Thứ Ba, 14 tháng 4, 2020

Dòng Kinh Quê Mẹ


Nằm sâu trong vùng Đồng Tháp Mười, mẹ tôi sinh ra và lớn lên trong một căn nhà sàn nằm bên bờ kinh khu 7. Rời gia đình rất sớm, năm mười bảy tuổi mẹ tôi theo đoàn văn công Đồng Tháp trong thời kỳ Việt Minh. Lúc bấy giờ quân đội Bình Xuyên của Bảy Viễn, tư lệnh phó khu 7, lập tổng hành dinh cách nhà ngoại tôi không xa. Hai năm sau bà gặp cha tôi, yêu nhau và làm đám cưới vội vàng trong khu chiến khi mẹ vừa tròn tuổi hai mươi. Một năm sau đó, cha tôi bị trúng đạn phải đưa về bệnh viện huyện Cao Lãnh. Bà nội hay tin, cho người xuống bắt cha tôi về bệnh viện tỉnh Vĩnh Long và cắt đứt mọi liên lạc với Việt Minh từ đó. Trông chờ không được tin chồng, mẹ tôi trên đường ra khỏi chiến khu thì bị nhóm quân đội Bình Xuyên bắt giữ. Họ tình nghi bà là nữ văn công làm “gián điệp” cho Pháp. Bị giam gần cả tuần lễ, ông ngoại hay tin đem giấy chứng nhận và khen thưởng của Bảy Viễn mới lảnh được mẹ ra. Thương con gái, ông ngoại khuyên mẹ tôi về ở hẳn bên chồng và đừng trở lại khu 7, Đồng Tháp Mười nữa. Từ đó cho đến cuối cuộc đời, những lần về thăm nơi “chôn nhao cắt rún” của bà đếm chưa đủ 5 đầu ngón tay. Chỉ những lúc chạnh lòng, mẹ tôi thường kể lại quãng đời con gái, về những buổi trình diễn văn nghệ trong chiến khu, về vẻ đẹp của những cánh đồng sen bạt ngàn và cả món thịt chuột Đồng Tháp Mười mùa nước nổi. Những giây phút hiếm hoi đó, tôi mới thấy mẹ mở lòng, gần gũi chúng tôi. Ngoài ra thì bà ít nói, ít nói đến xa cách với con cái. Tôi rất thương, rất ngưỡng mộ mẹ nhưng không gần gũi với bà.

Tháng Sáu năm 1976, tôi theo lời mẹ về thăm quê ngoại. Đây là lần thứ hai tôi về thăm quê mẹ của mình sau 23 năm. Lần đầu tôi mới khoảng 5 tuổi nên không còn nhớ gì nhiều. Đang “thất tình” và chờ sự phân công của phòng tổ chức đại học sư phạm, nên tôi vội đi ngay. Để được tận mắt nhìn vẻ đẹp của những cánh đầm hoa sen, để thưởng thức món chuột đồng quê mẹ... Cầm lá thư tay của mẹ, tôi lấy xe đò về huyện Cao Lãnh, để rồi từ đó phải đi đò về khu 7 Đồng Tháp. Chiếc xe lôi chở tôi từ bến xe đến đầu xóm là đã nghe thơm phức mùi bột gạo, đúng như cái tên xóm Bún. Nhà cô giáo Muôn, người bạn trong lá thư tay của mẹ tôi nằm ở đầu xóm Bún nên tìm rất dễ dàng. Mẹ dặn tôi gọi bà bằng dì, dì Muôn là cô giáo tiểu học trạc tuổi bà, sống chung với gia đình hai người con gái trong xóm Bún. Dì Muôn nói tôi có nhiều nét giống mẹ, nhưng lại thêm: “con trai giống mẹ thì khó ba đời…”. Tôi chỉ cười cười, không tin chút nào. Giống mẹ thì làm sao mà “khó ba đời cho được”. Mẹ tôi đẹp, không phải chỉ khuôn mặt sắc vóc, mà cả tài năng, tâm hồn nữa… Đêm hôm đó dì Muôn kể rất nhiều câu chuyện về mẹ tôi, lúc cùng học tiểu học trong căn nhà lá dọc bên bờ kinh khu 7. Xong tiểu học, dì Muôn lên huyện Cao Lãnh học tiếp trung học còn mẹ tôi nghỉ học phụ giúp gia đình và theo đuổi đam mê ca hát của mình. Đêm càng khuya câu chuyện về mẹ tôi càng được dì Muôn kể lại càng ly kỳ, lý thú. Những buổi đoàn văn nghệ của mẹ về ca hát cho đồng bào nghèo khu 7 trong mùa nước lũ có dì Muôn làm khán giả. Những đêm văn nghệ trong hành dinh chi khu 7 có tướng Bảy Viễn tham dự và đích thân trao giấy khen cho cô bé trong đoàn vừa 17 tuổi. Cô bé ấy là mẹ của tôi…

Sáng hôm sau, tôi đón chuyến đò về khu 7, xã Mỹ An, Đồng Tháp Mười trong tâm trạng bồn chồn, khó tả. Chuyến đò chật người và những kiện hàng cho cuộc mưu sinh của người dân quê tôi. Con nước trên sông xuôi về quê mẹ cũng rất lạ mắt đến khó tin. Vì là khu đồng bằng tràn ngập nước phèn hòa cùng phù sa của dòng sông đổ xuống từ Cambodia (Cam-pu-chia), nên có khúc màu vàng đục, có khúc trong thấy cá và có cả khúc nước sông màu xanh lơ thật đẹp. Hai bên bờ là những khu rừng tràm bạt ngàn, dân cư thưa thớt, xa xa mới thoáng hiện thôn làng nhỏ vài nóc nhà, khói tỏa vây quanh. Lòng tôi chợt chùng lại, đây chính là vùng đất mẹ tôi sinh ra và lớn lên thành người… Sau 5 giờ đò thì tôi thấy phía trước là những dãy nhà sàn chạy dọc theo hai bờ kinh. Người chủ đò báo đã đến khu 7. Nước dâng cao sát mé nhà và ngập con đường vào nhà ngoại. Cả nhà mừng đón đứa cháu gần 20 năm mới về thăm. Đêm hôm đó tôi nằm trằn trọc, khó ngủ vì tiếng gió lồng lộng dọc bờ kinh và thương nhớ bâng quơ..!


Mấy ngày sau đó, tôi có dịp cùng cậu Út đi ngắm những cánh đồng hoa sen bạt ngàn mùa nước nổi. Đẹp hơn sự tưởng tượng của tôi qua lời mẹ kể. Hạt sen nấu chè và phơi khô uống trà thật thơm, tuyệt vời. Và một thứ không thể thiếu là chuột. Nhất là vào mùa nước nổi, chuột nhiều, dễ bắt và thịt rất thơm ngon. Cậu Út cho tôi tham gia cả hai thứ, bắt chuột và bẫy chuột đồng. Buổi sáng sau khi lót dạ tôi, cậu Út và hai con chó mực tinh khôn chống xuồng qua phía bờ kinh có trồng tràm để bắt chuột. Cậu tôi xách chiếc thùng thiếc đi tới đi lui để tìm hướng chuột làm hang. Mà quả thật như vậy, một lúc sau là những chiếc hang chuột nằm dọc theo bờ đất khoảng giữa mấy gốc tràm. Hai cậu cháu chỉ cần đổ nước vào hang cho ngập, là mấy chú chuột chạy ra khỏi hang. Dùng tay để bắt, cây để đập (trường hợp của tôi) và hai chú mực sẽ trổ tài bắt chuột môt cách tài tình. 

Thiệt tình tôi không thích cách bắt chuột này cho lắm, vì vừa sợ lại vừa có chút nhẫn tâm. Tôi thích cách bắt thứ hai hơn, đi đặt bẫy chuột đồng. Cứ vào khoảng 3, 4 giờ chiều cậu Út và tôi mang theo chừng 20 cái rập bẫy chuột bằng sắt. Bên trong bẫy là mấy miếng mồi bằng trái cây như: chuối xiêm, dừa nạo, bắp luột, mít… nói chung là loại trái cây có mùi thơm hấp dẫn mấy lũ chuột đồng. Mùa nước lũ đồng không ruộng trống, nên đám chuột rất nghiền mùi vị của trái cây. Cũng giống như kinh nghiệm tìm hang, cậu Út luôn phát hiện con đường mòn đi lại, tìm mồi của chuột để đặt bẫy. Khi thì dọc theo bờ kinh, khi thì men theo những bờ ruộng nước ngập mênh mông. Trời chạng vạng là lúc chúng đi ăn. Đến 8, 9 giờ tối thì hai cậu cháu soi đèn đi thâu “chiến lợi phẩm” từ những chiếc bẫy ban chiều. Chuột mắc bẫy còn sống, có thể ăn liền hoặc nuôi sống vài ngày sau ăn cũng không muộn. Chừng như người dân Đồng Tháp bắt chuột không phải chỉ là thói quen, kinh nghiệm mà cả một thú vui dân dã vào mùa lũ. Hơn nữa thịt chuột đồng thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng và lại vừa tiêu diệt chuột phá đồng ruộng cho mùa lúa năm sau. Đó là mới nói qua “quá trình” để có được những giỏ chuột đồng, còn điểm chính yếu thật sự, chính là những món thịt chuột “ăn phải ghiền” trên mân cơm! Trong thời gian hơn nửa tháng ở miền quê mẹ, tôi được dịp thưởng thức nhiều món thịt chuột. Nhưng đến mãi bây giờ, tôi vẫn còn nhớ và thèm vô cùng ba món thịt chuột đồng:

⦁ Chuột đồng chiên sả ớt


Đây là món tôi yêu thích nhất. Chuột đồng chiên sả ớt có thể ăn với cơm, ăn với bún và cuốn bánh tráng rau sống thì… nhớ đời luôn. Tôi thấy chuột đồng bắt về, mợt Út làm sạch để ráo nước, ướp với sả ớt băm nhuyễn rồi thêm muối, bột ngọt, đường. Để khoảng mười phút cho thịt chuột thấm đều gia vị, sau đó mới đem chiên trên lửa riu riu. Trong lúc chiên mợ út tay luôn phải đảo đều để chuột chín vàng, dòn ngon hơn. 

⦁ Chuột khìa nước dừa


Có thể nói món chuột khìa nước dừa là món “nhậu” ngon nhất đời này. Mà phải là thứ rượu gạo từ lúa mới đầu mùa. Vừa thơm, vị nồng ngòn ngọt có hậu và không bị nhức đầu sau bữa nhâu! Món chuột khìa nước dừa được mợ Út chế biến khá cầu kỳ. Chuột sau khi bắt về, chặt đầu, lột da rồi khoét một lỗ nhỏ dưới bụng, móc hết ruột ra. Sau đó dồn hỗn hợp gồm hành tỏi, ngũ vị hương, gia vị thông thường vào bụng chuột, rồi cho vào chảo chiên. Khi chuột chín được vàng đều, mợ sẽ vớt ra để cho ráo dầu rồi xếp vào nồi, đổ nước dừa ngập thịt chuột, hầm lửa liu riu thêm lần nửa. Chuột phải hầm đến khi cạn nước sau đó tiếp tục châm nước dừa vào đun sôi rồi nhắc xuống, thêm một ít đậu phộng rang cho thơm. Món này ăn cơm thì cạo sạch nồi, ăn cuốn xà lách rau thơm thì hết rổ rau và nhậu với rượu gạo lúa mới thì không thể tìm đường về nhà được nữa!

⦁ Chuột đồng nướng muối ớt:


Đây là món đơn giản nhưng lại “thấm thía” nhất. Chuột được mợ Út luột sơ bằng nước nóng, bỏ da, rửa sạch và để ráo nước. Sau đó, mợ ướp vài loại gia vị quen thuộc như muối, ớt, đường, tỏi... rồi đem nướng trên lửa than củi hoặc than rơm rực hồng, cho đến khi lớp da vàng giòn, có màu nâu óng mở của chuột đồng mùa nước nổi. Cũng giống như món khìa nước dừa, thịt chuột đồng nướng muối ớt thì tốn cơm vô cùng và nhậu với rượu nếp hoặc rượu gạo thì người yêu có “mặn mà” đến mấy, cũng đành hẹn lại hôm sau. 

Tất cả rồi cũng trôi xa. Thời gian như con nước của dòng kinh khu 7 quê mẹ, chảy miên man qua bao nhiêu cuộc đời thoáng chốc. Có bao nhiêu mùa nước nổi đã qua. Và có bao nhiêu mùa nước lũ nữa sẽ về. Hay tất cả sẽ trở thành câu chuyện kể cho những thế hệ mai này. Dòng kinh khu 7 giờ đây đang cuộn chảy hay cũng thổn thức trong đêm nhớ thương về một mùa nước rất xa. Những con chuột đồng quê mẹ có còn chỗ để làm hang, có còn những đường mòn lối nhỏ chạy mênh mông trên những cánh đồng nước một thời. Nhưng trong tôi, nhiều đêm chợt giấc, nằm trăn trở nhớ vô cùng con nước xuôi dòng kinh khu 7, nhớ những hương vị món chuột đồng đến nghẹn ngào. Tất cả vẫn còn đó, con sông quê mẹ xuôi một dòng ký ức, như sợi tơ vàng cuộn lấy bao thương nhớ không nguôi…

Durham, North Carolina
Người Chợ Vãng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét