Thứ Năm, 19 tháng 5, 2016

Vị Trí Của Đồng Nai Cửu Long Trong Lục Địa Đông Nam Á


Ngày nay khi nói “Đông Nam Á” (Southeast Asia) là người ta nghĩ đến vùng địa lý bao gồm các nước: Miến Điện (Myanmar), Thái Lan, Mả Lai, Miên (Cambodia), Lào, Việt Nam, Nam Dương, Phi Luật Tân, Singapore, và Brunei. Trong 10 nước vừa kể có một quốc gia rất quan trọng nhưng có diện tích rất nhỏ, không hơn một thành phố lớn, đó là Singapore, và một quốc gia khác rất ít được biết đến, nằm trong Nam Dương quần đảo, với dân số không hơn nửa triệu đó là Brunei Darussalam. Rồi sau năm 1999 lại có thêm quốc gia East Timor cũng thuộc Nam Dương quần đảo, vừa được tách ra sau một cuộc trưng cầu dân ý, với một dân số chưa tới một triệu (khoảng 800 ngàn dân). Người ta thường phân biệt hai khu vực khác biệt của cả vùng Đông Nam Á: khu vực lục địa (đất liền), và khu vực quần đảo hay đại dương. Phần lục địa bao gồm các nước Miến Điện, Thái Lan, một phần của Mả Lai, Singapore, Miên, Lào và Việt Nam. Vùng đại dương bao gồm Nam Dương, Phi Luật Tân, một phần khác của Mả Lai, East Timor và Brunei. Hai khu vực này, trên 10 ngàn năm trước khi còn thời băng giá, lúc nước biển còn thấp, đều cùng nằm trên một dãy đất liền với nhau cho nên các loại cây cỏ, muông thú đều giống nhau. Hết thời băng giá, nước biển dâng lên cao dần, tách rời vùng quần đảo ra khỏi vùng đất liền làm thành hai khu vực khác nhau như ngày nay.

Về phương diện địa lý và văn hóa, Đông Nam Á trên đất liền hay Đông Nam Á Lục Địa, nằm giữa hai nước lớn, và giữa hai nền văn hóa xuất phát từ hai nước đó là Trung Hoa và Ấn Độ. Đây là hai cái nôi văn hóa lớn của Á Châu và khu vực Đông Nam Á Lục Địa nằm giữa hai cái nôi văn hóa lớn đó. Địa danh đúng của khu vực này là Indo-China (Ấn-Trung) hay Indochinese Peninsula (Bán Đảo Ấn Trung), nghĩa là vùng bán đảo nằm giữa Ấn Độ và Trung Hoa. Nhưng vì người Pháp đã dùng chữ Indochina (mà người Việt thường dịch là Đông Dương) thu hẹp để chỉ ba nước Việt, Miên, Lào, dưới sự đô hộ của họ thành ra các nhà văn hóa học đã không dùng lai địa danh này cho cả vùng mà phải dùng chữ Đông Nam Á để tránh lầm lẫn. Thời xưa người ta còn gọi vùng này là “Golden Peninsula” (Bán Đảo Hoàng Kim) và bao gồm các nước Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cambodia, và Việt Nam, không có Mả Lai trong đó, vì Mả Lai được xem là thuộc về khu vực quần đảo. Các nước nằm trong khu vực Bán Đảo Hoàng Kim hay Bán Đảo Ấn Trung này đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của một trong hai nền văn hóa lớn ở đây là Ấn Độ và Trung Hoa. Theo nhiều nhà văn hóa học Tây phương thì các nước Miến Điện, Thái Lan, Lào và Cambodia nhận ảnh hưởng Ấn Độ trong khi Việt Nam nhân ảnh hưởng Trung Hoa nhiều hơn. Các nước chịu ảnh hưởng Ấn Độ thường được gọi là “Indianized States”(các nước Ấn Hóa).

Ấn Trung (Indochina) theo đúng nghĩa Bán Đảo Ấn Trung (Indochinese Peninsula) là điểm gặp gỡ của nhiều giống dân khác nhau, va chạm nhau, pha trộn nhau, và từ xa xưa là nơi hai nền văn hóa chính của Á Châu đụng đầu nhau. Ở khu vực Ấn Trung hai nền văn hóa này biến đổi ít nhiều khi chúng tiếp xúc với xã hội bản địa. Văn hóa kết quả của những biến đổi đó sau này lại được biến cải thêm do những ảnh hưởng ngoại lai như Phật giáo từ Tích Lan, và văn minh Âu châu. [“. . . Indochina, in the sense of the Indochinese Peninsula. . . is a crossroads where the most diverse racial groups came into contact with each other and mixed with each other, and where since ancient times the two main civilizations of Asia have confronted each other. In Indochina these civilizations were transformed, in varying degrees, through contact with the indegenous societies, and the civilizatins resulting from this contact reacted upon each other and were subsequently enriched or changed by later influence from abroad, such as Buddhism from Ceylon, and European civilization.”, Georges Coedès, The Making of South East Asia.] 

Bán Đảo Ấn Trung hay Lục Địa Đông Nam Á là vùng đất phức tạp, có nhiều quốc gia khác biệt về địa hình, đất đai, dân tộc và văn hóa. Tuy nhiên dưới bề ngoài nhiều khác biệt đó, khi ngược dòng lịch sử người ta có thể tìm thấy ở bề sâu có sự tương cận giữa các quốc gia này về địa lý và văn hóa. Hầu hết các nước này( Miến Điện, Thái Lan, Miên, Lào, Việt Nam) đều nằm trong vùng nhiệt đới, chịu ảnh hưởng nặng nề của Châu Á gió mùa. Phần đông dân chúng ở các nước này đều sống về nghề nông và chia thành hai nhóm, nhóm trồng lúa nước ở những ruộng thấp (thảo điền), và nhóm dân tộc thiểu số làm ruộng rẩy trên vùng đất cao (sơn điền). Về tín ngưởng phần đông dân chúng ở vùng đất thấp theo Phật giáo. Đời sống của con người ở đây tùy thuộc rất nhiều ở mùa mưa lủ và những sông rạch chằng chịt. Những con sông lớn như sông Irrawady và Salween ở Miến Điện, sông Chao Phraya ở Thái Lan, sông Hồng ở Bắc Việt, và sông Mekong ở đất Lào, Miên và Việt Nam, cùng với bao nhiêu kinh rạch khác là những hệ thống giao thông vô cùng tiện lợi, lại là hệ thống cung cấp nước đầy đủ cho các cánh đồng ruộng cũng như vườn tượt quanh năm, và hơn nữa còn là nguồn cung cấp tôm cá thật phong phú cho đời sống con ngưới. Có thể nói sông nước là mạch sống của người dân Bán Đảo Ấn Trung ở vùng đất thấp. Đi đâu người ta cũng gặp được những ruộng lúa xinh tươi, những khu vườn cây trái dủ loại của vùng nhiệt đới, những bửa ăn có cơm làm món chánh với đồ ăn nhiều gia vị.

Bán Đảo Ấn Trung là vùng gặp gỡ qua lại của những đường giao thương quốc tế ngay từ đầu thiên niên kỷ thứ nhất, giữa Ấn Độ và Trung Hoa, và sau này trong các thế kỷ gần đây giữa nhiều nước Âu Tây, và Á Châu. Các tôn giáo lớn trên thế giới đều có dấu ấn ở trong vùng: Phật giáo Tiểu Thừa ảnh hưởng xuống phía Nam qua các nước Ấn hóa. Phật giáo Đại Thừa ảnh hưởng ở phía Bắc đến Việt Nam, pha trộn với Lão giáo và Khổng giáo. (Hồi giáo chỉ có mặt nhiều ở bán đảo Mả Lai). Thiên Chúa giáo có mặt sau này ở nhiều nước (nhưng là tôn giáo số một của Phi Luật Tân). Bên cạnh các tôn giáo lớn, tín ngưởng bình dân và sự thờ cúng ông bà vẫn được nhiều người theo đuổi. Người Đông Nam Á có cách xưng hô đặc biệt gắn liền với địa vị của mỗi cá nhân trong gia đình hay ngoài xã hội, chớ không dùng những đại danh từ tổng quát như người Âu Tây. Địa vị của người phụ nữ ở đây cũng có phần quan trọng không kém đàn ông. Họ có nhiều tự do, có quyền sở hữu, có thể tham gia trong các ngành hoạt động và có thể làm vua (ở thời xưa). Bà con hai bên nội ngoại được xem như nhau, không có sự khinh trọng giữa bên ngoại và bên nội.

Vị trí đặc biệt của cả vùng Đông Nam Á cũng như một số sản phẩm hiếm có của nó và nhất là tình trạng chậm tiến của các nước trong vùng hồi thế kỷ XVIII – XIX so với các nước Tây phương, đã làm cho vùng này trở thành miếng mồi ngon cho các nước tư bản tiến bộ trên thế giới. Công cuộc đánh chiếm và đô hộ cả vùng, ngoại trừ Thái Lan, của các nước tiền tiến Tây phương như, Anh, Pháp, Y Pha Nho, Hà Lan, Mỹ khởi sự từ thế kỷ XVI kéo dài đến hết đại chiến Thế Giới Thứ Hai, để lại nhiều vết tích và ảnh hưởng văn hóa ở đây. Phi Luật Tân, Nam Dương và bán đảo Mả Lai đã bị Y Pha Nho (rồi Mỹ), Hà Lan, và Anh xăm chiếm từ thế kỷ XVIII. Riêng các nước trong Bán Đảo Ấn Trung thì Anh và Pháp tấn công, đô hộ từ giữa thế kỷ XIX. Phần lớn những đường ranh giới phân chia các nước trong Bán Đảo Ấn Trung là những đường ranh giới do các nước đô hộ ấn định mới đây sau khi họ đặt xong nền đô hộ của họ. Việc ấn định ranh giới này chỉ tựa trên quyền lợi và tình trạng hiện hữu của chính quyền đô hộ hồi lúc đó chớ không tựa trên những yếu tố lịch sử, hay địa lý gì cả của các nước liên hệ. Thật sự thì trước đó đường ranh giới giữa các nước trong vùng rất mơ hồ, co giản, không có một ấn định rõ ràng nào.

Sự đô hộ của Tây phương là yếu tố khá quan trọng góp phần vào việc chia cách các quốc gia Đông Nam Á bởi ảnh hưởng khác nhau của các nước đô hộ. Miến Điện và Mả Lai chịu ảnh hưởng văn minh Anh trong khi Việt Miên Lào học hỏi văn minh Pháp, Phi Luật Tân bị ảnh hưởng Y Pha Nho và Mỹ trong khi Nam Dương phần nhiều chịu ảnh hưởng Hà Lan. Trước khi có ảnh hưởng Tây phương ở vùng này chỉ có ảnh hưởng Ấn Độ trên các nước Ấn hóa và ảnh hưởng Trung Hoa trên phần đất Việt Nam. Riêng trường hợp Việt Nam thì đặc biệt hơn cả. Các nhà văn hóa nhân loại học nhận thấy dân tộc Việt, trên đà phát triển văn hóa, đã đi theo một con đường khác hẳn con đường mà các nước khác ở Lục Địa Đông Nam Á đã đi. Trong khi các nước khác theo văn minh Ấn Độ (Indianized States) thì Việt Nam lại theo truyền thống văn hóa Trung Hoa (Sinicized State). Nhưng, tuy là (từ xưa) Việt Nam thuộc hệ thống văn hóa Á Đông (East Asia) hơn là hệ thống văn hóa Đông Nam Á (Southeast Asia), người Việt Nam đã thích nghi vào môi trường Đông Nam Á (từ thế kỷ XVII) – không phải chỉ thích nghi vào môi trường tự nhiên vùng nhiệt đới và ảnh hưởng gió mùa mà còn thích nghi vào cả môi trường xã hội nữa. Trải qua bao nhiêu thế kỷ người Việt Nam đã có nhiều liên hệ với các sắc tộc thiểu số miền núi ở Đông Nam Á, với dân tộc Chàm, và dân Khmer, và nhiều dân tộc Thái. Chính sự thích nghi của cái văn hóa chịu ảnh hưởng truyền thống Trung Hoa vào môi trường văn hóa Đông Nam Á làm cho văn hóa Việt Nam có màu sắc đặc thù của nó. [“The course of cultural development followed by the Vietnamese has been markedly different from that of their neighbors in mainland Southeast Asia. Whereas the other civilizations of Southeast Asia drew their inspiration from India, the Vietnamese have drawn theirs from the great tradition of China. Yet, while belonging culturally to the East Asian rather than the Southeast Asian world, the Vietnamese have adapted themselves to a Southeast Asian environment – not only the natural one with its tropical and monsoonal features, but also a social one. Over the centuries, the Vietnamese have had intensive relations with Southeast Asian hill peoples, with the Chams and the Khmer, and with various Tai peoples. It is the adaptation of a Chinese-derived cultural tradition to a Southeast Asian environment that has given the Vietnamese tradition its didtinctive cast.” Charles F. Keyes, The Golden Peninsula, Culture and Adaptation in Mainland Southeast Asia.] 

Càng đến gần thế kỷ XX và càng đi xa về phía Nam người ta càng thấy văn hóa Việt Nam xa dần truyền thống văn hóa Việt-Trung để đến gần văn hóa Lục Địa Đông Nam Á, bởi vị trí đặc biệt về địa lý, lịch sử và xã hội của nó. Vị trí địa lý cho thấy Việt Nam một mặt thuộc về khu vực Á Đông (bao gồm các nước Trung Hoa, Triều Tiên , Nhật Bản) và mặt khác thuộc khu vực Nam Á (gồm các các quần đảo Nam Dương, Phi Luật Tân, bán đảo Mả Lai, Thái Lan, Miến điện, Ấn Độ, Tích Lan, v v . . ). Về phương diện lịch sử Việt Nam có thể chia thành hai khu vực khác nhau. Một khu vực cũ đã có từ mấy ngàn năm trước, và một khu vực mới chỉ mới thành hình từ thế kỷ XVII trở đi. Tên dành cho hai khu vực này là Đàng Ngoài (hay phía Bắc của sông Gianh) và Đàng Trong (hay phía Nam của sông Gianh) kể từ lúc có sự tách rời và trở thành độc lập của Chúa Nguyễn ở Phương Nam ra khỏi sự chuyên quyền của Chúa Trịnh ở Phương Bắc. Về phương diện văn hóa người ta cũng có thể thấy sự khác biệt giữa văn hóa Việt cổ truyền ở Miền Bắc với văn hóa mới ở Miền Nam. Sự khác biệt về văn hóa giữa Phương Bắc (Đàng Ngoài) và Phương Nam (Đàng Trong) cho thấy có sự biến đổi trong văn hóa Việt Nam từ Thăng Long hay Hà Nội vào Sài Gòn. Làng xã không ranh giới của Miền Nam gần với xã thôn của các quốc gia trong Bán Đảo Ấn Trung hơn làng xã ở Bắc Việt. Tôn giáo, tín ngưởng ở Miền Nam thu nhận nhiều yếu tố mới của tôn giáo tín ngưởng của các xứ Ấn Hóa (Chàm, Miên, Thái Lan) khác hơn tôn giáo tín ngưởng chịu nhiều ảnh hưởng Trung Hoa của Miền Bắc. Đời sống kinh tế, xã hội của người Việt ở vùng Đồng Nai Cửu Long mang tính cách Đông Nam Á nhiều hơn đời sống kinh tế xã hội của người dân Bắc Việt. Môi trường sinh sống mới và sự tiếp xúc với những nền văn hóa khác là những điều kiện cần yếu đưa đến những biến đổi đó. Trước hết là môi trường thiên nhiên vật lý: đất đai, khí hậu, ruộng nương, vườn tượt ở đây cùng một loại với đất đai, khí hậu, ruộng nương vườn tượt ở Kampuchia, Thái Lan, Mả Lai, thành ra các loại cây trái giống nhau, kỷ thuật làm ruộng, làm vườn, trồng cây trái cũng giống nhau. Cuộc sống vật chất ở nhà quê do đó cũng rất giống nhau. Người lưu dân Việt vào môi trường sinh sống này không thể không linh động thay đổi để thích ứng với môi trường sinh sống mới. Mặt khác ở trong hoàn cảnh sinh sống mới này họ lại gần gũi với những dân tộc khác với nền văn hóa khác mà lâu dần, quen dần, họ không thể không vay mượn một số nét đặc thù nào đó mà họ thấy cần yếu hay thích hợp với họ trong hoàn cảnh sinh sống mới. Thành ra từ khi Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa và các chúa Nguyễn nối tiếp, xây dựng nên Đàng Trong thì bắt đầu có một nhánh văn hóa Việt biến dạng dần dần trở thành một chi nhánh văn hóa có phần khác biệt với văn hóa cổ truyền ở miền Bắc. Sự cắt đứt liên hệ chính trị giữa Đàng Trong (Chúa Nguyễn) và Đàng Ngoài (Chúa Trịnh), sự phân tranh Nam Bắc và chia đôi lãnh thổ đã là cơ hội để tạo nên một chi nhánh văn hóa mới xa dần văn hóa cổ truyền. Đến thế kỷ XVII khi Họ Nguyễn chiếm hết cả miền Trung và rồi một số người miền Trung vào khai phá miền Nam khẩn hoang lập ấp xây dựng nên miền Nam thì một chi nhánh văn hóa khác nữa lại thành hình. Chi nhánh văn hóa mới này lại càng cách biệt với văn hóa gốc ở miền Bắc để đến gần văn hóa Đông Nam Á hơn.

Một nhà văn hóa gần đây viết: Sự thành hình của Đàng Trong là một biến đổi cơ bản mạnh mẽ trong lịch sử Việt Nam . . . Những thành công của họ Nguyễn đã sản xuất ra một xã hội mới, một nền văn hóa mới. Yếu tố kinh tế đã đóng vai trò quyết định: trong vài thập kỷ ngắn ngủi, Đàng Trong đã giàu hơn và mạnh hơn Miền Bắc. . . Cả hai điều kiện kinh tế của dân chúng và xã hội mở rộng của Đàng Trong đều đối nghịch một cách ưu thế với cái gọi là trung ương tập quyền của triều đình nhà Lê. . . . Đàng Trong trở thành bộ máy lịch sử của biến đổi, và chuyển trọng tâm của quốc gia Việt Nam về phương diện chính trị, kinh tế và cả văn hóa nữa vào phía Nam từ thế kỷ XVII cho đến ngày người Pháp thiết lập chính quyền đô hộ của họ. (“The formation of Dang Trong was a dramatic and fundamental change in Vietnamese history. . . Nguyen successes produced a new society and a new culture. Economic factors played a decisive role: within a few short decades, Dang Trong became richer and stronger than the north. . . Both the economic condition of the people and the comparative openness of societ in Dang Trong contrasted favorably with the so-called “central government” of the royal Le kingdom.. . . Dang Trong became the historical engine of change, and pulled the national Vietnamese centre of gravity – whether sên in political, economic or even cultural terms – southwards from the seventeenth century until the imposition of French rule.”) (An Alternative Vietnam? The Nguyen kingdom in the seventeenth and eighteenth centuries, Journal of Southeast Asian Studies, 3/1/1998, Tana, Li). 

Xã hội Đồng Nai Cửu Long là xã hội mới của người Việt, rộng rãi, cởi mở, giàu có, tiếp nhận rất nhiều đồng bào ở các Miền khác vào đây lập nghiệp sinh sống trong các thế kỷ gần đây, và về sau. Đây là nơi đất lành chim đậu của rất nhiều đồng bào từ Bắc vào Nam, từ xưa tới giờ. Văn hóa của Đồng Nai Cửu Long cũng là văn hóa mới, biến đổi theo thời gian và môi trường sinh sống mới, môi trường Đông Nam Á Lục Địa hay Bán Đảo Ấn Trung. Văn hóa Đông Nam Á luôn biến đổi và đó là điều kiện của tiến bộ.

Nguyễn Thanh Liêm 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét