Bạn bè thân mến, thỉnh thoảng có dịp liên hệ riêng biệt
với vài bạn bè nhóm CVA chuồng ngựa của chúng mình. Kể lể, tâm sự về những chuyện
ngày xưa thời còn tuổi đánh đáo, tạt hình cho đến ngày nay bóng dáng những ông
già ngấp nghé tuổi 70. Biết bao nhiêu vui buồn được nhắc lại trong trí nhớ. Tôi
luôn luôn mong muốn tìm được nguồn cảm hứng, dành tí thời gian viết về những
hoài niệm của tuổi hung hăng, phá phách đó. Đôi lần tôi định viết một đoản văn
kỷ niệm, tôn vinh về vài người bạn thân thiết của mình trong thời gian ngh5ch
ngợm nhưng không quên đó. Nhưng lại sợ đi quá sâu vào tiêng tư của đoàn nhóm,
tạo ra những đụng chạm không đáng có . Rồi ngần ngừ, bỏ qua nên vẫn chỉ là dự
tính.
Hôm nay, rảnh rỗi, lại gặp buổi trời nắng tốt. Cái lạnh
rơi rớt mùa hè của Thuỵ sĩ vừa đi qua. Ngồi một mình suy nghĩ vẩn vơ về mình,
nhìn lại cái “ tôi “ rất bê bết ngày xa xưa ,hơn 55 năm về trước, thời tôi mới
bước vào ngưỡng của CVA nhờ đó mà quen biết các bạn. Hoài niệm quá khứ lại kéo
tôi về hiện tại, nhìn lại cái hiện hữu mà mình đang cầm giữ. Mang đến cho tôi
một cảm giác rất ngỡ ngàng vì những đổi thay trong cuộc đời của chính tôi. Đúng
thế, mọi sự thay đổi quá nhiều, đến nỗi tôi không thể tin đó là sự thực. Trong
cái không gian vắng lặng yên lành, ngồi một mình đó, tôi muốn viết cái gì đó
liên quan đến cái lớp 7P CVA của chúng mình.
Nhưng viết gì đây khi ký ức đầy ắp những chủ đề cùa những
năm tháng mà chúng mình đã học với nhau ngày xưa nhỉ ? Thằng dốt, thằng giỏi. Thằng
nghèo hèn mẹ cha lao động, bần cố nông. Đứa giầu có, thế thần cha ông một thời
oai danh hiển hách .... Nhưng rồi, thời thế đổi thay, tất cả đã đi vào quá khứ
mà hiện tại là những ngỡ ngàng. Đúng như vậy,ai trong chúng ta, ngày xưa lúc
chúng ta còn học và chơi đùa với nhau, dám nghĩ rằng bạn bè trong lớp 7P với
khoảng 60 đứa, hơn một nửa bất hạnh trở về với đất đá vì chiến tranh. Số còn
lại phân tán gần khắp địa cầu với nhiều con đường, dạng thức khác nhau? Mỗi đứa
trong chúng ta ôm lấy một hoàn cảnh buồn vui của riêng của số phận mình. Khi
nói đến số phận, theo tôi nó hoàn toàn thoát ra khỏi những tính toán, khôn
ngoan của chúng mình. Nó chi phối cho từng cá nhân chúng ta như một đưa đẩy vô
hình mà chúng ta đành chấp nhận. Bởi vì tất cả 60 thằng của lớp 7P chúng ta, ngày
nay nhìn lại chúng ta quá tầm thường. Chẳng
có người nào có tài năng, nội lực vượt trội để xoay chuyển định số của mình theo một hướng mà chúng ta
mong muốn.
Cuối cùng trong cái không gian tĩnh lặng của ngày hè nắng
tốt Thuỵ sĩ, tôi đã tìm ra chủ đề cho bài viết. Viết về chính mình ( chẳng đụng chạm ai ) , cố
gắng viết rất thật về hai lãnh vực dốt nát của chính tôi trong suốt 4 năm đầu tiên CVA chuồng ngựa. Dốt về ngoại
ngữ và dốt về âm nhạc. Hai cái dốt này như một genes di truyền từ cha, ông của
tôi truyền lại, đã theo suốt cuộc đời khá cực nhọc của tôi. Dốt đến nỗi, dù có quá
chủ quan mà thương hại mình đến mức ngoan cố cũng không thể nào biện hộ, nói
khác đi được. Nhưng rất lạ lùng, hai cái dốt này đã dính chặt lấy đời tôi, mang
cho tôi rất nhiều thách đố tạo ra những biến thể lạ kỳ, ngỡ ngàng trong suốt con đường kiếm sống sinh nhai của
tôi.
&
-Dốt
về ngoại ngữ: nhưng
rất kỳ lạ, suốt cuộc đời tôi lại vướng víu với cái môn học yếu kém và đầy rẫy
thê lương trong hầu hết các cuộc thi cử và làm việc kiếm ăn này.
Phần tóm tắt cuốn luận trình tốt nghiệp ngành Nông Nghiệp
của tôi ngày xưa, phải viết bằng ngoại ngữ, tôi cũng không thể nào viết
được dù chỉ một trang. Tôi đã phải viết ra tiếng Việt và cậy nhờ Nguyễn Đức
Vinh dịch ra hộ.
Rồi khi bước vào Đại học Cần thơ làm việc, có tí chút
chức vị, chẳng biết vì sao, tôi được nhiều lần chỉ định đi tiếp đón, hướng dẫn
các vị giảng sư hay khách ngoại quốc thăm viếng phân khoa hay vùng sông nước
Cửu Long giang. Tôi đã phải nói tiếng Anh với khách, bằng tay, bằng ánh mắt và cả
bằng cái vốn tiếng Anh vỡ bể, ăn đong thô thiển của mình. Sau những lần công
tác, cần những bản tường trình, tôi phải gồng mình thông dịch cho các vị GS,
khách thăm viếng hiểu đại khái nội dung, bằng tài năng ngoại ngữ xơ xác của
mình, mong họ đồng ý ký nhận cho đúng thủ tục hành chánh trước khi chuyển đến
cơ quan. Dù đã quá xa trong dĩ vãng, nhưng thỉnh thoảng ngồi nhớ lại “tài
nghệ “ Anh ngữ của mình mà ngượng ngùng xấu hổ!
Khi sang Nhật bản tu học.
Thì khỏi nói, ngôn ngữ tiếng Anh, tiếng Nhật của tôi đều coi như "hiện
tượng ăn đong " ! Sau khoảng 5 tháng theo học khoá Nhật ngữ cấp tốc ở
Osaka đại học, tôi là một trong số ít học viên bị bắt học lại mấy tuần lễ trước
khi họ phát cho cái chứng chỉ tốt nghiệp tiếng Nhật sơ cấp dùng cho việc nhập
học nghành chuyên môn. Sau đó tôi xuống miền nam Nhật, thực sự bước vào chương
trình tu học. Chỉ vài ngày tiếp xúc với tôi, ông giáo sư hướng dẫn đỡ đầu cũng như bạn bè
trong phòng thí nghiệm đã phải lắc đầu " hết ý kiến, thở dài !"
Ngày nay khi xem lại những cuốn sách chuyên môn bằng Anh
Ngữ, Nhật ngữ (Hoá học, Sinh hoá, kỹ
thuật biến chế thực phẩm...) đầy những
chữ VN ghi chú đen đặc bằng bút chì mà ngán ngẩm! Cuốn tự điển Anh Việt của
Nguyễn văn Khôn là người bạn thân thiết, giúp tôi tra khảo gần tất cả các từ
ngữ tiếng Anh. Có lẽ chỉ trừ vài từ ngữ mà đứa bé lang thang trên trung tâm Sài
gòn cũng biết, như: the, that, on , off..v..v.. thì tôi bỏ qua mà thôi. Đó!
Tài tiếng Anh đọc, viết của tôi nó khốn đốn như vậy. Còn về
đàm thoại, đúng là “ điếc không sợ súng “! Tôi nói ào ào, nói đến nỗi
chẳng cần biết thầy học và bạn bè có hiểu hay không. Thấy họ gật gù, mỉm cười (
có lẽ vì lịch sự), tôi nói càng hăng ! Nói cho sướng miệng chính mình còn họ
hiểu hay không là chuyện của họ, cho qua !
Tôi còn nhớ một tên bạn Nhật nhưng hắn đã học 4 năm ban
kỹ sư ở Mỹ, dĩ nhiên là hắn rất gỏi tiếng Mỹ, khỏi phải bàn. Ít hay nhiều hắn
vẫn có cái gì “ Mỹ hoá “ trong con người hắn. Không có chuyện gật gù kiểu lịch
sự, cho qua của dân Nhật đậm đặc, chưa phai. Hắn thấy tôi nói hăng quá nhưng có
vẻ không thông! Một lần trong một cuộc trà dư tửu hậu, mỉm cười, hắn nói với
tôi ( đến nay dù đã 40 năm qua nhưng tôi vẫn còn nhớ nụ cười và giọng nói rất
nhẹ nhưng rất “đểu“ của hắn ) :
" Mày nói cái
gì bằng tiếng Anh, mà chính mày (hình
như ! bố khỉ nó vẫn lịch sự dùng chữ mơ hồ, chưa muốn xác quyết ! )cũng không
hiểu mày nói gì thì chúng tao làm sao hiểu cho nổi !"
Đúng như vậy, hắn nói rất chính xác. Đôi lúc tôi hung
hăng nói tiếng Anh mà quên đi cái “tài năng nhem nhuốc “ của mình mà phải nhận
lấy những nụ cười, câu nói thấm đau từ người khác ! Đã phát âm dở, sai văn phạm
lại còn mang cá tính ẩu tả nữa mới khổ. Nhiều khi đang đà “ diễn đạt “ tôi
không tìm ra được từ ngữ nào đó trong tiếng Anh, tôi chẳng ngại ngần tống luôn
tiếng Việt vào, với một tí uốn éo phát âm! Thế là xong! Thế là nguồn hứng cảm
phát ngôn không bị cắt ngang bởi “ cái dốt “ của mình !
Khi bước sang Thụy sĩ, gặp ngôn ngữ Đức phải nói là một
trong vài ngôn ngữ khó nhất trên thế giới ! Tôi thực sự đã bị rơi vào mê hồn
trận. Nhất là khi bước vào thế trận bát quái này ở tuổi đã khá già! Gốc
gác vốn dĩ là một anh chàng nhà quê, tế bào não bộ được nuôi dưỡng ngay từ lúc
trong bào thai bằng gạo ẩm, khoai hư, thêm vào đó ông bố, bà mẹ thuộc gốc nông
dân tay lấm chân bùn,chính hiệu “con nai vàng “. Thì làm sao mà thông minh ,
học một biết mười cho nổi ! Tế bào thần kinh vốn dĩ “ èo ọt “ như vậy, lại thêm
trầy trụa với môi trường gió bão chiến tranh như VN thì làm sao mà phát triển
bình thường cho nổi. Không gặp trớ trêu mới là điều rất lạ vậy !
Ở cái xứ thanh bình, lạnh giá Thuỵ Sĩ, tôi đã phải
luôn luôn xử dụng đủ trò láu lỉnh ( nhưng không lưu manh, bởi vì tôi tự nói với
mình thà làm môt kẻ dốt thật thà còn hơn làm kẻ thông thái mà đầu óc lưu manh).
Tôi cố dùng cái chân thành, phục thiện ( nếu cần thiết tôi sẵn sành nhận lỗi,
sửa sai ) để chống kháng với thách đố liên miên trong cuộc đời tha hương kiếm
sống của mình. Trong những cuộc họp về khoa học, các chuyến đi công tác trong
Âu châu hay các nơi trên thế giới ! Nói rất thật với các bạn, chính tôi cũng phải
bịt tai, che mắt mà " múa "! bằng tài tiếng Anh, tiếng Đức thô thiển,
nghèo sát đáy của mình. Nhưng gặp hoàn
cảnh, cái khó nó bó lấy cái khôn, tôi đành “ hung hăng làm tất !“, nghĩ cho
cùng, không làm thì ai làm cho mình đây ? Người ta giỏi thì chỉ cần một câu, vài
chữ là đối tượng gật gù thoả mãn. Tôi dốt thì mười câu, 20 câu rồi họ cũng hiểu
dần dần ! Nhưng cũng may là ngành khoa học thực nghiệm cho nên vấn đề lý luận
và chính xác chỉ cần đến con số và dấu hiệu, không cần nhiều đến cái mềm mại, lãng
mạn, hào hoa phong nhã của văn chương. Nhờ vậy cũng đỡ được phần nào cái dốt
của ngôn ngữ truyền thế hệ của tôi. Đúng vậy chẳng có ai không hiểu những dấu
hiệu toán học hay vài mũi tên chỉ dẫn hướng biến thiên của sự việc, của vật
chất trong thí nghiệm, hay hướng đi của phản ứng. Mà đã hiểu rồi thì chẳng ai
thắc mắc làm chi với cái “ èo ọt “ ngôn
ngữ của tên diễn giả chính gốc Á châu luộm thuộm nhưng trên miệng luôn luôn nở
nụ cười thân thiện như tôi. ( các bạn có nghĩ như tôi, đây chỉ là cái khéo léo
trong giao tế, hoàn toàn khác với cái lưu manh, lừa dối không ?)
Ngày nay tôi đã thực sự đã " giã biệt vũ khí " ,
về hưu rồi. Không cần nhiều đến ngôn từ “cao cấp “ nữa, nên cũng đỡ rất nhiều
cho việc xử dụng ngôn ngữ ở tuổi về hưu. Nhưng nói thật với các bạn , đôi khi
ngồi một mình trong bóng tối, quay ký ức lại nhìn rõ về minh, mà buông tiếng
thở dài như vừa thoát khỏi một chuyến đi khá nhiều chông gai, cực nhọc. Một
chuyến đi với rất nhiều yếu kém bản thân nhưng đã nhờ may mắn và có tí chút láu
lỉnh, lỳ lợm để bước qua ( dù tơi tả ) mà cười vang thích thú. Nhưng dù sao cũng
là một dẫy dài kỷ niệm đáng nhớ, mặc dầu có chút đợm buồn nhưng cũng vẫn có
chút sắc mầu vui ca, hoan lạc trong đời mình!
&
Dốt về âm nhạc: Chắc các bạn còn nhớ, không quên, cái thời
chúng mình học trung học đệ nhất cấp. Môn âm nhạc của thầy nhạc sĩ Thiên Phụng,
Chung Quân với bài hát " Làng tôi " của thầy. Thầy luôn luôn dùng bản
nhạc này làm tiêu chuẩn cho các kỳ thi lục cá nguyệt suốt 4 năm đầu trung học .
Thầy dựa vào giọng hát hay, tay đánh đúng nhịp ..v..v.. để cho điểm. Tôi gần
như thuộc hàng độn sổ trong lớp ! Chẳng có gì lạ lùng với một tên nhà quê ( từ
gốc đến ngọn như tôi ). Một tên nhà quê đã vì khói lửa binh đao mà miển cưỡng
lên Hà nội kiếm ăn, chẳng có một tố chất tốt đẹp nào thiên về nghệ thuật âm
thanh. Thủa ấu thơ mới chỉ biết loanh quanh trong khu vườn, bụi chuối quanh nhà
của vùng quê Nam Định. Lúc đó tôi chưa đủ lớn khôn để hưởng cái thú mục đồng ngồi
trên lưng trâu nghêu ngao những bài hát đồng quê thì làm gì có được cái thuần
nhuyễn ( dù chỉ là thuần nhuyễn ở mức ABC) trong thanh nhạc được ?
Đến Hà nội, chốn ngàn năm văn vật cũng chỉ biết hàng ngày
ngắm nhìn ông tây, bà đầm ôm nhau dập dìu trên phố, hay lang thang câu cá
quanh hồ Gươm với lũ trẻ khố rách áo ôm như tôi, tư cách gì mà tiếp thu được
cái ngọt bùi, trầm ấm, thanh thoát của âm nhạc. Huống chi bản chất thuộc dòng “
nông gia truyền kiếp “ làm sao có được cái "Cảm " trong tâm hồn để
hoà mình với lời hát, điệu ca chất đầy lãng mạn trong các tác phẩm âm nhạc, mà
dám nói đến chuyện hát đúng, hát hay ? Tóm lại tôi nhớ ngày đó, ngày còn học
thầy Quân, trong các cuộc thi lục cá nguyệt về âm nhạc, nếu kiếm được điểm 7/20
hay 8 /20 đã là một kỳ tích, hoan hỉ lắm
rồi .
Nhưng thời gian vẫn trầm lặng trôi qua! Cái thằng TÔI với
tài năng, tâm cảm trống không về âm nhạc vẫn theo thời thế mà bươn trải trong
cái không khí khói mù chiến tranh, thời đó . Rồi cũng xong đại học, đi làm việc
khoảng một năm, cũng như phần đông kẻ làm trai trong chiến loạn. Tôi giã từ sách
đèn, đời sống dân sự bước chân vào quân đội, tổng cộng hơn một năm với khí giới
chiến tranh. Nhiều hứng chí ngâm nga vài câu CHINH PHỤ NGÂM :
Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt
Xếp bút nghiên theo việc đao cung
.............
Chí làm trai dậm nghìn da ngựa
Gieo Thái sơn nhẹ tựa hồng mao
Giã nhà,đeo bức chiến bào
Thét voi cầu Vị, ào ào gió thu
Nhưng rồi nhờ vận may mà được trở về với chuyên môn, Sĩ
quan biệt phái tiếp tục dậy học. Cái nghề trong thanh của xã hội. Đến ngày nay
tôi vẫn còn ngỡ ngàng vì định số đã đưa tôi vào với nó. Cái nghề mà nhân
gian coi như khuôn mẫu làm người, mà ngày còn bé cũng như suốt tuổi thanh niên,
tôi (ngay cả ông bố bà mẹ của tôi) dù có nằm mơ cũng không ai tưởng tượng ra
được. Thằng bé nhà quê, nghèo túng, xí trai rất nhiều tật ách, khiếm khuyết đủ
chiều như tôi, chỉ vì thế thời đẩy đưa mà được đứng trước bục giảng làm phương
tiện sinh nhai. Thế mới kỳ lạ ! Không phải là một ngẫu biến trong đời tôi sao?!
)
Cái dốt cảm nhận âm thanh đeo đuổi tôi mãi. Nhưng lạ kỳ
lắm lắm! Xuống Cần Thơ làm việc khoảng hơn 1 năm, ngọn gió duyên phận nào đó
lại cho tôi quen biết một cô gái. Cô ta chỉ biết sơ sài về dương cầm, nhưng lại
khá giỏi về thưởng thức âm nhạc và tài năng rất tốt về ngôn ngữ ( hai lãnh vực
mà tôi dốt đặc cán mai !) . Cô ta nghe và biết rất nhiều nhạc cổ điển cũng như
nhạc tân thời Tây phương. Cô ta đã dẫn dắt tôi vào thế giới của âm thanh, giúp
tâm hồn tôi có tí chút căn bản để làm quen với nhã thú của nghệ thuật âm nhạc .
Cô ta đã xoá mờ đi phần nào ( dù rất ít ) vẻ thô thiển, cục mịch trong con
người tôi. Dẫn tôi đi bằng những bước chân chập chững, ban đầu đến với cái âm
vang chứa đầy tố chất lãng mạn, thi tứ đó .
Những ngày cuối tuần hay dịp lễ nghỉ việc trở về Saigon,
chúng tôi đến thính phòng của hội văn hoá Pháp và Mỹ nghe những bản nhạc tân
thời và cổ điển ( ban đầu , với tôi đúng là đàn gõ tai trâu! ). Cô ta giải thích
cho tôi nghe ý nghĩa của bản nhạc, suy
tư và tâm hồn của người nhạc sĩ, tác giả khi sáng tác nhạc phẩm... Rất nhiều
những bản nhạc nổi tiếng đương thời và cổ điển đã được cô ta tế nhị nhấn nhét khéo
léo vào cảm xúc của tôi. Nào tiếng nước chẩy ồn ào trên thượng nguồn giòng sông
Blue Danube của J. Strauss . Tiếng
chuông nhà thờ chen lẫn tấu khúc hoan ca của một đám cưới trong bản nhạc Yes, I
do !..v..v.. Cứ như vậy, tâm hồn thô thiển của tôi đã có tí chút thăng hoa ( dù
so với người bình thường, bạn bè cùng lứa, tôi vẫn còn thua xa !) Nhưng ít ra
một tên nhà quê gốc cổ thụ như tôi đã có chút gì mà người ta gọi là ướt át !
Rồi thời gian và định mệnh lại đưa tôi sang Nhật bản!
Ngay khi xuống Kagoshima tu học, một tỉnh miền cực Nam của Nhật. Tôi khốn khổ
gặp ông giáo sư hướng dẫn, thuộc giống dòng Samurai ngày xưa. Ông ta mang cái
lạnh lùng, khắt khe và lý tưởng đôi khi có tí điên cuồng vào việc uốn nắn tôi.
Một thằng nhà quê đến từ cái xứ nghèo khổ, đầy tật ách chiến tranh. Cũng ngẫu
nhiên lạ kỳ, tôi và thằng con trai của ông ta có cùng ngày, tháng, năm sinh,
cùng có sở thích câu cá. Vô tình, đó lại là một dữ kiện kéo sát tình thân của
tôi và gia đình ông giáo sư lại với nhau. Bà Vợ của ông là một giáo sư đại học về
nghệ thuật cắm hoa( Ikebana) và trà đạo ( O-cha ).Bà cũng thương
yêu tôi như con trai của bà . Rất nhiều lần với những thái độ ân cần, săn sóc, bà
dành cho tôi ( nhất là thời gian sau năm 1975 ) đôi khi đã làm tôi cảm động
muốn chẩy nước mắt.
Bà ta biết rất sâu về âm nhạc và nhạc khí cổ điển của
Nhật ( như đàn koto, Samisen ...v..v.. ) ! Thỉnh thoảng vào những dịp lễ
hội hay cuối tuần tôi vẫn đến thăm gia đình họ. Nhưng thật ra cũng muốn hưởng “ké“
cái không khí gia đình ấm cúng của họ, bù đắp cho những nỗi buồn tẻ luôn luôn
hiện hữu trong tâm tưởng tôi sau năm 1975. Cũng chính nhờ những dịp đó tôi đã
được thưởng thức khá nhiều những nghệ thuật cổ xưa của Nhật bản ( cắm hoa, trà
đạo ) hay biết tí chút về kịch nghệ cổ xưa của Nhật như Kabuki..v..v.. Bà dậy
cho tôi biết những thể thức tiếp nhận lễ dâng trà khi bà dâng trà cho tôi
thưởng thức. Giải thích cho tôi hiểu ý nghĩa căn bản của các loại hoa cũng như
chủ đề của những chậu hoa Nhật bản khi bà dậy cho các học viên tại gia do bà tổ
chức.
Bà thấy tôi tò mò
thích thú với nền văn hoá cổ xưa của Nhật nên thỉnh thoảng cho tôi " đi ké
" vào những buổi hoà nhạc của thành phố ! Vô hình trung, cái tâm hồn khô
cằn, sỏi đá thô thiển của tôi đã lại có thêm một dịp thấm tí ướt át từ các cuộc
thưởng thức văn hoá liên hệ nhiều đến nghệ thuật âm thanh đó. Lại một ngỡ ngàng
đến với đời tôi. Sau này vào những rảnh rỗi tôi thường tự hỏi vì những tác động
kỳ bí nào, hoàn toàn bước ra khỏi tính toán và khôn ngoan của tôi,đã cho tôi
những hội ngộ rất lạ kỳ trong lãnh vực âm nhạc, lãnh vực mà tôi dốt nát từ gốc rễ xa xưa.
Sau năm 1975,có lẽ phần lớn người VN của miền nam vĩ
tuyến 17 đều bước vào một thực trạng mới. Đa phần là cực nhọc dù sống trong
nước hay ngoại quốc, dĩ nhiên tôi cũng không ngoại trừ. Tôi phải lao động cật
lực để kiếm tiền chi trả cho cuộc sống và việc học hành đang dang dở. Ngoài ra tôi
còn phải dành dụm gửi tiền cưu mang gia đình bố mẹ ở trong nước. Trong hoàn
cảnh " bước bỗng " đó, tôi lại có dịp quen với vài người bạn Nhật
bản, họ có sở thích hay chuyên môn về âm nhạc ! Tôi im lặng theo họ trong các
cuộc sinh hoạt âm nhạc. Giúp đỡ họ những công việc như khuân vác nhạc cụ, trang
hoàng hay bắt đèn điện cho sân khấu trong những dịp họ trình diễn tại các cuộc
vui, tiệc tùng hay phòng trà khiêu vũ... Thật ra cũng là dạng thức kiếm thêm tiền
thêm trong công việc làm ăn dưới tình bạn bè mà thôi .
Với họ tôi chỉ là một kẻ sai vặt nhưng ít hay nhiều, tôi dần
dần có thêm tí chút kiến thức, cảm nhận về âm vang . Chính nhờ thời gian
theo họ tôi đã được khá nhiều dịp thưởng thức “nhạc sống “ những bản nhạc trữ
tình lãng mạn rất thịnh hành thời bấy giờ . Chẳng hạn bản Shiroi iro wa
kohibito no iro ( Mầu trắng là mầu của người yêu), một bản nhạc chứa đựng toàn
là mầu sắc của hoa, biểu tượng cho những diễn tiến trong tình yêu. Hay bản nhạc Seto no hanayome ( Vòng hoa cưới
của vùng biển Seto) đã làm cả nước Nhật ngẩn ngơ thưởng thức, đến nay không một
người Nhật nào không biết, nó mô tả tâm trạng buồn vui cùng với sự tự tin trong
tình yêu của một cô gái khi phải xa cha mẹ, người thân để về nhà chồng trong lễ
rước dâu bằng thuyền của vùng biển Seto.
Một trong số những người quen biết của thời gian lang bạt
văn nghệ đó tôi đã quen biết một cô bạn gái Nhật là vợ tôi sau này. Gia đình vợ
tôi, một nhà giáo nhiều thế hệ. ông bố là thầy âm nhạc, vợ tôi là cô giáo nhưng
cũng chuyên môn tay trái về âm nhạc, biết khá nhiều nhạc cụ. Trong tình huống
quen biết, gắn bó đó, đương nhiên tôi cũng phải hoà nhập với vợ trong lãnh vực
âm nhạc. Nhất là lúc mới gặp nhau, thời
gian chỉ biết làm tất cả cho vừa ý nhau. Dù thế nào thì tôi cũng phải cố
làm ra vẻ cảm khoái âm thanh mà nhập cuộc trong những buổi hoà nhạc . Khi sang
Âu châu (thành vợ chồng) cũng vì " cái vẻ đồng điệu miễn cưỡng" đó.
Tôi cũng đã nhiều lần tiếc rẻ, thở dài xót đau khi phải hộ tống, chi tiền cho
vợ sang tận Wien ( đỉnh núi của nhạc cổ điển ) hay Paris, London... chỉ vì cái
vé mời “ concert“ hay vì sự say mê âm
nhạc của vợ mà bấm bụng nén đau .
Sống ở Thuỵ sĩ, cũng vì liên hệ đến âm nhạc, gia đình chúng
tôi quen biết với một ông nhạc sĩ gốc Đức chuyên về Piano. Ông ta thường trình
diễn Piano cho các buổi tiệc hay hotel quốc tế tại thành phố Zurich, ông ta kéo
vợ tôi theo làm một kẻ đồng nghiệp. Vì chiều vợ, tôi lại phải nhập cuộc với
vai trò một người tài xế cũng như tham dự cuộc vui (trong hậu trường hay ăn ké
!) . Vô hình trung, tôi lại thêm một lần được chui mình vào nhã thú của âm
thanh. Cũng may mắn, gần như hầu hết các cuộc vui văn nghệ đó thường tổ chức
vào cuối tuần hay buổi tối, nên tôi vẫn đi làm bình thường trong lãnh vực chuyên
môn của mình.
Sau một thời gian, ông nhạc sĩ bị bệnh và mất. Chúng tôi
lại quen biết với một anh chàng Thuỵ Sĩ - Mỹ (2 quốc tịch) anh ta chuyên môn về
Electron nhưng thiên về nhạc tân thời. Anh ta và chúng tôi cùng nhau mở một trường
âm nhạc nho nhỏ ! Vợ tôi chuyên dậy trẻ con về Piano và Rittersport ( một dạng
cử động theo âm nhạc dành cho trẻ con ở Thuỵ sĩ, giúp đứa trẻ hoà nhập cử động
với âm nhạc trước khi thực sự học bất cứ nhạc khí nào ). Anh ta và nhóm bạn nhạc sĩ, bạn của anh ta từ
Mỹ sang , chuyên dậy các môn khác như trống,đàn guitar điện, electron..v..v.. chuyên
môn về nhạc kích động! Được khoảng 2 năm trời, anh bạn Mỹ chuyển hướng làm ăn
" dữ dội " hơn. Anh ta thuê cả một building trên trung tâm thành phố,
chuyên dậy nhạc kích động, đồng thời làm dịch vụ chêm âm nhạc vào các phim
quảng cáo để phát trên TV hay radio cho các công ty quảng cáo khắp Âu châu.
Chúng tôi theo không nổi vì thiếu khả năng chuyên môn trong lãnh vực rộng lớn
và đầy chuyên nghiệp, tài năng này.Vợ tôi rút ra làm riêng nho nhỏ là dậy piano
(sau này kiêm luôn kindergarten) cho trẻ con Nhật bản hay lai Nhật bản ở Zurich
và vùng lân cận. Trong công việc này chúng tôi lo luôn việc mua hay mướn những
đàn piano cho tụi trẻ ! Thế là tôi lại việc chuyên chở, ký hợp đồng thuê mướn
nhạc cụ cho các gia đình học viên..v..v..
Đàn Piano, mỗi năm ít nhất 1, 2 lần phải gọi thợ điều
chỉnh ( căng dây ). Mỗi lần điều chỉnh đó khá mắc ( khoảng trên 200 đến 300 USD
/lần ) ! Chịu không nổi tốn kém và thấy công việc cũng chẳng có gì là khó khăn.
Tôi ( lại giở cái trò láu lỉnh của tên nhà nghèo, dốt âm thanh nhưng giỏi học
lóm! ) Tôi say sưa nhìn và kín đáo học hỏi cách chỉnh dây đàn của người thợ, cộng
thêm sự chỉ dẫn của vợ về phân biệt âm thanh khi điều chỉnh. Không lâu sau đó, tôi
đã có tí chút tự tin cũng như tính tò mò. Trong dịp về Nhật, tôi mua dụng cụ và
nhờ người bán dụng cụ chỉ dẩn thêm, rồi tôi nhập cuộc dưới sự chỉ dẫn về âm
thanh của vợ .
Ban đầu với cánh tay bắp thịt cuồn cuộn chuyên dành cho
đấm đá, võ biền, hay kìm giữ trâu bò trong nông trại của nghành thú y cũng như dùng
cho việc vặn những con ốc to lớn của Honda, tầu thuyền! Tôi đã bao lần dùng quá
sức làm cho dây đàn bị đứt, không những tốn kém tiền bạc mà còn ê mặt với vợ
con. Nhưng có mấy ai qua được chữ “vạn sự khỏi đầu nan“ nhất là dạng người thô
kệch như tôi ! Cuối cùng đầu đất, óc bã
đậu cũng phải khôn! Bắp thịt boxing cũng phải biết kiềm chế nội lực mà nhẹ
nhàng, khéo léo nếu không muốn tốn kém bạc tiền! Tôi đã nghiễm nhiên tự làm
được việc điều chỉnh đàn piano một cách tàm tạm, và cũng được khen tặng của vợ.
Nhưng cái khoái nhất vẫn là khỏi đau xót, tốn tiền vô lý cho thợ. Dành dụm tiền
gửi về cho cha mẹ, các em trong nước
đang réo gọi cưu mang. Đúng là một tên lý toét , quê mùa lại gặp thêm một
kỳ tích trong đời trong lãnh vực âm thanh!
Các bạn thân mến, nhiều khi tôi tự hỏi không biết nhạc sĩ
THIÊN PHỤNG CHUNG QUÂN còn sống trên thế gian khốn khổ này không? Có lẽ nếu
thầy mà biết được thằng học trò quê mùa, xí trai nhất lớp ngày xưa đánh nhịp
như múa tay đấm đá. Giọng hát cất lên thì người nghe phải bịt tai, lắc đầu ...
mà ngày nay, chính nó lại làm được chuyện điều chỉnh đàn dương cầm, phân biệt
được âm giai cao thấp. Càng kỳ lạ hơn, gần
như suốt thời gian phiêu bạt kiếm ăn ở hải ngoại, nó đã có một thời kiếm sống,
tiếp cận với âm thanh ( dù ở vị trí tên sai vặt ). Tôi chắc thầy cũng phải lắc
đầu mà mà đội mồ sống dậy ( nếu thầy đã ra người thiên cổ !) mà cười vang với
" cái lộn tùng phèo " của tưởng tượng, khó tin!
&
Để
kết luận cho một bài viết kể lể về mình, tôi xin lấy vài câu thơ của Tản Đà để
mô tả cái cảm giác buông xuôi, chán nản của ông khi về già nhìn thấy cái trống
không, phi lý của danh và lợi :
Vèo
trông lá rụng đầy sân
Công
danh phù thế có ngần ấy thôi !
Với các bạn, tôi có một mong muốn là
các bạn đọc xongnếu thích thú thì cho một nụ cười vui tình bạn ! Ngược lại, nếu
không vui mà tìm được điều gì đáng trách trong bài viết của tôi thì cũng xin
phẩy tay mà xí xoá bỏ qua.
Hết
Vũ
ngọc Ruẩn (Lưu An)
(Zürich, Cuối tuần tháng 7. 2014 )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét