Cẩm Sắt là 1 trong số các bài thơ hay của Lý Thương Ẩn , một thi nhân nổi tiếng đời Vãn Đường. Lời thơ điển cố, ẩn dụ , xúc tích. Dường như còn cảm thấy hay thêm ở chỗ không chắc là đã hiểu đúng được ý của tác giả. Mỗi lần đọc là hiểu một ý khác. Là một hồi ức về một thời tuổi trẻ thơ mộng? Về một mối tình đẹp nhưng dang dở hay chỉ là chuyện tình một chiều ? Ngày xuân, xin mời mọi người thân quí đọc cho vui.
Cẩm Sắt
Lý Thương Ẩn (813 - 858)
Cẩm sắt vô đoan ngũ thập huyền
Nhất huyền nhất trụ tứ hoa niên
Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp
Thục đế xuân tâm thác đỗ quyên
Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ
Lam Điền nhật noãn ngọc sinh yên
Thử tình khả đãi thành truy ức
Chỉ thị đương thời dĩ võng nhiên
* * *
Dịch Xuôi : Đàn Gấm
Cây đàn gấm không hiểu vì sao lại có 50 dây
Mỗi dây mỗi trụ ,tiếng đàn dìu dặt, khiến nhớ lại mối tình một thời tuổi hoa đã qua
Êm đềm như Trang sinh, một sáng nằm mộng thấy mình hóa bướm
Tha thiết như tiếng lòng Vọng đế, gửi qua tiếng hót của con chim quyên
Thanh thoát như lệ châu vỡ trên biển xanh, một đêm trăng sáng
Trầm ấm như sương ngọc bốc ở núi Lam Điền, một ngày nắng ấm
Tình này , ta vẫn đợi, vẫn chờ, suốt đời mang theo
Chỉ là bấy giờ ai kia nào đâu có hay
Chú Thích:
(1) Cẩm sắt = đàn gấm, là một loại đàn rất xưa ,có từ thời vua Phục Hy , khoảng 4000 năm trước Công Nguyên. Chuyện kể ,ban đầu, đàn có 75 dây nhưng vì tiếng đàn quá thê lương nên nhà vua ra lệnh rút xuống chỉ còn 50 dây (?).
(2) Trang sinh tức Trang Tử. Một sáng , nằm mơ thấy mình hóa bướm , tỉnh dậy, mơ màng , lại ngỡ mình là bướm đang mơ thành người .
(3) Vọng đế , vua nước Thục ,tên là Đỗ Vũ , bị tiếm ngôi , sau khi chết , nhớ nước ,hóa thành con chim quốc, ngày đêm kêu quốc quốc. Thơ của Bà Huyện Thanh Quan có câu "Nhớ nước đau lòng con quốc quốc / Thương nhà mỏi miệng cái gia gia ". Chim quốc còn gọi là chim quyên, chim tử qui hay chim đỗ quyên .
(4) Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ. Trong những đêm trăng sáng , ở ngoài biển xanh , bọt sóng biển tan trông như hạt lệ châu vỡ.
(5) Lam điền nhật noãn ngọc sinh yên . Vào những ngày nắng , ngọc bốc khói ở núi Lam điền. Núi Lam Điền , còn có tên là Ngọc Sơn , ở huyện Lam Điền , thuộc tỉnh Thiểm Tây ,nổi tiếng có nhiều ngọc quí.
(6) Cụ Nguyễn Du ,trong Truyện Kiều , đã mượn ý 4 câu giữa trong nguyên tác để tả tiếng đàn của Thúy Kiều lúc tái hợp với Kim Trọng. "Phím đàn dìu dặt tay tiên/ khói trầm cao thấp tiếng huyền gần xa / Khúc đâu đầm ấm dương hòa / Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh/ Khúc đâu êm ái xuân tình/ Ấy hồn Thục đế hay mình đỗ quyên/ Trong sao châu rỏ duyềnh quyên/ Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông ".
Cẩm Sắt
Đàn gấm tang tình nhớ tuổi hoa,
Tơ chùng thoáng hiện bóng ngày qua.
Trang sinh mộng bướm còn vương vấn,
Thục đế hồn quyên vẫn thiết tha.
Trăng sáng biển xanh châu lệ vỡ,
Nắng hừng núi biếc ngọc sương sa.
Tình xưa theo suốt một đời lỡ,
Mắt lão, chờ nhau, đã nhạt nhòa!
Đàn gấm tang tình nhớ tuổi hoa,
Tơ chùng thoáng hiện bóng ngày qua.
Trang sinh mộng bướm còn vương vấn,
Thục đế hồn quyên vẫn thiết tha.
Trăng sáng biển xanh châu lệ vỡ,
Nắng hừng núi biếc ngọc sương sa.
Tình xưa theo suốt một đời lỡ,
Mắt lão, chờ nhau, đã nhạt nhòa!
Phạm Khắc Trí
* * *
Bài Dịch:Đàn Gấm
Bài Dịch:Đàn Gấm
Đàn gấm ai làm sao lắm dây
Gợi bao lưu luyến thuở nồng say
Giọng quyên Thục Đế nôn nao gọi
Cánh bướm Trang Sinh chấp chới bay
Lấp lánh lệ trăng đêm biển lặng
Lung linh ngọc núi sáng sương phai
Trọn đời ôm mối tình tha thiết
Kẻ ở phương trời biết có hay?
Lộc Mai (Phương Hà)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét