biết dùng chữ gì: đáo, quá, nhập, mãn... cuối cùng chọn chữ LỤC: Gió Xuân lại làm XANH bờ Giang Nam.Và quả nhiên câu thơ quá hay, chữ lục là danh từ được dùng như động từ!

Đây là bản dịch của Bát Sách:

Ông Chài.

Ông chài đêm ngủ cạnh non tây,
Tre Sở, nguồn Tương nấu sáng nay,
Trời nắng, sương tan, người chẳng thấy,
Chèo khua xanh ngắt bến sông này,
Nhìn lại ven trời soi đáy nước,
Vô tình mây núi lại đuổi mây.


Bát Sách
***
Ông Chài

Chiều tối ông chài nghỉ núi tây,
Nước Tương , trúc Sở nấu ban mai
Sương tan trời sáng người không thấy,
Núi biếc sông xanh vỗ mạn chài
Nhìn lại bóng trời trong nước chảy
Hững hờ mây núi đuổi nhau bay.

Lục Bát:.

Ông chài đêm nghỉ non đoài
Nươc Tương, trúc Sở sớm ngày nấu ăn.
Không người, trời sáng sương tan
Non xanh nước biếc hò khoan một mình,
Bóng trời nước chảy mông minh,
Mây cao trên núi vô tình đuổi nhau.


Song Thất Lục Bát:

Ông chài đến núi tây đêm đậu
Lấy Sở tre sớm nấu nước Tương
Không người, trời sáng tan sương
Non xanh nước biếc thân thương câu hò
Trời in bóng lửng lơ giòng nước
Mây vô tình đuổi rượt trên non


Mỹ Ngọc phỏng dịch
***


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét