Trong những ngày nghĩ cuối năm, khi xem "Việt Nam Văn Học Sử Yếu" của Dương Quảng Hàm, thấy có phần nói về câu đối,
Yên Đỗ xin trích đoạn gởi đến Độc giả và Cô Bác Anh Chị Em trang Blog Long Hồ Vĩnh Long khi Tết Việt gần kề.
Câu đối.
Một thể văn trong đó phép đối được hoàn toàn ứng dụng là câu đối. Vậy ta cần xét phép tắc câu đối trước khi xét đến các thể văn trong có dùng đến phép ấy.
Định nghĩa.- Câu đối (chữ nho là doanh thiếp hoặc doanh liên: (Doanh: cột; thiếp: mảnh giấy có viết chữ; liên: đối nhau) là những câu văn đi đôi với nhau thế nào cho ý và chữ và luật bằng trắc cân xứng với nhau .
Cách làm câu đối.
Một đôi câu đối có hai câu đi sóng nhau, mỗi câu là một vế, vế trên, vế dưới.
Trong cách làm câu đối, phải xét số chữ, cách đặt câu và luật bằng trắc. Theo số chữ và cách đặt câu, có thể chia câu đối ra mấy thể sau đây:
1) Câu tiểu đối là những câu từ 4 chữ trở xuống. Những câu này nếu đặt được bằng đối với trắc, trắc đối với bằng thì hay lắm. Thí dụ:
Tôi tôi vôi (B B B)
Bác bác trứng (T T T)
Bằng không đối được như thế, thì chữ cuối vế trên hợp luật bằng trắc với chữ cuối vế dưới.
Thí dụ:
Ô! quạ tha gà
Xà! rắn bắt ngoé
2) Câu đối là những câu làm theo thể thơ ngũ ngôn hoặc thất ngôn. Những câu này phải theo đúng luật bằng trắc của hai câu thực hoặc hai câu luận trong lối thơ ngũ ngôn hoặc thất ngôn.
Thí dụ:
Ảo đỏ lấm phân trâu (t t t b b)
Dù xanh che dái ngựa (b b b t t)
Ba vạn anh hùng đè xuống dưới (t t b b b t t)
Chín lần thiên tử đội lên trên (b b t t t b b)
3) Câu đối phú là những câu làm theo các lối đặt câu của thể phú:
a) Lối câu song quan (hai cửa) là những câu có tự 5 chữ trở lên, 9 chữ trở xuống đặt thành một đoạn liền.
b) Lối câu cách cú (cách: ngăn ra; cú: câu) mỗi vế có hai câu: một câu ngắn, một câu dài, thành ra hai câu đối nhau có một câu xen vào giữa làm cách nhau ra.
c) Lối câu gối hạc hoặc hạc tất là những câu mỗi vế có tự ba đoạn trở lên, đoạn giữa thường ngắn xen vào hai đoạn kia như cái đầu gối ở giữa hai ống chân con hạc.
Về luật bằng trắc trong lối câu đối phú thì chỉ kể chữ cuối vế, và chữ cuối đoạn (gọi là chữ đậu câu). Chữ cuối vế phải bằng đối với trắc hoặc trắc đối với bằng. Nếu mỗi vế có tự hai đoạn trở lên (như lối cách cụ, gối hạc), Hể chữ cuối vế là bằng thì các chữ đậu câu phải là trắc; trái lại, hể chữ cuối vế là trắc thì các chữ đậu câu phải là bằng.
Thí dụ:
Song quan – Cách cú
Con ruồi đậu mâm xôi đậu (t);
Cái kiến bò dĩa thịt bò (b)
Ngói đỏ lợp nghè (b) lớp trên đè lớp dưới (t)
Đá xanh xây cống (t) hòn dưới nống hòn trên (b)
Gối hạc
Quan chẳng quan thì dân (b) / chiếu trung đình ngất ngưởng ngồi trên (b)/nào lính nào cả nào bàn ba (b)/ xôi làm sao, thịt làm sao, đóng góp làm sao (b); thủ lợn nhìn lâu trở cả mắt (t).
Già chẳng già thì trẻ (t) / đàn tiểu tử nháp nhô đứng trước (t); này phú này thơ này đoạn một (t) / bằng là thế, trắc là thế, lề lối là thế (t) mắt gà đem mãi mỏi bên tai (b)
Yên Đỗ Sưu tầm
Trích đoạn từ "Việt Nam Văn Học Sử Yếu" của Dương Quảng Hàm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét