Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2019

Bệnh Cao Huyết Áp


Huyết áp là áp lực của máu lên thành mạch. Cứ tưởng tượng tim là một cái máy bơm nước. Chỉ số trên (huyết áp tâm thu) là chỉ số khi tim bơm máu chạy khắp cơ thể. Chỉ số dưới (huyết áp tâm trương) là chỉ số khi tim đang nghỉ. Huyết áp bình thường của người lớn thường dưới 140/90 mmHg. Huyết áp của bệnh nhân bị bệnh tim, tiểu đường, thận cần phải thấp hơn (120/70-80).

Càng lớn tuổi, thành động mạch càng cứng càng dễ dẫn tới cao huyết áp. Đa số bệnh nhân bị cao huyết áp không có triệu chứng gì ngoại trừ khi áp huyết quá cao gây nên đột quỵ hay trong giai đoạn cuối khi cao huyết áp dẫn tới biến chứng. Vì thế nhiều người bị bệnh cao huyết áp không chịu theo dõi huyết áp thường và không uống thuốc thường. Một điều quan trọng cần lưu ý là khi cao huyết áp dẫn tới bệnh nặng thường quá trễ rồi. Dù lúc này có chữa cao áp huyết, các cơ quan trong cơ thể cũng không phục hồi lại được.

VÌ VẬY PHẢI THEO DÕI VÀ CHỮA TRỊ CAO ÁP HUYẾT NGAY TỪ BAN ĐẦU.

1- Nguyên nhân và triệu chứng bệnh cao huyết áp:

90% trường hợp áp huyết cao không rõ nguyên nhân.
10% được gây ra do những bệnh khác như bệnh tuyến thượng thận, bệnh thận kinh niên, bệnh hẹp động mạch thận, một số thuốc như thuốc ngừa thai, thuốc uống bệnh trầm cảm v.v.

Ngoài ra một số yếu tố có thể góp phần gây ra tăng huyết áp:

– Tuổi tác: tuổi càng cao thì càng dễ bị tăng huyết áp đặc biệt là huyết áp tâm thu, do động mạch trở nên cứng hơn, nguyên nhân là do bệnh xơ cứng động mạch.
– Stress có thể tăng huyết áp.
– Tiền sử gia đình (tính di truyền): bệnh tăng huyết áp có khuynh hướng di truyền theo gia đình.
– Thừa cân (béo phì): Những người béo phì có nguy cơ bị cao huyết áp cao gấp từ 2 đến 6 lần những người có trọng lượng trong giới hạn bình thường.
– Thiếu tập thể dục: ngồi nhiều một chỗ có thể gây béo phì và tăng huyết áp.
– Thức ăn nhiều muối, uống rượu nhiều.
– Bệnh nhân bị tiểu đường dễ bị áp huyết cao.
– Mắc chứng ngưng thở lúc ngủ
– Có một số phụ nữ bị áp huyết cao trong thời kỳ có thai.

Bệnh nhân bị áp huyết cao có thể không có triệu chứng gì. Bệnh nhân có thể bị nhức đầu, chóng mặt, chảy máu mũi. Một trong những biến chứng của bệnh cao huyết áp là chảy máu não. Áp huyết cao có thể làm vỡ những mạch máu bất bình thường ở trong đầu (cerebral aneurysm). Triệu chứng của chảy máu não bao gồm nhức đầu dữ dội và đột ngột, buồn nôn, ói mửa, hôn mê, bất tỉnh, yếu một cánh tay hoặc chân, giọng nói ngọng v.v.

2- Những biến chứng có thể xảy ra của cao huyết áp là gì?

– Suy tim. Tim của bệnh nhân bị áp huyết cao phải làm việc nhiều hơn. Điều này làm cho trái tim to ra và trở nên yếu hơn.
– Chảy máu não.
– Suy thận. Các mạch máu trong thận có thể trở nên hẹp lại, làm giảm lượng máu chảy tới thận và gây suy thận.
– Nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Động mạch bị hẹp ở một số nơi trong cơ thể, từ đó dẫn đến việc hạn chế lưu lượng máu (đặc biệt là cho tim, não, thận và chân). Điều này có thể gây ra một cơn đau tim, đột quỵ.

Nếu bị nhồi máu cơ tim hay bị đột quỵ, bạn cần gọi xe cứu thương gấp

Bệnh mắt: Các mạch máu trong mắt vỡ hoặc chảy máu. Điều này có thể dẫn đến những thay đổi về thị lực và trong những trường hợp nặng có thể bị mù lòa.




3- Làm thế nào để chẩn đoán cao huyết áp?

– Bạn cần kiểm tra huyết áp nhiều lần trong ngày
– Trước khi kiểm tra huyết áp, bạn nên dành ra một thời gian để thư giãn. Không nên kiểm tra huyết áp lúc bạn đang hồi hộp, căng thẳng.
– Dùng đồ đo huyết áp đúng tiêu chuẩn
– Có nhiều bệnh nhân quá lo sợ khi tới bác sĩ khám bệnh. Những bệnh nhân này huyết áp bình thường khi ở nhà nhưng cao khi đo ở phòng mạch bás sĩ. Có thể gởi những bệnh nhân này tới phòng khám nghiệm để mang máy đo áp huyết trong người trong 24 tiếng đồng hồ.
– Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, tăng huyết áp có thể được phân loại như sau:
Tăng huyết áp độ 1: 140-159/90-99 mmHg
Tăng huyết áp độ 2: 160-179/100-119 mmHg
Tăng huyết áp độ 3: Áp huyết 180/110 hoặc cao hơn.

4- Điều trị cao huyết áp:

– Giữ cho huyết áp dưới 140/90 mmHg. Nếu bạn có bệnh tiểu đường, bệnh tim hoặc bệnh thận mãn tính, huyết áp của bạn cần dưới 120-30/80 mmHg.

– Thay đổi lối sống:
Có chế độ ăn lành mạnh và ít muối,
Cố gắng duy trì một cân nặng lí tưởng,
Bỏ hút thuốc,
Ng̣ưng uống rượu,
Uống thuốc điều trị bệnh cao huyết áp theo hướng dẫn của bác sĩ,
Theo dõi huyết áp của bạn thường xuyên ở nhà với một thiết bị theo dõi tốt,
Không nên tự ngưng thuốc,
Tập thể dục đều.

– Uống thuốc
Các chất ức chế men chuyển ACE, ARB
́Thuốc lợi tiểu
Thuốc ức chế Beta
Thuốc ức chế Alpha
Thuốc ức chế hấp thụ canxi
Thuốc ức chế hấp thụ canxi
Thuốc giãn mạch

Bạn cần uống loại thuốc nào tùy theo sức khỏe của bạn. Bạn có thể uống thuốc lợi tiểu nếu bạn bị phù chân, tim yếu, tiểu đường; thuốc ức chế Beta nếu bạn bị bệnh nhồi máu cơ tim, thuốc giãn mạch nếu bạn bị nghẻn động mạch tim.

Melbourne, 23/11/2019
Bác sĩ NCT


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét