Hồng hồng Tuyết tuyết,
Mới ngày nào chửa biết cái chi chi !
Đó là hai câu thơ mở đầu cho bài ca trù "Gặp Cô Đào Cũ" của cụ Dương Khuê, bạn thân của Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến. HỒNG, TUYẾT thường dùng để đặt tên cho các cô gái, nên Hồng Hồng Tuyết Tuyết là nhóm từ dùng để chỉ chung các cô gái khi đang độ xuân thì, đẹp như hoa hồng mới hé nhụy và trong sáng như tuyết trắng bay bay. Nên, trong văn học cổ ta thường gặp các từ như...
HỒNG NHAN 紅顏 là Gương mặt ửng hồng, là gương mặt đẹp. Nên HỒNG NHAN thường dùng để chỉ người đẹp, như trong Truyện Kiều khi chị em đi đạp thanh, Thúy Kiều đã nghe Vương Quan kể về Đạm Tiên như sau:
Phận HỒNG NHAN có mong manh,
Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương.
Câu "Phận Hồng Nhan có mong manh" là do câu nói chữ là "HỒNH NHAN BẠC MỆNH 紅顏薄命", chỉ người đẹp thường hay có mạng số truân chiên, lao đao lận đận, như lời của chàng Thúc Sinh nói đỡ cho Thúy Kiều trước mặt Hoạn Thư:
Sinh rằng: Thật có như lời,
HỒNG NHAN BẠC MỆNH một người nào vay.
Nghìn xưa âu cũng thế nầy,
Từ bi xin liệu nới tay mới vừa !
Nghìn xưa âu cũng thế nầy,
Từ bi xin liệu nới tay mới vừa !
Còn trong bài Ca trù "Vịnh Thúy Kiều" của cụ Nguyễn Công Trứ thì gọi là MÁ HỒNG PHẬN BẠC
... Đã biết MÁ HỒNG thời PHẬN BẠC,
Trách Kiều nhi chưa vẹn tấm lòng vàng,
Chiếc quạt thoa đành phụ nghĩa Kim lang...
Má Hồng thời phận bạc, nên chả trách các người đẹp hay nhỏ lệ sầu thương, khóc cho thân phận mỏng manh của mình, thậm chí đến nỗi "Máu theo nước mắt, hồn lìa chiêm bao". Máu theo nước mắt là nước mắt đỏ như màu máu, gọi là giọt HỒNG BĂNG 紅冰 như trong Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều Ôn Như Hầu:
Ngọn tâm hỏa đốt rầu nét liễu,
Giọt HỒNG BĂNG thấm ráo làn son.
HỒNG BĂNG là nước mắt sầu thương của người đẹp. Ngoài ra để chỉ phái đẹp, trong văn học cổ còn có từ HỒNG QUẦN 紅裙 là cái Váy màu đỏ, một loại quần liền 2 ống của phụ nữ ngày xưa thường được nhuộm màu đỏ cho bắt mắt... nam giới. Nên HỒNG QUẦN cũng tượng trưng cho phụ nữ đẹp. Ta hãy nghe cụ Nguyễn Du giới thiệu về chị em Thúy Kiều Thúy Vân như sau :
Phong lưu rất mực HỒNG QUẦN,
Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.
Các giai nhân ngày xưa còn được gọi là BÓNG HỒNG, chẳng những bắt mắt đối với nam giới mà còn bắt mắt với tất cả mọi người chung quanh. Ta lại nghe cụ Nguyễn Du tả chị em Thúy Kiều trong buổi Đạp thanh như sau:
BÓNG HỒNG nhác thấy nẻo xa,
Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai !
HỒNG QUẦN 紅裙 là người đẹp, nhưng HỒNG QUÂN 洪鈞 (không có dấu huyền) thì lại là Ông Trời. Theo Văn Tuyển, Trương Hoa đời Tấn trong bài Đáp Hà Thiệu có câu : 张华《答何劭》:“洪钧陶万类,大块禀群生。HỒNG QUÂN đào vạn loại, Đại khối bẩm quần sinh”. Có nghĩa : Trời thì nhào nặn ra muôn loài, còn Đất thì nuôi sống mọi sinh linh. Nên HỒNG QUÂN là Ông Trời. Trong văn học cổ ta thường nghe nói "Hồng Quân không buông tha cho khách Hồng Quần" như cụ Nguyễn Du đã cho Thúy Kiều than vãn khi lần thứ hai phải lọt vào lầu xanh:
HỒNG QUÂN với khách HỒNG QUẦN,
Đã xoay đến thế còn vần chưa tha.
... và như trong phần mở truyện cụ cũng đã nêu lên thuyết "tài mệnh tương đố" với câu:
Lạ gì "Bỉ sắc tư phong",
TRỜI xanh quen thói MÁ HỒNG đánh ghen.
... và cụ cũng đã nói trong phần kết Truyện Kiêù là:
Cho hay muôn sự tại TRỜI,
TRỜI kia đã bắt làm người có thân,
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao !
HỒNG QUÂN là Trời, là Tạo hóa, như trong Tứ Thời Khúc Vịnh của Hoàng Sĩ Khải, một danh sĩ đời nhà Mạc:
Khéo thay bấy HỒNG QUÂN chuốt vật,
Hình chúc hình chẳng chút mũi lông.
Còn chỗ ở của các giai nhân tiểu thư quyền qúy ngày xưa thì được gọi là HỒNG LÂU như nàng cung nữ của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều :
HỒNG LÂU còn khóa then sương,
Thâm khuê còn dấm mùi hương khuynh thành.
...Hay như trong Sơ Kính Tân Trang của Chiêu Lỳ Phạm Thái:
Qúy canh phỏng độ đôi mươi,
Chẳng người tử thất cũng người HỒNG LÂU.
Tử Thất 紫室 là Căn phòng màu tím, đồng nghĩa với Tử Các 紫閣 là Căn gác màu tím, trong văn học gọi là Gác Tía. Nên Tử Các Hồng Lâu hay là HỒNG LÂU TỬ CÁC 紅樓紫閣, ta nói là LẦU SON GÁC TÍA, chỉ chỗ ở của những nhà quyền qúy cao sang. Như trong Bích Câu Kỳ Ngộ chàng công tử Tú Uyên dọ hỏi về lai lịch của người đẹp Giáng Kiều:
Mượn người thăm hỏi gần xa,
HỒNG LÂU TỬ CÁC đâu mà đến đây?
Ta lại có từ HỒNG MAO 鴻毛 là Lông của con chim Hồng. MAO 毛 là loại lông rất nhẹ, là lông tơ, lông măng. Theo "Báo nhiệm An Thư 報任安書" trong Sử Ký của Tư Mã Thiên 司馬遷的史記 đời Hán có câu " 人固有一死,或重于泰山,或轻于鸿毛 Nhân cố hữu nhất tử, hoặc trọng vu thái sơn, hoặc khinh vu hồng mao". Có nghĩa : Là người cố nhiên phải chết, nhưng có những cái chết nặng như thái sơn, có những cái chết nhẹ tợ lông hồng". Nên thường dùng từ HỒNG MAO để chỉ vật gì rất nhẹ hoặc bị xem nhẹ. Như trong Chinh Phụ Ngâm Khúc chỉ những chàng chinh phu đi chinh chiến xem nhẹ cái chết với câu:
Chí làm trai dặm ngàn da ngựa,
Gieo Thái sơn nhẹ tựa HỒNG MAO.
Và vì nhẹ tựa HỒNG MAO nên chim hồng mới bay được thật cao và được ví với những người mang chí lớn có ý chí cao xa muốn làm nên việc lớn như Từ Hải trong Truyện Kiều vậy:
Cánh HỒNG bay bổng tuyệt vời,
Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm.
Chim HỒNG chim NHẠN là hai loại vịt trời hay bay thành từng đàn từng bầy, con lớn bay rước hướng dẫn cho con nhỏ bay sau, nên HỒNG NHẠN 鴻雁 còn dùng để chỉ tình anh em, đồng đội, bằng hữu ... như trong truyện Nôm Hoa Điểu Tranh Năng :
Dốc tình bằng hữu chu tuyền,
Nghĩa HỒNG NHẠN vẫn còn truyền xưa nay.
Chim HỒNG chim NHẠN còn là hai loại chim dùng để đưa thơ ngày xưa, nên tin thư gọi là TIN NHẠN như trong Truyện Kiều khi Tú Bà dạy nghề cho Thuý Kiều:
TIN NHẠN dẫn, lá thư bài,
Đưa người cửa trước, rước người cửa sau.
Còn đưa tin bằng chim HỒNG thì gọi là HỒNG TIỆN như trong Chinh Phụ Ngâm Khúc của Đoàn Thị Điểm:
Gió tây thổi không đường HỒNG TIỆN,
Xót nỗi người tuyết quyến mưa sa.
Hay đão ngược lại là TIỆN HỒNG như khi Thúy Kiều đáp thư hồi âm cho Sở Khanh :
Tan sương vừa rạng ngày mai,
TIỆN HỒNG nàng mới nhắn bài gởi sang.
Còn HỒNG TRẦN 紅塵 là Bụi màu đỏ, có xuất xứ từ một câu thơ trong bài "Tây Đô Phú" của văn sử gia Ban Cố đời nhà Hán 文学家、史学家班固《西都赋》là : " 紅塵四合,烟雲相連. Hồng trần tứ hợp, yên vân tương liên". Có nghĩa : "Bụi đỏ từ bốn bên họp lại và khói và mây như liền lại với nhau". Câu trên dùng để chỉ cảnh phồn hoa đô hội, ngựa xe đi qua khiến cho những làn bụi đỏ như mây như khói cuốn lên cuồn cuộn. Khi dùng rộng ra HỒNG TRẦN có nghĩa là Cái thế giới nầy, cái cuộc đời nầy, cái cảnh đời trần tục, cỏi trần thế xô bồ xô bộn ... Khi từ giả Vương Ông xong, thì Mã Giám Sinh đã cho đoàn xe ngựa chở Thúy Kiều phi như chạy trốn :
Đùng đùng gió giục mầy vần,
Một xe trong cõi HỒNG TRẦN như bay !
Cũng trong Truyện Kiều, HỒNG TRẦN được diễn Nôm thành BỤI HỒNG để chỉ cỏi đời trần tục, như khi cả nhà đi theo sư Giác Duyên tìm được Thúy Kiều ở thảo am, mọi người đều khuyên nàng về nhà đoàn tụ, thì Thúy Kiều đã lý luận rằng :
Sự đời đã tắt lửa lòng,
Còn chen vào chốn BỤI HỒNG mà chi ?!
Cuối cùng ta có tích HỒNG DIỆP 紅葉 là Lá Đỏ.
Có 3 xuất xứ cho điển tích LÁ ĐỎ như sa :
* Theo THỊ NHI TIỂU DANH LỤC 侍兒小名錄 :
Con gái nuôi của tài nhân nhà Phụng Ân Vương đời Đường Đức Tôn 唐德宗 là Phượng Nhi 鳳兒 thường đề thơ trên lá đỏ, rồi thả trên dòng nước từ cung vua trôi ra ngoài. Tiến sĩ Giả Toàn Hư 賈全虛 bắt được lá. Quan Kim Ngô tâu việc ấy lên vua. Nhà vua bèn gả Phượng Nhi cho Giả Toàn Hư và phong cho chức Kim Ngô.
* Theo sách VÂN KHÊ HỮU NGHỊ 雲溪友議:
Thư sinh Lư Ốc 盧渥 đi ngang qua ngự câu (dòng nước chảy từ cung vua ra ngoài ), Ngẫu nhiên vớt được một chiếc lá đỏ trên đó có đề một bài thơ. Ốc nâng niu và cất vào trong tráp. Khi vua Đường thải cung nữ cho đi lấy chồng. Lư Ốc lấy được một cô, lại đúng là người thả chiếc lá kia. Lúc trông thấy chiếc lá đỏ trong tráp, người vợ nói :” Khi ấy thiếp chỉ ngẫu nhiên đề thơ, rồi thả theo dòng nước, không ngờ chàng lại chính là người đã nhặt được !”.
* Theo THANH TỎA CAO NGHI 青瑣高議 và THÁI BÌNH QUẢNG KÝ 太平廣記:
Cung nhân Hàn Thị 韓氏 đề một bài thơ trên lá đỏ:
Lưu thuỷ hà thái cấp ? 流水何太急 ?
Thâm cung tận nhật nhàn. 深宮盡日閒。
Ân cần tạ hồng diệp, 殷勤謝紅葉,
Hảo khứ đáo nhân gian ! 好去到人間!
Có nghĩa:
Nước chảy sao vội thế ?
Trong cung suốt buổi nhàn.
Ân cần nhờ là đỏ,
Đưa đến chốn nhơn gian !
...Rồi thả trên dòng nước từ cung vua trôi ra ngoài. Thư sinh Vu Hựu 于祐 nhặt được đem cất đi. Hựu lại viết hai câu thơ:
Tằng văn diệp thượng đề hồng oán, 曾聞葉上題紅怨
Diệp thượng đề thi ký A thùy ? 葉上題詩寄阿誰?
Có nghĩa:
Từng nghe lá đỏ đề thơ oán,
Lá đỏ đề thơ gởi đến ai ?
...Rồi cũng đợi nước lớn thả ngược vào trong cung. Hàn Thị bắt được lá cũng cất vào trong rương. Sau vua Đường Hi Tôn cho thải ba ngàn cung nhân, Hàn Thị được thải ra và rất tình cờ lại lấy được Vu Hựu làm chồng. Khi phát hiện ra lá đỏ của nhau, vợ chồng cùng cảm kích mà nói :"Chúng ta phải tạ ơn cho hai người mai mối, chính là hai cái lá đỏ nầy đây". Hàn Thị bèn từ trong tráp lấy ra thêm một bài thơ nữa và nói với chồng rằng : “Đây là bài thơ của thiếp làm sau khi vớt được chiếc lá của chàng!”. Vu Hựu bèn đọc bài thơ như sau :
Độc bộ thiên câu ngạn, 獨步天溝岸,
Lâm lưu đắc diệp thì. 臨流得葉時.
Thử tình thùy khả đắc, 此情誰可得
Trường đoản nhất liên thi ! 腸斷一聯詩 !
Có nghĩa:
Lẻ loi bước giữa dòng câu,
Bên bờ vớt lá nghe sầu mênh mang.
Tình nầy ai thấu can tràng,
Đau lòng cung nữ đôi hàng thơ ai !
Vu Hựu cũng cầm bút lên viết ngay một bài thất ngôn tuyệt cú như sau :
Nhất liên giai cú tùy lưu thủy, 一聯佳句題流水,
Thập tải u tư mãn tố hoài. 十載幽思滿素懷.
Kim nhật khước thành loan phượng hữu, 今日卻成鸞鳳友,
Phương tri hồng diệp thị lương mai(môi). 方知紅葉是良媒.
Có nghĩa:
Đôi câu thơ đẹp chảy theo dòng,
Ấp ủ lòng son suốt chục năm.
May mắn hôm nay loan phụng hợp,
Mới hay lá đỏ chính mai dong !
Các văn nhân thi sĩ ở Trường An lúc bấy giờ hưởng ứng rất đông. Trong số văn thơ xướng họa, nổi tiếng nhất có bài thất ngôn tứ tuyệt của thi sĩ Cố Huống 顾况 như sau:
Hoa lạc thâm cung oanh diệc bi, 花落深宮鶯亦悲,
Thượng Dương cung nữ đoạn trường thì. 上陽宮女斷腸時。
Quân ân bất bế đông lưu thủy, 君恩不閉東流水,
Diệp thượng đề thi ký dữ thuỳ ? 葉上題詩寄與誰?
Có nghĩa:
Hoa rụng thâm cung oanh cũng sầu,
Thượng Dương cung nữ quặn lòng đau.
Ơn vua không bế dòng lưu thuỷ,
Trên lá đề thơ gởi đến đâu ?!
Điển tích “LÁ THẮM” được sử dụng rất nhiều và rất rộng rãi trong văn chương Việt Nam. Phần đầu Truyện Kiều, khi dò la chỗ ở của Thúy Kiều, Kim Trọng đã đụng phải :
Thâm nghiêm kín cổng cao tường,
Cạn dòng LÁ THẮM dứt đường chim xanh !
Lá Thắm là từ Nôm của từ “Hồng Diệp 紅葉” là Lá đỏ thắm; mà Hồng Diệp lại là từ nói gọn lại của nhóm từ “Hồng Diệp Đề Thi 紅葉題詩” là “Lá Đỏ Đề Thơ”, hay là “Thơ Bài Lá Đỏ” như trong thơ của Hoàng Sĩ Khải :
Thực nhân tình THƠ BÀI LÁ ĐỎ,
Mạch sầu kia hầu tỏ cùng ai.
... lắm lúc lại được nói trại đi thành “Thả Lá Doanh Câu” như trong Bích Câu Kỳ Ngộ là:
Trông hoa lặng ngắt giờ lâu,
Ấy ai THẢ LÁ DOÀNH CÂU ghẹo người ?!
Hồng Diệp đôi khi còn được nói thành nửa Hán nửa Nôm là “Lá Hồng”, như trong Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện:
Gớm nơi ngôi bảng duềnh khơi,
LÁ HỒNG bỗng đến chi nơi nổi chìm.
Hồng Diệp còn thường đi chung với Xích Thằng, thành “Hồng Diệp Xích Thằng紅葉赤繩”, như lời của Thúy Kiều nói với Kim Trọng:
Nàng rằng : HỒNG DIỆP Xích Thằng,
Một lời cũng đã tiếng rằng tương tri !
Và như trong Tây Sương Ký :
Sự đâu nói gió bàn trăng,
Mà nghe HỒNG DIỆP Xích Thằng như chơi !
Hồng Diệp Xích Thằng nói Nôm na thành ra “Lá Thắm Chỉ Hồng”, cũng lời của Thúy Kiều nói với Kim Trọng khi Kim tỏ tình :
Dù cho LÁ THẮM Chỉ Hồng,
Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha.
Nặng lòng xót liễu vì hoa,
Trẻ thơ đã biết đâu mà dám thưa !
Ta thấy, điển tích Lá Thắm được sử dụng hết sức rộng rãi trong văn học cổ Việt Nam ta, và được biến thể rất đa dạng từ Hồng Diệp đến Lá Thắm, Lá Hồng, Hồng Diệp Đề Thi, Thư Bài Lá Đỏ, Hồng Diệp Xích Thằng … Nên muốn hiểu hết, cảm nhận hết ý nghĩa của các câu thơ trên, ta phải tìm hiểu xuất xứ của điển tích này để thấy được hết cái hay, cái ý vị hàm chứa trong các câu thơ đó.
Đỗ Chiêu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét