(Tặng Lân và Hạ)
Minh Hương đã hai lần “tâm sự đời tôi”, đau khổ hay hạnh phúc, tự hào khi ừ đại nhận lời Thu Đào làm lớn tới chức Thủ quỹ (chỉ có nàng biết)!. Võ Ngọc Lân cũng tội gì không bày tỏ “tâm sự đời mình”, cũng lỡ dại nghe lời đường mật của Ả Đào, xin lỗi lộn, Thu Đào làm tới chức Ban tổ chức, tưởng vác ngà voi không ngờ vác cả con voi!.
Thu Đào vẫn còn ấm ức chưa dụ được tôi và Tâm qua Mỹ dự đại hội. Nhưng đã khích tướng được tôi khi nói rằng có người nói tôi viết ngắn quá, gợi ý cho tôi viết chuyện vui về Hướng đạo và viết dài dài… Riêng tôi “chơi nổi lấy le” chứ không lấy chức như Minh Hương và Lân, “tâm sự đời… chúng mình” dù chưa bao giờ sống chung với Lân lấy một ngày. Tôi xin long trọng đính chính là chúng tôi đồng thuận chứ không đồng giường hay đồng tình… luyến ái. Tôi giỡn với Lân “khi Thu Đào khóc (nước mắt cá sấu), anh hùng còn nhụt chí huống chi là mi với tau”. Thu Đào qua Houston họp ban tổ chức. Tới nhà Lân liên lạc với người cần gặp chưa được. Buồn, lo và tức quá đành… khóc. Lân chịu hết nổi ca bài “tam thập lục kế tẩu vi thượng sách”, chạy đi đâu không chạy, chui vào… rest room… gọi điện thoại!.
Tôi, Lân là bạn nối khố từ lớp đệ thất 1 (niên khóa 65-66) Trung học Pleiku. Gia nhập Hướng đạo, đạo Gia Lai đoàn Bông Lau do Thiếu trưởng Tiến, rồi Trưởng Hy. Trưởng Hy là bạn với ba Lân, cùng đơn vị. Lân đội Sóc, anh Vệ đội trưởng. Tôi đội Hổ, anh Hoạt đội trưởng, Minh cao (thất 2) đội phó, Thìn “lộn số” (thất 2)… Anh Tôn Thất Đông Hải đội trưởng đội Trâu.
Một người Mỹ bạn ba Lân tặng cho Lân một bộ đồng phục thiếu Hoa kỳ và chiếc xe đạp. Lân hãnh diện lắm, mặc hoài và khoe với tôi. Thú thật tôi cũng mê chiếc xe này, đẹp, lạ, khi đạp ngược là thắng. Hồi đó tôi thường chọc Lân có tư tưởng vọng ngoại. Giỡn tí nha Lân, đừng “quạu”. Điều luật thứ 6 “HĐS gặp “chọc quê” vẫn vui tươi“ mà!
Chơi Hướng đạo có cái khổ trong cái sướng. Cắm trại tại Biệt điện, đang cùng đội nấu ăn. Ba tôi ghé thăm, cười và nói: “Ở nhà có người nấu không chịu, xin ra rừng tập nấu. Chơi Hướng đạo chưa thấy khôn đâu nhưng đã thấy dại”. Tôi đành cười trừ. Nhiều cái sướng lắm như được học hỏi, tự tu thân, sống vô biên là sống cùng tạo vật. Cứ nhớ lại nằm trong lều nghe tiếng mưa rơi và nhìn… lén mấy o Pleime đội mưa đi qua, ”phỏng đời người như ta được bao?” (Bài ca nhảy lửa).
Lân và bạn bè đặt cho tôi biệt danh “khỉ đột“ cũng không có chi là ầm ĩ vì tôi và Tâm lông và râu nhiều hơn bạn bè. Mặc đồng phục với đôi chân giống khỉ tôi mắc cỡ lắm! Nhưng trong cái rủi có cái may khi lên Kha. Mặc quần dài (tôi khoái lắm, che được đôi chân), đội mũ ca-lô, đeo khăn quàng lụa màu huyết dụ. Trông oai hùng… rơm chi lạ! Hướng đạo không có đội khỉ vì cho rằng loài khỉ sống vô tổ chức, vô kỷ luật. Nếu không dám tôi được bầu làm “khỉ trưởng” lắm à!
Nhắc đến khỉ tôi xin kể một chuyện vui thiệt vui do Lân sưu tầm. Bầy khỉ rủ Tarzan đi tắm, Lúc lên bờ chúng cứ nhìn Tarzan cười sặc sụa. Tarzan hỏi chúng bay cười cái chi? Bầy khỉ đồng thanh trả lời mi có cái đuôi phía trước khác bọn tau!.
Nhà cháy khu chợ mới. Anh Tôn Thất Đông Hải ở trần, chạy tới nhà tôi. Tôi và anh Tân rất ngạc nhiên. Hóa ra, anh làm việc thiện, cởi phăng áo nhảy vào cứu người và khiêng đồ giúp. Nào ngờ dân chúng xung quanh bắt giữ vì nghi là chạy vào “chôm của”, mất toi cái áo. Đúng là oan Thị Kính. Thiện tai! Thiện tai!. Tôi học được kinh nghiệm muốn chắc ăn nhớ mặc đồng phục khi làm việc thiện?!.
Có lần đi trại đoàn trưởng đang thao thao bất tuyệt giải thích điều luật thứ 6: “HĐS thương yêu các sinh vật”. Bỗng đâu một con rắn bò tới, Cả đoàn xúm lại đập chết. Thương yêu sinh vật ở chỗ nào?! Tôi tự do hơn Lân. Ba Lân ít cho đi chơi sợ hư. Ba Lân là quân cảnh tư pháp rồi chuyển ngành cảnh sát. Tôi đùa Lân tránh trời không khỏi nắng. Hết bị cảnh sát kềm kẹp khi đi học lại bị quân cảnh khi đi lính.
Tôi, Lân đều học võ, luôn nhịn nhục nhưng chúng tôi cứ bị Cư (hung thần thời đó) hù dọa hoài. Nhịn hết nỗi, tôi hẹn Cư trước cổng trường Trung học. Tôi nhào vô đập cho Cư một trận để đời. Đó là lần đầu tiên tôi uýnh lộn. Lân “đục” Yến học cùng lớp vì tội thách thức và khoe khoang có võ Bình định. Nhờ có võ tôi và Lân thoát được những vụ bao vây, mãnh hổ nan địch quần hồ.
Thời gian trôi nhanh quá! Cuối năm đệ tứ tôi ra Đà nẵng học. Lân cũng về Qui nhơn năm sau. Tưởng đã lạc nhau, Lân đi lính, tôi học xong cùng về lại Pleiku. Chiều chiều Lân lái xe hơi (ngon lành) chở tôi ra cầu số 3 nơi gia đình Lân buôn bán. Rồi Lân quen Mỹ. Chúng tôi thường ra nhà chị O…, chị của Mỹ, mở bàn bi-da trong cư xá gia binh sư đoàn 6 không quân, ngoài cổng phi trường Cù hanh. Chúng tôi thọt bi-da, uống cà phê nghe Christophe hát.
Tôi quen Hạ, bạn chị Mỹ. Mỗi chiều thứ bảy tôi đón Hạ tại nhà chị Hiệp (bạn anh Tân, Hải), chị của Phan Đình Minh (bạn tôi, mất năm 75) đi ăn bún bò, bánh bèo, bánh nậm, bột lọc… tiệm người Huế đường Trần Quý Cáp. Xem xinê, uống cà phê Văn, Băng… nghe nhạc tình. Khuya tôi đưa Hạ về nhà chị Mỹ. Trước 16/3/75, Hạ từ giã tôi về Phan rang. Di tản 17/3/75, gia đình tôi may mắn nhảy lên C 130 về Qui nhơn, rồi đi đường bộ vô Nha trang. Tôi ghé thăm Hạ, ra ngắm biển và cùng lo âu thời cuộc. Ngày 1/4/75 Hạ tiễn tôi xuống thuyền vào Vũng tàu rồi Sài gòn. Chúng tôi nghĩ rằng sẽ cắt đất từ Phan rang. Riêng tôi, bốn câu thơ “Đôi bờ” của Quang Dũng thật thấm thía:
“Xa quá rồi em người mỗi ngả
Bên này đất nước nhớ thương nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Giòng lệ thơ ngây có dạt dào”.
Tháng 5/75 tôi về Nha trang tìm dấu vết anh Tân. Ghé thăm nhưng không gặp, Hạ đang dạy học ở Tuy hòa. Tôi với nỗi nhớ lẫn ngậm ngùi lên Pleiku. Năm 76 tôi nghe tin Hạ lấy chồng. Tôi mất Hạ từ đó. Bây giờ tôi thầm hát “Chiều Hạ vàng” của Hoàng Phương:
“Giòng sông này nhớ mãi em xa
Nhìn Hạ về cây lá rưng buồn”
Những tháng năm dài sống với Pleiku chứng kiến bao đổi thay. Mỗi năm về Sài gòn thăm Mẹ. Gặp lại Lân đang hạnh phúc bên Mỹ và con. Cùng nhau uống bia và dự tính vượt biển. Giòng đời trôi, Lân đi Mỹ, tôi đến Úc. Lân thường gọi cho tôi. Gần đây liên lạc qua yahoo messenger hay skype hàng giờ. Tôi luôn ủng hộ Lân tổ chức thành công mỹ mãn đại hội liên trường kỳ 4 nơi Lân ở. Vì hoàn cảnh bất khả kháng tôi không thể tham dự đại hội. Tôi tiếc “đứt đuôi nòng nọc”. Tôi đánh mất dịp may ngàn năm một thuở, nhưng chắc chắn tôi không bao giờ mất Lân, người bạn tri kỷ, tri bỉ thời thơ ấu.
Melbourne, 15/1/2010
Nguyễn Đức Tri Ân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét