Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

Lòng Mẹ Bao La


      
      Tôi vẫn tự hãnh diện với chính mình là sống quá nửa đời người mà Chuá vẫn cho còn có Mẹ, để có thể nhõng nhẽo, có thể than thở và có thể vòi quà những khi có thể. Sự hãnh diện đó đã chấm dứt khi Chuá gọi mẹ tôi về vào đêm vọng giáng sinh vưà qua. Nhìn mẹ nằm đó bất động, nhịp thở càng lúc yếu,người lạnh dần, tôi run sợ vì thấy như mình trở nên hụt hẫng giữa đường đời từ nay.

      Từ thưở bé, tôi đã là 1 đưá bé khó nuôi. Xem tử vi thì thầy bảo “mệnh vô chính diệu” may mà có mấy chính tinh chiếu vào nên còn sống dật dờ đến nay. Không biết có phải vì thế hay chăng mà từ khi bà ngoại mất, mấy năm học trung học, cứ mỗi năm trời trở lạnh thì tôi lại phải vào nằm nhà thương vì chứng bịnh loét bao tử. Đã có lần ói ra máu, phải nằm nhà thương cả tháng. Do đó năm nào đi học, việc nhập học trễ vào tháng 8 thay vì tháng 7 vẫn là chuyện thường xảy ra vì “cháu nó còn nằm nhà thương”, thậm chí cái hôm đi thi tú tài một, môn việt văn cũng ôn bài trên giường bệnh và đi xích lô đến trường thi.

      Thế cho nên mấy năm học trường Hưng-Đạo lớp 10 và lớp 11, nhà phải dặn dò thầy giám hiệu quen là ‘cháu nó khi nào không khoẻ, xin về thì thầy cho cháu về ngay’. Không biết có phải vì thế mà chúng tôi thường đậu chiếc xe Honda cuả mình bên chỗ đậu xe cuả rạp Thăng Long xế bên trường chứ không đậu trong sân trường xe kẹt cứng, lỡ làm biếng muốn về lên xin phép xong mà xe không thể lấy ra thì hỏng chuyện.

      Thuở bé có những cái ma le khi đi học. Muốn gì thì thường nhõng nhẽo với mẹ chứ chẳng bao giờ xin với bố. Lúc còn học tiểu học, học ở Taberd, có xe nhà trường đưa đón không nói làm gì. Khi lên trung học, dù học gần nhà cũng theo chúng bạn đòi mua xe cho oai. Mẹ tôi sợ con mình ốm yếu, không vác nổi mấy chiếc xe gắn máy nên ra đường Gia Long mua cho chiếc PC. Tôi nằm khóc 3 ngày vì xe PC là xe...con gái, nhất định phải đổi xe Honda dame (dù đó cũng là xe dành cho... đàn bà). Thế là nhà phải đem đi đổi.

      Cả nhà mấy đưá em muốn gì thì phải xin, chứ phần tôi thì không phải xin mà là đòi. Chỉ ho nhẹ 1 cái là mẹ sẽ mua cho ngay. Cái gì mình không thích nữa thì mới cho mấy đưá em chơi. Mỗi sáng ra đầu đường ăn sáng cũng chẳng phải xin tiền, nhà có cưả hàng bán sách, tủ tiền sẵn đó, mấy anh em cũng chỉ mình tôi được phép tự động cần bao nhiêu cứ lấy xài. Đúng là ‘giầu con trưởng khó con út’. Ngày mẹ sinh ra tôi, bố tôi đã lấy ngay hình đưá con sơ sinh cuả mình làm bià cuốn ‘Bí quyết hạnh phúc gia đình’ mà nhà sách Đa-Minh cuả gia đình mới in ra.

      Người ta bảo : “Có mẹ mọi lẽ đều xuôi” quả là đúng. Mẹ tôi cứ âm thầm theo dõi đưá con xem ra èo uột cuả mình để coi nó cần gì để ...chiều. Chiều ngang, chiều dọc, chiều tới, chiều lui nhưng mẹ chẳng bao giờ cằn nhằn mà chỉ có tôi là hay cằn nhằn mẹ. Xem ra đúng là mẹ nợ tôi suốt đời nên cứ phải lo cho tôi. May mà tôi chỉ là thứ ‘công tử bột’ không biết ăn chơi đàm đúm với chúng bạn nên mẹ cũng yên tâm. (Dù thế cả mấy năm đầu học đại học, nghe chúng bạn rủ rê đi chơi đó đây, có thầy cả năm cũng chưa thấy mặt. Đến khi rớt, mẹ lại phải...ra tay, nhờ người quen đến trường gặp viện trưởng xin....giúp đỡ).

      Cả tuổi thơ cuả tôi cứ vô tư như thế trôi qua. Ngoảnh bên trái thấy mẹ, ngoảnh bên phải thấy mẹ, ngó trước ngó sau cũng thấy mẹ. Hình như ở đâu cũng có mẹ cả làm cho tôi ... yên tâm sống. Bởi vì khi có gì trục trặc thì đã có mẹ giải quyết. Như có lần xe Honda bị cảnh sát hốt vì đậu tầm bậy, lại phải gãi đầu gãi tay nhờ mẹ ...giúp. Mấy hôm sau xe đã được đưa về nhà không hư hao gì cả.

       Khi vưà học xong tiểu học, nghe nói đi tu... sướng (?), nhà hỏi có muốn lên tiểu chủng viện cuả dòng Phanxicô ở Thủ Đức học tiếp trung học thì hăng hái đi ngay. Lẽ tất nhiên nhà cũng đã dặn dò từ cha giám đốc đến thầy coi nhà để ý trông chừng cho cháu. Khi chưa đi tu thì cứ mơ rằng được có dịp bay nhảy tự do, sẽ chẳng còn ai kiểm soát, ai dè chương trình học không những đã nặng mà cả ngày từ sáng sớm đến chiều tối, phải sống trong cảnh ‘chim chậu cá lồng’, những lúc rảnh rỗi chỉ nhìn qua hàng rào mà sao thấy những người đang lang thang trong cơn nắng gắt ngoài đó sao...sướng hơn mình.

      Thế cho nên, cả ngày cứ trông đứng trông ngồi cho đến chuá nhật để...gặp Mẹ. Và khi chiếc xe xích lô máy chở mẹ và các đồ tiếp tế lên thì chạy oà ra khóc và nhất định đòi về nhà vì ở đây không có mẹ nên...mất vui. Mẹ lại phải vào gặp cha giám đốc xin cho cháu về.

2. 

      Trong lòng tôi lúc này biết bao nhiêu cảm xúc, để có thể nói mãi nói hoài không chán. Thế nhưng nếu cứ kể mãi thì thành ra khoe khoang, dù rằng đó là 1 sự khoe khoang về 1 tình mẹ bao la, lắm lúc con chưa xin thì mẹ đã hỏi con có cần gì không. Hơn thế nưã, chỉ sợ rằng đó là những sự riêng tư mà mình với cái tính ‘ruột ngựa trời cho’ đã kể lể để những điều đó không còn là riêng tư nưã.

      Bây giờ nhìn lại, lắm lúc tôi thấy mình hời hợt với những nhu cầu cuả mẹ, như khi về Adelaide thăm mẹ lần đầu khi mẹ còn tỉnh, tôi ít khi nào ngồi hàng giờ để nói chuyện với mẹ như những đưá em khác ngồi, tôi chỉ ngồi trong chốc lát, hỏi dăm ba câu chuyện rồi lăng xăng chạy chỗ này chỗ nọ. Rồi đến khi nói chuyện với mẹ, tôi chỉ tìm cách trấn an mẹ, chọc mẹ cười và rồi lại biến mất đi đó đi đây.

      Chẳng gì thì cái hôm tôi về thăm mẹ là hôm Melbourne cup 2006. Tình trạng sức khoẻ cuả mẹ xem ra không có nhiều lo lắng. Bố mẹ tôi đã mua vé máy bay để ngày 13/12/2006 lên Melbourne ăn Noel với gia đình tôi, nên tôi cứ nhủ lòng là mình còn thật nhiều thời giờ để nói chuyện giông dài với mẹ nên thôi mẹ đang mệt để mẹ nghỉ, chọc cười cho mẹ vui là quý hoá rồi. Vậy mà đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy mẹ tỉnh. Lúc giã biệt mẹ ra phi trường về lại Melbourne lần đó, có người gọi điện thoại vào giường bệnh nói chuyện với với mẹ, tôi chẳng chờ mẹ nói xong mà nói câu từ giã, tôi chỉ nắm tay mẹ mà nói “má nghỉ con đi”.

      Ai có dè đâu hình ảnh cuả mẹ tôi ngày hôm đó là hình ảnh linh động cuối cùng trước khi tôi nhìn thấy mẹ lần sau đó bất động nằm trên giường bệnh chống trả với thần chết. Từ đó, tôi chỉ vào nhà thương để thấy thân xác mẹ ngày càng gầy gò ốm yếu hơn, chân teo lại và tay tê lạnh; thế nhưng sắc mặt cuả mẹ không hiểu có phải do nước biển, do thực phẩm tiếp tế mà vẫn coi bình thường.

      Cho đến lúc mẹ qua đời, trước khi đóng nắp hòm, tôi quỳ bên quan tài mẹ ngó nghiêng và thấy sao mẹ cuả tôi hôm nay đẹp quá. Tôi nhớ đêm hôm ấy trước đó, tôi đã để bàn tay mình trên bàn tay chắp lại cuả mẹ đang lạnh giá, cả gia đình đặt tay chồng lên tay tôi làm có lúc tôi thấy tay cuả mẹ ấm lại. Phải giá như tôi xốc mẹ ngồi dậy, ôm mẹ vào lòng để truyền hơi ấm cuả mình cho mẹ thì không chừng Chuá sẽ cho mẹ sống lại thì sao ?!

      Đêm ở nhà quàn trời đang nóng bức bỗng dưng đổ mưa dữ dội, ấy thế mà sáng hôm sau đưa tiễn mẹ ra nơi an nghỉ cuối cùng thì trời lại tạnh ráo, đất không ẩm ướt mà lại có gió mát. Tôi nhìn vào chiếc quan tài đang hạ dần xuống huyệt trong lòng xót xa, bởi trong quan tài đó, có thân xác mẹ tôi, người đã lo cho tôi không thiếu thứ gì từ ngày tôi chào đời cho đến ngày nay.

      Khi quan tài hạ được phân nửa thì mọi người tham dự ném hoa xuống huyệt cho mẹ. Tôi rải những hạt cát trên quan tài mẹ để mong thân xác mẹ vốn đến từ cát bụi nay được yên ổn thư thái trở về bụi tro, tôi thầm thĩ cầu xin để phần hồn cuả mẹ, nay đã từ giã chiếc áo thân xác để về trời thì sẽ luôn ở mãi với chồng, với con cháu để phù hộ cho những người còn ở trên cõi thế.

      Khi mọi người đã ra về, chỉ còn mình tôi và 1 người bạn ở lại chứng kiến việc hạ quan tài cuả mẹ xuống lòng đất. Cả hai chúng tôi quỳ ở cuối quan tài thầm thỉ đọc kinh. Quan tài từ từ đụng đất. Người bạn kinh nghiệm chạy bốn phiá coi xem quan tài đụng đất ngay ngắn chưa, khẽ gật đầu hài lòng, tôi ra hiệu cho nhà quàn rút dây lên. Đống đất ngày hôm qua được đào lên làm mộ huyệt cho mẹ nay lại được đổ xuống lại trên quan tài cuả mẹ.

      Xác cuả mẹ ngàn thu nay giã biệt để chẳng còn bao giờ còn có những tiếp xúc thể xác với nhau, thế nhưng với Đức Tin cuả người công giáo, tôi tin rằng ngày sau hết mẹ con tôi lại gặp nhau.

      Má ơi,
      Bây giờ thì má cuả con có thể hiểu thấu những gì con suy nghĩ, con băn khoăn. Có những điều từ trước đến nay con không nói với má vì sợ rằng má thêm lo lắng trong cuôc sống, nay con chẳng cần than thở, má cũng hiểu và con nghĩ rằng má sẽ cùng đồng hành với gia đình trong cuộc sống. Xin nâng đỡ bố, nâng đỡ các con, các cháu. Để mọi người cũng có thể hoàn tất kiếp người cuả mình 1 cách trọn vẹn như Chuá đã cho má sống trong 73 năm làm người ở dưới thế này.

Minh Duy
Melbourne, Australia 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét