Tư Mã Thiên trong phần thuật
lại cuộc đời của Khổng Tử đã viết:
“Tôi đọc sách họ Khổng, tưởng tượng
như trông thấy cách làm người của Thầy. Sang
nước Lỗ xem nhà thờ Khổng Tử với nào
xe, nào áo, nào đồ thờ, nào các học trò thời thường
đến đó tập lễ, tôi bồi hồi ở lại
không về được. Nhiều vua chúa và những người
tài giỏi khi sống rất vẻ vang nhưng khi chết
rồi là hết, chẳng còn gì để lại cho đời
sau. Thầy Khổng Tử thì áo vải đạm bạc
vậy mà khi mất đi rồi lời dạy của thầy
truyền hơn 10 đời mà học giả vẫn còn tôn
trọng. Từ Thiên Tử đến vương thần ở
nơi xứ Trung Quốc này, hể nói đến Sấm
Kinh đều phải lấy thầy làm đích. Thật đáng
là bậc chí thánh vậy.”
Cuộc đời của Khổng
Tử là cuộc đời của một nhà giáo dục chân
chính, một bực thầy vĩ đại không phải là
chỉ riêng Trung Hoa mà còn cho cả thế giới loài người
nữa. Với Khổng Tử địa vị của ông
thầy đã được người đời xưa
nâng lên trên cả địa vị của ông cha trong gia đình
. “ Quân, Sư, Phụ” sau ông vua là đến ông thầy rồi
sau hết mới đến ông cha. Người cha cũng
có bổn phận dạy dỗ, giáo dục con cái của
mình, nhưng trong xã hội xưa người dạy dỗ
con mình nhiều nhất, người
theo dõi san sóc vun xới cái vườn kiến thức và đạo
đức của con mình biến nó thành một vườn
hoa tươi tốt người đó chính là ông thầy nó.
Làm cho một người trở thành một người có
kiến thức có đạo đức sống xứng đáng
với ý nghĩa cao đẹp của con người đó
là công của ông thầy, của người biết mang
trong mình cái trọng trách “hối nhân bất quyện” (dạy
người không biết mệt). Khổng Tử đã ý thức
được sứ mạng cũng như thiên chức
cao quý của một lương sư. Sứ mạng cũng
như thiên chức đó là truyền bá cho người đời
đạo làm người hay lề lối sống thế
nào để cho cá nhân, gia đình, quốc gia, xã hội loài
người được tốt đẹp, trật tự,
hòa bình. Hậu thế đã tôn sung Ngài như bậc thầy
của muôn đời, bậc “vạn thế sư biểu”,
bởi chủ trương, đường lối, mục
tiêu, phương pháp giáo dục của Ngài chứa đựng
nhiều giá trị mà người đời sau phải công
nhận và học hỏi.
Giáo dục là phải đổi
mới. Nhưng đổi mới ở đây không phải
cắt đứt hẳn với quá khứ để khoác
lên mình một bộ mặt hoàn toàn mới lạ không liên hệ
gì tới dĩ vãng. Giáo dục không phải là cách mạng để
có thể xóa bỏ hết những gì đã có dù tốt, dù
xấu. Sự đổi mới của giáo dục có tính cách
liên tục và chọn lọc. Người làm giáo dục phải
nghiên cứu học hỏi cái cũ, chọn lấy cái hay
cái đẹp của quá khứ để từ đó thêm
vào cái tốt đẹp của cái mới. Một phần
quan trọng của cuộc đời Khổng Tử đã
được dâng hiến cho việc sưu tầm, nghiên
cứu, chọn lọc, san định kinh sách để lưu
truyền di sản tinh thần tốt đẹp đó của
cố nhân cho thế hệ sau nầy. Khổng Tử đã
từng khiêm nhượng bảo là Ngài chỉ “thuật nhi
bất tác” (có nghĩa là chỉ thuật lại những gì
người xưa đã nói chớ chính mình không có sáng tác gì
mới mẻ), nhưng ngay trong việc thuật lại đó
cũng đã có phải sáng tác lớn lao của Ngài rồi.
Vì thuật lại ở đây không có nghĩa là ghi chép lại
trọn vẹn y như cũ mà là nghiên cứu, sưu tập,
chọn lựa, sắp xếp làm thành hệ thống. Đó
là một hình thức sáng tác vậy… Vả lại Khổng
Tử không phải chỉ đào sâu vào quá khứ thôi mà Ngài
còn bổ sung cho quá khứ đó nữa. Cho nên một ông thầy
giỏi, theo Khổng Tử phải là người biết
những cái mới bằng cách ôn lại những cái cũ.
Biết “Ôn cố nhi tri tân” là có thể dạy được
người khác vậy. Trong chủ trương trên người
ta thấy có tinh thần khiêm nhường để học
hỏi cái hay xưa cùng với tính cách liên tục từ trước
đến giờ và mãi mãi về sau. Nó không phải là một
thứ cách mạng cắt đứt hoàn toàn với quá khứ
để tạo ra cái gì mới mẻ lạ lùng. Nó bao hàm ý
nghĩa của sự tiến bộ, đổi mới, thực
hiện một cách chắc chắn vững chãi, tựa trên
sự tiếp nối liên tục với quá khứ.
Những suy tư về giáo dục
cũng như phương pháp học tập của Khổng
Tử tuy rãi rác ở nhiều chỗ trong Tứ Thư nhưng
phần chính yếu được cô đọng trong quyển
Đại học. Ngày nay chúng ta dùng danh từ đại học
để chỉ bậc học cao nhất trong ba bậc học
quen thuộc là tiểu học, trung học và đại học.
Bậc đại học là bậc tiếp theo và cao hơn
bậc trung học. Ngày xưa ở thời đại của
đức Khổng Tử, giáo dục chưa được
tổ chức có hệ thống và qui củ như ngày nay
thành ra chưa có sự phân định rõ ràng về ba bậc
tiểu – trung – đại học như bây giờ. Tuy nhiên
danh từ “Đại Học” mà Khổng Tử dùng làm nhan đề
cho quyển sách của Ngài cũng mang ý nghĩa của cái học
ở bậc cao. Thật sự thì cũng chẳng có tiêu
chuẩn nào ấn định rõ rệt thế nào là bậc
cao vì vậy nên nhiều học giả cho rằng đại
học ở đây chỉ cái học của bậc cao nhân
quân tử (hay đại nhân) tức là cái học của những
người có tài có đức để kẽ sĩ ra sức
gánh vác việc quốc gia, xã hội. Nhưng dù hiểu thế
nào đi nữa thì việc giáo dục của đức Khổng
Tử cũng có tính cách mở rộng cho mọi người
chớ không phải giới hạn cho một loại người
nào lúc bắt đầu. Không phải là bậc đại
nhân rồi mới được lựa chọn để
theo học. Không có vấn đề thi tuyển hay khảo
sát gì cả, và cũng không có một chính sách kỵ thị
nào trong vấn đề thu nhận người vào học.
Đối với Khổng Tử mọi người khi
sanh ra đời đều mang trong mình bản tánh tốt
tự nhiên ai cũng như ai. Nhưng khi lớn lên vì ảnh
hưởng của xã hội, của hoàn cảnh xung quanh và
môi trường sinh sống mà người ta thay đổi
khác nhau. Người ta khi sanh ra đời ai cũng có bộ
óc, có đời sống trí thức, hay cái “minh đức”
như Khổng Tử gọi, cho nên ai cũng có thể được
giáo dục để trở nên tốt đẹp hơn.
Vì ai cũng như ai, lúc bắt
đầu, ai cũng mang trong mình bản chất và giá trị
của con người, nên cần phải có cơ hội đồng
đều cho mọi người trong vấn đề học
vấn, giáo dục. Tính cách nhân bản của một nền
giáo dục bắt đầu từ chỗ đó. Dịch
vụ giáo dục phải được đem đến
cho mọi người một cách đồng đều không
có vấn đề sàng sãi, lựa chọn, thứ nhất
là bằng lý lịch của gia đình hay tổ tông, bằng
màu da, bằng nơi sanh đẻ bằng tình trạng kinh
tế xã hội (social economic status) hay bằng bất cứ
những yếu tố gì khác. Nền giáo dục được
coi là nhân bản phải bắt đầu từ chỗ mở
rộng cửa ngay từ đầu để đón nhận
mọi người như nhau. Vấn đề chuyên môn hóa
ở trên đại học ngày nay có thể đưa đến
sự giới hạn, chọn lọc sinh viên trong một số
ngành chuyên môn nào đó. Nhưng sự hạn chế số
sinh viên trong một ít ngành chuyên môn trên đại học không
phải là sự đóng kín cửa các đại học không
cho người ta được đi học vì một lý
do nào đó (như vì cha ông thuộc thành phần chánh trị
khác với nhóm người đang cầm quyền chẳng
hạn.) Nền giáo dục nhân bản phải bắt đầu
từ chỗ xem mọi người là con người như
nhau, nghĩa là cùng mang bản chất người và cùng có
giá trị của con người.
Giáo dục của đức
Khổng Tử bắt đầu từ chỗ đó. Đối
tượng của nó là con người với tất cả
giá trị của con người. Mở đầu quyển
Đại học Khổng Tử bảo: “Đại học
chi đạo tại minh minh đức, tại tân dân, tại
chỉ ư chí thiện.” Câu này có nghĩa là : “Con đường
của đại học là ở chỗ làm sáng cái đức
sáng ở nơi con người, ở chỗ làm mới người
dân, ở chỗ dừng lại ở nơi thật đẹp.”
Ý nghĩa thật sự của câu nói này cần được
khai triển thêm cho rõ. Nó nói lên mục tiêu của sự học
hỏi của bậc đại nhân. Mục tiêu đó là học
hỏi để làm cho tâm trí của mình được sáng
tỏ, và khi tâm trí mình được sáng tỏ mở mang
thì hãy đem sự hiểu biết của mình mà giúp đỡ
khai hóa người dân làm cho dân chúng được tiến
bộ mới mẻ, và tiếp tục giúp đỡ người
đời và quốc gia xã hội đưa quốc gia xã hội
đến chỗ thật tốt đẹp. Mọi người
ai cũng như ai, đều mang sẵn trong người
một cái “đức sáng” (minh đức) khi sanh ra đời.
Tuy nhiên vì hoàn cảnh xã hội, vì môi trường sinh sống
khác biệt của mỗi người mà cái đức sáng
đó không được phát huy hoặc bị lu mờ như
một tấm gương bị bám bụi. Công việc của
giáo dục là làm sao phát huy được đức sáng đó,
cũng như luôn luôn lau chùi tấm kiếng đừng cho
bám bụi để làm cho nó trở nên sáng sủa sẵn có
từ trước chớ không làm cho sự sáng sủa của
nó gia tăng. Ngược lại cái đức sáng ở nơi
con người nếu được trao dồi cẩn thận
sẽ được phát huy và trở nên sáng sủa hơn
trước rất nhiều.
Nhưng đức sáng ở
con người là cái gì?
Trong địa hạt tâm lý,
nhất là khi liên hệ tới giáo dục, người ta
thường nói đến trí tuệ (intelligence), là khả
năng thu nhận những tin tức những dữ kiện
những kiến thức cũng như khả năng giải
quyết các vấn đề một cách khéo léo nhanh chóng. Nó
là đầu não, là bộ óc là tâm trí hiểu theo nghĩa thông
thường. Cái minh đức mà Khổng Tử nói đến
trong quyển Đại học của Ngài là trí tuệ của
con người, là đầu não là bộ óc hay tâm trí của
con người vậy. Tự nó, tuy đã mang cái mầm sáng
sủa, nhưng chưa đủ sáng, nó cần phải được
rèn luyện trao dồi thêm. Học vấn, giáo dục là công
trình giúp tâm trí con người được phát triển mở
mang đầy đủ. Mục tiêu kế tiếp là làm mới
người dân. Có người nào cho rằng chữ “tân dân”
ở đây phải đọc và hiểu là “thân dân” mới
đúng. Thân dân là gần gũi với dân, thương yêu
giúp đỡ người dân. Thân dân mới hàm chứa được
lòng nhân mà Nho giáo luôn luôn nhấn mạnh. Tân dân chỉ là làm
mới người dân, mà làm mới người dân vì lợi
ích của kẻ thống trị, thì chưa chắc đã
bao hàm ý nghĩa gần gũi, thương yêu dân chúng. Thật
sự thì đối với dân, nhà Nho thường đặt
trọng tâm vào ba việc là “thứ, phú, giáo” tức là làm
cho dân đông, làm cho dân giàu và dạy dỗ giáo dục người
dân. Thương dân, lo cho đời sống của người
dân được phát triển đầy đủ. Nhà Nho
lúc nào cũng nghĩ đến dân, ý dân là lòng trời theo
quan niệm của Nho giáo. Cho nên theo thiển ý, tân dân hay thân
dân gì cũng được vì đối với Nho giáo tinh
thần nhân bản vẫn được đề cao, và
người dân là cứu cánh chớ không phải là một
phương tiện trong hệ thống triết lý này.
Mục tiêu sao hết là dừng
lại ở chỗ thật tốt đẹp (chỉ ư
chí thiện). Có lẽ đây là mục tiêu không bao giờ đạt
được bởi có bao giờ đi tới chỗ chí
thiện đâu. Thành ra có thể đây là mục tiêu để
người ta luôn luôn hướng tới vậy thôi chớ
sự chí thiện thì chắc chắn chẳng bao giờ có
được. Chúng ta có thể hiểu mục tiêu này như
là sự luôn luôn hướng đến chỗ toàn thiện
toàn mỹ. Chi tiết hơn và với một hiện biện
chứng chặt chẽ hơn Khổng Tử nói đến
những giai đoạn ứng dụng của học vấn
giáo dục như sau: Tu thân, tề gia, trị quốc bình
thiên hạ, tức là sửa mình cho tốt đẹp, sắp
đặt việc nhà cho đâu vào đấy, góp phần vào
việc xây dựng quốc gia, và đóng góp vào việc làm
cho thế giới hòa bình yên ổn. Học vấn giáo dục
phải được dùng vào việc làm cho tốt đẹp
từ cá nhân đến gia đình đến quốc gia và đến
cả thế giới loài người ở trên trần
gian.
Tu thân là sửa mình, là biến
con người từ chỗ sai lầm khiếm khuyết đến
chỗ đúng đắn, tốt đẹp. Tu thân đòi
hỏi phải có học vấn giáo dục để mở
mang trí tuệ, phát triển óc suy tư, nhận biết được
cái gì đúng, cái gì sai, giữ lấy cái đúng, cái tốt
và hành động theo những tiêu chuẩn đúng và tốt
đó. Học vấn giáo dục ứng dụng vào trường
hợp mỗi cá nhân là như thế. Khi cá nhân được
tu sửa, con người trở nên tốt và đúng, thì người
ta có thể dùng ảnh hưởng tốt của mình cộng
thêm những kiến thức mình đã học hỏi được
để dùng vào việc sắp đặt lo lắng cho
gia đình được yên ấm đâu vào đó, trên dưới
có ngăn nắp có trật tự. Lo cho gia đình yên ổn
được rồi thì có thể đem tài đức của
mình phụng sự cho quốc
gia, góp phần dựng nước và trị nước.
Trong một quốc gia, nếu từ người lãnh đạo
ở trên cao như vua, tổng thống, thủ tướng,
quốc trưởng cho đến những cấp lãnh đạo
ở dưới như tổng, bộ trưởng đến
đổng lý, tổng thư ký, tổng giám đốc và
xuống dưới nữa như chánh sự vụ, trưởng
ty, chủ sự…đều có học vấn giáo dục, đều
biết sửa mình để trở nên đúng và tốt đều
biết làm hết bổn phận và trách nhiệm của
mình đối với quốc gia dân tộc thì bộ máy
chính quyền sẽ vô cùng tốt đẹp và công việc
trị nước và dựng nước rất hữu hiệu
và kết quả sẽ thật mỹ mãn. Nhà cửa yên ổn,
quốc gia hùng mạnh tốt đẹp thì có thể mở
rộng ảnh hưởng đi đến cảnh thanh
bình an lạc cho cả thế giới loài người. Lý tưởng
hơn nữa là nếu quốc gia nào cũng có được
những người có kiến thức tốt, biết sửa
mình để hành động đúng thì cảnh thanh bình an
lạc cho mọi người trên cõi đời này chắc
chắn sẽ thực hiện được như vậy.
Nhưng phải học như
thế nào để có thể đạt được kết
quả tốt? Trong quyển Đại học thầy Khổng
Tử bảo phải “thành ý, chánh tâm, trí tri, cách vật”. Thành
ý là lòng thành thật, thành thật nhận thấy mình biết
hay không biết, hiểu hay không hiểu, và thành thật muốn
học hỏi. Muốn học hỏi cho đến nơi
đến chốn thì trước hết phải nhận
biết tình trạng của mình và có tấm lòng thành muốn
học hỏi thật sự. Đó là điều kiện
cần phải có cho việc học. Nhưng thành ý chỉ
mới là điều kiện cần thôi chưa phải là điều
kiện đủ. Chánh tâm mới là điều kiện đủ.
Chánh tâm là lòng mình phải ngay thẳng. Làm cho lòng mình ngay thẳng
ở đây có nghĩa là phải dứt bỏ mọi định
kiến, mọi hiểu biết sai lầm đã có từ
trước vì tất cả những cái đó có thể làm
cho cái nhìn của mình thiên lệch, thiếu vô tư. Sự
thiên lệch (bias), thiếu vô tư, thiếu khách quan sẽ
rất dễ đến những nhận xét hay những hiểu
biết nông nỗi, không chính chắn. Làm cho lòng mình ngay thẳng
chính chắn để đừng bị chi phối bởi
những định kiến, những hiểu biết sai lầm
từ trước, để cho mình có được cái
nhìn trung thực, chính chắn về mọi sự, mọi
vật. Đó là điều kiện đủ để
cho sự học hỏi có kết quả thực sự.
Khi đã có những điều kiện cần và đủ
rồi thì người ta có thể đi đến chỗ
“trí tri” tức là hiểu biết đến nơi đến
chốn, bằng phương pháp “cách vật” tức là mổ
xẻ phân tích sự vật. Vật ở đây không chỉ
giới hạn ở vật thể mà nên hiểu rộng là
mọi sự việc và mọi vật hay một cách tổng
quát là tất cả những gì có thể trở thành đối
tượng của sự nghiên cứu học hỏi. Một
vật như máy điện thoại, máy tính, cái dây, cái hoa,
con chim, con cá cho đến các sự việc như một
hiện tượng xã hội hay một hiện tượng
thiên nhiên…đều có thể là đối tượng của
sự nghiên cứu. Hãy phân tích, mổ xẻ đối tượng,
tìm hiểu sâu xa các chi tiết liên hệ để đi đến
sự hiểu biết đầy đủ đến nơi
đến chốn đó là “trí tri tại cách vật” vậy.
Trên đây là đường lối,
phương cách học hỏi, còn phương pháp giảng
huấn thì như thế nào?
Phương pháp giảng huấn
mà đức Khổng Tử đã áp dụng trong cuộc đời
dạy học của Ngài cho đến ngày nay vẫn còn được
khoa sư phạm (pedagogy) lưu ý học hỏi để
áp dụng, nhất là ở những nước có tự do
dân chủ và nền giáo dục mang nhiều tính chất nhân
bản. Phương pháp giảng huấn của Khổng Tử
không được ghi chép thành văn nhưng người đời
sau có thể suy ra từ những gì mà các đệ tử của
Ngài ghi lại về cuộc đời dạy học của
Ngài. Có thể tóm tắt những nét chính trong phương
pháp giảng huấn của ông thầy vĩ đại này
như sau:
1. Thương từng người học trò; hiểu
rõ từng cá nhân mỗi người; giúp mỗi cá nhân phát
triển tựa trên hoàn cảnh và điều kiện của
mỗi người. Đây là một điểm tâm lý sư phạm rất
đáng được lưu ý. Ngày nay nhiều nhà tâm lý sư
phạm vẫn đề cao đường lối “cá nhân
giáo huấn” (individualized instruction) vì người ta thấy
rằng mỗi người có một đời sống tâm
lý (nhất là tính tình, nhân cách, trí tuệ…) cũng như một
môi trường sinh sống (hoàn cảnh gia đình và xã hội)
đặc biệt của mình, không ai hoàn toàn giống ai cả.
Do đó khi áp dụng một chương trình học duy nhất,
cứng rắn cùng một cách giảng dạy như nhau
cho cùng một số đông người thì kết quả
của công trình giảng dạy, học tập (teaching /
learning process) sẽ không được tốt đẹp
lắm. Đáng lý ra người ta phải có một chương
trình học và một phương pháp giảng dạy thích
hợp cho mỗi cá nhân học sinh nhưng việc đó không
thể nào thực hiện được cho nên người
ta phải tạm dùng cách chuyên môn hóa (specializing) phân chia các ban,
phân chia học sinh ra từng lớp hay từng nhóm có trình độ
gần nhau để công việc giảng dạy / học
tập có kết quả hơn. Tạo cơ hội đồng
đều (equal opportunity) để mọi người đều
được hưởng quyền giáo dục, tức là
không kỳ thị, không loại bỏ một ai là điều
cần phải có trong một nền giáo dục nhân bản,
nhưng điều đó không có nghĩa là phải xem tất
cả các người đi học đều giống hệt
như nhau và đều bằng nhau về phương diện
khả năng thu nhận và học tập.
2. Vai trò của người thầy không phải là tạo
ra những bộ óc cho người đi học, cũng không
phải là để nhồi vào đầu óc người đi
học một mớ kiến thức nào đó một cách máy
móc và cũng không nên xem bộ óc con người như một
tờ giấy trắng mà mình muốn vẽ cái gì lên đó
cũng được.
Vai trò thực sự đúng
nghĩa của người thầy là người hướng
dẫn, giúp đỡ cho người đi học có cơ
hội và biết đường hướng để phát
triển con người toàn diện. Ở bên trời Tây, và
cũng xấp xỉ đồng thời với Khổng Tử,
nhà hiền triết Socrates cũng có quan niệm tương
tự như Khổng Tử về vai trò của giáo dục
hay của người làm giáo dục. Socrates dùng một hình
ảnh cụ thể hơn để nói rõ vai trò của kẻ
làm thầy. Người làm thầy cũng làm công việc tương
tự như người hộ sinh (đỡ đẻ).
Người đó giúp cho đứa trẻ ra khỏi bụng
mẹ để vào đời chớ người đó không
phải là người sanh ra đứa bé.
3. Phương pháp giảng huấn của đức
Khổng Tử đòi hỏi phải dựa trên thực tế
và có phần thực hành trong việc học chứ không phải
chỉ có tính cách lý thuyết suông. Phương pháp đó dùng lối
đối thoại, dùng cách hỏi và trả lời giữa
trò và thầy khiến cho sự học vấn giáo dục
trở nên linh động, gần gũi đi liền với
cuộc sống thật sự ở ngoài đời. Với
mỗi đệ tử trong mỗi hoàn cảnh, Khổng Tử
có câu trả lời khác về cùng một vấn đề,
vì phải tùy lúc, tùy người, tùy hoàn cảnh mà có cách giải
đáp cho sát với thực tế. Lý thuyết và thực hành
cần phải đi đôi với nhau thì cái học mới
hữu dụng.
Giáo dục ngày nay còn bao gồm
nhiều vấn đề quan trọng khác như vấn đề
quản trị, việc phát triển trường sở,
thiết lập chương trình học, đào tạo giáo
chức, soạn và in sách giáo khoa, tổ chức thi cử và
lượng giá, vấn đề tu nghiệp và hội thảo
v.v…ngoài những gì liên hệ tới triết lý giáo dục
như mục tiêu, đường hướng, phương
pháp.
Lẽ dĩ nhiên là ổ thời
đại của Khổng Tử có những vấn đề
chưa được đặt ra vì việc giáo dục ở
thời đại đó chưa có lớn lao, phức tạp
như bây giờ. Tuy nhiên với mục tiêu cao cả, đường
lối tốt đẹp, phương pháp hữu hiệu,
giáo dục của Khổng Tử mang nhiều tính cách nhân bản
và khoa học khiến cho người đời sau phải
tôn thờ Ngài như bậc thầy của muôn đời
“VẠN THẾ SƯ BIỂU”
Ngày đản sanh của đức
Khổng Tử có một thời đã được chọn
làm ngày biết ơn thầy (teacher’s day) ở Trung Hoa. Giáo
dục của đức Khổng Tử mới là giáo dục
thật sự có ý nghĩa và làm người thầy trong “nền
giáo dục có ý nghĩa đó mới xứng đáng với
địa vị “quân, sư,
phụ” vậy.
Huỳnh Hữu Đức trích http://namkyluctinh.org/ntliem/ntliem-khonggiao.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét