Thứ Ba, 17 tháng 5, 2016

Nhận Định Về Các Thể Loại Ngâm(Bình) Kể Truyện(Lẩy), Nói Thơ, Hò Thai Trong Dân Ca Việt Nam

Dân ca Việt Nam được hình thành từ những bài thơ bốn hay năm chữ, lục bát hay song thất lục bát, và tùy theo sự khác biệt nhau về xuất xứ, nhịp điệu mà chia ra nhiều thể loại như ca, hò, lý… 


Khi cần đọc những lời thơ cho có âm điệu, người miền Bắc và miền Trung gọi là ngâm, còn người Nam Bộ gọi là nói thơ. Ngâm (hay nói thơ) có nghĩa là đọc lên những lời thơ mà chưa cần tạo ra tiết điệu. Người ngâm (hay nói thơ) chỉ cần dựa theo vận tiết của thơ, tức là thơ có bao nhiêu chữ thì ngâm bấy nhiêu, không cần phải thêm vào tiếng lót hay tiếng đệm. Riêng đối với những bài phú là một thể loại văn vần, khi đọc lên cho có âm điệu, người ta không gọi là ngâm mà gọi tên là bình.

Kể truyện là tên gọi khi người ta “ngâm” cả một truyện thơ, chẳng hạn như truyện Kiều. Truyện Kiều đã tạo riêng một lối ngâm hay kể Kiều. Và khi không ngâm cả một truyện thơ mà chỉ kể lại một vài đoạn, người ta gọi lối trích truyện thơ ra để ngâm như vậy là lẩy. Còn ở Nam Bộ, khi đọc truyện Lục Vân Tiên của nhà thơ mù yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, người ta sáng tác ra một lối hát kể truyện gọi là nói thơ Vân Tiên. Đồng thời, một trò chơi dân gian có tên gọi là đánh lô tô cũng đã tạo ra một lối ngâm những câu thơ chỉ định các con số gọi là nói lô tô.

Hò thai là tên gọi của lối ngâm những câu đố chữ ở Trung Bộ.

Những bài Đường thi thường được ngâm theo lối cổ phong, với giai điệu nằm trong ngũ cung RE FA SOL LA DO, nét nhạc dựa vào ba cung chính LA RE FA.
Ngâm Kiều (kể Kiều hay lẩy Kiều) cũng sử dụng ngũ cung, nhưng với hai nét nhạc: một dùng ngũ cung DO RE FA SOL LA và một dùng ngũ cung RE FA SOL LA DO.

Khi ngâm những bài thơ lục bát hay song thất lục bát, người ta dùng lối ngâm sa mạc hoặc bồng mạc. Nếu những câu lục bát được ngâm theo giọng sa mạc, thì dùng ngũ cung RE FA SOL LA DO. Còn đối với những câu thơ song thất lục bát hay một bài thơ nào đó được ngâm theo giọng bồng mạc, thì nét nhạc sẽ chuyển sang ngũ cung RE MI SOL LA SI.
Khi nói thơ theo lối Nam Bộ, người ta dùng ngũ cung có giai điệu hơi Nam giọng Oán, khác hẳn với ngũ cung miền Bắc: DO MI FA(già) SOL LA. Nói lô tô cũng dùng ngũ cung Oán này!

Vùng Quảng Trị, Thừa Thiên có lối ngâm Huế, và với lối ngâm những câu hò thai (tức thơ đố) dùng ngũ cung hơi Nam giọng Ai. Ngũ cung này cũng thay đổi, không giống ngũ cung Bắc và ngũ cung Oán: DO RE(non) FA(rung) SOL LA(non).

Ngày nay, các nghệ sĩ khi ngâm thơ đã tổng hợp nhiều lối ngâm gọi là ngâm thơ Tao đàn để diễn đạt một bài thơ. Họ dùng tất cả những lối ngâm: cổ phong, ngâm Kiều, ngâm sa mạc, bồng mạc, ngâm theo hơi Nam giọng Oán… Các nghệ sĩ: Thu Hiền, Khắc Tư, Thúy Mùi, Hồng Vân… là những người có giọng ngâm thơ xuất sắc ở nước ta!

Tại thành phố Vĩnh Long, trong số đội ngũ những người ngâm thơ, nổi trội nhất là cô Ánh Thoa. Được đào tạo bài bản từ trường Nghệ thuật Sân khấu II, với chất giọng ngâm thơ cao vút, cô đã thể hiện thành công nhiều bài thơ của các tác giả tỉnh nhà! Tiếp đến là cô Thy Cúc, mặc dù chỉ là nghệ nhân dân gian, nhưng do là gốc người miền Bắc cộng với năng khiếu bẩm sinh, cô đã kết hợp các lối ngâm cổ phong, sa mạc và bồng mạc để thể hiện một số bài thơ, trong đó có bài “Núi đôi” của thi sĩ Vũ Cao.

(16/5/2016)
Tín Đức

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

- Tục ngữ phong dao của Ôn như Nguyễn Văn Ngọc.
- Loạt bài dân ca dẫn giải của Phạm Duy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét