Lộc ơi!
Bài "Il pleure dans mon cœur" của Verlaine mày gửi, tao đọc còn chưa hết ngất ngư, mày đã bồi tiếp quả "Les feuilles mortes" của Prévert. Thấy mày bỗng dưng bốc máu văn nghệ cứ như Tạc Dzăng đùng đùng lên cơn nổi giận ấy, tao hơi giật mình. Nhưng ngẫm cho cùng, giờ mày chắc cũng như tao, tụi mình không còn ở tuổi vào thu nữa mà đang ngấp nghé tuổi vào đông, nếu không muốn nói là đã sang đông rồi.
Có lẽ vì thê tụi mình đâm dửng dưng trước các sự dời cũng như những câu chuyện đời và chỉ thèm tìm về để được sống lại, sống bằng, sống với những kỷ niệm được mang dấu ấn của đời sống chân chất : những kỷ niệm đẹp còn thuộc về thuở hoàng kim thời đại ngày xửa ngày xưa ấy mà…Thuở ấy, loài người ăn ở còn lạc hậu lắm, chưa có iPhone, iPad như bây giờ.
Nhờ vậy người ta mới có thời gian và điều kiện để sống tình cảm với nhau hơn, và cuộc sống cũng đỡ tha hóa hơn bởi ít bị hối thúc ùa nhau, như bày cừu Panurge ngoan ngoãn (*), chạy theo những sản phẩm mới lạ không ngoài mục đích thỏa mãn sở thích bon chen đua đòi với kết quả chỉ làm tăng thêm lời nhuần cho một số tập đoàn đầu nậu tư bản quốc tế và khiến môi trường ngày một thêm ô nhiễm. Cũng may, hồi đó đám học trò tóc xanh tụi mình chẳng đứa nào được biết Play Game, play gớm là cái gì sất; nên chỉ khóai đi tìm thú vui trong chơi bi, đánh đáo hay những lúc vui đùa chọc ghẹo nhau.
Tao vẫn nhớ cái năm mày gia nhập tụi tao ở Hải Phòng. Thấy mày học hành rất ư chân chỉ hạt bột, tụi tao liền đặt cho mày cái tên Lộc gạo. Cũng kể từ ngày đó, ngọai trừ thằng Chương nghiện, còn lại bọn tao từ thằng Cần thâm, Ngọc hành, Hậu môn đến thằng Các môi son hay Các con gái… không đứa nào học địch lại mày. Riêng tao, cũng vì mày bỗng nhiên được ( ?) cả trường biết tiếng với cái tên Hưng bưng bô . Không biết thằng mãnh nào đã kiếm ra được mấy chữ quái ác thế. Đúng chỉ có thằng Tuấn lỏi chứ còn ai vào đây nữa. Nhưng giờ nghĩ lại tao thấy kể cũng đáng. Hồi đó tao may mắn được xếp ngồi cạnh mày. Thế là tao liền bỏ rơi tụi nó, cứ lẽo đẽo tìm cách bợ đít mày để mong được mày cho cọp dề bài thi trong lớp, nhất là hai môn Math và Dictée. Nhưng sự hục hặc giữa tụi mình chỉ đến mức chọn hỗn danh đặt cho nhau để chọc ghẹo nhau là cùng. Còn lại bao giờ cũng vui vẻ đùa rỡn với nhau. Nếu có sinh sự là sinh sự với bọn nam sinh Ngô Quyền kia.
Chắc mày còn nhớ, Ngô Quyền hồi đó là trung học hỗn hợp kế cận trường mình. Mỗi lần đi ngang, thấy mấy cô nữ sinh thướt tha trong tà áo trắng, lẽn bẽn ôm cặp đứng đợi trước cổng trường, vài đứa bạo gan bạo phổi trong bọn bèn lắp bắp sủa vài tiếng phú lang sa tính gạ gẫm làm quen. Thấy tụi mình trổ tài xổ nho (tây) với bạn học gái, bọn con trai Ngô Quyền ức lắm. Không biết làm gì, chúng bèn trả đũa bằng cách nhạo báng tụi mình là dân học trường "Xách Dép" thay vì "Institution Saint-Joseph". Thế là chiến tranh bùng nổ giữa bọn mình với đám con trai Ngô Quyền từ đấy. Nhưng chỉ là chiến tranh lạnh thôi. Hai bên chỉ tìm cách "choảng" nhau bằng chữ nghĩa, chứ không hề gây gỗ hung hãn động tí là giở trò xin nhau tí huyết hoặc vác súng vào trường bắn loạn như bây giờ.
Thậm chí nhiều đứa trường mình còn chơi thân với đám trai Ngô Quyền là đằng khác. Giờ nhớ lại những lúc hẹn gặp nhau dọc đường để được cùng nhau bá vai bá cổ hớn hở tới trường, tao thấy cuộc sống tụi mình thuở ấy sao mà nó lên hương thế. Giả dụ giờ này tao có bạc tỉ trong két, chắc tao cũng không biết làm gì ngoài việc ngồi đếm bạc để tưởng tựong mình là kẻ sung sướng trên đời vì dư tiền dư của hơn người khác. Và tao sẵn sàng đánh đổi cái thú vui hợm hĩnh ấy để mong tìm lại được những tiếng cười hồn nhiên ròn rã khi chúng mình vui đùa nghịch ngợm với nhau.
Nhưng bên cạnh các kỷ niệm của tuổi học trò vô tư ấy, còn gì đáng nói hơn là những kỷ niệm của thời yêu đương. Bây giờ mới là lúc tao chính thức trở về với câu chuyện " con cùu của tụi mình", tức "revenons à notre mouton" như ông thầy dạy Français vẫn quen nói sau khi trả lời câu hỏi lạc đề của một đứa trong lớp.
Lộc ơi ! Mày nói mày rất mê bài "Les Feuilles mortes". Đâu chỉ có mình mày mê. Tao cũng mê. Rất mê. Hàng triệu người yêu nhạc trên thế giới đều mê. Và, cũng như mày, tao vẫn nghĩ bài hát sở dĩ được mọi người yêu chuộng đến thế, vì nó là một bài thơ tuỵệt tác của Prévert được Joseph Kosma đem phổ nhạc.
Có điều tao thắc mắc là tìm hoài sao không thấy bài nào mang tựa"Les Feuilles mortes" trong các tập thơ của Prévert tao được biết như "Paroles" hay "Spectacle"cả. Mãi gần đây ra thư viện lục lọi, tình cờ tao vớ được bộ Prévert Toàn tập (Prévert, Œuvres complètes en 2 volumes, Bibliothèque de la Pléiade, Editions Gallimard 1966).
Mầy mò hết trang này qua trang khác, cuối cùng tao mới tóm cổ được chú "Les Feuilles mortes " và phát hiện ra một điều khá thú vị : Trái như mày và tao vẫn tưởng, "Les Feuilles mortes" không phải là một bài thơ, mà chỉ là ca từ Prévert viết theo một điệu nhạc sẵn có của J. Kosma. Bởi thế "Les Feuilles mortes" mới không được xếp trong phần "Poésie" của tập I, mà lại đặt tuốt những trang cuối của tập II trong phần " Textes divers" ở mục "Chanson" (Jacques PREVERT : Œuvres complètes, Tome II – Textes divers, p.785-786, Bibliothèque de la Pléiade, Editions Gallimard 1966).
Tham khảo tiếp phần chú giải (Notes, sdd.tr. 1387-1391), tao lại biết thêm điệu nhạc này, chủ đích của Kosma là sọan ra như là một nhạc phần (une partition) cho kịch vũ ba lê "Le Rendez-Vous " ( "Hẹn Hò", theo vở kich là hẹn hò với Định Mệnh). Lúc đầu Prévert cũng định chỉ soạn lời cho nhạc phần của vở kịch vũ theo yêu cầu. Nhưng khi lắng nghe giai điệu để viết lời, Prévert đã bị thu hút bởi những nốt nhạc của giai điệu diễn tả một nỗi buồn thầm kín nhưng nồng nàn đằm thắm. Và ông đã nhân cơ hội mượn giai điệu này của Kosma để làm nền cho cuốn phim do chính ông soạn kịch bản và lời thoại lấy tên "Les Portes de la nuit" ("Cửa vào đêm tối ", đêm tối ở đây mang ý nghĩa ẩn dụ " tử thần"), lấy nhạc Kosma làm nền.
Cũng như kịch bản "Le Rendez-vous", " Les Portes de la nuit " kể lại câu chuyện tình buồn của hai nhân vật chính: Diego, một thành viên kháng chiến Pháp sống sót sau đệ nhị thế chiến, và Malou, cô gái xuất thân nghèo hèn, nhưng đang sống chán chường trong nhung lụa bên cạnh anh chồng giàu có nhờ làm ăn bất chính trong thời chiến. Tình cờ gặp nhau, hai người đã yêu nhau nhờ tìm ra được sự đồng cảm qua một điệu nhạc cả hai đều ưa thích. Nhưng sau một đêm sống hạnh phúc bên nhau, Malou đã bị người chồng nổi ghen bắn chết. Tóm lại, dù với "Le Rendez-vous " hay với " Les Portes de la nuit ", cả hai kịch bản đều mang chung nội dung một câu chuyện tình buồn với kết thúc bi thảm, như cái chết của Malou. Nhưng khi sọan nhạc, Kosma lại muốn giai điệu làm sống dậy cái hạnh phúc tìm thấy trong tình yêu hơn là chỉ gợi nhớ một kỷ niệm u uất. Giai điệu, do đó, phải mang vài nốt nhạc thân quen gợi nhớ kỷ niệm để, mỗi lần nghe vọng lên, là một lần hạnh phúc yêu đương được thức giấc. Thông thường người ta phổ nhạc cho thơ để chuyển đạt lời thơ bằng nhạc. Prévert trái lại, đã dùng lời ca đem lại cho nhạc điệu một hồn thơ. Có lẽ vì vậy mà người đời vẫn ngộ nhận ca từ của bản « Les Feuilles mortes » là một bài thơ của Prévert và nhờ được J. Kosma phổ nhạc nên mới trỏ thành bất tử. Họ đâu có ngờ bản « Les Feuilles mortes » trở thành một trong những bài ca tủ cho họ, ấy là nhờ ca từ đã phả hồn thơ vào những nốt nhạc, khiến giai điệu được thấm sâu vào lòng người nghe, đem lại sự bất tử cho bản nhạc.
Để thể hiện quan niệm sáng tạo này của Kosma và nói lên ý nghĩa nội dung giai điệu, Prévert phải vận dụng hết tài năng để viết nên ca từ. Trong phim, Malou là nạn nhân của một hành động trả thù thô bạo. Nhưng Prévert lại dùng hình ảnh sóng biển xóa dần dấu chân trên bãi cát để gợi cho ta hình ảnh một sự chia ly nhẹ nhàng êm thắm (d 19-23). Đó là hình ảnh của điệp khúc được gợi lên trong các dòng 13-23 và 36-46. Phần ca từ còn lại, Prévert chia làm hai đoản khúc (couplet) và ông đã dành hầu như trọn đoản khúc hai (d 26-35) để nhắc nhở ta rằng mỗi lần kỷ niệm hiện vê, nó không chỉ đem lại đau buồn tiếc nuối, mà là dịp để Diego được sống lại những giây phút yêu đương hạnh phúc bên cạnh Malou. Tiếc thay phần đông các ca sĩ lại ít dùng lời của đỏan khúc 2 khi diễn tả. Phải chăng đó là nguyên nhân khiến công chúng đã dễ dàng đồng hóa « Les Feuilles mortes » với dòng nhạc tình cảm mang chủ đề « Mùa thu và kỷ niệm ». Tao cho đây là một ngộ nhận đáng tiếc. Nó khiến ta đánh giá không đúng mức tài năng sáng tạo của Prévert khi sọan lời cho " Les Feuilles mortes " và làm giảm bớt phần nào khóai cảm thưởng thức của ta. Tao gửi sau đây toàn bộ ca từ của Prévert có thêm phần tiếng Việt do tao chuyển ngữ (coi pps « Les FM (textes) »). Mày hãy đọc khi có thì giờ rảnh rỗi. Biết đâu chẳng là cơ hội để mày có dịp so sánh phong cách thưởng thức âm nhạc nghệ thuật ở nước ngoài với phong cách và trình độ thưởng ngọan âm nhạc của phần đông người mình.
Để có cơ sở so sánh, trước hết ta hãy nghe lại ca từ tiêu biểu cho nhạc Việt về mùa Thu, đăc biệt lời ca tình tứ của một số bản nhạc quen thuộc.
" Thu đi cho lá vàng rơi. Lá rơi cho đám cưới về…"
Hoặc: "Em không nghe mùa thu. Lá thu rơi xào xạc. Con nai vàng ngơ ngác…"
Hoặc: "Em có nghe mùa thu mây giăng lá đổ. Con nai vàng hát khúc yêu đương…"
Có thể nói, cũng như các trường hợp nêu trên, hầu hết các bản nhạc hoặc các bài thơ nói về mùa thu của ta đều chuyển tải hoặc mở đầu bằng những lời lẽ hay hình ảnh gợi cảm, tình tứ tương tự. Nhưng vì thấy chúng thơ mộng tình tứ người ta mới đua nhau bắt chước, tận tình lôi ra xào xào nấu nấu, chẳng mấy chốc biến chúng thành những hình ảnh công thức sáo mòn.
Khung cảnh đã vậy, thế còn nhân vật thì sao? Theo tao nghĩ, đã là đàn bà con gái ít ra cũng phải " mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười ", như thời Nguyễn Du chứ? Đằng này, qua lời lẽ của một số thi, nhạc thời thượng bây giờ, tao có cảm giác hình như người em gái nào cũng đều có cặp "môi mềm" như nhau cả.
Còn lại, nếu không "sầu mộng" thì cũng đều là " mắt nhung" hay "mắt ướt " trên đôi vai gầy ráo trọi. Nghe ríết một hồi, tao không còn phân biệt ra được ai là em gái của tao, ai là người em thiên hạ cả. Ấy vậy mà các sáng tác thuộc lọai này vẫn ăn khách đều đều.Tuy biết rằng đó chỉ là những hình ảnh cuộc sống được thăng hoa, nhưng người ta vần thích nghe. Biết đâu, chính vì chúng là những hình ảnh cuộc sống được tô màu, đánh bóng nên họ mới khoái nghe. Càng nghe càng khoái. Nghe riết, đâm ghiền như một thứ ma túy, một loại thuốc an thần giúp người nghe tìm quên được chốc lát trong ảo ảnh về một kỷ niệm đẹp, nếu chẳng may cuộc tình lỡ dở. Về phần những kẻ may mắn được " như chim liền cánh, như cây liền cành ", họ lại càng khóai nghe. Bởi chính họ mới thuộc thành phần cần tìm kiếm những giây phút thoát ly hiện thực hơn ai hết: Nhờ may mắn trúng số, họ mới có điều kiện để kiểm nghiệm cái chân lý không dễ gì thay đổi này:
"Tình chỉ đẹp khi còn dang dở
Đời hết vui khi chén bát đã biết bay trong nhà ".
Bởi vậy đường lối sáng tác dễ dãi hời hợt này, thiên về vay mượn hơn là đào sâu cảm xúc sống thực, vẫn gặp thời cơ. Đất dung thân của nó là một số cơ sở sản xuất băng nhạc vidéo hay đĩa CD, là một vài ông bàu chuyên tổ chức các show trình diễn. Đối tượng cho sản phẩm của họ là một giai tầng xã hội dư dả thời giờ và phưong tiện, nhưng nghèo nàn óc thẩm mỹ với thị hiếu đôi khi còn thuộc lọai " mauvais goût" nữa. Trước tình trạng này, khách yêu chuộng nghệ thuật âm nhạc chỉ biết quay về với âm nhạc tiền chiến hay một số tác phẩm một thời bi kết án là nhạc vàng, nhưng đã làm rung động được lòng người nhờ vào giọng ca điêu luyện của những ca sĩ tài danh một thời vang bóng. Đó là nhận định của riêng tao, không biết là đúng hay sai. Nhưng thôi, ta hãy dẹp cái chuyện lẻ tẻ này lại để trở về với chuyện con cừu của tụi mình tức là bàn về giá trị nghệ thuật của bản "Les Feuilles mortes ", đặc biệt là kỹ thuật vận dụng chữ nghĩa trong ca từ của Prévert.
Bản nhạc tác động mạnh tới cảm quan người nghe bằng một tiếng « Ồ » mở đầu để bật thành lời nỗi xúc động do kỷ niệm làm sống dậy. Cường độ của xúc động được thể hiện bằng trạng từ tant (chỉ số lượng) kết hợp với động từ vouloir (je voudrais) ở thì hiện tại thể điều kiện cách (temps présent du mode conditionnel). Chắc mày còn nhớ, người Pháp ưa dùng thể diều kiện cách, nhất là trong văn học, để diễn tả một khao khát, một ước vọng mãnh liệt. Chỉ bằng một vài chữ đơn giản thế thôi, nhưng cô đọng, hàm súc, chứ không phải bằng những lời lẽ hoa mỹ, kể lể cường điệu, Prévert đã cho ta cảm thấy được nỗi xúc động trào dâng như thế nào.
Kỹ thuật vận dụng chữ nghĩa này của Prévert, nhất là về mặt khai thác ý nghĩa đặc biệt của một số thì (temps) và thể cách (mode) trong phép chia động từ của tiếng Pháp, làm tao liên tưởng tới cách ra chiêu của các bậc chưởng môn võ công thâm hậu. Chỉ cần tập trung tư tưởng thu hết nội lực vào lòng bàn tay là khi bung ra đã có quả đấm sức mạnh ngàn cân. Chiêu thức này không như qủa thụi của mấy đứa con nít và cũng khác hẳn với các đường quyền lớp lang bài bản của phường sơn đông mãi võ. Chính tài năng vận dụng chữ nghĩa khéo léo này đã giúp Prévert phả được vào toàn bản văn hơi thở của sự sống và giúp cho mỗi từ sử dụng có một đời sống riêng.
Như mày cũng biết, "Les Feuilles mortes" được coi thuộc dòng nhạc tình cảm nói về mùa thu và kỷ niệm, nên nó mới có cái tựa tiếng Anh " Autumn leaves". Vậy mà Lộc ơi, mày hãy kiếm dùm tao trong toàn bộ ca từ của Prévert có chữ nào là " thu" hoặc hình ảnh nào gợi lên cảnh đẹp thơ mộng quyến rũ của mùa thu không? Hay độc nhất chỉ có hai chữ "les feuilles mortes " là mang ý nghĩa biểu tượng cho mùa thu. Nhưng hình ảnh ẩn dụ này lại quá quen thuộc, có khi còn vô vị lạt lẽo hơn cả hình chiếc bánh humburger quảng cáo của mấy tiệm McDo nữa. Đã thế Prévert lại còn đem kết hợp hai chữ này với chữ " pelle " (cái sẻng) là một vật dụng thô kệch chẳng có gì là thơ mộng cả. Giả dụ ta phải dùng những chữ này để đăt thành câu. Nếu là học sinh trung học, chắc cậu ta sẽ viết như sau để được đủ ý và đúng mẹo văn phạm: "Les feuilles mortes sont si nombreuses qu’on doit les ramasser avec une pelle ", hoặc "les feuilles mortes sont si nombreuses qu’elles ne peuvent être ramassées qu’avec une pelle ".
Dù diễn tả với hình thức nào, hai cách phát biểu nôm na này đều gợi cho ta một hình ảnh quen thuộc nhàm chán của đời sống hàng ngày, như đám lá khô nằm bất động. Nhưng Prévert, nhờ khéo vận dụng phép chia động từ (một trong những dạng diễn tả thiên tài của tiếng Pháp), lại dùng chữ « feuilles » làm chủ từ với « ramasser » ở thể động từ tự phản (forme pronominale) trong một câu ngắn gọn : " Les feuilles mortes se ramassent à la pelle ", biến câu văn thành những lời thơ.
Là những lời thơ vì câu văn không chỉ cô đọng, hàm súc mà khi đặt les feuilles mortes làm chủ từ, Prévert còn gợi trong ta hình ảnh lung linh sống động của những chiếc lá đang rơi rụng đầy gợi cảm. Tuy không phải điệp khúc, nhưng câu thơ được nhắc đi nhắc lại ba lần do vai trò quan trọng của nó: mỗi lần lập lại là một lần được lồng trong ngữ cảnh mới nói lên ý nghĩa đặc biệt của kỷ niệm đối với người trong cuộc.
Lần đầu (d.5) với ba chấm lửng, câu thơ gợi cho ta hình ảnh lung linh của những chiếc lá khô rơi lả tả kéo kỷ niệm về. Lần hai, chỉ cách lần đầu có một dòng, nhưng lại được kết hợp với ba câu kế tiếp (d.7-10), ngụ ý nhắc nhở ta rằng kỷ niệm thức giấc ở đây không cùng loại với những kỷ niệm chồng chất ta thường được nghe tâm tình kể lể qua những bản nhạc hay nhưng bài thơ trữ tình quen thuộc: Những kỷ niệm thuộc loại đó chỉ gây ấn tượng nơi ta chốc lát rồi sẽ rơi vào quên lãng như những chiếc lá khô được vun thành đống để chờ gió cuốn đi. Ở lần ba (d.24-25 và 26-27), ta cần chú ý tới cách ngắt câu của Prévert trong đoạn thơ này. Hai dòng 24 và 25 là sự lập lại các dòng 7 và 8 của lần đầu, nhưng được ngắt riêng làm một câu văn để lưu ý ta về sự khác biệt giữa những kỷ niệm (des souvenirs) và cái kỷ niệm (le souvenir).
Hai dòng 26 và 27 kết hợp thành một câu khác và mở đầu bằng chữ "Nhưng..."
(Mais…) để nói cho ta biết tác giả đã được sống bằng cảm xúc với kỷ niệm của mình như thế nào. Và những cảm xúc thức giấc ấy còn được bộc lộ sinh động hơn nhờ lối nói thọai khiến ta có cảm giác nhân vật trong ca từ đang được tâm tình với người yêu. Nếu không có các động từ được đặt ở các thì présent: sourit, remercie (d.27) hay imparfait: aimais, était (d.28), ta khó mà phân biệt được đâu là phần thuộc vè hiện thực và đâu là phần thuộc về kỷ niệm.
Bên cạnh cụm từ "les feuilles mortes " bàn trên, chỉ có hai trường hợp khác là Prévert vận dụng tới kỹ thuật ẩn dụ mà thôi: đó là từ " brûlant " (d.4) để nói lên tình cảm nồng nàn thắm thiết của lứa đôi, và hình ảnh sóng biển xóa dần vết chân trên bãi cát (d.19-23 và d.43-46) đẻ làm dịu nỗi đau của mối tình tan vỡ.
Còn lại Lộc ơi, mày chịu khó kiếm dùm tao trong lời ca có từ ngữ nào là mới lạ hay hoa mỹ không? Hay quanh đi quẩn lại chỉ có mấy chữ " heureux ", " aimer", " souvenir ", " regret ", những khái niệm tuy trừu tượng nhưng đã trở thành quen thuộc với ta như món đậu phụ hay lòng lợn chấm mắm tôm pha chanh ớt ta thường gặp trong đời sống quê ta hàng ngày. Cái tuyệt tác và cái tài hoa của Prévert, theo tao, là ở chỗ đó.
Ông không dùng phương pháp cường điệu mượn lời khoa trương hoa mỹ để dài dòng mô tả, nếu là cuộc tình nên duyên tốt đẹp. Bằng không lại toàn lời kể lể đầm đìa nước mắt nước mũi như những câu chuyện tình bi thảm thuộc lọai " le lavabo et la toilette "… Í chết, tao lại lú lẫn nói sảng mất rồi. Ý tao định nói bắt chước câu chuyện tình " Roméo et Juliette " kia đấy. Với Prévert, khác hẳn.
Trở đi, trở lại chỉ có vài chữ " Aimer, heureux, souvenir, regret… " ( Anh yêu em…, Em yêu anh…, hạnh phúc, kỷ niệm, tiếc nuối…),thế thôi. Đó là những từ ngữ qua văn thơ, trong cuộc sống ta thường được nghe nhắc đi nhắc lại. Và có thể chính chúng ta cũng từng nhiều lần thốt ra do quen miệng.
Bởi vậy chúng mới mỗi lúc trở thành lạt lẽo vô vị. Nhưng cũng với ngần ấy lời, Prévert lại biến chúng thành thơ. Ấy là vì ông đã không tìm cách khai mở các khái niệm trừu tượng ấy ra thành những hình ảnh mỹ miều, cụ thể để mô tả hay kể lể. Trái lại ông để chúng ngoan ngõan nằm yên trong cái vỏ mang hình thức chữ viết, giúp chúng được bảo toàn cái ý nghĩa nguyên thủy của chúng. Bởi vậy chúng mới thành những lời thơ.
Từ những từ ngữ đã quá thông dụng như những đồng tiền nhớp nhúa vẫn được chuyền tay hết người này qua người khác, Prévert đã biến chúng thành những tờ bạc mới tinh còn thơm mùi mực, xưa kia chúng ta vẫn nâng niu hít hà sau khi nhận được tiền mừng tuổi. Nói khác đi, Prévert đã biết cách biến những từ ngữ quen thuộc này thành những con chữ mật mã mà chỉ những ai đã từng yêu và được yêu mới nắm được chìa khóa giải mã để mà cảm nhận.
Khi người ta yêu nhau và được biết thế nào là tình yêu, chỉ cần tay trong tay, mắt nhìn mắt là đủ. Đâu có cần nhiều lời ong bướm, như khi ta phải trổ tài tán tỉnh cô hàng cà phê nơi quán nhỏ đầu ngõ. Hạnh phúc cũng vậy. Hạnh phúc cũng như lọai trà quí chỉ dành để nhâm nhi với người tri kỷ. Và hương thơm của nó càng ủ kín chừng nào càng làm ta ngây ngất chừng đó.
Hạnh phúc đâu có phải là món đồ để đem rao bán quảng cáo. Như cái nhà ông đại gia nào đó ở Việt Nam, mới đây sắm được cái giường bạc tỷ đã vội khoe khoang rầm rĩ. Làm như nếu không được nằm trên cái giường đó, thiên hạ không ai đuợc biết cái sướng là gì sất cả. Vả lại, là người chứ có phải con thú đâu mà chỉ khi nào được lên cơn sướng mới là có hạnh phúc. Không tin tao ư? Mày cứ đi hỏi hết thảy mọi người, đầu làng cuối xóm xem tao nói vậy là đúng hay sai.
Nhạc Kosma trong "Les Feuilles mortes " là một giai điệu buồn với những nốt nhạc khoan thai dìu dặt. Cộng thêm ca từ Prévert là những lời thơ chan chứa, nó càng có sức cuốn hút người nghe. Có lẽ vì vậy bản nhạc, được phổ biến lần đầu bằng đĩa nhựa năm 1948, chẳng mấy chốc đã len lỏi đi được vào sâu, sâu thiệt là sâu trong lòng quần chúng… Này, quần chúng ở đây có nghĩa là đại chúng đấy nhé! Đừng có quen thói hiểu theo nghĩa tào lao như hồi còn là trai trẻ, nghe không cha nội. Đừng tưởng ở xa tao không biết. Tao còn lạ gì cái cười ranh mãnh tinh ma của mày. Già rồi. Hai thứ tóc trên đầu rồi. Cháu nội cháu ngọai đầy nhà rồi đấy! Đừng bắt chước thói đua đòi chơi trống bỏi nữa. Còn muốn được hồi xuân thì nên dành thì giờ để nghe nhạc là hơn. Ừa, mà ở xứ cờ huê chắc mày chỉ quen nghe bản nhạc lời tiếng Anh với tựa " Autumn leaves " qua tiếng hát của các ca sĩ tài danh như Patti Page, Doris Day, Frank Sinatra, Nat King Cole… thì phải.
Để thay đổi không khí, tao đề nghi mày chịu khó kiếm trên Internet ráng nghe cho được bản "Les Feuilles mortes" lời Pháp, ít nhất là qua giọng ca của ba ca sĩ sau đây: Yves Montand, Cora Vaucaire, Laura Fygi. Với Y. Montand ( Youtube Y. Montand à l’Olympia 4’26’’) mày chẳng lạ gì, Les Feuilles mortes được coi là bản nhạc tủ hay bản nhạc ruột của anh chàng tài tử ca sĩ nổi danh này. Cora Vaucaire (Youtube : Les feuilles mortes, Autumn leaves 5’09’’ hoặc Les feuilles mortes – La dame blanche de Saint-Germain des Prés 3’07’’), vì là người đầu tiên "lăng xê" bản nhạc trên đĩa nhựa (chứ không phải như Y. Montand tự nhận). Về phần Laura Fygi (Youtube: Les feuilles mortes – Autumn leaves 5’23’’), nữ ca sĩ danh tiếng Hà Lan nhưng lại lạ hoắc với tao và, nếu không nhờ mày, chắc tao không ngờ lại có cô ca sĩ này trên đời.. Hơn thế, nếu muốn được nghe toàn bộ lời ca Prévert viết cho bản nhạc như tao kể thi hãy gõ:" Les Feuilles mortes " par Philippe Jaroussky. Mày sẽ có cơ hội được nghe, không chỉ toàn bộ ca từ của Prévert, mà còn được thưởng thức nghệ thuật diễn tả bằng giọng opéra của Jaroussky với phần hòa tấu của giàn nhạc quốc gia Pháp (Orchestre national de France). Mày chịu khó tìm kiếm nghe các ca sĩ kể trên ít ra một lần dùm tao đi. Rồi mày sẽ thấy.
Dù là nghệ sĩ nổi danh hay ít được biết đến, họ đều là những con người thực tài nhưng chân chính nên ý thức được vai trò khiêm tốn của mình: Họ chỉ là những kẻ giao liên, giữ vai trò truyền đạt tác phẩm tới khán giả. Và dù có được quần chúng hâm mộ tán thưởng tới mấy, giọng ca của họ cũng chỉ là bất hủ chứ không hề bất tử. Với thời gian, giọng ca và tên tuổi của họ rồi cũng như những chiếc lá khô, sẽ bị gió bấc tới cuốn đi và chìm sâu trong quên lãng. Chỉ có tác giả và tác phẩm mới là bất tử và bất diệt. Ý thức được điều này, họ tỏ ra khiêm tốn và cẩn trọng. Trước khi ra trình diễn, bao giờ họ cũng bắt đầu bằng tìm hiểu và bỏ công tập luyện. Mục đích là làm sao lột hết được ý nhạc và truyền cảm được hồn nhạc tới người nghe. Chả bù với một số ca sĩ của ta hiện hành. Ỷ vào giọng ca thiên phú hoặc thân hình và sắc đẹp (không phải là của trời cho, mà do được thường xuyên chỉnh trang tu bổ), mấy người này chi lo biểu diễn hơn là trình diễn. Làm điệu bộ, đôi khi còn để khoe ngực khoe mông với họ mới là chính, còn diễn tả là phụ nên họ ít quan tâm tới lời nhạc và ý nhạc. Thậm chí có khi còn tùy tiện sửa lời của tác giả là đằng khác. Có lẽ vi vậy mà về mặt đua đòi thời trang và nếp sống hiện đại người Việt không thua kém ai, nhưng về mặt sinh họat văn học nghệ thuật dường như chưa có công trình sáng tạo nào được coi là đáng kể cả.
Ấy chết, tao lại quen thói chưa hết chuyện này đã quàng sang chuyện khác mất rồi ! Đừng có nghĩ là tao có ý tập viết văn theo chủ nghĩa văn học hậu hiện đại đấy nhé. Tao nay tóc đã bạc, mắt bắt đầu kèm nhèm, răng trên răng dưới đều muốn long cả rồi, đâu còn đủ sức đọc nhiều. Tao chỉ nghe nói phong thanh thôi. Nhưng nếu mày muốn biết sơ qua chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học là gì, mày có thể tìm đọc bài " Các lý thuyết văn học chính từ đầu thế kỷ 20 đến nay" (phần hai) của nhà ông GSTS Nguyễn Hưng Quốc trên Hợp Lưu số 86, tháng 12-2005&1-2006.
Mày chỉ cần đọc phần nói về chủ nghĩa này ở các trang 121-122 thôi. Tuy được tóm gọn trong có hai trang, nhưng tao nghe nói bài viết khá rõ ràng, đầy đủ. Bằng không mày có thể tham khảo trên trang mạng "Tiền Vệ", ở mục Chuyên Đề cũng có một số bài viết về vấn đề này. À, còn một điều chót, tí nữa tao quên. Nghe nói tụi mày tính qua Pháp chơi khoảng tháng tới thì phải. Sang đi. Tao có cái này hay lắm. Số là trước đây tao có mua được cuốn phim vidéo " Les Portes de la nuit " do Yves Montand thủ vai chính, Marcel Carné đạo diễn. Tao vẫn còn giữ cái vidéo đó cùng với cái magnétoscope của tao. Cái máy tuy cũ rích, nhưng đầu tape hãy còn tốt lắm. Không như cây kim rỉ xét của tao bây giờ, chẳng mấy chốc chắc phải đem rục vào kho phế thải mất thôi. Vậy cố sang đây nhé. Có được coi mày mới biết. Tuy bị xếp thuộc lọai phim quá đát, nhưng tao thấy nó vẫn còn hay đáo để ra phết đấy mày ạ. Hẹn sớm được thấy mặt mày.
Thằng bạn "Xách Dép" của mày.
Hưng bưng bô.
Nguyễn Bảo Hưng
(*) "Ngoan ngoãn như bày cừu Panurge ": Thành ngữ này dựa trên câu chuyện ngụ ngôn do Rabelais thuật lại trong cuốn Pantagruel : Trên một chuyến tàu, xảy ra cuộc cãi vã giữa Panurge và lái buôn cừu Dindenault. Để trả thù, Panurge bèn chịu mua với giá cao con cừu đầu đàn đẹp nhất trong bày, rồi đem liệng xuống biển. Thế là cả bày cừu đều hùa nhau nhảy theo. Lái buôn Dindenault, vì tìm cách níu kéo để cứu vãn bày cừu, cuối cùng cũng bị kéo rơi theo xuống biển. Trong xã hội tiêu thụ với kỹ thuật quảng cáo tiên tiến hiện nay, ta có thể coi những ca sĩ, diễn viên siêu sao, hay những tay vô dịch thể tháo được các hãng sản xuất lớn trả cho cát xê bạc triệu là để thủ vai con cừu đầu đàn. Còn giới tiêu thụ ham chạy theo các mốt thời trang là bày cừu ngoan ngoãn đua đòi mua sắm để vỗ béo cho các tập đoàn tư bản. (Như trên TV, hình ảnh mới đây tại Việt Nam hàng ngàn người chen chúc xếp hàng để chờ được vào khai trương nhà hàng McDo. Hoặc, sau đó không lâu, hình ảnh từng đoàn người chen vai thích cánh để chờ mua cho bằng được cái Smart phone Apple 6 mới ra lò, với kết quả là cái máy mới này còn tệ hơn là cái máy được lưu hành trước đó.)
(Texte intégral)
Oh! Je voudrais tant que tu te souviennes
des jours heureux où nous étions amis
En ce temps-là la vie était plus belle
et le soleil plus brûlant qu’aujourd’hui
5 Les feuilles mortes se ramassent à la pelle
Tu vois je n’ai pas oublié…
Les feuilles mortes se ramassent à la pelle
les souvenirs et les regrets aussi
et le vent du nord les emporte
10 dans la nuit froide de l’oubli
Tu vois je n’ai pas oublié
la chanson que tu me chantais
C’est une chanson qui nous ressemble
Toi qui m’aimais
15 et je t’aimais
Et nous vivions tous deux ensemble
toi qui m’aimais
et que j’aimais (*)
Mais la vie sépare ceux qui s’aiment
20 tout doucement
sans faire de bruit
et la mer efface sur le sable
les pas des amants désunis
Les feuilles mortes se ramassent à la pelle
25 les souvenirs et les regrets aussi
Mais mon amour silencieux et fidèle
sourit toujours et remercie la vie
Je t’aimais tant tu étais si jolie
Comment veux-tu que je t’oublie
30 En ce temps-là la vie était plus belle
et le soleil plus brûlant qu’aujourd’hui
Tu étais ma plus douce amie…
Mais je n’ai que faire des regrets
Et la chanson que tu chantais
35 toujours toujours je l’entendrais
C’est une chanson qui nous ressemble
Toi tu m’aimais
et je t’aimais
Et nous vivions tous deux ensemble
40 toi qui m’aimais
et que j’aimais (*)
Mais la vie sépare ceux qui s’aiment
tout doucement
sans faire de bruits
45 et la mer efface sur le sable
les pas des amants désunis .
Jacques Prevert
Œuvres complètes Tome II – Textes inédits pp. 785-786, Bibliothèque de la Pléïade, Editions Gallimard 1966)
(*) Prévert avait écrit dans un manuscrit (Ms 3) : « Toi qui m’aimais moi qui t’aimais » avant de s’arrêter à cette version définitive. (op. cit. pp 190-191)
Cette variante veut-elle dire quelque chose?
***
(*) Prévert avait écrit dans un manuscrit (Ms 3) : « Toi qui m’aimais moi qui t’aimais » avant de s’arrêter à cette version définitive. (op. cit. pp 190-191)
Cette variante veut-elle dire quelque chose?
***
Bài Dịch:
Mùa Lá Rụng
Ồi! anh ước mấy em còn nhớ được
những ngày hạnh phúc hai đứa sống bầu bạn bên nhau
Thuở ấy cuộc đời mới đẹp làm sao
và mặt trời cũng nóng bỏng hơn bây giờ
5 Lá úa rụng tả tơi được vun thành đống…
Em thấy đó anh có bao giờ quên.
Lá úa rụng tả tơi được vun thành đống
bao kỷ niệm bao tiếc nuối cũng vậy thôi
để gió bấc lạnh lùng tới cuốn đi
10 đem vùi sâu vào vùng lãng quên âm u giá buốt
Nhưng em hỡi anh làm sao quên được
khúc nhạc tình em vẫn hát anh nghe
Đó là một bản tình ca như chuyện hai đứa mình
Em yêu anh
15 và anh cũng yêu em
Và chúng ta đã vui sống bên nhau
em đã yêu anh
và là người anh yêu
Nhưng cuộc đời lại thường chia đôi ngả
20 nhẹ nhàng êm thấm
âm thầm lặng lẽ
như sóng biển xóa dần trên bãi cát
dấu chân in của những đôi lứa bị phân ly.
Lá úa rụng rơi được vun thành đống
25 như bao kỷ niệm như bao tiếc nuối
Nhưng mối tình chung thủy anh hằng ấp ủ
vẫn nở nụ cuời để anh biết yêu đời
Anh yêu em tha thiết vì em quá đẹp
Làm sao anh quên được, hỡi em yêu!
30 Thuở ấy cuộc đời mới đẹp làm sao
và mặt trời cũng nóng bỏng hơn bây giờ
Em hỡi, người bạn dịu hiền nhất đời anh…
Những tiếc nuối anh đâu cần biết
Bản nhạc ấy một lần anh nghe em hát
35 còn vang vọng mãi mãi trong anh
Đó là một bản tình ca như chuyện hai đứa mình
Em yêu anh
và anh cũng yêu em
Và chúng ta đã vui sống bên nhau
Mùa Lá Rụng
Ồi! anh ước mấy em còn nhớ được
những ngày hạnh phúc hai đứa sống bầu bạn bên nhau
Thuở ấy cuộc đời mới đẹp làm sao
và mặt trời cũng nóng bỏng hơn bây giờ
5 Lá úa rụng tả tơi được vun thành đống…
Em thấy đó anh có bao giờ quên.
Lá úa rụng tả tơi được vun thành đống
bao kỷ niệm bao tiếc nuối cũng vậy thôi
để gió bấc lạnh lùng tới cuốn đi
10 đem vùi sâu vào vùng lãng quên âm u giá buốt
Nhưng em hỡi anh làm sao quên được
khúc nhạc tình em vẫn hát anh nghe
Đó là một bản tình ca như chuyện hai đứa mình
Em yêu anh
15 và anh cũng yêu em
Và chúng ta đã vui sống bên nhau
em đã yêu anh
và là người anh yêu
Nhưng cuộc đời lại thường chia đôi ngả
20 nhẹ nhàng êm thấm
âm thầm lặng lẽ
như sóng biển xóa dần trên bãi cát
dấu chân in của những đôi lứa bị phân ly.
Lá úa rụng rơi được vun thành đống
25 như bao kỷ niệm như bao tiếc nuối
Nhưng mối tình chung thủy anh hằng ấp ủ
vẫn nở nụ cuời để anh biết yêu đời
Anh yêu em tha thiết vì em quá đẹp
Làm sao anh quên được, hỡi em yêu!
30 Thuở ấy cuộc đời mới đẹp làm sao
và mặt trời cũng nóng bỏng hơn bây giờ
Em hỡi, người bạn dịu hiền nhất đời anh…
Những tiếc nuối anh đâu cần biết
Bản nhạc ấy một lần anh nghe em hát
35 còn vang vọng mãi mãi trong anh
Đó là một bản tình ca như chuyện hai đứa mình
Em yêu anh
và anh cũng yêu em
Và chúng ta đã vui sống bên nhau
40 em đã yêu anh
và là người anh yêu
Nhưng cuộc đời lại thường chia đôi ngả
nhẹ nhàng êm thấm
âm thầm lặng lẽ
và là người anh yêu
Nhưng cuộc đời lại thường chia đôi ngả
nhẹ nhàng êm thấm
âm thầm lặng lẽ
45 như sóng biển xóa dần trên bãi cát
Dấu chân in của những đôi lứa bị phân ly.
Nguyễn Bảo Hưng
Dấu chân in của những đôi lứa bị phân ly.
Nguyễn Bảo Hưng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét